LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995


Nghĩ gì sau sự phân ly trong Văn đoàn Văn Việt?
Hà Sĩ Phu

Phần 1: Từ một thực tiễn có chút đáng buồn.

Đang có chuyện “lùm xùm” phân ly trong hội Văn Việt, mà cả đôi bên với tôi đều là bầu bạn thân quen. Chuyện nhỏ, rồi cũng quên đi nhưng cũng có đôi điều nên nhớ lại.    Chuyện đem ra tranh cãi chỉ là quan niệm và sở thích về thơ. Một bên lấy cảm hứng thơ phú làm trọng, khuyến khích sáng tạo, đi tìm cái mới lạ, tuyên bố thẳng cái mới lạ thường là thiểu số, vượt khỏi tầm hiện tại nên khó hiểu với số đông, xa lạ với số đông. Một bên lấy “nhập thế” làm trọng, văn thơ phải gần gũi với quần chúng, với lòng người, dễ hiểu và dễ cảm, hồn thơ phải gắn với hiện tình đất nước, nhất là khi đất nước đang lâm vào 2 cái họa Nội xâm và Ngoại xâm. Hai trường phái ấy dẫn đến xung đột nội bộ về nhân sự, thành 2 nhóm người. Tình hình có vẻ như hai khuynh hướng “Văn học vị Nghệ thuật và Văn học vị Nhân sinh” ngày xưa vậy.

    Cách đây mấy tháng tôi nhận được thư của một vài bạn bè phê phán chất lượng văn thơ rất “kỳ quái” trên trang Văn Việt và giải Văn Việt. Tôi cũng nói qua về nhận xét đồng tình, nhưng tôi không chủ trương nói rộng ra làm gì, chờ khi nào gặp anh em chủ trì Văn Việt tôi sẽ nói trực tiếp. Thế rồi rất may, có dịp anh chị em Văn Việt mời tôi về chơi. Trong không khí vui cười thân mật, nói linh tinh đủ mọi chuyện, tôi cũng nhắc đến nhận xét riêng của mình, xin tóm tắt cho rõ hơn như sau:

   Văn Việt đã làm được nhiều việc tốt, nhưng vì yêu mến và kỳ vọng nên tôi muốn góp ý để Văn Việt đáp ứng tốt hơn điều kỳ vọng ấy. Tôi thấy cái “gu” Văn học thì hơi “Tây” quá, mà “gu” chính trị thì còn Cải lương quá! Về “Gu” văn học thì khác nhau là chuyện bình thường, nên không phải là điều gì quan trọng, nhưng “gu” chính trị thì phải tương đối thống nhất mới có sức mạnh (Xin nói thêm: Mọi người đều hiểu Văn đoàn “vì một nền văn học VN tự do và nhân bản” được thành lập là đối lập với cái kiểu Hội nhà văn do ĐCS lãnh đạo chặt chẽ làm xã hội mất Tự do và phi Nhân bản, vì văn học gắn bó với chính trị-xã hội như vậy, chứ không phải chỉ vì một gu, một sở thích thuần túy văn chương, nên số người tham gia mới đông đảo thế, đa dạng văn chương thế, và kỳ vọng như thế).

