LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ    BÀI MỚI

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

BÌNH LUẬN

Chào mừng Hội nghị APEC, chúc sự hội nhập!  

    Là một tù nhân chính trị, tôi hoan nghênh sáng kiến thành lập một(hoặc nhiều) hội Ái hữu của những người cùng là tù nhân chính trị ở Việt nam.

    Trong xã hội, những người giống nhau về một mặt nào đó (cùng quê quán, cùng nghề nghiệp, cùng sở thích, cùng giới tính, cùng bị tàn tật… vân vân) thường rủ nhau lập thành một hội để chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Mọi xã hội xưa nay vẫn có những hội đòan như thế, không có gì lạ.

    Những người mù, những doanh nhân, những phụ nữ, hay người chơi cây cảnh… chẳng hạn, thì lập hội rất dễ, trước hết vì họ không cần định nghĩa thế nào là mù, thế nào là doanh nhân, thế nào là phụ nữ,thế nào là chơi cây cảnh. Nhưng riêng Hội những Tù nhân chính trị Việt nam thì khởi thủy cần tự định nghĩa mình trước đã., thì mình mới là mình được.

Nhà nước Việt nam vẫn công bố với thế giới rằng ở Việt nam không hề có tù chính trị, tù lương tâm, hay tù tôn giáo. Nếu đúng như thế thì đến một tù nhân chính trị cũng không có chứ lấy đâu hội viên mà thành một hội ? Bởi thế, người tù chính trị ở Việt nam cần nói với mọi người rằng : có chúng tôi  tồn tại trên đời này bằng xương bằng thịt. Khẳng định như vậy để khỏi tủi vong linh mình khi sẽ qua đời, chứ nhận cái danh xưng “thằng tù” nguy hiểm ấy nào có thêm được một “tiêu chuẩn đãi ngộ” nào, ngoại trừ khả năng tự rước thêm phiền luỵ.

     Nói như vậy cũng chỉ để thấy cái oái oăm trong trường hợp cụ thể của ta, chứ thế nào là tù nhân chính trị thì cả thế giới này ai cũng biết cả, còn phải đi tìm định nghĩa rồi mới biết mình có là tù nhân chính trị hay không thì chỉ là thằng điên. Giả thử ta đem thắc mắc ấy đi hỏi một người ngoại quốc rằng : “Này bạn ơi, không biết trong chế độ Cộng sản Việt nam và các nước Cộng sản khác có tù chính trị không nhỉ? “ thì họ sẽ trố mắt ra, vì không biết kẻ đứng trước mặt họ có là người thật hay không ?

      Họ phải trố mắt ra, không hiểu, vì ở một chế độ đã độc quyền chính trị đến mức phải đặt hẳn một điều (điều 4) trong hiến pháp để ngăn cấm các quan điểm chính trị khác thì chỉ cần có quan điểm chính trị khác cũng sẽ bị quy là phạm luật và bị đi tù,  tù như thế mà không gọi là tù chính trị thì là gì? Ở những nước độc quyền chính trị thì tù nhân chính trị dứt khoát phải nhiều hơn ở các nước khác chứ không thể không có, hoặc chưa kịp thành tù nhân đã bị thủ tiêu.

    Điều 4 Hiến pháp thật tai hại cho một Đảng Cộng sản, vì chừng nào nó còn tồn tại thì từng giờ từng phút nó cứ tự tố cáo với mọi người rằng chủ nghĩa Mác-Lê là một hệ thống chủ quan, áp đặt, cưỡng bức và thiếu tự tin. (Vì một lô gích rất đơn giản là : người ta thường phải lo xa,  phải “đóng khung tư tưởng” một khi biết trước rằng thế nào rồi người dân cũng không phục, cũng sẽ nghĩ khác, cũng sẽ làm khác.Nhưng càng sợ thì nguy cơ khách quan càng thành hiện thực. Thủ phạm “nói xấu” và “làm xấu” Đảng CS không ai khác hơn là chính điều 4 Hiến pháp! Bỏ được điều 4 ấy nhất định “Đảng ta” sẽ trút bớt được gánh nặng, thanh thản và “hoà nhập” hơn).

       Họ lại phải trố mắt ra, không hiểu, vì chính Đảng Cộng sản Việt nam cũng đang có một tổ chức Tù nhân chính trị, gồm những người của Đảng đã chống lại chính quyền miền Nam Việt nam trước đây. Vậy theo ĐCSVN thì chống một chế độ là tội chính trị. Từ 1975 đến nay chính nhà nước CS Việt nam cũng quy nhiều người đúng vào tội đó : tội nói ngược với quan điểm của Đảng, tội “tuyên truyền chống chế độ”, khi quy tội như thế mặc nhiên Đảng đã thừa nhận số người này là tù chính trị rồi còn gì. Còn chính trị ấy là chính trị nào , theo nó và chống nó là tốt hay là xấu lại là chuyện sau.

