LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Đài Đáp lời sông núi (ĐLSN) phỏng vấn Hà Sĩ Phu về Cậu đối Tết Bính thân
                   https://www.youtube.com/watch?v=Obqa0S2z50I

Đài ĐÁP LỜI SÔNG NÚI phát thanh từ 9 giờ 30 đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam, mỗi đêm, trên tần số trung bình (AM) 1503 ký lô chu kỳ (kHz).

PHỎNG VẤN TIẾN SĨ HÀ SĨ PHU VỀ CÂU ĐỐI TẾT BÍNH THÂN (P.1)

Thứ Hai, 08.02.2016
Thưa quý thính giả, câu đối tết là một trong những truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Nhân dịp đầu năm mới, năm Bính Thân 2016, mời quý thính giả theo dõi buổi hội thoại Câu Đối Tết Bính Thân giữa đặc phái viên Minh Nguyệt và Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà khoa học tự nhiên và là một nhà văn. Ông cũng là một trong bốn thành viên ban đầu của Nhóm Thân hữu Đà Lạt. Xin mời chị Minh Nguyệt...

Minh Nguyệt (MN): Xin chào Tiến sũ Hà Sĩ Phu

Hà Sĩ Phu (HSP): Chào chị Minh Nguyệt, phóng viên của đài Đáp lời sông núi.

MN : Mỗi dịp Tết đến Xuân về độc giả trong và ngoài nước vẫn đón chờ các câu đối Tết của HSP, xin ông cho biết cảm hứng về Câu đối Tết của ông thế nào khiến được mọi người quan tâm?

HSP: Về Tết, dân Việt mình đã có câu ai cũng thuộc lòng "Nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng xanh – Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" nên Câu đối là một trong mấy đặc trưng của Tết. Nhưng thường thì Câu đối chủ yếu là vật trang trí cho đẹp, gợi không khí Tết , chứ nội dung thì đã có một số câu quen thuộc thường lặp đi lặp lại, cổ xưa cũng vậy mà từ khi ĐCS cầm quyền thì chủ yếu cũng là mấy câu "mừng đảng mừng xuân", chỉ là những câu cửa miệng. Khi đất nước thanh bình thì theo lệ thường cứ như vậy cũng được. Nhưng khi đất nước lâm vào cục diện bất ổn thì những Câu đối Tết buộc phải có màu sắc ưu tư trước vận nước. Tôi vừa nhắc lại một Câu đối ưu tư như vậy mà tôi nhập tâm khi tôi mới 8-9 tuổi:

Tết không độc tập "u-xà" Tết

Xuân chửa thanh bình "mậu xích" Xuân

Câu đối tiếng Việt có điểm hai chữ tiếng Pháp (Où ça) và tiếng Tàu Quảng Đông (mậu xích) nghĩa là: Tết chưa độc lập thì đâu có Tết, Xuân chưa thanh bình thì chẳng biết có Xuân !

Câu đối Tết của tôi nhiều năm nay đều nặng trĩu tâm tư hoặc đau xót hoặc khôi hài trước những buồn vui của đất nước suốt một năm dài, và làm sao chuyển tải được những xúc cảm ấy thành ngôn ngữ của văn hóa, văn chương để thưởng thức được. Có lẽ vì sự đồng cảm tương đắc tương tri ấy mà Câu đối của tôi được bạn bè đồng tâm chia sẻ chăng?

MN: Vâng, năm ngoái cũng như năm nay ông đều đưa ra 16 câu đối, con số 16 đó là cố ý hay vô tình?

HSP: Tôi muốn người Việt không được quên " 16 chữ mà Cộng sản Trung quốc đã dùng làm dây trói Việt Nam trong quan hệ gọi là anh em trong gia đình Cộng sản mà 2 ông Cộng sản Hồ và Mao đã thiết kế ra. 16 chữ ấy là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Cứ ôm cái quan hệ 16 chữ ấy, cùng với khẩu hiệu "4 tốt" thì Việt Nam không thể phản ứng gì để chống lại trước những đòn xâm lược toàn diện ngày càng sâu của Trung Cộng.

MN: Xem như vậy thì ưu tư số 1 của ông là mối lo trước nạn Bắc thuộc mới phải không ạ?

