LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Xã hội Dân sự hay “Đảng sự”?

Hà Sĩ Phu
HSP-bai133Khỏi cần lý luận để chứng minh Xã hội dân sự hay Xã hội công dân (Civil Society)  là vô cùng cần thiết và là một thước đo xã hội văn minh (*).
Do quá hiểu chân lý đương nhiên này nên chính các đảng cộng sản, bên cạnh bộ máy hành chính rất chặt chẽ vẫn phải có những hình thức của Xã hội dân sự, đó là hình thức “Mặt trận” bao gồm hết các tổ chức của nam phụ lão ấu, tôn giáo, công nhân, nông dân…, không chừa một ai.
Đó hẳn là căn cứ để tác giả Thanh Nguyên trên báo Quân đội Nhân dân, bài Cần hiểu đúng về “Xã hội dân sự”,  viết rằng:
Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có”.
Khẳng định “cái gọi là Xã hội dân sự thì xã hội ta đang có” thì đúng rồi (tức cái xã hội “Mặt trận” đang có đấy), nhưng các từ ngữ “tốt đẹp” và “tích cực” thì hơi bị… ngược! Nếu nó đã “tốt” và “tích cực” thật thì dân đã xài nó rồi, khỏi phải tốn bao công sức để ra đời một trang ”Xã hội Dân sự” với bao khó khăn vất vả và đòi hỏi sự dấn thân dũng cảm, dễ bị phiến toái, và khiến báo Quân đội Nhân dân phải ra tay đối phó như bài viết kể trên?
Cái gọi là “Mặt trận” không thể gọi là của dân khi từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn đều do người của đảng “lãnh đạo” hết, những ý nguyện lớn nhất của dân có bao giờ được cất lên từ “Mặt trận” không?
Trong xã hội ngày nay chữ nhân dân đã bị “đảng hóa” đến kiệt cùng. Dân được chia nhỏ đến từng tổ dân cư dưới sự giám sát trực tiếp của những chi bộ đảng, quân đội “nhân dân” thì phải trung với Đảng, công an “nhân dân” thì chỉ biết còn Đảng còn mình, thậm chí trên báo Quân đội Nhân dân còn định nghĩa lại “nhân dân” (chỉ gồm những ai theo Đảng lập nên xã hội này)… thì thử hỏi cái “Mặt trận” do Đảng lập ra, cử hẳn một trong 14 vị vua tập thể nắm chóp, thì cái chất “Dân” trong đó có còn hay không?
Theo tác giả Thanh Nguyên thì Diễn đàn Xã hội Dân sự chớ có lập trang Web  riêng làm gì, muốn tốt thì hãy “Tuyên truyền tính chất vì quyền lợi của nhân dân ở các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng”…
Dài dòng làm chi, chỉ hai chữ “dưới sự” là đủ nói lên tất cả! Ai thấy “dưới sự” lâu quá, chịu không nổi thì xin mời vào đây cho …giãn cái lưng!
www.diendanxahoidansu.wordpress.com.
H. S. P. (26-11-2013)


http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/11/26/xa-hoi-dan-su-hay-dang-su
(*) Xin đọc một bài báo giàu đảng tính : Xã hội công dân-Một trong những tiền đề để xây dựng xã hội Cộng sản.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