Một khi ta đã đề cao con đường “Khai dân trí” của Phan Châu Trinh thì đừng quên trong lĩnh vực Khai Dân trí cần nhớ 2 điều: Về hình thức thì phải đại chúng để dễ đi vào dân, về nội dung thì phải gắn với hiện tình đất nước đang bị hai quốc nạn: nạn Nội xâm độc tài làm mất quyền dân và nạn Ngoại xâm từ Trung quốc. Nói Khai dân trí mà nói những chuyện cao siêu xa vời, không gắn với thực tiễn xã hội, với thực tiễn chính trị, với hiện tình đất nước thì Khái dân trí cái nỗi gì? Tôi lấy ví dụ bài thơ “Cướp” của Nguyễn Duy và 2 câu thơ của nhà thơ Phan Đắc Lữ (Còn quê từ thuở lên mười, mất quê từ thuở làm người giữ quê) , đều là thơ lục bát chứ tân kỳ gì đâu mà ý tứ hoàn toàn mới mẻ, thức tỉnh Dân trí. Nhân dân cần những bài thơ như thế, còn loại thơ phú tân kỳ, trúc trắc không vần điệu, không ai nhớ được thì tôi vẫn tôn trọng nhưng xin dành riêng cho một số nhà thơ có sở thích và có tài đi tìm cái độc đáo mà thôi.
(Xin kể thêm một chuyện: Có bạn thơ vừa gặp tôi, than thở rằng các đại nạn xã hội hiện nay cũng là do trình độ dân Việt tồi tệ, tổ tiên dân Việt tự rước vào, tổ tiên dân Việt đã gây bao điều ác, nên tuyệt vọng thôi, đáng kiếp thôi. Tôi đồng ý với anh bạn nhiều điều, nhưng có điều tôi biết ơn ông cha ta đã để lại cho chúng ta hai di sản quý báu là cái giang sơn gấm vóc và cái ngôn ngữ tiếng Việt cũng rất gấm vóc. Nhưng hai di sản đó đang bị tàn phá dữ dội, cả giang sơn lẫn ngôn ngữ. Tiếng Việt của ta quá đẹp và trong sáng đang bị tàn phá kinh khủng, mà các nhà thơ cao siêu hiếu kỳ cũng đang góp phần).

    Có ý kiến “Văn Việt không làm Chính trị” nên tôi xin nói rõ thêm về quan hệ giữa Văn học và Chính trị. Đúng, nhà văn không làm Chính trị, nhưng nhà văn phải gắn bó máu thịt với cuộc sống, với xã hội, với con người. Một khi cái Chính trị hiện hành của chế độ CS toàn trị đã bao phủ và chi phối xã hội và con người đến tận hàng cùng ngõ hẻm, đến mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần, cả Văn hóa, Văn học, thì không ai thoát khỏi Chính trị đâu.
Một trí thức, một nhà văn mà tuyên bố xa lánh chính trị thì chính là một sự lựa chọn chính trị, là hữu ý hoặc vô tình giúp cho cái Chính trị hiện hành được tự do tiếp tục kiềm tỏa mọi mặt của xã hội. Trí thức mà xa lánh Chính trị chính là đầu hàng Chính trị, ủng hộ cái Chính trị hiện hành một cách giấu mặt mà thôi. Ngay nhu cầu của chúng ta ở đây phải hình thành một Văn đoàn độc lập cũng không tách khỏi ý nghĩa chính tri và xã hội mà toàn dân mong đợi (ĐCS nhạy cảm biết ngay ý nghĩa chính trị ấy nên ít nhiều đã gây khó khăn và ngăn cản. Số đông anh em cảm thấy ý nghĩa chính trị ấy nên đã tấp nập tham gia). Tôi nói Văn đoàn và các nhà văn không thể tách rời thực tiễn Chính trị và ý thức Chính trị chứ không nói nhà văn phải là CÔNG CỤ chính trị của ai cả, nhà văn chỉ thực hiện “mệnh lệnh” từ trái tim và khối óc của chính mình mà thôi.

   Chẳng những thế, nhà văn còn phải tỉnh táo để không vô tình biến thành công cụ của một ý đồ chính trị đen tối nào đó, đang muốn lợi dụng sự tranh luận và phân ly ý kiến của chúng ta hiện nay để triệt phá xu hướng hình thành các tổ chức Xã hội dân sự mà nhà cầm quyền không muốn. Mặt khác, bên ngoài công việc văn chương, mỗi nhà văn cũng như hội nhóm nhà văn cũng là những công dân, phải thực hiện vai trò công dân của mình trong xã hội, tham gia các hoạt động yêu nước và dân chủ tùy theo điều kiện của mình (việc này Văn đoàn ta đã tham gia khá tốt). Tất cả các mặt ấy đều có liên hệ với nhau, và ranh giới giữa chúng có thể chỉ như một sợi tóc, tất cả đều bắt nguồn từ nhận thức, từ trái tim của mỗi người trí thức mà xã hội có thể dễ dàng nhận ra và đánh giá được. Nếu giới trí thức tự coi mình là “thanh cao”, không thèm quan tâm đến các chuyện “chính trị bẩn thỉu” thì đấy chính là món quà tốt đẹp nhất mà các thế lực chính trị tồi tệ mong muốn, họ chỉ mong có thế ! Đã đành trong Chính trị có thể và phải dùng những thủ đoạn, nhưng về mục đích thì có cái Chính trị nhơ bẩn và có Chính trị chân chính-ưu việt, không phải mọi thứ Chính trị đều là bẩn thỉu.

