LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Bùi Minh Quốc

Tin Liên Quan


1/21/2002
2480

Tin Việt Nam

CSVN Lại Quản Chế 2 Năm Nhà Thơ Bùi Minh Quốc

HANOI (BBC) - Các tường trình từ VN cho biết nhà nước CSVN đã chính thức quản chế tại gia một nhà bất đồng chính kiến.

Người này là Bùi Minh Quốc, nhà báo và là nhà thơ, bị tố cáo lưu giữ nhiều tài liệu chống nhà nước, trong đó có cả tác phẩm của chính ông. Thân nhân trong gia đình nói là họ được báo là ông sẽ phải bị quản chế hai năm.

Bùi Minh Quốc đã bị án tương tự về quản chế tại gia từ 1997 tới 1999. Vì vụ đó, các chính phủ quốc tế và các nhóm nhân quyền đã đem hồ sơ của ông ra bênh vực.

Lần này, tin về cuộc quản chế mới này xảy ra một ngày sau khi CSVN bác bỏ các tin rằng tình hình nhân quyền VN suy sụp tệ hại hồi năm ngoái, chối là chỉ có người phạm pháp mới bị giam.

 

1/24/2002
2483

Tin Việt Nam

 

1 Nhà Thơ Bị Bắt Vì Tìm Hiểu Vụ Bán Đất Cho TQ

PARIS (Reuters) - Tổ chức tranh đấu cho tự do báo chí "Ký giả Không biên giới" (RSF) ở Paris hôm thứ tư 23-1 cho biết ông Bùi Minh Quốc đã bị nhà cầm quyền Cộng sản giam giữ tại nhà ở Đà Lạt ngày 12-1 sau khi bị bắt tại một nhà ga xe lửa ở ngoại thành Hà Nội ngày 8-1.

Đường phôn ở nhà ông đã bị cắt, công an canh gác nhà ông và gia đình bị canh chừng.

RSF cho biết ông Quốc đã bị Công an tra hỏi trong 3 ngày. Công an tịch thu của ông 300 tài liệu bị coi là "phản động" cùng những sổ tay và phim ảnh. Trước khi bị bắt giữ, ông đã gập các nhân vật phản kháng chế độ ở Hà Nội. Reuters không tiếp xúc được với giới chức trách Việt Nam để hỏi về vụ này.

RSF thuật lời một ký giả Việt Nam tị nạn ở Pháp cho biết vụ bắt giam ông Quốc có liên hệ đến việc ông tìm hiểu tình hình ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Vụ Hà Nội nhượng đất ở biên giới cho Trung Quốc đã gây ra những sự phê phán trong các giới ly khai đối kháng đảng. Quốc là một người trong nhóm ly khai ở Đà Lạt. Ông là một thi sĩ và là ký giả. Trong thời chiến tranh Việt Nam, ông đã là thông tín viên cho đài Phát thanh CS Hà Nội.

Nhóm Ký giả không biên giới cho biết đã gửi thư cho Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương để phản kháng vụ giam giữ ông Quốc. RSF nói: "Chúng tôi coi biện pháp này cũng giống như giam trong nhà tù, ông Quốc không được tự do và không có quyền phát biểu".

Ông Robert Menard, Tổng thư ký RSF, nói trong một bản tuyên bố: "Một lần nữa chính phủ Việt Nam lại vi phạm Quy ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị mà họ đã phê chuẩn năm 1982, điều 19 của Quy ước này bảo đảm quyền tự do ngôn luận".

RSF đòi Hà Nội phải phóng thích ông Quốc cùng với hai ký giả khác là ông Hà Sĩ Phu, bị bắt tại gia từ tháng 3 năm ngoái và ông Nguyễn Đình Huy, bị xử tù 15 năm từ năm 1995 vì định thành lập một đảng đối lập. Theo phúc trình phổ biến trong tháng này của Human Rights Watch, thì VN đã thoái bộ nhiều về mặt nhân quyền trong năm qua, đặc biệt về quyền tự do tín ngưỡng.

