LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Nhân chuyện bô-xít nghĩ về trí thức

Hà Sĩ Phu


Thân gửi GS Nguyễn Huệ Chi, người phụ trách trang mạng Bauxite Việt Nam
Thưa anh Nguyễn Huệ Chi, VÌ ÍCH LỢI CHUNG, tôi phải xin phép anh gửi bức thư công khai này, liên quan đến những điều chúng ta vừa trao đổi riêng xoay quanhCuộc hội thảo Bô-xít Tây nguyên ngày 9/5/2013 mà cố tình không mời một đại biểu nào của trang Bauxite Việt Nam.
Ai cũng biết chương trình khai thác bô-xít ở Việt Nam là một chủ đề lớn, phức tạp, hệ trọng, việc thảo luận và phản biện đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay càng cần thiết hơn lúc nào hết. Chính vì nhu cầu ấy mà đã nảy sinh một trang mạng mang tên “Bauxite Việt Nam”. Những kiến nghị dừng dự án bô-xít Tây Nguyên liên tiếp trong năm 2009 làm rúng động chính trường và làm dấy lên một phong trào phản biện rộng rãi trong xã hội dân sự là do những người chủ xướng trang này đưa ra. Nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các nhà khoa học đã đăng trên trang mạng này; nhiều đợt lấy ý kiến với hàng nghìn người tham gia đều do trang mạng này chủ xướng. Tính cách công khai và nghiêm túc của trang phản biện này được xác nhận bởi con số người đọc hàng ngày, trước hết là giới cán bộ và trí thức trong nước.
Vậy mà một hội nghị nhằm đánh giá triển vọng của chương trình khai thác bô-xít “để có quyết định tiếp tục thực hiện hay không, đồng thời là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch” thì người ta cố tình “quên” tiếng nói phản biện rất có ý nghĩa của "Bauxite Việt Nam" mà xã hội dân sự đều thừa nhận?
Chúng tôi có hỏi anh (GS Huệ Chi) xem họ có mời anh không, và được anh cho biết như sau (xin phép anh cho tôi post trực tiếp lời anh, mong anh không phiền lòng):
Cậu Tú (ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - CODE) là người tổ chức hội thảo này có gọi điện đến tôi, nói cậu ấy chỉ là người tổ chức hội thảo chứ khách mời là ai thì cậu ấy không có quyền, mà quyết định là Bộ... Cậu ấy cũng biết tôi (HC) và trang BVN đã phản biện vấn đề này từ mấy năm nay, nên muốn đề nghị tôi (HC) chủ động gọi điện đến ông... để xin cho mình được tham dự hội nghị. Tôi nói ngay, nếu họ mời thì chúng tôi sẵn sàng tham dự, còn xin thì chúng tôi không xin, vì xin là… xin xỏ. Anh ấy bèn nói, vâng, nếu anh không gọi điện đến để xin tham dự thì xin tùy anh, và thế là cuộc đàm thoại bèn dừng” – HC.
Với tư cách trưởng ban tổ chức, ông Tú không dám đề xuất với Bộ việc mời GS Huệ Chi một cách rất chính đáng hay sao? Tôi thấy điều “kỳ thị” hay tránh né đáng tiếc này có 2 nguyên nhân:
1/ Về nội dung phản biện: Đọc bài trên báo  Người lao động và những ý kiến độc giả ta thấy ngay một điều rằng mặc dù trong cuộc hội thảo vừa diễn ra có những nghi vấn và có tiếng nói phản biện đấy nhưng những người chủ trì vẫn “cố nói lấy được”. Chắc hẳn người ta biết nếu có mặt đại biểu của trang Bauxite họ sẽ khó chống chế trước những ý kiến phản biện cầm chắc là thẳng thắn, khoa học, có lý có tình của người đại diện cho trang mạng vốn có truyền thống ngay thẳng này. Hoặc giả, tuy không có ý kiến nhưng sự có mặt của người đứng mũi chịu sào phản đối khai thác bô-xít Tây Nguyên trong ngần ấy năm cũng đủ làm các vị phải... lúng túng.
2/ Nhưng tôi lo rằng có một nguyên nhân khác tổng quát hơn, đó là sự kỳ thị đối với những tiếng nói phản biện xây dựng nhưng không thuộc giới “trí thức cận thần”. Chính giới trí thức chứ không ai khác, đã tự đoán biết “gu lãnh đạo” có sự kỳ thị ấy nên tự giới trí thức cũng phân biệt nhau ra để vừa lòng trên? Trước đây, trong một vài việc, giới trí thức đã nhiệt tình hợp tác với trang Bauxite rất có uy tín để vận động quần chúng, nhưng khi cần xuất hiện công khai trên báo (của Đảng) hay trước mặt “lãnh đạo” thì họ cố tình gạt đại biểu trang Bauxite ra như thể không quen biết, không liên quan gì đến anh Bauxite này (!?).
Hèn! Trách giới lãnh đạo một thì giới trí thức hãy tự trách mình mười. Sách có câu: Mình tự trọng thì người khác mới trọng mình, mình tự khinh thì người khác sẽ khinh mình! Giới trí thức không tự trọng nhau thì giới chính trị họ sẽ “khinh cả đám” đấy thưa các chư vị!
Những lần bị gạt ra ngoài như vậy anh Huệ Chi không hề phật ý mà luôn tự nhủ: kể công làm gì, cốt sao công việc chung trôi chảy là mình mừng rồi - có phải anh vẫn tâm sự với chúng tôi thế không?
Tôi vẫn không đồng ý với anh Huệ Chi về sự khiêm tốn mà anh từng thổ lộ. Đây không phải chuyện của cá nhân anh ạ. Vì lợi ích chung, giới trí thức cần nhắc nhở nhau và sửa cho nhau cái căn bệnh “tự kỷ ám thị” này: tuy ngày thường rất hiểu giá trị và nhân cách của nhau nhưng khi đối diện với thượng cấp, giới trí thức cứ phải tự sàng lọc nhau cho vừa  “gu” thượng cấp. Song đáng tiếc, thực tế vừa qua cho thấy cách “nịnh khéo” ấy không hề đem lại hiệu quả tốt đẹp gì cho chính những người “lựa chiều”. Giới chính trị biết tỏng người nào vì chiều lòng họ mà tự khinh nhau thì họ khinh cho cả đám.
Vấn đề trọng tâm tất nhiên vẫn là cân nhắc nên tiếp tục hay nên dừng khai thác quặng bô-xít, nhưng nhân đây cũng là lúc thích hợp để bàn với nhau một câu chuyện liên quan của trí thức.
Mấy lời bộc trực không thể giữ mãi trong lòng, mong anh lượng thứ.

Kính thư,
10/5/2013
H.S.P.

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