  Trong tinh thần cởi mở và xây dựng, tôi đã nói hết ý mình, đã chứng minh cái thể trạng “Cải lương” của Văn Việt qua hai chủ đề: Loạt bài về chủ đề “Thoát Trung là thoát bằng Văn hóa” và chủ đề về Phan Châu Trinh.
- Về chuyện Thoát Trung bằng Văn hóa.
Thoát Trung là thoát một nạn Ngoại xâm, không có nền Văn hóa nào lại chấp nhận Ngoại xâm cả, dù trong nước họ có cái bất bình đẳng “Quân Sư Phụ”, họ thờ vua của họ, họ phục tùng giáo chủ hay lãnh chúa của họ nhưng không phải vì thế mà họ cũng phục tùng và thờ ông vua của nước xâm lược!
Văn hóa tuy là yếu tố bao trùm, nhưng không phải hành động nào của con người cũng phù hợp với cái nền văn hóa vốn có của họ, có khi Văn hóa một đằng hành động một nẻo. Ví dụ ĐCSVN đã chống cái gọi là “văn hóa phong kiến, tức Văn hóa cổ truyền” ngay từ khi Việt minh nổi dậy (đốt sách vở chữ Nho, lấy Câu đối thờ ra làm cầu ao, chuồng lợn), nhưng rồi chính CSVN lại chui vào tay bành trướng của Tàu, đó là sự lựa chọn chính trị, không phải do Văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Chính TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, vì nhu cầu Chính trị của đảng đã đưa VN vào gọng kìm của Tàu ( NVL nói đi với Tàu có thể mất nước nhưng không mất Đảng), sự lựa chọn ấy không hề do nền Văn hóa cổ truyền mà hoàn toàn ngược lại. Vậy muốn Thoát Trung là phải thoát cái mưu đồ chính trị theo Tàu ấy chứ không phải thoát ly cái nền văn hóa “ đồng văn đồng chủng” với Tàu. Trong khi sứ thần Giang Văn Minh, anh hùng Trần Hưng Đạo rất trung thành với văn hóa Nho giáo Quân-Sư-Phụ nhưng lại chống Tàu kịch liệt. CS miến Bắc đốt hết sách Tứ thư ngũ kinh của Văn hóa cũ thì cuối cùng lại chui vào tay xâm lược Tàu, trong khi chính quyền miền Nam vẫn tôn trọng văn hóa Quân-Sư-Phụ với Tứ thư ngũ kinh lại quyết chống Tàu (cụ thể trận chiến Hoàng Sa 1974). Vậy nói chống xâm lược Tàu mà chĩa mũi nhọn vào Văn hóa, vào cái 4000 năm là chệch. Đáng lẽ sự chệch mũi dùi ấy phải do ĐCSVN khởi xướng mới đúng vì che lấp được sự lựa chọn chính trị của ĐCSVN kết với ĐCS Tàu.
Lúc đầu khởi xướng chủ đề “Thoát Trung là thoát bằng Văn hóa” rất chệch hướng như vậy cũng được (như một chiến thuật, chiến thuật có khi giả vờ, đánh lừa), nhưng sau đó để anh em bổ sung, như ý tôi vừa phân tích, để lái câu chuyện về trúng mục tiêu thì có phải tốt không, nhưng tôi gửi một bài bổ sung như vậy thì trang Bauxite đăng ngay chứ Văn Việt không đăng, Sai lầm hữu khuynh Cải lương chính ở chỗ ấy.

