LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Thử giải phẫu con bệnh vĩ cuồng

Hà Sĩ Phu

Trong buổi chiều lịch sử ấy, chiều 19 tháng 6 năm 2010, khi 208 đại biểu Quốc hội cùng ấn ngón tay vào nút phản đối một dự án chắc các vị cũng không ngờ hiệu quả “gây chảy nước mắt sung sướng” của “quả bom” mà mình bấm nút.
Bất ngờ quá đi chứ, một dân tộc đã chai sạn vì chinh chiến và chia ly, lại đang chìm trong quốc nạn vô cảm, sao hôm nay bỗng mau nước mắt vậy? Người ta tìm đến nhau, tay cầm tay, ôm lấy nhau không nói nên lời. Có gì đâu, cả một dân tộc vừa thoát chết, vừa tạm thoát khỏi một thảm họa không thể cứu chữa, vì Dự án vĩ cuồng về đường sắt cao tốc đã bị Quốc hội bác bỏ!

Nếu theo dõi đầy đủ những bài đã phân tích rõ tính chất phi lý, tếu, dại dột, bất lợi, phiêu lưu, học đòi không đúng lúc của dự án cao tốc này (mặc dù ai cũng biết tàu cao tốc là một thành quả đáng trân trọng của văn minh), và đã đọc những bài viết cho thấy những tia sáng đã ló dạng, gợi mở ra những khả năng, rọi vào tận cùng con đường hầm bấy lâu vẫn kín như bưng, vẫn lỳ như gỗ đá, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có anh em đã coi ngày lịch sử này như Ngày Quốc khánh mới của Việt Nam! Nhân dân lên tiếng cảm ơn trang mạng Bô-xít, cảm ơn những nghị sĩ Quốc hội dũng cảm, và cảm ơn nhau... Nước mắt này là từ một giọt làm tràn ly nước.
Tôi vốn không phải người dễ lạc quan, nên rất chia sẻ với những lời cảnh báo rằng không dễ gì thay đổi tính chất và thói quen của một Quốc hội, không dễ gì khiến cho những tham vọng núp sau quyền lực lại ngoan ngoãn chịu thua, vì thế tôi hiểu rằng thành công bước đầu này sẽ không đi đến đâu nếu không được đẩy tới, và hiểu phải làm gì để tiếp tục ngăn chặn điều VĨ CUỒNG này và các VĨ CUỒNG khác sẽ còn tiếp tục.
Bệnh vĩ cuồng rất tai hại (nhất là với một nước còn nghèo và còn bị dòm ngó) vốn có trong xã hội ta đã lâu nhưng mấy năm nay nó ngang nhiên, vênh váo hãnh tiến. Nào là “tầm nhìn”, nào là “bứt phá”, “đón đầu”, nào chỉ tiêu “trăm phần trăm Tiến sĩ”, nào mở rộng Hà Nội với quy mô khổng lồ, nào là “chỉ số IQ cao”, và bây giờ là đường sắt cao tốc xẻ dọc cơ thể Việt Nam nối từ ranh giới Trung Hoa đến tận cùng đất nước..., toàn chuyện vĩ đại!
Tôi đồng ý với LS Cù Huy Hà Vũ rằng bất cứ bế tắc chính trị xã hội nào cũng có thể khai thông nếu tìm đúng nguyên nhân và quyết tâm thanh toán nó.

Vậy bệnh Vĩ cuồng bắt nguồn từ đâu?
Xin mạnh dạn nêu mấy nguyên nhân:

1/ Về gốc rễ, ta xuất phát từ một lý thuyết ảo tưởng vốn đã rất “hoành tráng” vĩ cuồng, tự do cao ngạo, muốn cải tạo toàn bộ thế giới đang có, muốn “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất” với truyền thống, muốn “đào mồ chôn”, muốn thiết lập quốc tế nọ quốc tế kia... Nói khác đi là phải làm những điều vĩ đại hơn hẳn nền văn minh tự nhiên (mà ta gọi là chủ nghĩa Tư bản), trong khi nền văn minh mà ta muốn vượt ấy ngày nay đã quá vĩ đại rồi. Vì vậy mà về lý thuyết và tuyên truyền cứ phải đại ngôn, đại ngôn mãi, không rút được.

2/ Về tâm lý, những người bị lạc hậu, bé nhỏ, thua kém... thường bị mặc cảm nên khát khao những chuyện phi thường, viển vông, muốn đứng thứ nhất, không coi ai ra gì... để khỏa lấp thực trạng đã thua kém, đang thua kém của mình. Khốn nỗi càng nói IQ cao càng bộc lộ IQ thấp, càng kiên quyết khẳng định càng bộc lộ sự lúng túng thiếu tự tin, càng đề cao Tiến sĩ càng bộc lộ hình hài tiến sĩ giấy mà thôi, nên càng phải màu mè cho sang. Càng khẳng định “tầm nhìn” để khỏa lấp tầm nhìn thiển cận trước đây thì càng bộc lộ thứ viễn kiến AQ.

3/ Về tâm lý “tư duy nhiệm kỳ” muốn mình phải để lại cho đời một cái gì to lớn gắn với tên tuổi của mình, dòng họ mình, nhiệm kỳ của mình.

4/ Về khát khao vật chất, cần làm những dự án to để có “miếng ăn” to. Riêng kiểu “Vĩ cuồng” này thì có tính toán, có kế hoạch hẳn hoi nên không thể coi là “bệnh” được nữa mà là một hành vi đã đi vào ý thức.

5/ Cũng không loại trừ một nguyên nhân nữa. Những kẻ đã quá giàu mà tiền không từ mồ hôi nước mắt, quyền và tiền do cướp mà có, thì rửng mỡ, chơi sang, lộng hành, “chơi” quyền và tiền hết cỡ cho thỏa.

Những cán bộ còn một chút gì là công bộc của dân, do dân, vì dân, vì những học sinh vượt sông Poko đi học bằng dây thép, vì những em bé còn đói khát (trong ảnh), vì những em bé phải đi hầu hạ để bị tra tấn như thời Trung cổ, vì những ngư dân còn bị kẻ “4 tốt” hãm hại... tất nhiên hôm nay không sa vào những dự án vĩ cuồng như thế làm gì.
Kẻ thù của ta đang là bệnh Vĩ cuồng, là mẹo Vĩ cuồng. Tôi xin phác sơ sơ mấy nguyên nhân ngắn gọn như vậy nhân lúc chia vui.
Kính thư
HSP
22-6-2010

http://boxitvn.blogspot.de/2010/06/thu-giai-phau-con-benh-vi-cuong.html

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