 

1/25/2002
2484

Tin Việt Nam

 

CSVN: Đã Tặng Đất Biên Giới Bình Đẳng, Đúng Luật

Chối không bắt Bùi Minh Quốc vì cớ đòi điều tra hiệp ước biên giới

HÀ NỘI (Reuters) - Hà Nội hôm thứ năm 24-1 đã xác nhận đã bắt giữ một nhà báo đối lập là ông Bùi Minh Quốc, nhưng chối vụ bắt này nhằm bịt miệng những tiếng nói phê phán CSVN đã nhượng đất biên giới cho Trung Quốc.

Nhà báo Bùi Minh Quốc là người vẫn chỉ trích đảng CSVN nắm độc quyền cai trị và vẫn đòi tự do ngôn luận, đã bị bắt và giam trong nhà của ông ở Đà Lạt từ hai tuần trước. Hà Nội đã ra tay đàn áp trước ngày Chủ tich Trung Quốc Giang Trạch Dân qua thăm Việt Nam vào tháng tới hay đầu tháng 3.

Trong cuộc họp báo hàng tuần sáng thứ năm 24-1, nữ phát ngôn bộ Ngoại giao Phan Thúy Thanh nói ông Quốc đã bị đặt dưới "sự quản lý hành chính" theo một lệnh ký ngày 14-1 vì đã vi phạm luật pháp Việt Nam, nhưng không nói rõ luật gì. Tuy nhiên bà ta nói tiếp: "Nói rằng ông Bùi Minh Quốc bị bắt vì đã chỉ trích nhượng đất cho Trung Quốc khi ký các hiệp định về lãnh thổ mới đây là một sự hoàn toàn sai lầm".

Hôm thứ tư Nhóm Ký giả Không Biên giới trụ sở ở Paris cho biết theo lời một ký giả tị nạn ở Pháp, ông Quốc đã bị bắt vì đã tìm cách đào sâu thêm vụ hiệp định biên giới ký kết với Trung Quốc mới đây.

Trong cuộc họp báo Thanh đã né tránh câu hỏi có phải những nhân vật ly khai khác, kể cả cựu tướng Trần Độ, đã viết thư cho ban lãnh đạo CSVN để phản kháng các hiệp định biên giới là "bất bình đẳng" không. Thanh chỉ nói hiệp ước đã được soạn thảo trên căn bản "bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, sống chung hòa bình và phù hợp với luật pháp và thủ tục quốc tế".

Thanh nói bà ta không biết lệnh kiềm chế ông Quốc kéo dài bao lâu nhưng nói phần lớn các lệnh này là từ 6 tháng đến 2 năm. Bà ta nói những người bị lệnh này hàng ngày phải dự các khóa "giáo dục" và thời kỳ quản lý có thể rút ngắn nếu biết cải tạo tốt.

Một thân nhân của ông Quốc nói với Reuters ông bị canh giữ suốt ngày đêm và mỗi ngày 2 lần bị đưa đi thẩm vấn hạch hỏi.

Nhà nước CSVN vẫn giữ độc quyền về báo chí và xiết chặt kiểm soát về các vấn đề như chính trị, nhân quyền và tôn giáo. Báo chí nhà nước không đả động đến việc ông Quốc bị bắt giữ, nhưng hôm thứ năm báo Vietnam News thuật lại một lời tuyên bố của Thủ tướng Phan Văn Khải nói người viết và nghệ sĩ phải nhớ đến quyền lợi dân tộc khi làm công tác của họ.

Hồi đầu tháng này chính quyền CSVN đã tức giận bác bỏ bản tường trình hàng năm của Human Right Watch trụ sở ở New York mói Việt Nam "đã có những bước lùi lớn" về nhân quyền trong năm 2001.

 

Nguoi Viet 25.1.2002

Thi sĩ Bùi minh Quốc bị quản chế vì đến biên giới chụp hình, thu thập tài liệu hiệp định biên giới

HÀ NỘI 24-1(TH).- Thi sĩ Bùi minh Quốc đã đến vùng biên giới Việt Nam Trung Cộng để chụp hình, đi nhiều nơi sưu tầm tài liệu về hiệp định biên giới trên bộ ký hồi cuối năm 1999 nên ông đã bị bắt và bị quản chế.