- Về Phan Châu Trinh:
Đề cao Phan Châu Trinh mà chỉ biết PCT như một nhà văn hóa, nhà giáo dục với 3 khẩu hiệu Khai dân trí-chấn dân khí-hậu dân sinh thì đấy chưa phải PCT!. Phải biết tư tưởng PCT và con đường cứu nước PCT khác hẳn tư tưởng và con đường cứu nước của Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành.
Theo PCT, muốn chữa bệnh mà chỉ nhăm nhăm chữa ngay triệu chứng chứ không tìm nguyên nhân thì là anh thợ vườn. Thấy bị nô lệ nên muốn đánh ngay “thằng” Mẫu quốc để giành độc lập như PBC và Nguyễn Tất Thành thì chỉ là chữa triệu chứng. PCT chỉ ra nguyên nhân là có sự chênh lệch lớn về tầm văn minh nên VN mới là nước lạc hậu-nhược tiểu. Yếu ớt mà muốn thắng ngay kẻ mạnh hơn mình gấp bội thì phải mượn sức của kẻ mạnh khác, xong việc thì kẻ mạnh ấy sẽ lại ngồi lên đầu mình, “nhân dân vẫn chỉ là cái lưng con ngựa, chỉ thay kẻ cưỡi mà thôi” (PCT). Con đường cứu nước PCT là hãy tạm gác chuyện đòi độc lập, tạm thời dựa vào yếu tố văn minh của kẻ Mẫu quốc và của thế giới văn minh để làm cho dân tộc mình mạnh lên, thay đổi được tầm văn minh để có sức mạnh tự thân mà giành lấy độc lập thì sự độc lập ấy mới là trường cửu (nhà thơ Thái Bá Tân đã có lần nhắc tới con đường cứu nước rất sáng suốt này của Phan Châu Trinh).
PBC về sau đã thấy chân lý ấy của PCT nhưng Nguyễn Tất Thành thì không thấy, cứ dựa vào sức mạnh của cường quốc Cộng sản là Nga và Tàu để giành độc lập (mà giành từ tay người VN chứ có giành từ tay Pháp hay Nhật đâu!) thì cái giá Bắc thuộc hiện nay là câu trả lời đau đớn. Nếu theo đường PCT thì HCM không còn chỗ đứng!

   Trong không khí cởi mở chân thành tôi say sưa nói hết tâm sự ấy, vừa ăn liên hoan vừa nói chuyện, quên cả phép lịch sự xã giao và không biết mình đang bị quay phim và ghi âm ( do các bạn Sương Quỳnh, Ngô Thị  Kim Cúc và Nguyễn Hữu Tuyến).
Sau những phát biểu thẳng thắn như vậy, tôi cũng lo không không biết có làm BBT Văn Việt mếch lòng hay không, nhưng rất mừng, thật rất mừng khi đọc thấy trên FB nhà văn Ngô Thị Kim Cúc viết “Đúng tác phong một nhà luận thuyết, anh Hà Sĩ Phu có cách giao tiếp đầy nồng nhiệt, tràn ngập năng lượng kết nối, hệt như khi anh sử dụng ngôn từ”. Rồi sau đó TS Hoàng Dũng cũng nói “ Ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, nhưng cần có thái độ tôn trọng nhau thôi, không thể miệt thị nhau một cách thiếu văn hóa”. Anh chị em trong BBT Văn Việt thật ân cần và gần gũi, tôi tán thành và cảm ơn thái độ ứng xử rất đúng mực đó. Sau đó tôi cũng gặp lại nhà báo Lê Phú Khải, góp ý với nhau rằng dù có ý kiến đúng cũng nên bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau mới có thể tranh luận được hiệu quả.
Xem như vậy thì mâu thuẫn có thể coi như “không đáng gì”, tại sao lại dẫn đến sự tức giận nhau đến mức phải phân ly? Và nếu chỉ do sự khác nhau đơn thuần về cảm hứng thơ phú thì cứ tự tách ra thành những nhóm nhỏ năm-bảy người thôi (như Tự-lực-văn-đoàn ngày trước), chẳng cần phải nặng lời. Và nếu chỉ do nhu cầu cảm thụ văn chương thì nhà nước này cũng chẳng ngăn cản làm gì đến mức phải lập hội riêng, dù văn chương kỳ quái gì cũng được, miễn là không uy hiếp vào quyền toàn trị độc tôn của đảng. Đó là những dấu hỏi khiến ta còn phải băn khoăn.
(Xin xem mấy hình ảnh tranh luận rất vui vẻ trong buổi gặp mặt- Ảnh trên FB Ngô Thị Kim Cúc)

 

 