     Vậy trên đất nước ta đang có rất nhiều tù nhân chính trị là điều không phải bàn, việc vin vào cớ này cớ khác để trị tội những người khác chính kiến , để bảo họ phạm tội hình sự , thì dù có bày đặt công phu đến mấy, dù đủ mũ cao áo dài đến mấy, trước nhân loại vẫn chỉ là trò nói dối dại dột của trẻ thơ, không đáng bàn thêm nữa..

     Nhưng với một người cụ thể, có là tù nhân chính trị hay không , tù nhân chính trị này tốt hay không tốt thì phải xem xét cụ thể. Hội chỉ gồm những người giống nhau về một mặt nào đó thôi (cùng là phụ nữ, cùng trồng cây cảnh…) , còn những mặt khác có thể rất khác nhau.

Ngay đầu bài viết, tôi đã nhận mình là một tù nhân chính trị (hoặc tù nhân lương tâm) , thì về phần mình có lẽ tôi cũng phải có “luận chứng”, kẻo người ta bắt bẻ thì sao?.Là tù nhân thì tôi có đầy đủ chứng chỉ tù nhân, có thể xuất trình bất cứ lúc nào. Nhưng tôi không ăn cắp ăn trộm, không đĩ điếm ma tuý, không cướp của giết người, không lợi dụng chức quyền để tham nhũng…mà chỉ viết ba bài triết luận và một số thư từ tâm tình với bạn bè về cảm nhận xã hội của mình khiến lương tâm mình bứt dứt không yên. Thế mà bị quy thành tội “làm lộ bí mật nhà nước” (1996) và tội “phản bội Tổ quốc” (2000), thế thì chẳng là tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm thì là gì? Lúc đầu (1995) nhà nước định khép tôi vào tội “chiếm đoạt bí mật nhà nước”, dùng chữ chiếm đoạt cho có màu sắc trộm cướp, nhưng rồi cũng phải chuyển thành tội “làm lộ” thôi.Còn khi bị quy tội “phản bội Tổ quốc” thì tôi đã viết kháng thư lên các cơ quan tối cao như sau :  

Nếu Nhà nước có đủ tự tin rằng tôi là người có tội phản quốc thì hãy xúc tiến ngay việc thiết lập phiên tòa xét xử công khai (phải công khai vì việc của tôi không liên quan đến bất cứ một bí mật quốc gia nào cả),tạo điều kiện đầy đủ nhất để tôi thực hiện quyền mời luật sư và làm việc với luật sư. Và nếu vấn đề được làm sáng tỏ trước mọi người rằng quả là tôi là kẻ phản quốc thì tốt nhất là nên xử bắn, vì kẻ phản bội nhân dân và Tổ quốc mình, kẻ đó không đáng sống”. 

  Bị quy trọng tội, tôi yêu cầu xử tội, nhưng nhà nước không xử, lại rút lui, rút lui một cách không thành thật gì, mà dùng nghị định 31/CP quản chế tôi 2 năm với lý do nhập nhằng: vẫn khẳng định tôi có tội phản quốc, “nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” nên giao cho phường quản lý, tịch thu máy vi tính của tôi (và của ông Mai Thái Lĩnh) rồi đem bán đấu giá! (1). Tội “phản quốc” chứ có “phản phường” đâu mà trao cho phường? Đã “phản quốc” mà lại còn “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm”? Luật pháp tuỳ tiện đến thế là cùng. Ranh giới giữa phản quốc với không phản quốc mà còn nhập nhằng như thế thì lời tuyên bố có tù chính trị hay không liệu có gì là đáng tin? Thiên hạ dám khinh người Việt nam mình chính vì cung cách nhập nhằng khôn vặt đó.

    Đấy là chuyện nhỏ của tôi, tất nhiên những người khác lại gặp những oan khuất khác. Sự tuỳ tiện của luật pháp trong việc xử tội những người bất đồng chính kiến là một trong những lý do chính khiến cho trước sau gì cũng phải thành lập nên  một hoặc nhiều Hội Ái hữu những tù nhân chính trị. Để giúp đỡ nhau, từ những khó khăn về đời sống đến những khiếu nại khi bị đối xử bất công!

Giúp đỡ nhau là việc từ thiện, là quyền bất khả xâm phạm. Một khi đã đứng vào thế giới con người thì không thể không tôn trọng quyền ấy. Làm việc ấy chưa phải là làm Chính trị !.

Tù nhân chính trị nhưng chưa lập tổ chức chính trị, chỉ làm hội từ thiện, hội tương tế, vậy là khiêm tốn.

