LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Ngẫm nghĩ sau bài viết của Nguyễn Đắc Xuân

Hà Sĩ Phu

Vụ 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo tu học tại Tu viện Bát Nhã bị hàng trăm kẻ lạ mặt dùng hung khí tấn công, đả thương, sỉ nhục, văng những vật bẩn thỉu vào người, phá phách tu viện trong suốt gần 4 tháng nay, rồi cuối cùng bị đẩy từ trong nhà ra ngoài đường giữa trời mưa bão... đã gây chấn động lương tâm. Lương tâm người bình thường đều muốn có một hành động thiết thực nào đó giúp người đồng loại qua cơn hoạn nạn!

Tuy vậy, không ai có thể tỏ thái độ bênh vực, ủng hộ, khi không biết đầu đuôi câu chuyện, ai phải ai trái ra sao, trong khi vụ tranh chấp này có nhiều uẩn khúc với nhiều thông tin trái ngược. “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Bài Những bạo hành ở Tu viện Bát Nhã xin giải thích giùm tôi của ông Nguyễn Đắc Xuân trên trang mạng Bauxitevietnam đã xuất hiện đúng lúc, đáp ứng một cách cơ bản điều băn khoăn lớn nhất của tất cả mọi nguời, như một người đột ngột vén tấm màn để khán giả nhìn thấy rõ rệt hậu trường sân khấu.

Đọc bài ấy, một người bán tín bán nghi cũng nhận ra những thông tin của phía Nhà nước, cũng như những thông tin của TT Thích Đức Nghi, phần lớn là không đúng sự thật, là thiên vị. Còn phía các tu sinh theo môn phái Làng Mai là phía kẻ yếu (xét về lực lượng) bị dồn ép, bị mất mát, bị chịu đựng. Nhà nước không phải là người đứng giữa quan sát, canh chừng, mà đã nghiêng về một bên và đã ngầm can thiệp.

Độ tin cậy của bài viết có được chẳng những do các tình tiết rất cụ thể, như một cuốn phim tài liệu, có tính chất nhân chứng, mà chính ở đoạn chú thích về nhân thân tác giả.

Tôi tưởng tượng, khi viết những sự thực bất lợi cho phía đảng cầm quyền mà mình là một đảng viên, ông Nguyễn Đắc Xuân phải trăn trở lắm. Việc khai rõ nhân thân với thành tích nọ thành tích kia chẳng phải để khoe, vì khoe như vậy thì cả hai phía đều không ưa gì. Phía Đảng không ưa vì nói lên sự thật mà Đảng không muốn lộ ra, phía ghét Đảng đương nhiên chẳng yêu gì cái quá khứ ấy của ông. Nhưng chính điều bất lợi cho ông Nguyễn Đắc Xuân này đã làm nên độ tin cậy của bài viết. Ông đã dám “vượt qua mình” để tiến về Lẽ phải, tiến về phía Nhân ái, về phía bao dung, hòa hợp.

Tôi tin sự dũng cảm và mở lòng sẽ biến chính sự bất lợi thành ưu thế, điểm yếu thành điểm mạnh, biến điều đáng ghét thành đáng tin. Tin rằng sau bài viết này của tác giả, số người ký tên vào bức Thư Thỉnh nguyện sẽ tăng lên nhiều, trong đó hẳn có nhiều người xưa nay không có thiện cảm với nhau, thậm chí thuộc hai bên chiến tuyến nữa.

Có thể vẫn còn những nghi ngại, ngờ vực, nhưng với những ai có tấm lòng thành xin hãy tin rằng “Sự thành tâm là cách tốt nhất khiến mọi dối trá phải lộ mặt”!

Những chân lý lớn, công ích lớn như lòng YÊU NƯỚC chống ngoại xâm, lòng NHÂN ÁI chống ác tâm vị kỷ chính là nơi biến đổi con người, hóa giải những tị hiềm ngăn cách mà bình thường không giải quyết được. Nhiều bất ngờ tin chắc sẽ còn tiếp diễn. “Kiến nghị dừng khai thác Bô xít Tây nguyên” đã là một ví dụ rất thuyết phục, việc ký "Thư Thỉnh nguyện" lần này có thể là ví dụ tiếp theo. Chỉ tiếc rằng Giáo hội PGVN chưa có tiếng nói chính thức, xứng với tầm và truyền thống của một đạo từ bi cứu khổ cứu nạn.

"Thư Thỉnh nguyện" chỉ là tiếng nói thân ái, tiếng nói pháp lý tối thiểu để cứu nạn bước đầu, nhằm giúp 400 tu sinh có nơi ăn ở tạm yên và tu tập tạm thời, không thể bắt họ về quê và bỏ nguyện vọng tu hành của họ!

Khi đã có mặt bằng nhân đạo tối thiểu rồi, sẽ cần có những bước giải quyết tiếp theo, cơ bản hơn, những phân xử đầy đủ và chính xác hơn, sẽ bàn sâu hơn về Hiến pháp và Pháp luật, về các quyền của con người và quyền công dân. Bước thứ hai này mới thực sự gay go, đòi hỏi tâm trí sáng suốt và quyết liệt để rạch ròi mọi chuyện. Đòi hỏi giải quyết tận gốc ngay tức khắc một vấn đề phức tạp như thế chắc là rất khó.

Những sự cố và những diễn biến gần đây hiện rõ một nhu cầu lớn nhất, bức thiết nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước và phát triển xã hội là Đoàn kết những lực lượng dân tộc. Trong khi đó dân tộc thì phân liệt và lòng người thì ly tán lại là vấn nạn đáng lo ngại nhất mà giai đoạn lịch sử đau thương để lại. Để giải quyết nan đề này không gì bằng gắng sức xây dựng một xã hội dân sự (xã hội công dân) lành mạnh rộng khắp.

Xây dựng một xã hội dân sự khác nào bắc một cây cầu nối hai bờ một dòng sông ngăn cách, mỗi nhịp cầu, dù gần bờ bên này hay gần bờ bên kia đều là một thành phần quý giá, thiếu nó cây cầu sẽ đứt đoạn. Những người cố thủ, lo ngại “tự diễn biến”, lo bị tấn công, rất sợ sự bắc cầu này.

 

Việc ký "Thư Thỉnh nguyện" thật chẳng phải một hành động chính trị gì, chỉ là cử chỉ nghĩa hiệp cứu người cứu nạn. Cứu người rất cần sự dũng cảm, và trong lĩnh vực công ích này cứu người nhiều khi cũng là cứu mình.

Sự dấn thân vì sự nghiệp chung, sự nghiệp của lòng YÊU NƯỚC và lòng NHÂN ÁI, đã khiến nhiều nhân vật đang bị lu mờ, đáng chán, đáng ăn năn, lại có thể tìm thấy mình trong dòng chảy của dân tộc.

Đà Lạt 9-10-2009

HSP

  


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