Phần II- Mấy suy nghĩ vn._

1/ Có đáng phải phân ly, hay hãy học Thiên nhiên mà dung hợp?
Thực tiễn đáng tiếc là đã bất hòa và đã phân ly, và trường phái nào cũng cảm thấy sự tách rời nhau ra là cần thiết, là trước sau cũng phải xảy ra, đã không giống nhau thì tách nhau ra là thượng sách!? Tôi không nói tư duy ấy là sai, nhưng ý nghĩ ấy có thể là đúng chăng nữa thì cũng là đúng theo kiểu cổ, chỉ tìm thấy sức mạnh ở sự thuần nhất. Từ yêu cầu thuần nhất sẽ sinh độc tài, phủ nhật kẻ khác với mình, phủ nhận đối lập, và đó chính là nguồn gốc dẫn đến chủ thuyết Cộng sản. Trong trường hợp của chúng ta ở đây, tôi thấy bên nào cũng lên án bên kia là độc đoán kiểu CS đó thôi?

   Ngược lại với tư duy ấy là tư duy mới, tư duy hiện đại, tìm thấy sức mạnh ở sự không thuần nhất, ở sự phức tạp, thậm chí cả khi đối lập nhau. Tư duy mới tiến triển theo 3 thời kỳ: từ thuần nhất tiến tới buộc phải chấp nhận đối lập, rồi từ chỗ phải chấp nhận đối lập tiến tới tư duy tự thân cần có đối lập cạnh tranh để làm sức mạnh cho mình tồn tại.
Tự mình cần kẻ đối lập với mình chính là tư duy vượt thế kỷ mà Phan Châu Trinh đã “ngộ” ra cách đây một thế kỷ. Nếu theo đường Phan Châu Trinh ấy thì không thể theo con đường của Nguyễn Ái Quốc là con đường Cộng sản, là con đường cực đoan cổ lỗ, chỉ tìm sức mạnh ở sự thuần nhất và không chấp nhận đối lập, lại mượn sức mạnh từ ngoại bang. Trong khi chủ nghĩa CS đối lập nhà Tư sản với giới thợ thuyền, coi Tư sản như kẻ thù nên phải dùng đấu tranh giai cấp “một mất một còn” để đánh đổ, thì Phan Châu Trinh tìm con đường “Lao-Tư lưỡng lợi”, cả hai bên đối lập đều cùng nhau tồn tại để xã hội tiến lên, đó cũng chính là nền pháp trị theo “Quốc tế 2” của các nước Bắc Âu dẫn đầu văn minh thế giới hiện nay.

    Xem như vậy, cả hai trường phái đối lập nhau trong Văn đoàn Văn Việt hiện nay không nhất thiết phải phân ly nhau mới tồn tại, mà có thể dung hòa nếu có một nhãn quan hiện đại rộng mở. Xã hội con người phải mất nhiều nghìn năm mới tìm ra nguyên tắc “Dân chủ và Pháp trị” để dung hòa được các mặt đối lập, chứ cấu tạo của thế giới tự nhiên đã phú cho sự đa nguyên hợp tác ấy hình thành từ thượng cổ rồi: Cơ thể con người là sự chung sống tuyệt vời giữa các yếu tố “bẩn thỉu” nhất, đầy cặn bã phải đào thải với cái cao quý nhất, thiêng liêng nhất là trí tuệ cao siêu và tâm hồn thanh sạch nhất. Thiên nhiên đã phú cho cơ thể con người một cơ chế hài hòa ăn khớp nhau tuyệt vời giữa cái tưởng như bẩn thỉu nhất với cái thanh sạch nhất, dưới sự điều khiển thống nhất của hệ thần kinh.

   Trong thế giới tinh thần của mỗi con người cũng vậy, cũng có những góc đối lập nhau, ví như những căn phòng  chức năng rất khác nhau của một ngôi nhà: có chỗ dành để nấu ăn, có chỗ dành cho toilette, có chỗ dành để tiếp tân, có nơi thanh tịnh để ta thờ cúng hoặc nơi để nhà thơ thả hồn như trong một tháp ngà. Vậy thì trong một hội Văn nghệ sao lại không có những góc cho những tư duy thơ xuất thếnhập thế, tưởng như đối lập nhau nhưng thực ra đều là những phần không thể thiếu của một xã hội đương đại? Có chỗ cho Hoàng Hưng thì củng có chỗ cho Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải. Hội Văn hiện đại phải thừa sức dung nạp như thế. Nhưng đã ngồi chung một nhà thì phải nói với nhau thế nào có thể nghe được? Còn bó hẹp trong một sở thích văn chương thơ phú thì chỉ cẩn nhóm dăm ba người tương hợp là đủ.