Tôi hoan nghênh vì tôi ưa sự khiêm tốn. Cụ Phan Chu Trinh ngày trước cũng chỉ khiêm tốn đòi lập các hội đoàn, đòi thả tù nhân chính trị nên những người chủ trương bạo động chỉ trích cụ kịch liệt, nay mới biết cụ là nhà khởi xướng diễn biến hoà bình tuyệt vời ở Việt nam.

    Những người có một hoàn cảnh hay đặc điểm gì đó giống nhau cùng nhau lập một hội ái hữu là “chuyện thường ngày” ở… nhân gian, nước nào cũng có. Ta làm điều thông thường ấy là để nước ta cũng giống như các nước khác, và giúp thêm vào quá trình hội nhập của  nước ta với thế giới. Tôi hoan nghênh vì tôi thích đất nước mình hội nhập.

     Nhưng việc làm chính đáng, đúng quy luật mới có khả năng thành công một phần, một phần nữa phụ thuộc vào những người khởi xướng và đảm nhiệm, “nhân sự” luôn là một khoảng trống cho sự thành bại. Chúc cho Hội Ái hữu những tù nhân chính trị , thâu nhận được những tù nhân chính trị tiêu biểu (kể cả tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo) , đủ lòng nhân ái, đủ độ lượng và nhất là sự sáng suốt để đạt đến mục tiêu cao cả. 

    Còn nếu có ai đó sừng sộ rằng : đã là những thằng tù sao còn nhân ái, sáng suốt và cao cả thế thì ta ôn tồn bảo họ: “Xin ông cứ hỏi các cựu tù nhân chính trị, các hội viên danh dự Nelson Mandela hay Vaclav Havel…, hay soi lại tấm gương “tên tử tù” Phan Chu Trinh sẽ được giải đáp.

      Tam đẳng nhân, tam đẳng vật, thì cũng tam đẳng CHÍNH QUYỀN, tam đẳng TÙ NHÂN ông ạ!”.

   Nếu người kia vẫn chưa hiểu ra , và cứ tiếp tục thái độ cũ, thì chính là lúc con người cần đến các Hội đấy.

                                                  

                                                                              Đà lạt 11- 2006

                                                                                        HSP

(1) Ông Mai Thái Lĩnh cùng với Hà Sĩ Phu bị khởi tố tội “Phản bội Tổ quốc” chỉ vì hai bức thư của HSP gửi các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng (năm 2000), giam tại gia 7 tháng , hàng ngày hai buổi lên Sở Công an để hỏi cung.


  • Trí Tuệ Sáng Láng và Tấm Lòng Tha Thiết của Hà Sĩ Phu - Trần Viết Đại Hưng 2004
  • Quân Tử và Tiểu Nhân - Trần Viết Đại Hưng 2002
  • Người Sĩ Phu Cuối Cùng Chăng ? - Nguyễn Hữu Tấn Đức - 2001
  • Ăn tết chữ cùng với Hà Sĩ Phu (Đặng Mi Lộc)
  • Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng (Tiêu Dao Bảo Cự)
  • Những Phát Hiện Mới Về Một Phiên Tòa (Tiêu Dao Bảo Cự)
  • TƯỜNG THUẬT BUỔI RA MẮT SÁCH SÁNG TRĂNG CỦA HÀ SỸ PHU tại Berlin (Nguyễn Anh Tuấn)
  • SÁNG TRĂNG - TUYỂN TẬP CHƯA ĐẦY ĐỦ
     CÁC TÁC PHẨM THƠ, VĂN VÀ CÂU ĐỐI CỦA HÀ SỸ PHU
  • Tiến sỹ sinh vật học Hà Sỹ Phu Và cái Nghiệp văn chương (Nguyễn Thanh Giang)
  • Hà Sĩ Phu, một Trí Tuệ Việt nam (Đỗ Mạnh Tri)
  • TRÍ TUỆ SÁNG LÁNG VÀ TẤM LÒNG THA THIẾT CỦA HÀ SĨ PHU (Trần Viết Đại Hưng)
  • QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN (Trần Viết Đại Hưng)
  • Nguyệt Như: Trò chuyện với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
  • Người Sĩ phu cuối cùng chăng? - "Le dernier des si phu"? (Nguyên Hữu Tấn Đức)
  • Hà Sĩ Phu: Muốn đòan kết dân tộc phải bỏ chủ nghĩa cộng sản
  • Văn thơ Hà Sỹ Phu (Bùi Minh Quốc)
  • Hà Sĩ Phu muốn lật hòn đá tảng (Bùi Minh Quốc)
  • “Chia Tay Ý Thức Hệ” để “Dắt Tay Nhau Đi
    Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ” (Nguyễn Thanh Giang)
  • "Nước mắt cười" (Cảm nhận về tập thơ ánh trăng của Hà Sĩ Phu)

  • LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ    NHÓM ĐÀLẠT    BÀI MỚI