Đó là tin tiếp theo các tin tức ngày hôm qua từ Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới Reporters Sans Frontiers (RSF) về việc ông Bùi minh Quốc bị quản chế ở Đà Lạt và hàng ngày phải đến trình diện công an để bị thẩm vấn ngày hai lần.

Theo nguồn tin này, dựa vào sự tiết lộ của một ký giả Việt Nam đang tị nạn chính trị tại Pháp, ông Quốc đã bị bắt tại một ga xe lửa gần Hà Nội và bị công an tịch thu lối 300 tài liệu công với phim ảnh biên giới Việt Nam Trung Cộng do ông chụp và sổ ghi chép mà họ gọi là "tài liệu phản động".

RSF nói ông bị công an Hà Nội thẩm vấn liên tục 3 ngày trước khi bị áp tải quay lại nhà ông ở Đà Lạt. Trước đó, ông đã gặp một số nhân vật tranh đấu cho tự do nhân quyền Việt Nam cư ngụ ở Hà Nộị

CSVN xác nhận hôm thứ năm 24-1-2002 là thi sĩ Bùi minh Quốc vừa bị quản chế tại Đà Lạt nhưng phủ nhận rằng ông đã bị quản chế vì các chuyện liên quan đến hiệp định biên giới Việt Nam Trung Cộng.

Cuộc bắt giữ và quản chế ông Bùi minh Quốc diễn ra trước khi chủ tịch Trung Cộng, Giang trạch Dân, đến thăm Việt Nam vào tháng ba sắp tới. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng Hà Nội sẽ siết chặt thêm sự đàn áp giới tranh đấu cho dân chủ nhân quyền trong nước trong những ngày sắp tới để lấy lòng chủ tịch TC.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao CSVN Phan thúy Thanh nói với ký giả trong cuộc họp báo thường lệ ở Hà nội ngày 24-1-02 là ông Quốc bị quản chế do một lệnh ký ngày 14-1-02 "vì đã vi phạm luật lệ Việt Nam" nhưng lại không nói rõ luật nàọ Tuy nhiên, bà này nói "tố cáo rằng ông Bùi minh Quốc bị quản chế vì Việt Nam đã nhượng đất cho Trung Cộng qua bản hiệp định biên giới là hoàn toàn sai."

Dù có thật, nhiệm vụ của bà này cũng vẫn phải chối. Các cuộc đàn áp tôn giáo mọi người biết đã diễn ra trong nước cũng vẫn được bà ta chối bỏ thường xuyên. Các cuộc đàn áp giới trí thức, tranh đấu trong nước cũng luôn luôn bị phủ nhận.

Trong cuộc họp báo, Bà Thanh đã tránh né trả lời câu hỏi rằng nhiều nhà tranh đấu trong nước trong đó có cả tướng Trần Độ đã gửi thư cho đám lãnh tụ chóp bu CSVN chỉ trích bản hiệp định biên giới với Trung Cộng là không công bằng. Bà ta chỉ chống chế rằng bản hiệp ước đó được soạn thảo "dựa trên căn bản bình đẳng và lưỡng lợi, cùng sống chung trong hòa bình và theo đúng các luật lệ quốc tế."

Nhà ông Quốc ở Đà Lạt thường xuyên bị canh chừng nên sự di chuyển của ông khó thoát mạng lưới công an. Ông từng là phóng viên của Đài Phát Thanh Hà Nội thời trước năm 1975. Từ 1997 đến 1999, ông đã bị bắt và bị quản chế vì đòi tự do báo chí, đồng thời kêu gọi CSVN phải từ bỏ độc quyền chính trị.