  2/ Nội dung thơ và hình thái ngôn ngữ
Chúng ta đều dùng tiếng Việt, nhưng mỗi loại văn, thậm chí mỗi nhà văn có thể có ngôn ngữ riêng. Mỗi nội dung đòi hỏi một ngôn ngữ thích hợp nhất để tải nó, một cách tự nhiên.
+ Nhà văn có khả năng mở rộng trường thể hiện của ngôn ngữ.
Thơ Đường luật của Tàu thì quá gò bó, nhưng ca dao-tục ngữ của ta thì uyển chuyển, nói cho có vần và phối âm bằng trắc có thể diễn tả từ sự êm ái mượt mà đến sự vạch trần khốc liệt mà vẫn dễ nghe, dễ thuộc. Ngôn ngữ của tục ngữ-ca dao có thể mở rộng để bao phủ hết mọi cuộc thăng trầm của dân tộc này.

   Vạch trần khốc liệt nào bằng bài “Cướp” của Nguyễn Duy mà chỉ dùng kiểu Lục bát ca dao thôi, nên tôi gọi Nguyễn Duy là ông “vua Lục bát”:
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù


cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng


dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô


ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
(Nguyễn Duy)

Con trời (!) bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng


Con trời? Tài quá, thay chỗ Con cò để cũng bay lả bay la, để ru con ngủ như không có gì xảy ra, nhưng Con trời nghĩa là Thiên tử, là Vua đấy, Vua tập thể như một đàn cò, cò mồi ấy mà, cứ dập dìu bay lả bay la mà cướp hết ruộng hết vườn để làm cò mồi, chiếm đất của dân rồi trao hết cho các đại gia làm dự án kinh doanh và chia lãi! Vẫn mượt mà ca dao quá, mà tố cáo được cái “tổ chức cướp cả đêm lẫn ngày” ( từ sự cướp chính quyền năm Ất Dậu), như vậy thì “Chính trị” quá rồi còn gì? Đây là ví dụ điển hình trả lời câu hỏi Văn thơ có dính líu đến Chính trị hay không? Hình thức cũ có diễn được tư duy mới hay không?
Giá trị thơ phú vẫn cốt ở nội dung, nội dung tầm thường thì cái vỏ ngôn ngữ dù có trau truốt cầu kỳ cũng là vô nghĩa. Tất nhiên việc tìm tòi một ngôn ngữ mới, một màu sắc mới cũng là chức năng sáng tạo của Văn học, nhưng trong thí nghiệm để khám phá, để thử sức thì những lời bình phẩm đa chiều chính là thước đo khách quan.

  + Phan Đắc Lữ vốn thân quý nhà thơ Kinh Bắc Hoàng Cầm nên cũng lả lướt cánh cò ca dao thôi:
                        Còn quê từ thuở lên mười
                Mất quê từ thuở làm người giữ quê!
Nhưng sao ngược đời thế nhỉ? Theo Đảng giữ quê nên mới mất quê, sao lạ kỳ vậy? QUÊ ở đây không chỉ là đồng ruộng của dân oan bị cướp mà chính là non sông nước Việt. Không có Cộng Sản thì nước Việt đã ở trong tay người Việt rồi, làm sao phải cướp lấy để giữ (bảo Trần Trọng Kim thân Nhật!) mà giang sơn bị CS giữ sổ đỏ nên sau chiến tranh CS Tàu mới xiết nợ, cái món nợ mà CS Việt Nam phải vay để có sức đánh Tây, Tây trở lại được vì VN đã thành CS! Giữ nước bằng cách nhờ vả cái “đại gia đình lừa đảo XHCN” thì sẽ mất nước, đang mất nước. Dại dột tin vào tình nghĩa “anh cả Liên xô, chị hiền Trung quốc” để giữ nước thí mất nước là “đáng kiếp”, không oan. Cái lô-gich chính trị oái oăm gần một thế kỷ ấy được nhà thơ diễn đạt bằng giọng ca dao rất hiền lành, bình cũ mà rượu mạnh thật mới. Hỏi Văn học có liên quan đến Chính trị không?

