LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Người Sĩ phu cuối cùng chăng ?


Nguyễn Hữu Tấn Đức

Trong những nhà bất đồng chính kiến Việt nam mà số lượng không quá mười đầu
ngón tay, ông Nguyễn Xuân Tụ, biệt danh là Hà Sỹ Phu, sáng lên một sắc thái riêng.
Chính cái bút danh đã cho thấy tính cách người trí thức trác tuyệt khi ông tự hỏi : “Sĩ phu là như thế nào đây ?” (và đây là ý nghĩa văn học của bút danh này).
Sinh ngày 22 tháng 4 năm 1940 tại Bắc ninh, Bắc Việt nam, Hà Sĩ Phu xuất thân là nhà Sinh học, nhận bằng Tiến sĩ ở Tiệp khắc. Về nước ông dốc lòng nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Việt nam, rồi làm Phó giám đốc phân viện Khoa học Đà lạt.
Đã từng được khuyến dụ gia nhập Đảng Cộng sản. Nhưng rồi ông không còn hứng thú, buồn phiền và về hưu sớm.
Rời bỏ công việc nghiên cứu khoa học, HSP chuyển sang nghiên cứu, phân tích những vấn đề chính trị-xã hội. Tháng 9 năm 1988 ông viết bài nghị luận đầu tiên : “Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ”. Bài viết 10 trang này, được lan truyền trong một số bạn bè, đã mổ xẻ một cách hệ thống Chủ nghĩa Xã hội như nó đã được thực thi dưới chế độ Cộng sản và đã gây ra vô số những nghịch lý. Bản luận văn lên tới Bộ Chính trị và một cơn sốc đã đụng chạm đến các nhà lãnh đạo đảng CSVN.
Đó làmột sự phản kháng. Vì đối với mọi trí thức sống dưới chế độ Cộng sản thì lời kêu gọi ấy đã có một sức công phá ghê gớm: nó chính là sự chống lại tất cả những khẩu hiệu vẫn nhai đi nhai lại, tất cả những tín điều uy nghiêm, những bài vở vẫn phải thuộc lòng, tóm lại là chống lại “tư tưởng độc tôn”. Bài nghị luận thực tế đã được bung ra bởi một lời kêu gọi nghiêm túc như một khẩu hiệu :”Hãy để cho Trí tuệ được vài phút hoàn toàn tự do”!
Lời lẽ ấy đã trích thẳng vào Bộ Chính trị, và cả bộ máy quyền lực nhất tề chống lại. Bởi ai lại chẳng hiểu rằng “ vài phút hoàn toàn tự do” có nghĩa là “tự do vĩnh viễn”. Chỉ cần mở cửa lồng ra một phút thôi là con chim sẽ thảnh thơi tung cánh, bởi vương quốc của nó là cả bầu trời vô giới hạn.
*
“ Vậy nên tôi nghĩa rằng, là một người Việt nam có giáo dục, có văn hóa, không ai có thể cho phép mình tảng lờ (trước những vấn đề của đất nước), dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của Ý thức, trách nhiệm và Trí tuệ!”
Phải có đủ sự dũng cảm tối thiểu để nói ra những lời như thế ở Việt nam ngay từ những năm cuối của thập kỷ 80. Từ đó, không thiếu những tiếng nói phê phán, đứng lên chống lại những sai lầm và lộng quyền của chế độ : rất nhiều cán bộ, đảng viên đồng ý với HSP, ít nhất là trong chỗ riêng tư, nhưng mấy ai dám nói công khai những điều trong lòng mình suy nghĩ?
Chính quyền đã huy động những lý luận gia dày dạn nhất của họ (trong đó có triết gia Mác xít nổi tiếng về thuyết Hiện tượng học Trần Đức Thảo, vị này lúc ấy nên im lặng thì hơn), và trong khoảng hai năm liền, không dưới 30 bài chỉ trích đã xuất hiện trên các phương tiện chính thống, tập trung đả kích một bài tiểu luận và tác giả của nó.
Song tác giả ấy không những không nao núng mà càng đóng chặt cái đinh cho nó sâu thêm nữa bằng hai tiểu luận khác quyết liệt hơn. Đó là bài “Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (1993) và “Chia tay Ý thức hệ” (1995).
Tháng 12 năm 1995, HSP bị bắt trong khi đang đi thăm gia đình ở Hà nội. Ông đang đạp xe đạp thì Công an tạo ra một vụ tông xe để cướp chiếc túi xách của ông. Ít ngày sau ông bị quy tội “chiếm đoạt bí mật nhà nước” (ông chỉ có bản sao một bức thư
cổ xúy tinh thần đổi mới của thủ tướng Võ văn Kiệt gửi Bộ chính trị, do một người bất đồng chính kiến khác đưa cho). Nhà cầm quyền giam ông 8 tháng không xét xử, và đến ngày 22 / 8/ 1996 mới có một phiên xét xử bí mật trong nửa ngày để kết án ông một năm tù giam. Ngày 6/ 12/ 1996 với sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế ông được thả.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, HSP biểu lộ tinh thần tiếp tục tìm kiếm sự thật và công lý để thúc đẩy nền tự do dân chủ cho Việt nam. Nhà cầm quyền trả lời bằng những thủ đoạn quấy nhiễu như cắt điện thoại, tra hỏi, bao vây kinh tế : HSP không được nhận mọi sự phong tặng hay tiền nhuận bút.
Không bẻ gẫy được ý chí phản kháng của con người bất khuất, người ta thiết lập một vòng đai an ninh quanh nhà ông, khách đến thăm thường bị kiểm soát. Từ tháng 4 năm 1997 chính quyền lại cấm HSP và những người bất đồng chính kiến khác không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là với các nhà báo nước ngoài. Trong bức thư ngỏ gửi Quốc hội ngày 10/4/1997, cùng với những người bất đồng chính kiến khác, HSP đã công khai phản đối sự đối xử ấy như sau:
“ Khi Hiến pháp nước ta đã khảng định Công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thì có nghĩa rằng người dân có quyền viết lên, nói lên mọi suy nghĩ riêng của mình ! ”.
*
Mặc dù không bị kết án về tội gì, HSP vẫn bị chỉ định nơi cư trú, dựa vào điều khoản của một Nghị định : Nghị định 31/CP cho quyền được quấy rối, tra hỏi, cách ly, cô lập kinh tế đối với bất cứ ai chỉ vì bị nghi ngờ chứ không cần xét xử.. Từ 12/5/2000
HSP bị chỉ định nơi cư trú và bị Công an Lâm đồng giám sát, với nguy cơ có thể bị buộc tội phản quốc theo điều 72 luật Hình sự việt nam. Nếu bị ra tòa và kết tội, hình phạt có thể từ 7 năm tù đến tử hình. Cuối năm 2000 một luồng dư luận xôn xao từ giới gần gũi với nhà cầm quyền cho biết họ đã đi quá xa trong việc đe dọa và đàn áp, nhưng họ đã khôn khéo rút lui sao cho không bị mất mặt...Đầu tháng 2/2001 nhà cầm quyền đã kín đáo kết thúc điều tra nhưng vẫn tiếp tục chống lại nhà trí thức bất khuất.
Lại quản chế, không cho tự do đi lại và giao tiếp với thế giới bên ngoài.
*
Chế độ toàn trị không thể chịu đựng được những phân tích và phê phán của HSP vì
nhiều lẽ, như :
a/ Những phân tích ấy tỏ rõ sự khinh thường ý thức hệ Mác Lê và “tư tưởng HCM”.
b/ Sự phê phán ấy đã dựa trên những lập luận đanh thép, vô cùng khoa học.
c/ Đã diễn đạt bằng một ngôn ngữ mới mẻ với những từ ngữ chính xác, phá tan lớp váng hào nhoáng của những bài diễn thuyết chính trị truyền thống và những khẩu hiệu cách mạng quen thuộc.
d/ Sự suy lý gay gắt và khô khan cũng không dấu được niềm xác tín chân thành của một trái tim lương thiện, yêu nước nồng nàn và chịu đựng những khổ đau của đất nước.
e/ Với sự minh mẫn, ôn hòa và chân tình, HSP không gây chút liên tưởng gì đến những hoạt động chống Cộng cực đoan mà trong đó thường thiên về chửi bới và đấu tranh nôn nóng hơn là những suy nghĩ căn bản ...

