LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Sự hình thành của phong trào dân chủ - xã hội ở Thuỵ Điển


Phần II

Sự du nhập của chủ nghĩa xã hội vào Thuỵ Điển

Vào giữa thế kỷ 19, trước khi Thuỵ Điển bước vào quá trình công nghiệp hoá, những người thợ thủ công thường đi đến các nước châu Âu khác (như Anh, Pháp, Đức…) để học nghề. Sau khi trở thành những người thợ lành nghề (journeymen), họ trở về quê hương, mang theo trong đầu những ý tưởng mới và trong túi hành lý của họ là những truyền đơn, ấn phẩm chứa đựng nội dung của những tư tưởng mới. Chính từ những người thợ lành nghề đó mà tư tưởng xã hội chủ nghĩa xâm nhập vào đất nước Bắc Âu xa xôi và lạnh giá này.

Việc truyền bá chủ nghĩa xã hội đến Thuỵ Điển cũng gắn liền với sự hình thành phong trào công nhân và phong trào chính trị cánh tả. Cũng giống như ở các nước châu Âu khác, do ở vào thế yếu, những người cánh tả ở đây không thể công khai thành lập các tổ chức chính trị ngay từ đầu. Để tránh đàn áp, tạo thế hợp pháp để hoạt động, họ học tập kinh nghiệm của những người cánh tả ở Đức qua việc thành lập các “câu lạc bộ khai sáng” (enlightenment circles)[1]. Dưới lớp vỏ bọc vô hại của những tổ chức này (mà mục đích công khai là nâng cao đời sống văn hoá của công nhân), các nhà vận động tiên phong đã tìm cách tiếp cận rộng rãi với công nhân để truyền bá tư tưởng và xây dựng các hạt nhân đầu tiên của phong trào dân chủ - xã hội.

Tháng 10 năm 1845, một câu lạc bộ khai sáng được hình thành ở Stockholm dựa theo kiểu mẫu các nhóm khai sáng của Đức, lấy tên là Hội Stockholm (Stockholm Association). Hội này bao gồm các nhà trí thức và những người thợ lành nghề, có mục đích giáo dục và bảo vệ quyền lợi của công nhân. Trong số các thành viên sáng lập, có một trí thức là bác sĩ Johan Ellmin, thường được gọi là “bác sĩ vì người nghèo”. Số lượng các hội khai sáng phát triển nhanh chóng trên toàn quốc, lên đến con số 30, khiến triều đình chú ý. Nhiều nhân viên mật vụ đã được cài vào để nắm quyền kiểm soát Hội Stockholm. Do đó Ellmin cùng với Per Götrek thành lập Hội Scandinavia (Scandinavian Society) vào năm 1847.

Per Götrek (1798-1876) là một người bán sách ở Stockholm đến từ hội khai sáng ở Karlskrona. Năm 1831, ông công bố một số tác phẩm của nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng người Pháp Saint-Simon, trong đó có cuốn Đạo Ki-tô mới (Nouveau Christianisme, The New Christianity).

Vào lúc ấy, ở Anh có một tổ chức hoạt động bí mật lấy tên là Liên đoàn những người Chính nghĩa (League of The Just, Ligue des Justes)[2] tập hợp một số kiều dân Đức là thợ thủ công. Một số thợ lành nghề của Thuỵ Điển trong thời gian học việc ở Anh cũng tham gia Liên đoàn những người Chính nghĩa và khi trở về nước, họ mang theo mối quan hệ với tổ chức ở London. Hội Scandinavia của Götrek có sự tham gia của một số thợ lành nghề ấy. Gia nhập vào Hội này  còn có nguời thợ may Rudolf Löwstädt đã từng tiếp xúc với chủ nghĩa xã hội của Etienne Cabet trong thời gian lưu trú ở Paris.

Etienne Cabet (1788-1856) là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng người Pháp. Trong tác phẩm Cuộc du hành đến Icaria (Voyage en Icarie, Voyage to Icaria) xuất bản năm 1840, Cabet đã hợp nhất những ý tưởng cộng sản với Ki-tô-giáo. Không giống với chủ nghĩa cộng sản cách mạng của Blanqui được gợi hứng từ Babeuf, Cabet truyền bá một niềm tin tôn giáo rất hoà bình. Tại Pháp, ông có khoảng 100 ngàn người ủng hộ. Không chỉ truyền bá tư tưởng, Cabet còn tìm cách thực hành những tư tưởng của ông. Trong những năm 1848-1849, ông và vài trăm môn đồ đã đến Hoa Kỳ. Ông mua lại khu định cư Mormon ở Nauvoo (thuộc bang Illinois, Hoa Kỳ) để thành lập “xứ Icaria” trong mơ ước của ông.[3]

Do chịu ảnh hưởng của Cabet, vào mùa hè năm 1847, những người xã hội chủ nghĩa ở Stockholm đã tuyên bố trong một lá thư gửi cho tờ báo Pháp Le Populaire của Cabet rằng chủ nghĩa cộng sản phải được thi hành bằng những cải cách cần thiết, không có những cuộc phiêu lưu cách mạng và đổ máu. Nửa năm sau, họ viết thư ca ngợi “thuộc địa Icaria” đang được chuẩn bị ở Bắc Mỹ: “Không ai trong chúng tôi lại không xem xứ Icaria của các bạn như là quê hương thật sự của mình”. 

Như vậy, về mặt tư tưởng, nhóm Stockholm được gợi hứng từ chủ nghĩa cộng sản mang tính chất tôn giáo và ôn hoà của Cabet lẫn những ý tưởng bắt nguồn từ Liên đoàn những người Chính nghĩa. Cuối năm 1847, nhóm này xuất bản một tác phẩm có tên Về giai cấp vô sản và sự giải phóng giai cấp đó bằng chủ nghĩa cộng sản chân chính (Om proletariatets befrielse genom den sanna kommunismen, On the Proletariat and its Liberation by True Communism) trong đó các ý tưởng của Marx-Engels và Cabet trộn lẫn với nhau.