+ Không thể không nhắc đến Thái Bá Tân, nhà thơ 5 chữ cổ điển (ngày còn bé tôi có học “Ấu học ngũ ngôn thi” chữ Nho, loại thơ 5 chữ cho trẻ con). Bình quá cũ mà rượu quá mới, đến mức dạy người ta phải biết “Địt mẹ Tòa” (!), bởi cái Tòa ấy ngồi xổm lên pháp luật chân chính, chỉ phục vụ và bợ đít kẻ cầm quyền. Âm rất tục mà Tâm rất thanh (Bộ máy tư pháp ấy, Đáng chửi gấp nghìn lần, Chỉ giỏi nâng bi đảng, Gây oan ức cho dân, Đừng nhắc đến công lý, Với tòa án nước ta, Tôi, bị đem ra xử, Cũng nói:”Địt mẹ tòa!”). Lời văng tục , rất tục giữa chốn công đường có cả Quốc huy như thế mà được coi là “bản Tuyên ngôn vĩ đại”, là “lời thơ đẹp nhất” của nhân dân! Mượn ngôn ngữ thơ rất cũ mà chuyển tải cái tư duy Dân quyền hiện đại nhất thời nay. Trong khi có những bài thơ mượn hình thức ngôn ngữ tân kỳ nhất lại không dám làm, và không làm được những điều lớn lao ấy.

+ Tôi cũng lại mạn phép được thú nhận cái tội rất chính trị của mình (HSP) qua cái thói hay làm Câu đối Tết, một hình thức Văn học quá “cổ lỗ” đến mức hiện nay chẳng mấy nhà thơ còn dùng.
Năm ấy vừa xảy ra vụ án Đoàn Văn Vươn Hải phòng, đại tá công an Đỗ Hữu Ca đã ca ngợi trận đánh dân oan của liên quân Công an-Quân đội và chó Berger rằng đó là “trận đánh đẹp đáng ghi vào sử sách”. Tôi nhại lời Hữu Ca để ra một vế thách đối:
* Đánh cho Dân tộc tan hoang, trận đánh đẹp phải ghi vào Lịch sử! (ĐCSVN chỉ có một chiến công lớn nhất là đánh cho tan hoang Dân tộc VN, cái điều mà 1000 năm Bắc thuộc và 80 năm Pháp thuộc không làm được).
Mấy hôm sau trên Dân làm báo có vế đối lại:
* Tiêu (chết) vì chiêu bài giải phóng, lính đánh thuê sao gọi đấy Anh hùng? (chết vì coi sự thắng lợi của CS, một kẻ lạc hậu hơn, dã man hơn, là cuộc Giải phóng miền Nam! Chủ nghĩa CS đã là sai lầm, là tai họa cho đất nước thì những người bị lừa, tin vào con đường ảo tưởng mà hy sinh thân mình để giúp cho ĐCS được lên ngôi báu trị dân, thì đó là những cái chết oan uổng, khác gì cái chết của những lính đánh thuê, sao gọi là những Anh hùng được?). Cả cuộc chiến 20 năm, và lịch sử ngót một thế kỷ được tóm lại như thế.

Lại đến cái Tết Con Chó (Mậu Tuất 2018), nhân đi dạo công viên hoa Đà Lạt, thấy có nhiều hoa màu sắc sang trọng, nhiều hoa do lai tạo mà có, Đà Lạt thật xứng danh là xứ sở của hoa, tôi bèn ra vế đối:
* Xứ này thành xứ của Hoa, Hoa cho sắc đã sang, Hoa được Trọng, Hoa càng cho sắc nữa! (Đúng như vậy chứ, xứ Đà Lạt này thành xứ sở của hoa, hoa đã cho những màu sắc sang trọng, nếu biết tôn trọng vẻ đẹp của hoa mà vun trồng, lai ghép thì hoa còn cho đời nhiều hương sắc hơn nữa!).
Nhưng ít lâu sau, có kẻ thóc mách bảo HSP định nói thế này: Xứ VN này thành xứ của Tàu (Hoa) rồi, tên Chó (cho sắc) người Hoa đã sang VN ( tức Tập Cận Bình) , tên chó Hoa đó mà vớ được anh Trọng thì nó còn Chó hơn nữa đấy!. Lời suy diễn dù rất “phản động” ấy, tôi cũng đành chịu, không cãi được, vì cái ngôn ngữ tiếng Việt rất đa nghĩa, ngôn ngữ câu đối xưa nay vốn ít chữ mà nhiều nghĩa, hiểu sao chẳng được? Tôi bị quy chính trị oan thế mà phải chịu.