Tất cả hệ thống truyền thông báo chí nhà nước không hề đả động đến tin ông Bùi minh Quốc bị bắt và bị quản chế. Tuy nhiên, Phan văn Khải, thủ tướng CSVN, trong ngày Thứ Năm, kêu gọi giới văn nghệ sĩ hãy chú ý tới quyền lợi quốc gia khi sáng tác.

Lời kêu gọi này làm người ta nhớ lại mấy câu thơ ngắn của một nhà thơ bữa đói bữa no nhờ kiếm củi rừng đổi cơm, khi ông nói về chính sách văn hóa của chế độ:

Đụ mẹ cây bông

Mày không sản xuất

Thiên cổ máu trào.

Mấy câu thơ này được kể trong quyển hồi ký của Tiêu Dao Bảo Cự, một giáo sư trung học theo Cộng Sản vì lý tưởng về sau thất vọng.

 

Nhà Báo Và Tổ Quốc

Lòng yêu nước là bản năng tự phát của con người bình thường vì nghĩ đến tổ tiên, giống nòi, dân tộc. Lòng yêu nước có nhiều cách biểu lộ, trong một nước không thể khẳng định ai yêu nước hơn ai. Chỉ có những trách nhiệm khác nhau, chẳng hạn trách nhiệm cao nhất để bảo vệ tổ quốc ở những người cầm quyền của một nước. Và tương đương trong lãnh vực dân sự, nhà báo có trách nhiệm cao nhất để vạch mặt chỉ tên những kẻ phản bội tổ quốc hay lợi dụng lòng yêu nước vì quyền lợi riêng tư.

Việc nhà cầm quyền Hà Nội vội vàng cải chính vụ bắt giữ nhà báo Bùi Minh Quốc liên quan đến vấn đề biên giới Hoa-Việt vô hình chung đã làm nổi bật vấn đề trong dư luận quốc nội và quốc ngoại. Một bản tuyên bố của Nhóm Ký Giả Không Biên Giới trụ sở ở Paris đã loan tin về vụ bắt giữ ông Quốc ở Đà Lạt ngày 12-1 vừa qua sau khi ông đã bị thẩm vấn trong 3 ngày ở Hà Nội. Bản tuyên bố còn cho biết, theo tin một ký giả Việt Nam tị nạn ở Pháp, lý do là vì ông Quốc đã gặp các nhân vật ly khai đối kháng chế độ đang làm lớn chuyện vụ CSVN đã đem tặng cho Trung Quốc nhiều phần đất trên bộ ở phía Bắc và cả một phần lớn lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt. Ký giả ngoại quốc đã tìm hiểu tin này, nhưng không gặp được ai trong giới chính quyền.

Thứ năm tuần này, trong cuộc họp báo thường lệ của bộ Ngoại giao, câu hỏi được đặt ra khiến phát ngôn nhân Phan Thúy Thanh phải trả lời. Thanh nói ông Quốc đã bị "quản lý hành chính" theo một lệnh ngày 14-1 vì đã vi phạm luật lệ, nhưng lại không chịu nói rõ ông Quốc đã vi phạm luật gì. Nhưng Thanh nhấn mạnh: "Nói rằng ông Bùi Minh Quốc bị bắt vì đã chỉ trích Việt Nam nhượng bộ lãnh thổ cho Trumg Quốc trong khi ký kết những hiệp định biên giới với Trung Quốc là hoàn toàn sai".

Lẽ thường khi bị chạm nọc người ta dãy nảy lên như đỉa phải vôi. Một câu hỏi khác giống như một cái cọc khiến bà Thành cũng phải né. Bà ta đã lảng tránh câu hỏi có phải các nhân vật ly khai khác, trong đó có cả cựu tướng Trần Độ, đã viết thư cho ban lãnh đạo Cộng sản chỉ trích các hiệp định đó là "bất bình đẳng" hay không. Thanh không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nói theo bài bản rằng hiệp ước đã được soạn thảo trên cơ sở "bình đẳng và có lợi chung, sống chung hòa bình và phù hợp với luật lệ quốc tế". Các điều khoản của hai bản hiệp ước về ranh giới Việt-Hoa trên bộ và trên biển đã được giữ bí mật, mặc dù đã được Quốc hội Hà Nội thảo luận và thông qua từ tháng 11 năm ngoái. Anh Trung Cộng ngậm miệng ăn tiền là đúng vì đã hưởng lợi, còn anh Việt Cộng không dám mói ra vì há miệng mắc quai, nói ra là bị mọi người Việt Nam tố cáo và lên án. Nếu đã nói là "bình đẳng, có lợi chung", tại sao không dám công bố cho toàn dân được biết?