HSP: Đúng vậy. Vận nước đang đứng trước 2 đại họa. Đại họa đối nội là nạn Nội xâm, tức là Nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước vào tay giới cầm quyền Mác-xít khiến đất nước lâm vào vòng cai trị độc tài, tham nhũng, kinh tế lạc hậu và văn hóa băng hoại. Nạn nội xâm ấy tự dân Việt có thể đấu tranh với nhau để giải trừ quốc nạn nội xâm, chẳng chóng thì chầy. Nhưng con đường đi lên sẽ hoàn toàn bị khóa chặt nếu đất nước rơi hoàn toàn vào tay Trung Cộng, tức là bị nạn ngoại xâm kiểu mới mà Bộ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ đã đau xót khẳng định. Vì thế việc chống nạn Bắc thuộc mới phải đặt lên trước hết. Tuy vậy việc chống độc tài tham nhũng và vô văn hóa để xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh vẫn phải thực hiện đồng thời, và đó mới là ước vọng cuối cùng.

MN: Như chúng tôi được biết, Câu đối là một dạng của Văn học nghệ thuật, giá trị của Câu đối không chỉ ở nội dung mà cả hình thức nghệ thuật phải không ạ?

HSP: Vâng đúng như vậy. Về hình thức đã gọi là Câu đối thì phải đối ý, đối lời, đối chữ, theo luật bằng trắc.... Nghệ thuật là khai thác được sự liên tưởng, sự tương đồng, tương phản, mâu thuẫn và xung đột kịch tính ...vân vân...Nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung có mang được cái hồn mà Câu đối muốn đạt tới, có sức mạnh của sự phê phán hay ngợi ca, chứ không câu nệ quá về hình thức niêm luật.

(Xin theo đón nghe phần hai của cuộc Hội Thoại này trong chương trình phát thanh ngày mai, Mùng Hai Tết Bính Thân, Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016)

 

PHỎNG VẤN TIẾN SĨ HÀ SĨ PHU VỀ CÂU ĐỐI TẾT BÍNH THÂN (P.2)

Thứ Ba, 09.02.2016

MN: Vậy xin ông giới thiệu cho một vài Câu đối Tết năm Bính Thân này trong số 16 câu đối Tết ấy.

HSP : Vâng, theo âm lịch thì những năm THÂN có biểu trưng là con KHỈ, hầu hết các câu đều mang bóng dáng của Khỉ. Hai chữ Khỉ và Thân cứ sóng đôi. Tôi chỉ xin nhặt ra mấy câu làm ví dụ:

- Năm nay có sự trùng hợp là người đại diện cho quyền lực tối cao, tham vọng tối cao. Chuyên chính tối cao, bảo thủ tối cao, ý Hán tối cao lại đúng là một ông tuổi Khỉ Giáp thân. Tôi mở đầu bằng một Câu tặng ông ấy:

* Chúc tuổi KHỈ vô thường, rượu Tết đấy lão mừng anh đít... đỏ!

* Chào năm THÂN bất ổn , thơ Xuân này anh tặng chú mưu... thâm!

Vừa có rượu Tết, thơ Xuân năm Khỉ, vừa mừng ông Cộng sản đỏ tuổi Khỉ mới đăng quang, ghế đỏ, số đỏ nhờ có mưu thâm. Nhưng đồng thời cũng cảnh báo sự đăng quang như vậy sẽ tiềm ẩn một năm nhiều bất ổn. Ngần ấy ý tôi gói trong một Câu đối mừng Xuân bình thường thôi.

- Để nói rõ bản chất nguy cơ Bắc thuộc mới là do Việt Nam đã đi vào con đường Cộng sản nên bị "khóa Kim-Cô" không thoát được

*Hai bên cờ đỏ trương ra, màu đỏ ấy gợi đau lòng "Xích-tử"!

* Mười sáu chữ vàng khép lại, sắc vàng này đích thực ánh Kim-Cô !

- Việc các ông Phú Trọng-Tấn Sang luôn gọi chú Khỉ Ngộ Không là "đồng chí" đã gợi cho ta sự tương đồng giữa những kẻ khoe tài giỏi nhưng trên đầu đều bị khóa Kim-cô, làm trái lệnh chủ là bị vòng trên đầu xiết lại:

* Mộng Vương HẦU bị khóa Kim-cô, làm KHỈ đu dây, đã nhiều lúc chơi trò KHỈ ...gió!