3/ Chân lý là c thể
Khi học triết học, tôi chú ý nhất đến lời dạy: Chân lý là cụ thể! Đáng chú ý bởi đó là lời nói ngược: Chân lý thực ra không phải là cái Cụ thể! Chân lý là các quy luật chung, là cái Trừu tượng, do óc tổng hợp của con người khái quát ra, đúc kết ra từ muôn vàn hiện tượng cụ thể. Nhưng muốn hiểu và vận dụng quy luật chung trừu tượng ấy một cách đúng đắn lại phải đặt nó trở lại thực tế, vào những điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, đó là mối quan hệ thuận nghịch giữa Chân lý và Thực tiễn. Tất cả những giá trị cao quý của Văn học mà nhà văn ôm ấp sẽ là vô nghĩa nếu không sống trực tiếp với thời đại cụ thể của mình, hoàn cảnh cụ thể của dân tộc mình, giải quyết những vấn đề cụ thể của mình và của đất nước mình!

 Hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta đang như thế nào, có phải đang thời kỳ thái bình thịnh trị như tuyên truyền không, các thi sĩ VN đã có thể sống ung dung an lạc trong tháp ngà cá nhân như ở các nước Âu Mỹ đã văn minh không, hay tất cả đang sống trong một thời kỳ biến động, loạn ly, tiềm ẩn những tai họa có tính diệt vong?
Văn học và Nhà văn không thể có giá trị vĩnh cửu nào hết nếu không đằm mình trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể ấy. Tôi tin Văn đoàn Văn Việt khi thành lập đã mang được trong mình ý thức ấy, trách nhiệm ấy. Đó là cơ sở để tôi tin vào khả năng hóa giải mọi điều còn khuyết, còn nhược, còn phân ly. Bởi trước một vận mệnh đất nước đang chênh vênh như thế thì mọi việc khác đều là chuyện nhỏ. Trí thức, văn nghệ sĩ phải đoàn kết lại, thành sức mạnh góp phần làm chuyển hóa tỉnh hình. Trong lời bàn chung tôi và GS Nguyễn Huệ Chi cứ ước mong các trí thức hãy tìm những điểm tương đồng để làm những phép CỘNG, cộng ngày càng nhiều, chớ khai thác những dị biệt để làm những phép TRỪ, cũng là bởi một tâm tư như thế.

     Khi học chương trình “Giải phẫu nhân thể” trong trường Đại học, tôi càng nghiệm ra rằng: Trong cơ thể con người, trái tim thánh thiện và khúc ruột già chứa cặn bã thối tha cũng chỉ cách nhau chưa đầy nửa mét, mà đoạn nối hai thái cực này cũng toàn là xương cốt và máu thịt cả thôi. Sự sống thực hiện sự liên kết- phối hợp đa nguyên một cách thần kỳ.

   Lại nữa, ở con người, nơi để nói và nơi để nghe, tai và miệng chỉ cách nhau gang tấc, mà sự phối hợp cho thật đúng con người cũng rất gian nan. Làm sao để nói thì nói đúng tiếng lòng của mình, nhưng nghe thì sao được thật tinh, nghe thấu lời người khác, nhất là những lời khác mình, không mấy thuận tai. Có thế nhân quần mới thành sức mạnh.

  Trót học ngành Sinh học nên như bệnh nghề nghiệp, tôi cứ suy nghĩ lan man, quanh cái cơ thể vô duyên của mình, toàn chuyện nực cười như vậy.

H.S.P. (6/8/2019)

https://boxitvn.blogspot.com › nghi-gi-sau-su-phan-ly-trong-van-oan


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