Nhưng dù ém nhẹm, trước sau nó cũng bật mí. Sự bí mật có hai người biết họa may còn giữ được. Nhưng có đến trên ba người biết đã là hết bí mật. Khi cả một Quốc hội đều biết, sự thẩm lậu tất nhiên phải có. Hơn nữa chính những người trong đảng còn giữ tình bè bạn từ thời xưa với những người đã ly khai, làm sao chuyện bên trong không lộn ra bên ngoài. Tin tức rất phố biến cho thấy những con số đích xác. Việt Nam đã nhường cho Trung Quốc hơn 720 cây số vuông biên giới phía Bắc, kể cả một điểm lịch sử kể từ ải Nam Quan, và có đến 10% lãnh hải rộng lớn có nhiều tiềm năng dầu khí và quyền lợi đánh cá ở Vịnh Bắc Việt. Như vậy thiệt thòi là chỉ có một phía, vậy nói "đôi bên cùng có lợi" thì Việt Nam có lợi ở chỗ nào?

Phản ứng của Hà Nội về vụ ông Bùi Minh Quốc cho thấy lãnh đạo CSVN đã sợ. Không phải sợ người dân trong nước đã bị họ quàng thòng lọng vào cổ mà sợ người bên ngoài và điều đáng buồn, họ sợ nhất "ông" Giang Trạch Dân sắp thăm Việt Nam vào cuối tháng tới hay đầu tháng Ba, sau khi mấy ông Cộng sản Việt Nam đã no nê với cỗ bàn ngày Tết truyền thống dân tộc, cái truyền thống mà chính họ đã phản bội. Họ sợ khi Giang đến mà có những lời dị nghị hay có thể có cả những cuộc biểu tình phản kháng thì vô cùng bất tiện cho cả khách lẫn chủ. Người dân Việt Nam đã từng biểu tình phản kháng nạn cướp đất do cường quyền ác bá trong nước bóc lột, nay một nước ngoài cướp đất của tổ tiên làm sao họ không dám biểu tình chống đối?

Chính vì sợ như vậy nên báo chí nhà nước đã được lệnh khóa cái họng lại, không được nói gì về vụ Bùi Minh Quốc. Cùng trong ngày bà Thanh lên tiếng, báo Anh ngữ Vietnam News thuật lại một lời tuyên bố của Thủ tướng Phan Văn Khải nói "những người làm nghề viết và nghệ sĩ khi làm công tác của họ phải nhớ đến quyền lợi dân tộc". Không biết một sự gián tiếp răn đe hay một lời khuyến khích đây? Bất cứ cách nào cũng đúng, nhưng nó đượm một nét khôi hài đen. Răn đe những nhà báo nhà văn không được làm như ông Bùi Minh Quốc khi nhắc đến chuyện làm mất đất cho Tầu, nhưng việc làm của ông Quốc chính là vì "nghĩ đến quyền lợi của dân tộc". Còn nếu là khuyến khích nên làm như vậy, nghĩa là nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, trong khi chính phủ lại khóa miệng báo chí về vụ biên giới thì đúng là cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn của Reuters về vụ "bố ông là ai", Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có vẻ gián tiếp trả lời bản Tường trình hàng năm của Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch khi tuyên bố: "Ở Việt Nam không có tù nhân chính trị. Không ai bị bắt hay bị tù vì lời phát biểu hay quan điểm của họ". Vậy nhà báo Bùi Minh Quốc bị bắt về tội gì vậy? Không nói rõ là gian, mà nói ra là kẹt. Khổ thật.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