* Gặp Vua KHỈ gọi nhau Đồng-chí, biết THÂN diễn xiếc, suốt một đời cam phận THÂN ...lươn!

- Khác với các chế độ độc tài quyền uy trên thế giới, nền Độc tài Cộng sản là độc tài tòan trị, có lý thuyết và cơ cấu để nắm chặt con người cả về nhận thức và tình cảm nên thực hiện sự độc tài một cách rất ngọt ngào, êm ái. Ví dụ cái dây trói cả một dân tộc cũng mạ vàng nên gọi là "thập lục kim tự" (16 chữ vàng). Lực lượng cảnh sát giả dạng côn đồ tự phát đánh đập những người yêu nước nhưng cũng khoác áo đỏ rất đẹp in cờ đại diện cho đảng và nhà nước chính thống (chẳng trách trận đánh vào dân oan mà họ coi là trận đánh đẹp)

* Mấy chục tên đạp mặt Nhân dân, trên nền đỏ lưu manh càng đỏ nhỉ ?!

* Mười sáu chữ trói tay Tổ quốc (*), dưới sao vàng dây trói cũng vàng ư ?!

Những hành động Ác lại khoác áo Thiện , cái xấu lại mang bộ mặt đẹp, nên dễ lừa người, lừa cả những ông trí thức tư bản sa-lông nữa chứ.

- Kỳ lã là sự ngụy trang, ngoài đẹp trong không đẹp lại ngẩu nhiên hàm chứa trong các tên những người cầm quyền, nên tôi có câu đối dân dã gần như đùa cợt:

* hùng dũng cái cóc khô, hùng dũng thế sao hèn trước giặc?

* sang trọng con khỉ mốc, sang trọng gì lại ác với dân?

Tôi không nhìn cả xã hội toàn một màu xám, cũng có những điểm đã cố gắng làm cho tốt, nhưng phải nêu những nguyên nhân chính, nếu không thì những điểm tốt nếu có cũng không không giải quyết được những bế tắc căn bản. Câu đối Tết chủ yếu nói lên xúc cảm, nhưng cái cái Lý tính cứ như cái nền nhận thức tích lũy từ cuộc sống thật vẫn âm ỉ thoát ra không giấu được.

MN:Trong cuộc trò chuyện với đài "Đáp lời sông núi" hôm nay, TS có tâm tư gì nhắn gửi tới các thính giả của đài?

HSP: Điều này đáng lẽ tôi muốn đề cập ngay từ đầu cuộc trò chuyện. Vì ngay cái tên của đài là "đáp lời sông núi" đã nói lên nỗi lo chung của người nói và người nghe đều là làm sao đáp lại lời nguyền thiêng liêng của tổ tiên, của núi sông, phải giữ lấy từng thước sông tấc núi và chủ quyền dân tộc để mọi con dân trên mảnh đất này được ngẩng cao đầu đi lên cùng thế giới tự do và hiện đại. Chẳng những thế 4 chữ "đáp lời sông núi" đã đánh thức dạy trong tôi cả cả tuổi xuân trong sáng hào hùng. Đó là những năm tôi học trường trung học Nguyễn Trãi ở Hà nội trước năm 1954, mỗi sáng chào cờ, tất cả trường xếp hàng tề chỉnh, cùng hát vang bài chào cờ "Này thanh niên ơi, đứng lên ĐÁP LỜI SÔNG NÚI! Đồng lòng cùng đi, hy sinh mở đường khai lối. Vì non sông nước xưa, nghìn muôn năm chớ quên...". Từ bấy tới nay, ngót 70 năm trôi qua, "tiếng gọi Thanh niên" ấy vẫn đang cần vang lên hơn lúc nào hết. Chỉ tiếc rắng nay đã thành ông già ngót nghét 80, chỉ có thể mượn lời thơ , đưa lý trí hôm nay vào giọng Câu đối cổ truyền để nhắn nhủ thế hệ thanh niên trẻ hơn mình một nửa thế kỷ, hãy đừnng phụ lòng tổ tiên và làm nhục chính mình. Tâm tư của tôi chỉ một chút hy vọng như thế, chẳng có gì hơn.

MN: Cảm ơn TS HSP va kính chúc ông sức khỏe.

HSP: Cảm ơn đài ĐLSN và tất cả thính giả của quý đài.

 

 



LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