LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Bài Viết Mới


Hà Sĩ Phu trả lời phỏng vấn của Talawas

 

1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?

 Thực ra “hệ trọng nhất” thì chỉ có một vấn đề  (các điều hệ trọng khác đều ở cấp độ nhỏ hơn và phụ thuộc vào điều “hệ trọng nhất” này).

Đó là: ĐCS kiên quyết sử dụng ảo tưởng Mác-Lê và giáo lý chính trị phản tiến hóa (tức phản động) trong chủ nghĩa không tưởng ấy làm bình phong bảo vệ cho vai trò độc tôn, cho những đặc quyền đặc lợi, cho sự tích lũy tư bản của tập đoàn, trong một xã hội đang tư bản hóa và hoang dã hóa mãnh liệt, không gì kiềm chế nổi. Các đối trọng vốn đã bị triệt tiêu nay mới đang trăn trở hồi sinh.

 

     Từ đó sinh ra 5 vấn đề thực tế hệ trọng nhỏ hơn là:

1/ Đất nước chưa có quyền tự do báo chí và tự do lập hội.

2/ Chính phủ, quân đội, công an, và các tổ chức dân sự hiện nay đều có tính chất “giả hình”, không thật đúng với danh hiệu, vì thực chất đều là công cụ, là cánh tay nối dài của Đảng.Xã hội quyền lực song trùng, hệt như thời vua Lê chúa Trịnh mà nạn Kiêu binh phù nhà Chúa là nạn Công an.

 3/ Về Sở hữu: Dân không có quyền sở hữu trên mảnh đất mình ở, khác gì kẻ lưu vong trên chính quê hương mình, có thể bị đẩy đi bất cứ khi nào khi bị yêu cầu? Quyền sở hữu toàn mảnh đất hình chũ S bao la, tuy gọi là của “toàn dân” thực chất nằm trong tay những kẻ chiếm hữu quyền lực, như quyền của Hoàng triều đối với xã tắc vậy.

4/ Hiến pháp và Luật pháp hiện nay vẫn là Hiến pháp và Luật pháp của một xã hội Đảng trị độc quyền và tùy tiện.

5/ Đất nước không thanh bình. Nạn Bắc thuộc đang khẩn trương đe dọa.Đời sống vật chất và tinh thần của mọi người lao động (gồm cả công, nông và trí thức) vốn đã thấp lại tiềm tàng những bất ổn do giả cả không ngừng đi lên, đạo đức xã hội không ngừng đi xuống, văn hóa kỹ trị lai căng, thú tính lan tràn.

 

2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?

Câu này tất nhiên nói để mà chơi: Trong 24 tiếng có quyền tuyệt đối, “trẫm” sẽ cởi trói, tháo gông ngay cho toàn xã hội, gồm 2 việc: một là long trọng tiễn đưa thiết chế “Bộ Chính trị” theo gương Thánh Gióng về “vui thú điền viên” như Chủ tích NMT mong mỏi, hai là tháo “vòng KIM CÔ Mác xít chuyên chính” cho Quân đội và Công an, để hai lực lượng vũ trang ăn cơm của dân này này yên tâm chỉ trung thành phục vụ Tổ quốc và Nhân dân.

Sau 24 giờ đó, tất nhiên đương sự cũng về vui thú điền viên, nhưng lúc ấy có thể yên tâm rằng mọi việc đổi mới khác sẽ được tiếp tục, những người yêu nước yêu dân sẽ không còn bị kết tội, chỉ còn lo mình không đủ tài năng.

                                                                                                  

3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.

- 2010 : 5 vấn đề hệ trọng nói trên còn nguyên, đang có nguy cơ để Tổng Bí thư của Đảng được hợp thức hóa kiêm luôn Chủ tịch nước, để Bộ Chính trị trực tiếp nắm luôn cơ quan hành pháp, như mấy người nhẹ dạ mong muốn (đáng lẽ phải để dân bầu/ hoặc Quốc hội bầu/ Chủ tịch nước trước, một cách dân chủ, rồi nếu Đảng muốn cử người ấy làm TBT thì đấy là việc của Đảng sẽ làm sau !).

- 2020 : Những yếu tố tiến bộ trong xã hội tiếp tục phát triển, trong khi yếu tố độc quyền yếu dần, nên mâu thuẫn càng mạnh, ở tương quan giằng co. Mối tương quan với Trung quốc cũng vậy.

- 2030 : Con cháu của những người Cộng sản nắm quyền cao đã thành tư sản hết, nắm những yết hầu kinh tế, Đảng sẽ công khai chấp nhận thể chế tự do tư sản, tự do cạnh tranh như mọi nước khác, và tuyên bố đây là thắng lợi của cách mạng vô sản. Tất cả những nhà tư sản lớn ấy đều là “vô sản” chân chính cả, vẫn đầy tự hào, không có gì phải xấu hổ. Ai còn đem luận điểm Mác-Lê ngày trước ra mà kêu ca, mà tranh đấu chống những nhà “vô sản-tư bản” bóc lột cỡ bự này lại bị quy là phản động. Con đường lộn vòng 180 độ này chính là thành tựu của thiên đường Cộng sản đậm đà bản sắc Việt Nam. Nếu không có gì đột biến (tốt hơn hoặc xấu hơn) thì xác suất khả năng này là lớn nhất.

   

                                                                                            Hà Sĩ Phu

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