Trong niềm quý trọng về Trí tuệ tổng hợp và lòng dũng cảm của Hà Sĩ Phu, ta không thể không nhìn nhận một cách chua chát rằng : Ở Việt nam hiện nay, khó có mấy ai dám như ông, đặt lại vấn đề tận gốc đối với một chế độ toàn trị, và đón nhận sự trả giá.
Thuộc thế hệ lục thập này (ở người Việt nam bình thường, tuổi này có thể coi là “trẻ”) HSP vẫn còn nhiều điều để sợ, để mất chứ, nếu không là về sinh mạng thì cũng là về nghề nghiệp làm ăn.
Nhà lý luận của chúng ta cũng ít người sánh được. Ngoài những người bạn trong “Nhóm Đà lạt” của ông như nhà thơ Bùi Minh Quốc, cây bút Mai Thái Lĩnh, nhà văn Bảo Cự ra thì trong thế hệ “trẻ” này, ta chỉ có thể kể đến hai tên tuổi nổi bật khác là nhà địa vật lý kiêm lý luận Nguyễn Thanh Giang (65 tuổi) và nữ văn sĩ Dương Thu Hương (khoảng ngũ thập, hẳn được coi là “con cưng”), cả hai đều nổi tiếng ở ngoài nước.
Cho đến tận những năm sau cùng bây giờ (6 / 2001) thì phải công nhận một điều rằng độ tuổi của những người đối lập, bất đồng chính kiến, vẫn như một hằng số; hình như sự sáng suốt và can đảm chỉ có được khi tuổi đời đã đến độ không còn sợ mất sự an ninh hay mất các tiện nghi nữa. Những đảng viên ly khai như Nguyễn văn Trấn (đã
mất năm 1998) , Nguyễn Hộ, Trần Độ, những nhà tôn giáo như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, cha Chân Tín... đều đã hoặc đang ở tuổi thất thập, bát thập rồi. (Ta kể những tên tuổi này chỉ là để chứng minh cho nhận xét trên, chứ không hề đánh giá thấp lòng can đảm và vai trò của các vị ấy).
Do phẩm chất hiếm có về con người cũng như tác phẩm, HSP là một vốn quý, làm vinh dự cho truyền thống những người cầm bút, trí thức Việt nam. Ông vẫn không ngừng trả giá nặng nề để tiếp tục làm người tự do.

Nguyễn Hữu Tấn Đức 6/2001 (đồng sáng lập viên tạp chí Tin nhà)


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