Không bao lâu sau khi Marx và Engels công bố bản Tuyên ngôn cộng sản (tháng 5 năm 1848), bản Tuyên ngôn nổi tiếng này đã được truyền bá đến Thuỵ Điển. Bản dịch đầu tiên của Tuyên ngôn cộng sản bằng tiếng Thuỵ Điển được Götrek công bố vào tháng 12 năm 1848. Trong phần mở đầu, Götrek mô tả Liên đoàn Cộng sản như “những đại biểu của người nghèo và người không có của”. Điều đáng nói là trong khi trình bày quan điểm cộng sản của Marx, Götrek đã sửa một số cụm từ hoặc một số câu chữ. Nhan đề Tuyên ngôn Cộng sản được đổi thành Tiếng nói của Chủ nghĩa cộng sản. Cụm từ “cách mạng bằng bạo lực” (violent revolution, violent overthrow) được dịch thành “sự tái tổ chức triệt để” (radical reorganisation) và câu kết nổi tiếng “Vô sản tất cả các nước, hãy liên hiệp lại” trở thành “Tiếng nói của Nhân dân là Tiếng nói của Chúa.” Điều này cho thấy xu hướng cải cách (thay vì cách mạng) và ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo (thay cho chủ nghĩa vô thần) do chịu ảnh hưởng của học thuyết xã hội chủ nghĩa mang màu sắc tôn giáo của Etienne Cabet.

Tuy vậy, trong Hội Scandinavia, bên cạnh những người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội của Cabet, cũng có người theo xu hướng mác-xít, cách mạng như Sven Trädgårdh chẳng hạn.

Những biến động của cuộc Cách mạng 1848 nổ ra ở Paris (Pháp) đã thổi ngọn gió cách mạng vào nhiều nước khác ở châu Âu, trong đó có Thuỵ Điển. Ngày 18.3.1848, một cuộc nổi dậy của quần chúng đã nổ ra ở thủ đô Stockholm. Thợ thủ công và những người cộng hoà cấp tiến không bằng lòng với những cải cách chậm chạp của chế độ quân chủ đã kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh đòi các quyền dân chủ và thiết lập chế độ cộng hoà. Quân đội đã được huy động và thủ đô trở thành bãi chiến trường trong một vài ngày. Cuộc xung đột giữa quân đội và quần chúng đã dẫn đến kết quả hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương về cả hai phía. Mặc dù những người xã hội chủ nghĩa không đóng vai trò quan trọng trong các biến cố vừa kể, nhưng cảnh sát vẫn tìm cách quy trách nhiệm cho họ. Hội Scandinavia bị giải tán.

Năm 1849, Franz Shoberg bắt đầu phát hành một tờ báo xã hội chủ nghĩa có tên là Tiếng nói Nhân dân (People's Voice). Tờ báo đòi hỏi quyền phổ thông đầu phiếu, đồng thời nêu ra yêu cầu đấu tranh chống lại việc phân phối của cải không công bằng dựa trên việc các nhà tư bản bóc lột lợi nhuận từ công nhân. Theo đề nghị của Shoberg, hội khai sáng ở Örebro triệu tập một Nghị viện của Nhân dân (Folkriksdag, People's Parliament) vào những năm 1849, 1850 và 1853. Tại các hội nghị này, người ta họp để thảo luận và đòi hỏi quyền bầu cử.

Năm 1850, Per Götrek, Franz Shoberg và vài công nhân thành lập Hội Công nhân để đọc sách (Workers’ Society for Reading) để thay cho Hội Scandinavia bị cảnh sát giải tán hai năm trước đó. Mục tiêu của hội mới là đoàn kết giai cấp công nhân Thuỵ Điển, cải thiện địa vị xã hội của giai cấp này, và đẩy mạnh việc tham gia vào tiến trình lập pháp. Tại một cuộc mít-tinh công cộng, Götrek phát biểu ủng hộ chủ nghĩa xã hội tôn giáo và lý thuyết của Cabet. Cũng vào năm này (1850), làn sóng cách mạng thoái lui và tổ chức bị phá vỡ. Cảnh sát buộc Götrek phải rời khỏi thủ đô, rút về Karlskrona với lời hứa rời bỏ hoạt động chính trị. Sven Trädgårdh di cư sang Mỹ. Như vậy, nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng một phong trào xã hội chủ nghĩa tại Thuỵ Điển đã thất bại. Phải đợi đến ba mươi năm sau, nỗ lực này mới được tái tục.

Thập niên 1840 cũng là thời gian mà giai cấp công nhân bắt đầu hình thành những tổ chức lao động đầu tiên độc lập với các giai cấp thượng lưu, khởi đầu là Hội Thợ In (Typography Association) - thành lập vào năm 1846. Nhưng cùng với làn sóng thoái trào của cách mạng, nhiều hội trong số đó bị đóng cửa.

Để hạn chế ảnh hưởng của cánh tả, giai cấp tư sản tìm cách nắm lấy các câu lạc bộ khai sáng và tách các tổ chức này ra khỏi phong trào công nhân. Mặt khác, để làm lạc hướng cuộc đấu tranh của công nhân, họ thành lập những Hội Công nhân tự xưng là “đứng trên giai cấp” và phản đối các cuộc đình công. Các hội này kết nạp cả những người làm thuê cùng với giới chủ tư sản trong cùng một tổ chức. Phái tự do (liberals) kêu gọi công nhân sống tiết kiệm, đề cao các giá trị đạo đức để tránh các chủ đề nóng bỏng như: “ngày lao động” hoặc “tình cảnh của người làm thuê”. Các công đoàn theo phái tự do còn từ chối thảo luận về quyền phổ thông đầu phiếu bởi vì họ cho rằng điều này sẽ làm yếu đi quyền lực chính trị của giai cấp tư sản.

Nhưng mặc dù những cuộc biểu tình đòi các quyền dân sinh bị đàn áp – thậm chí bằng quân đội, các cuộc đình công ngày càng tăng lên cùng với đà phát triển của công nghiệp. Tiêu biểu là những cuộc đình công ở Mỏ Đồng Falun vào những năm 1855 và 1857 để chống lại giá cả đắt đỏ trong các cửa hàng của công ty, nơi mà công nhân bị buộc phải mua hàng hoá. Tuy vậy, từ 1850 đến 1869, phong trào công nhân vẫn chưa xác định được những mục tiêu dài hạn, chưa xác định được chiến lược, tổ chức và hệ tư tưởng. Có thể nói cho đến cuối thập niên 1860, những cuộc đình công mới chỉ là những sự phản kháng ngắn ngủi và tự phát.

Những biến động lớn lao về kinh tế và xã hội đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân. Thay cho những cuộc nổi dậy tự phát là các cuộc đình công có tổ chức, thể hiện sự trưởng thành của giai cấp công nhân với tư thế là một lực lượng chính trị độc lập.

Nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này là việc Thuỵ Điển bắt đầu bắt kịp đà phát triển công nghiệp hoá của châu Âu. Máy cưa chạy bằng hơi nước được sử dụng lần đầu tại Sundsvall vào năm 1849 đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác gỗ, và tiếp đó là công nghiệp chế biến bột giấy và làm giấy. Hệ thống đường sắt được thiết lập trong thập niên 1850 tạo điều kiện chinh phục những vùng đất xa xôi chưa có người ở. Những kỹ thuật mới được áp dụng trong công nghiệp khai thác khoáng sản cho phép nâng cao hiệu suất của các mỏ sắt. Những tiền đề đó tạo điều kiện cho Thuỵ Điển bước vào giai đoạn công nghiệp hoá trên quy mô lớn từ thập niên 1870. Công nghiệp càng lớn mạnh thì giai cấp công nhân ngày càng đông đảo. Nhưng công nhân không được hưởng một cách công bằng thành quả lao động của họ và Stockholm được đánh giá là một trong những thành phố nghèo nhất ở châu Âu.

Ngoài yếu tố nêu trên, cũng cần phải kể đến cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử của Thuỵ Điển, bắt đầu ngay từ thập niên 1840, đạt đỉnh cao vào thập niên 1880, và chỉ giảm tốc độ từ năm 1900 trước khi thật sự chấm dứt vào năm 1914. Hàng loạt người dân đã rời bỏ đất nước để trốn tránh cảnh nghèo đói, mong tìm cơ hội tốt hơn về mặt kinh tế, nhưng cũng vì chán ghét chế độ quân chủ mang tính bảo thủ hoặc bất mãn trước chính sách hà khắc của Giáo hội Nhà nước. Thuỵ Điển đã mất gần 20 % dân số trong cuộc di cư này, phần đông di cư sang Hoa Kỳ[4]. Vào năm 1900, số dân Thuỵ Điển cư trú tại thành phố Chicago còn đông hơn dân số của Göteborg, thành phố lớn thứ hai của Thuỵ Điển.

Kể từ năm 1869, một làn sóng đình công thật sự đã bắt đầu lan rộng trên toàn quốc, nhất là ở những nơi mà công nhân đã tổ chức được những uỷ ban đình công và các quỹ hỗ trợ để có thể duy trì thời gian đình công được lâu hơn. Các cuộc đình công xảy ra thường xuyên hơn trước: từ năm 1869 đến năm 1874, chỉ riêng ở Stockholm đã xảy ra 25 cuộc đình công.

Có thể thấy những yêu sách điển hình của những người đình công trong giai đoạn này qua trường hợp của công nhân nhà máy thuốc lá Västerås vào tháng 5 năm 1872: tăng lương, rút ngắn ngày lao động, và tự do thay đổi chỗ làm. Vào năm 1872, những người thợ in đã thành công trong việc thành lập một công đoàn và đạt được một thoả thuận tập thể đầu tiên với hội các nhà xuất bản.

Cuộc đình công nổi tiếng nhất của giai đoạn này là cuộc đình công của những người thợ đốn gỗ ở Sundsvall vào mùa hè năm 1879. Lương cao nhất là 1,5-2 kronor / ngày, không đủ để một người ăn. Những người thợ đốn gỗ tuần hành đến tỉnh lỵ của Sundsvall và cắm lều ở vùng ngoại ô với số lượng 6.000 người. Họ đòi hỏi một mức lương tối thiểu là 2 kronor mỗi ngày. Mặc dù bị quân đội đàn áp, cuộc đình công ở Sundsvall đã biểu dương được sức mạnh và tinh thần đoàn kết của công nhân. Nó cũng chứng tỏ nhu cầu thành lập các tổ chức lâu dài của công nhân. Hai năm sau, những người thợ nề ở Stockholm học hỏi kinh nghiệm của thợ gỗ ở Sundsvall. Bốn ngàn thợ nề tập hợp để đòi tăng 30% lương và ngày lao động 10 giờ, và họ đã đạt được yêu sách sau nhiều cuộc đình công liên tiếp.

Để có thể củng cố cho những cuộc đình công tập thể kéo dài,  tổ chức là rất cần thiết. Các đại biểu trong các cuộc đình công phải được bầu ra để có đủ tư cách đề ra các yêu sách với giới chủ. Tài chính phải được quyên góp để hỗ trợ về mặt kinh tế. Sự đoàn kết được bảo đảm thông qua các cuộc mít-tinh công cộng, ở đó quần chúng cam kết giành thắng lợi. Những người không muốn đình công cũng phải ngưng làm việc nhân danh tình đoàn kết và những người phá hoại cuộc đình công phải bị đuổi đi. Và một thứ hợp đồng phải được ký kết với chủ hãng để thoả mãn các đòi hỏi.

Các tổ chức công nhân của phái tự do, nơi người chịu trách nhiệm chính là các chủ hãng, đã không thể làm tròn các nhiệm vụ đó; do đó các công nhân đình công phải tự hình thành tổ chức. Các công đoàn độc lập được thành lập, lúc đầu dưới hình thức những quỹ hỗ trợ tạm thời, sau đó trở thành những tổ chức bền vững. Trong những năm đầu tiên của thập niên 1870, đã có nhiều dự định thành lập công đoàn trong những giới công nhân như thợ nề ở thủ đô, thợ lâm nghiệp, thợ mộc và thợ lò (bánh mì). Tình hình kinh tế sa sút trong những năm tiếp theo của thập niên 70 đã gây áp lực trên công nhân và các dự định về tổ chức phải dừng lại. Nhưng đến đầu thập niên 1880, sau thành công của các thợ nề ở thủ đô, các công đoàn riêng của thợ rèn, thợ sơn, và thợ đúc cũng được thành lập. Phong trào công nhân đã tạo ra được sức mạnh mới và chuẩn bị  bước vào vũ đài chính trị như một lực lượng độc lập.

Đầu thập niên 1880, đã có những nỗ lực mới để truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào Thuỵ Điển. Người đầu tiên tiến hành công việc này có kết quả là Agust Palm(1849-1922)[5].

August Palm là con của một thầy giáo ở gần Malmö, thủ phủ của tỉnh Skåne (Scania) ở miền nam Thuỵ Điển. Mồ côi cha vào năm lên 10, ông theo nghề thợ may. Vào tuổi 18, ông sang Anh, Đan Mạch và Đức để học nghề và sau đó hành nghề thợ may ở Haderslev (lúc đó thuộc bang Schleswig của nước Đức)[6]. Trong thời gian lưu trú tại đây, ông gia nhập vào phong trào dân chủ-xã hội Đức, mà gương mặt hàng đầu là Ferdinand Lassalle. Trong thực tế, ông tự coi mình là một người thuộc phái Lassalle cho đến cuối đời.

Năm 1877, Palm bị trục xuất ra khỏi nước Đức vì đã tham gia các hoạt động chống đối sau khi kết quả bầu cử một nhà dân chủ - xã hội vào Quốc hội Đức bị huỷ bỏ. Sau đó, ông cư trú ở Đan Mạch cho đến khi bị trục xuất khỏi nước này vì đã lãnh đạo một nhóm xã hội chủ nghĩa. Năm 1881, Palme trở về tỉnh Skåne (Scania), quê hương của ông.

Khi Palm phát hiện ra rằng Thuỵ Điển đang thiếu một phong trào dân chủ - xã hội, ông nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng phong trào đó. Ông bắt đầu bằng việc thông báo “cuộc mít-tinh đầu tiên của những người xã hội chủ nghĩa ở Thuỵ Điển”, dự định vào ngày 6.11.1881 ở khách sạn Stockholm ở Malmö. Ngày ấn định này có ý nghĩa bởi vì đó là Ngày Gustav II Adolf, một ngày lễ chính thức của chế độ quân chủ. Ngay trong việc chọn ngày, chúng ta có thể thấy óc trào phúng và sự thách thức của Palm đối với nền quân chủ. Palm là một diễn giả dí dỏm, đầy nghị lực và đầy thú vị. Bài nói chuyện “Những người xã hội chủ nghĩa muốn gì?” bác bỏ những sự xuyên tạc phổ biến nhất về chủ nghĩa xã hội, và chứng minh rằng những lời buộc tội đáng lẽ nên áp dụng cho các nhà tư bản thì phù hợp hơn. Bài nói chuyện này có thể coi là bài diễn thuyết công khai đầu tiên về chủ nghĩa xã hội trên đất nước Thuỵ Điển.

Những ý tưởng trong bài nói chuyện đầu tiên của Palm ở Malmö trở thành cơ sở của nhiều bài phát biểu của ông sau này - thường là ứng khẩu, không chuẩn bị trước. Palm càng nói thì càng có nhiều công nhân đến dự các buổi họp của ông. Tại một trong những buổi nói chuyện ở Malmö, một uỷ ban vận động được thành lập để sắp xếp các cuộc hành trình của Palm đến Stockholm và Göteborg. Áp lực từ nhà cầm quyền ngăn cấm các chủ nhân không được cho thuê địa điểm để nhóm họp, và các Hội công nhân chịu ảnh hưởng của phái tự do từ chối tiếp đón ông. Do đó Palm phải diễn thuyết lần đầu tiên ở Stockholm vào ngày 26.12 trong rừng Lillensietten. Bài nói chuyện chuẩn bị rất cẩn thận đã diễn ra hơn hai giờ đồng hồ, trong khí hậu lạnh giá.

Những cuộc mít-tinh của Palme mang tính dân chủ và khuyến khích tranh luận về những vấn đề mà các Hội công nhân thời đó không đề cập đến. Các cuộc mít-tinh công cộng cũng bầu ra những uỷ ban vận động và quyên góp tiền để giúp Palm du thuyết nhằm truyền bá chủ nghĩa xã hội. Phương thức vận động này về sau thường được các nhà dân chủ - xã hội theo Palm thực hành trong thập niên kế tiếp. Những cuộc mít-tinh đầu tiên đã dẫn đến việc thành lập phong trào dân chủ - xã hội. Chúng cũng cổ vũ việc thành lập các công đoàn độc lập bằng cách phát triển ý thức giai cấp trong công nhân.

Để đáp ứng nhu cầu truyền bá chủ nghĩa xã hội, Palm sáng lập tờ Folkviljian (Will of the People, Ý chí của Nhân dân), phát hành số đầu tiên vào ngày 4.3.1882. Lúc đầu dự định là một tuần báo, nhưng trong thực tế phát hành không định kỳ. Ông cũng nhận thức được sự cần thiết phải có một tổ chức trung tâm để lãnh đạo công nhân. Một đảng dân chủ - xã hội được thành lập vào năm 1883 và Folkviljian trở thành cơ quan ngôn luận chính thức. Gọi là một đảng nhưng trong thực tế, đây chỉ mới là một tổ chức còn non trẻ, nhỏ bé, chủ yếu tập hợp xung quanh Palm. Những mối liên hệ kết nối với các vùng khác trong nước còn bị hạn chế vào các mối quan hệ cá nhân.

Bản cương lĩnh đầu tiên của phong trào dân chủ - xã hội được in trên tờ Folkviljian vào tháng 11 năm 1882. Về căn bản, nó là một bản dịch từ Cương lĩnh của phong trào dân chủ - xã hội Đan Mạch, mà bản này lại là một bản sao của Cương lĩnh Gotha năm 1875. Như chúng ta đã biết, Cương lĩnh Gotha là một cương lĩnh thoả hiệp được soạn thảo khi những người thuộc phái Eisenach hợp nhất với phái Lassalle ở Đức. Trong lúc nó còn trộn lẫn quan điểm của của cả hai phía, Marx phát hiện trong bản thảo những điểm không phù hợp với quan điểm mác-xít. Ông đã vạch trần những điểm đó trong bài viết nổi tiếng “Phê phán Cương lĩnh Gotha”, được xem như tài liệu quan trọng nhất của Marx về chủ nghĩa Lassalle. [7]

Bản dịch tiếng Thuỵ Điển của Cương lĩnh Gotha được thực hiện rất cẩn thận. Palm cũng đưa vào một vài sửa đổi quan trọng. Ông bỏ bớt câu “tất cả các giai cấp (bên cạnh giai cấp công nhân) chỉ là quần chúng phản động”, bởi vì ông muốn đoàn kết không chỉ công nhân công nghiệp, mà tất cả các giai cấp lao động, bao gồm cả nông dân và thợ thủ công. Như vậy, Palm noi gương Lassalle khi ông này thường sử dụng các thuật ngữ “giai cấp công nhân” (working class) và “đẳng cấp lao động” (workers’ estate) một cách hoán đổi. Đối với Lassalle, “đẳng cấp lao động” đồng nghĩa với quần chúng lao động, những tầng lớp nghèo nhất, chiếm 89 % dân cư trong xã hội.

Palm cũng thay đổi câu “quy luật sắt của tiền công” thành “hệ thống tiền lương”. Mặc dù vậy, cũng như các nhà dân chủ - xã hội khác thuộc thế hệ đầu tiên ở Thuỵ Điển, Palm thừa nhận “quy luật sắt về tiền công” như một “sự kiện khoa học”.

Trong những ấn bản sau đó, nhiều yêu cầu chính trị khác đã được thêm vào bản cương lĩnh: xoá bỏ luật về lối sống lang thang (vagrancy laws) với nội dung cấm công nhân du hành một cách tự do không cần giấy tờ, tách rời tù nhân chính trị với tù thường phạm, quyền thành lập công đoàn, giải tán quân đội thường trực để xây dựng một “quân đội dân quân”, v.v… Cương lĩnh Gotha, với một vài thay đổi nhỏ, vẫn còn là cương lĩnh của các nhà dân chủ - xã hội Thuỵ Điển mãi cho đến năm 1897.

Tờ Folkviljan gặp khó khăn vì thiếu ngân quỹ. Tháng 3 năm 1884, các nhà xã hội chủ nghĩa ở Copenhagen (Đan Mạch) thành lập Hội Yểm trợ cho Chủ nghĩa Xã hội Thuỵ Điển (Society of Assistance to Socialism in Sweden). Tiền ủng hộ của họ giúp Palm tiếp tục cuộc vận động và tiếp tục ra báo. Đầu năm 1885, sau khi chiếc máy in duy nhất bị mất trộm, một cuộc họp của Hội Yểm trợ ở Đan Mạch  đã quyết định Palm phải đóng cửa tờ báo và chuyển trung tâm hoạt động của ông – nghĩa là của cả phong trào xã hội chủ nghĩa - về thủ đô Stockholm. Palm đã làm điều này vào năm 1885, và đó cũng là một bước khó khăn đối với Palm.

Khi Palm đến Stockholm thì nơi đây đã có một tổ chức của công nhân có tên là Câu lạc bộ Dân chủ - Xã hội Stockholm (Stockholm Social Democratic Club) do những người thợ mộc thành lập từ năm 1883. Vào lúc Palm đến đây, về mặt cơ cấu câu lạc bộ cũng giống với các Hội công nhân thuộc phái tự do. Công nhân chiếm đa số, nhưng về mặt nhận thức chính trị thì còn mơ hồ, trong khi một nhóm thuộc giới thượng lưu len lỏi vào lãnh đạo câu lạc bộ. Một vài người trong nhóm đó xuất thân từ các câu lạc bộ của phái tự do, trong đó có cả Frederik Sterky (người sau này lãnh đạo nhóm chống lại Palm). Những người này tham gia câu lạc bộ vì họ cho rằng các tổ chức của phái tự do – luôn chống đối phổ thông đầu phiếu và các cuộc đình công, không phản ánh được nhu cầu thật sự của công nhân.

Vào thời đó, đối thủ chính của những người xã hội chủ nghĩa Thuỵ Điển là phái tự do, tức là những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism). Phái này về căn bản ủng hộ chủ nghĩa tư bản không kiểm soát (tự do kinh tế) và không tán thành chủ nghĩa xã hội. Nhưng bên trong phái này lại tách ra làm hai phái nhỏ có thái độ chính trị khác nhau. Phái thứ nhất là phái “tự do tư sản” (liberal bourgeoisie) chống lại việc mở rộng quyền bầu cử vì họ cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của giai cấp tư sản. Phái thứ hai là phái “tự do dân chủ ”(liberal democrats) chủ trương ủng hộ quyền phổ thông đầu phiếu[8]. Một vài người còn cấp tiến hơn, chủ trương nhà nước cần có trợ cấp dành cho công nhân.

Một nhân vật hàng đầu của phái tự do dân chủ là Anton Nyström (1842-1931) - một bác sĩ chuyên khoa về da liễu, đồng thời là một nhà giáo dục, một nhà cải cách xã hội. Nyström là người truyền bá chủ nghĩa thực chứng (positivism)[9] của Auguste Comte vào Thuỵ Điển. Năm 1880, ông thành lập Học viện Công nhân (Arbetarinstitutet, Workers’ Institute) ở Stockholm nhằm giáo dục toàn diện cho giai cấp công nhân thông qua những bài giảng của những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực văn hoá và khoa học; do đó ông được coi là một “người bạn của công nhân”. Trong lý thuyết chính trị của ông, Nyström khuyên công nhân nên tập trung vào “các mục tiêu thiết thực” và “những nguyên tắc đạo đức”. Nyström đã từng có những bài phát biểu có nội dung chống chủ nghĩa xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức của August Palm ở Malmö.

Palm cho rằng cần thiết phải tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại chủ nghĩa tự do. Việc thành lập một tờ báo xã hội chủ nghĩa ở Stockholm, nơi làm việc của Nyström, sẽ đem lại cho Palm một khả năng đánh trả có hiệu quả các cuộc tấn công của phái tự do. Nhưng các thành viên của Câu lạc bộ Stockholm có nguồn gốc từ phái tự do chống lại việc khai trương một tờ báo khác dành cho công nhân bên cạnh tờ Tiden, là tờ báo đã được các công đoàn chấp nhận. Do đó, Palm đề nghị hỏi ý kiến Hjalmar Branting, chủ biên của tờ Tiden, xem tờ báo này có thể trở thành một tờ báo xã hội chủ nghĩa hay không.

Karl Hjalmar Branting (1860-1925) xuất thân là một trí thức. Sinh ra ở thủ đô Stockholm, Branting là đứa con duy nhất của giáo sư Lars Branting, một trong những nhà thiết kế chính của ngành thể dục ở Thuỵ Điển. Là một học sinh xuất sắc, vào tuổi 17 ông trúng tuyển vào đại học với thành tích rất cao ở hai môn toán và tiếng La-tinh. Ông theo học tại Đại học Uppsala trong vòng năm năm, tập trung vào toán học và thiên văn học. Trong thời gian này, cùng với Karl Staaf, ông thành lập câu lạc bộ sinh viên Verdandi có xu hướng tự do dân chủ (liberal democratic)[10]. Năm 1881, khi nghe tin Học viện Công nhân Stockholm của Anton Nyström bị thành phố từ chối trợ cấp tài chính, ông đã trích 3000 kronor trong tài sản thừa kế của ông để hiến tặng, giúp Học viện tiếp tục hoạt động. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1882, ông nhận chức phụ tá giám đốc tại Đài Thiên văn Stockholm.

Nhưng Branting cũng là một nhà khoa học xã hội. Vào khoảng năm 1880, bắt nguồn từ sự quan sát và nghiên cứu các vấn đề văn hoá và xã hội, ông đã chấp nhận các quan điểm của chủ nghĩa tự do. Nhưng ngoài các lý thuyết của phái tự do (như chủ nghĩa thực chứng của Anton Nyström, hoặc lý thuyết của nhà kinh tế học Knut Wicksell), Branting cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Trước năm 1883, Branting đã từng du hành đến Pháp và Trung Âu. Ở Paris, ông được nghe các bài diễn thuyết của nhà xã hội chủ nghĩa người Pháp Paul Lafargue (con rể Marx); ở Zürich ông đã từng tiếp xúc với Eduard Bernstein, người đã công bố lý thuyết xã hội chủ nghĩa trên tờ Der Sozialdemokrat trong thời gian sống lưu vong ở Áo[11]. Ở bất cứ nơi nào ông đặt chân đến, ông đều thử nghiệm tư duy của mình bằng cách thảo luận với công nhân và các nhà triết học xã hội.

Branting bắt đầu tham gia viết báo trên tờ Tiden (The Times, Thời báo) từ năm 1883. Đây là một tờ báo có xu hướng cấp tiến. Vào khoảng 1884, ông gia nhập Câu lạc bộ Dân chủ - Xã hội trong một thời gian ngắn, trước khi tham gia vào ban biên tập của tờ Tiden. Đây là thời điểm Branting chính thức từ bỏ nghề nghiệp nghiên cứu khoa học để bước vào nghề làm báo. Năm sau ông trở thành tổng biên tập tờ Tiden, nhưng cũng như người tiền nhiệm, ông gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tài chính.

Vào năm 1885, khi Palm hỏi ý kiến, Branting không đồng ý thay đổi nội dung của tờ Tiden và bác bỏ đề nghị chuyển tờ báo này thành tiếng nói chính thức của phái xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Câu lạc bộ Stockholm đồng ý với Palm về việc thành lập tờ báo xã hội chủ nghĩa lấy tên là Social Demokraten (Người Dân chủ - xã hội). Số báo đầu tiên ra mắt vào ngày 25.9.1885. Palm là biên tập viên chính của tờ báo. Người bạn thân của ông là Axel Danielsson (1863 - 1899) đã diễn đạt một cách sắc sảo các quan điểm của Palm. Fredrik Sterky cũng nằm trong ban biên tập. Social Demokraten sẽ giữ một vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do trong phong trào công nhân.

Không bao lâu sau khi Palm gia nhập Câu lạc bộ Dân chủ - Xã hội Stockholm, vấn đề xác định lập trường đối với phái tự do đã trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Về phía August Palm, ông thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với các nhà tự do dân chủ (tức các nhà tự do cấp tiến) trong cuộc đấu tranh chống những người bảo thủ, ví dụ như trong một vài cuộc bầu cử. Nhưng ông chỉ đồng ý hợp tác trong khuôn khổ những chương trình tiền - bầu cử, với những thoả thuận cụ thể mang tính tạm thời và cố giữ một lập trường riêng biệt. Ông không bao giờ thoả hiệp với phái tự do về mặt quan điểm, ngược lại còn cố làm rõ sự khác biệt giữa hai bên.

Trong khi đó, Hjalmar Branting giữ một lập trường uyển chuyến hơn đối với phái tự do. Trước khi tham gia Câu lạc bộ Stockholm, ông đã từng cộng tác với Nyström trong việc điều hành Học viện Công nhân, hay trong việc thành lập Hội cải cách (Reform Association) - bộ máy tranh cử đầu tiên mà phái tự do thành lập ở Stockholm với mục tiêu duy nhất là “mở rộng quyền bầu cử”. Ngay từ lúc đó, khác với nhiều nhà tự do khác, Branting mong muốn hợp tác với những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng do mối quan hệ và thiện cảm đối với phái tự do mà sau này, khi gia nhập vào hàng ngũ của phái dân chủ - xã hội, Branting luôn luôn mong muốn hợp tác chặt chẽ với những người theo chủ nghĩa tự do.

Một cuộc tranh luận đã từng nổ ra khi Palm còn phụ trách tờ Folkviljian cho thấy sự khác biệt giữa Palm và Branting. Cuộc tranh luận diễn ra xung quanh sự kiện nhóm dân chủ - xã hội ở Stockholm liên minh với phái tự do và chủ trương dồn phiếu cho Adolf Hedin, một ứng cử viên chủ trương “hạ thấp định mức tài sản để được hưởng quyền bầu cử xuống còn 400 kronor”. Palm đã chỉ trích “sự ủng hộ vô điều kiện” này trên tờ Folkviljian. Trả lời Palm, Branting viết trên tờ Tiden: “Mỗi thắng lợi của phái tự do vẫn là một thắng lợi cho công nhân.” Ông khuyên Palm: “Đừng xô đẩy một cách không cần thiết những người mà bạn còn phải cùng làm việc trong một thời gian dài, những người mà có ý thức hay không có ý thức, đang dọn đường cho chủ nghĩa xã hội chiến thắng.” Đáp trả trên tờ Folkviljian, Palm cho rằng "sự khác biệt giữa những người tự do và những kẻ phản động ở Thuỵ Điển là rất khó phân biệt, ít nhất là dưới con mắt của những người dân chủ - xã hội”. Do đó, ông bác bỏ một “mặt trận chung của cánh tả” với phái tự do.

Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo giữa hai phái dân chủ - xã hội và tự do cũng diễn ra trong phong trào công nhân. Năm 1883, các công đoàn ở Stockholm, bao gồm cả những công đoàn theo phái tự do, đã cùng nhau thành lập Uỷ ban Trung ương của Các công đoàn (Central Committee of Trade Unions, viết tắt trong tiếng Thuỵ Điển là FCK). Nyström đã viết bản cương lĩnh đầu tiên của tổ chức này. Bản cương lĩnh kêu gọi việc giáo dục, huấn luyện, bảo vệ quyền lợi của giới chủ cũng như giới thợ thuyền, chấm dứt các cuộc đình công cũng như tình trạng thất nghiệp. Ban lãnh đạo theo phái tự do muốn noi gương các công đoàn ở Anh: họ muốn các công đoàn phải thụ động, phi chính trị, và giới hạn vào các nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng. Về phía Branting, ông có ý định tranh thủ các nhà lãnh đạo này bằng những quan điểm cấp tiến hơn. Nhưng nhóm của August Palm thì không tín nhiệm Nyström và tìm cách chuyển hoá các công đoàn thành những tổ chức quần chúng mang tính giai cấp nhiều hơn. Trên tờ Tiden, Branting chỉ trích Palm đã chia rẽ giai cấp công nhân. Ông đề nghị một giải pháp thoả hiệp qua một cương lĩnh để giữ các phe phái ngồi lại cùng nhau, nhưng điều này là bất khả thi trong hoàn cảnh xung đột gay gắt giữa hai phái.

Vào ngày 9.9.1885, một cuộc họp của FCK hoan nghênh đề nghị của S. A. Junsson (người sáng lập Câu lạc bộ Dân chủ - Xã hội Stockholm) về việc soạn một cương lĩnh mới. Cùng với một số nhà dân chủ - xã hội  khác, Junsson được chọn vào ban soạn thảo cương lĩnh mới. Bản cương lĩnh mới hoàn thành vào tháng 5 năm 1886 có nội dung phù hợp với cương lĩnh của phái dân chủ -xã hội. Nó tuyên bố “lợi nhuận của lao động phải thuộc về những người lao động”, kêu gọi các công đoàn phải hợp tác với nhau để chống lại chế độ chuyên chế của chủ nhân và đấu tranh giành quyền công dân đầy đủ cho mọi người trong xã hội. Cương lĩnh mới cũng đề ra những yêu cầu mới: ngày lao động tối đa 10 giờ, bảo hiểm xã hội, tổ chức trọng tài giải quyết các tranh chấp lao động, và phổ thông đầu phiếu; đấu tranh để Nghị viện trở thành một viện duy nhất thay cho hệ thống lưỡng viện vốn dành ưu đãi cho Thượng viện giàu có. Mặt khác, một số nhà dân chủ - xã hội cũng được bầu vào ban lãnh đạo và I. M. Engstrom, cũng thuộc phái dân chủ - xã hội, được bầu làm chủ tịch của FCK.

Song song với thắng lợi trong phong trào công đoàn, vào tháng 10 năm 1885, Câu lạc bộ Dân chủ - xã hội đổi tên thành Hội Dân chủ - Xã hội (Social Democrat Association), đặt dưới sự lãnh đạo của Palm.

Sức mạnh của phái dân chủ - xã hội thể hiện trong cuộc huy động quần chúng đầu tiên diễn ra vào đầu năm 1886. Nguyên nhân gây ra vụ việc là chính sách bảo hộ mậu dịch. Lúc bấy giờ, những người chủ trương bảo hộ mậu dịch (protectionists) muốn đánh thuế nhập khẩu lúa mì và thịt heo để bảo hộ cho hàng nội địa. Theo quan điểm của Axel Danielsson, điều này chỉ có lợi cho các địa chủ nhưng lại làm cho giá tiêu thụ tăng cao, có hại cho quần chúng công nhân. Mặc dù những người chủ trương “tự do mậu dịch” (free-traders) thuộc phái tự do chiếm đa số trong Nghị viện, nhưng những người chủ trương bảo hộ mậu dịch tìm cách ban hành thuế nhập khẩu bằng mọi cách. Vào ngày 7.2.1886, Palm đã lãnh đạo 10.000-15.000 người trong một cuộc biểu tình ở Stockholm. Hai tuần sau có một cuộc biểu tình ở Malmö với 20.000 người. Những người dân chủ - xã hội đã sử dụng cách này để biểu thị sức mạnh của phong trào công nhân và chứng minh rằng công nhân không tin tưởng vào hoạt động của Nghị viện.

Song song với cuộc đấu tranh giữa phái dân chủ - xã hội và phái tự do để giành quyền lãnh đạo phong trào công nhân, bên trong phái dân chủ - xã hội cũng diễn  một cuộc đấu tranh nội bộ. Ngay từ khi mới thành lập, trong nội bộ Hội Dân chủ - Xã hội Stockholm đã có một nhóm theo xu hướng khác với xu hướng của Palm và Danielsson. Nhóm này do Frederik Sterky lãnh đạo. Vào tháng giêng 1886, Sterky tuyên bố rằng những người dân chủ - xã hội là những người phi-cách mạng và “luôn luôn giữ vững con đường hợp pháp”. Palm nghi ngờ Sterky bởi vì ông này xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có. Palm và giới công nhân cũng thường chế giễu nhóm của Sterky là “giới trí óc” (intelligences), một thứ tiếng lóng của nông dân dùng để gọi xã hội thượng lưu. Nhiều người trong nhóm của Sterky xuất thân từ các câu lạc bộ của phái tự do và ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do vẫn còn lại khi họ gia nhập vào hàng ngũ những người dân chủ - xã hội. Trong khi Palm cổ vũ cho một hình thức tổ chức kết hợp giữa tập trung hoá và dân chủ hoá thì nhóm của Sterky lại cổ vũ cho nguyên tắc phi tập trung hoá (tản quyền, decentralisation). Nhóm này cũng đặt trọng tâm vào việc giáo dục và khai trí cho công nhân, đồng thời chủ trương liên minh với phái tự do. Cũng giống như những người tự do dân chủ, họ chủ trương đẩy mạnh các cuộc cải cách như một phương pháp làm thay đổi xã hội và chối bỏ phương pháp cách mạng.

Khi tờ Tiden bị đóng cửa vào tháng 1.1886 trong một cuộc đấu tranh nội bộ của FCK, Social Demokraten trở thành tờ báo duy nhất được phát hành bởi một tổ chức của công nhân. Công nhân bị hấp dẫn bởi sự phân tích giai cấp của tờ Social Demokraten và đặc biệt là tài năng văn chương của Axel Danielsson. Nhóm của Sterky chỉ trích công tác biên tập của Palm đã sử dụng “ngôn ngữ thô bạo”, ý nói xu hướng cách mạng và sự thù nghịch của ông này đối với các giai cấp thượng lưu. Nhưng trong cuộc bầu cử ngày 27.4.1886, Palm vẫn được chọn làm chủ biên của tờ Social Demokraten, trong khi Engstrom - một thành viên của nhóm Sterky, được chọn làm chủ tịch của Hội Dân chủ - Xã hội. Nhóm của Sterky không hài lòng với kết quả này bởi vì họ coi trọng vai trò của ban biên tập tờ báo nhiều hơn. Nhóm này đòi hỏi Engstrom phải trở thành chủ biên và khi bị từ chối, nhóm của Sterky tách ra thành lập Hội hữu nghị Dân chủ -xã hội (Social Democratic Fraternity) vào ngày 25.5.1886. Hội thành lập một tờ báo có tên là Nua Samhallet (Cộng đồng mới, New Community), với Akerberg làm chủ biên. Như vậy là phái dân chủ - xã hội bị chia rẽ làm hai: một bên là Hội Dân chủ - Xã hội với tờ Social Demokraten là cơ quan ngôn luận – do August Palm lãnh đạo, còn bên kia là Hội hữu nghị Dân chủ - Xã hội và tờ báo Nua Samhallet dưới sự lãnh đạo của Fredrik Sterky. Branting gia nhập vào Hội của Sterky.

Mặc dù có sự chia tách, Social Demokraten ngày càng được quần chúng công nhân ủng hộ. Đại hội các Công đoàn vùng Scandinavia từ 27 đến 29.8.1886 củng cố vị thế của phái dân chủ - xã hội trong các công đoàn, Palm là đại diện của Hội Dân chủ - Xã hội. Đại hội kiên quyết đòi ngày làm việc 8 giờ và tự nhận là xã hội chủ nghĩa.

Trong lúc đó, Hội Hữu nghị Dân chủ - Xã hội bị cô lập với giới công nhân. Tờ Nua Samhallet không giữ vững lập trường giai cấp và lập trường của họ xa cách với những người dân chủ - xã hội khác. Do đó Hội Hữu nghị Dân chủ - Xã hội tìm cách tái hợp với Hội Dân chủ - Xã hội để tránh sự tan rã hoàn toàn. Việc tái hợp nhất được thực hiện trong một cuộc họp vào ngày 28.8.1886. Vì sự đối đầu gay gắt diễn ra giữa Palm và Sterky, do đó Axel Danielsson đại diện cho Hội Dân chủ - Xã hội trong cuộc điều đình, còn Hjalmar Branting thì thay mặt cho Hội Hữu nghị Dân chủ - Xã hội. Hai bên thoả thuận hợp nhất thành một tổ chức có tên là Liên hiệp Dân chủ - Xã hội (Socialdemokratiska Förbundet, Social Democratic Union) với tờ Social Demokraten là cơ quan ngôn luận và đóng cửa tờ Nua Samhallet. Cương lĩnh của Liên hiệp Dân chủ - Xã hội vẫn dựa trên nội dung của Cương lĩnh Gotha. Khi diễn ra cuộc bầu cử ban biên tập tờ Social Demokraten, Danielsson được bầu vào chức tổng biên tập với 108 phiếu, tiếp đó là Palm với 76 phiếu và Branting nhận được 56 phiếu.

Điều rõ ràng là nhóm Sterky đã thua cuộc. Nhưng việc tái  hợp nhất có nhược điểm là thiếu hẳn một văn bản nhằm ràng buộc những người ký kết với những nghĩa vụ trong tương lai để ràng buộc nhóm Sterky, nhằm tránh những âm mưu vận động ngầm giữa các bên. Do đó, cuộc đấu tranh nội bộ vẫn tiếp diễn.

Việc tái hợp nhất hai tổ chức dân chủ - xã hội là một biến cố quan trọng đối với Branting, người trước đây đã từng là một khuôn mặt sáng giá của phong trào công nhân theo xu hướng tự do. Branting nhận thức được sự thất bại của tờ Tiden và sự thành công của phong trào dân chủ - xã hội, do đó càng ngày ông càng nghiêng về phái dân chủ - xã hội. Mặc dù vẫn còn dành cảm tình cho phái tự do, việc Branting gia nhập vào Liên hiệp Dân chủ - Xã hội đã tách ông ra khỏi phong trào tự do (liberal movement).

Một biến cố quan trọng của Branting với tư cách một nhà dân chủ - xã hội là bài phát biểu tại câu lạc bộ công nhân ở Gävle vào ngày 24.10.1886 với chủ đề: “Tại sao Phong trào công nhân phải trở thành xã hội chủ nghĩa?”.

Branting chứng minh rằng những điều kiện của chủ nghĩa xã hội đang phát triển trên đất nước Thuỵ Điển, do đó công nhân phải có ý thức và chấp nhận nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông đề nghị hai tổ chức (công đoàn và đảng) cùng hoạt động để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công đoàn lãnh đạo cuộc đấu tranh kinh tế hàng ngày để giành “bánh mì và bơ”. Nó sử dụng sức mạnh tập thể để chống lại tác dụng của “Quy luật sắt” đang giảm thiểu tiền lương, và đấu tranh với những xâm phạm của tư bản bằng cách tác động vào những điều kiện lao động. Nó tổ chức công nhân theo ngành nghề và phải thu hút tất cả công nhân trong nước, không phân biệt niềm tin chính trị hay tôn giáo. Tất cả công nhân cần phải gia nhập vào công đoàn để buộc giới chủ phải điều đình. Nhưng các công đoàn không thể trở thành “những ngọn lửa của vận động chính trị” bởi vì chức năng này thuộc về một tổ chức chính trị - xã hội (tức là đảng). Đảng nỗ lực đem lại những cải cách hợp pháp có lợi cho công nhân, chinh phục quyền lực chính trị, và thiết kế sự chuyển hoá lên chủ nghĩa xã hội. Đảng là cần thiết bởi vì các công đoàn không thể ngăn cản sự lệ thuộc tối hậu của công nhân đối với tư bản. Đảng chính trị bao gồm những công nhân có ý thức giai cấp và các tổ chức chính trị – xã hội độc lập như Câu lạc bộ Công nhân Gävle và Liên hiệp Dân chủ - Xã hội Stockholm. Đảng và công đoàn phải mạnh ngang nhau. Thông qua các tổ chức này, phong trào lao động đấu tranh cho mục đích cuối cùng là “giải phóng trọn vẹn giai cấp công nhân thoát khỏi mọi ách nô lệ - về chính trị, kinh tế, xã hội và tinh thần.”

Bài phát biểu của Branting có thể được coi là lời tuyên bố về tính độc lập của trào lưu dân chủ - xã hội Thuỵ Điển. Xét về nội dung, đó là một bài nói có tính dân chủ - xã hội mẫu mực, bởi vì những ý tưởng chủ yếu đều bắt nguồn từ Lassalle và Marx. “Quy luật sắt” của Lassalle được nêu lên vài lần trong tài liệu và Branting cũng vài lần trích dẫn Tuyên ngôn Cộng sản của Marx. Có lẽ Branting soạn một phát biểu đúng chuẩn mực dân chủ - xã hội và tránh ca ngợi phái tự do bởi vì ông chỉ mới gia nhập hàng ngũ xã hội chủ nghĩa hai tháng trước đó.

Nhưng bài phát biểu của Branting ở Gävle cũng đồng thời phản ánh đường lối cải cách của ông. Đối với ông, chủ nghĩa xã hội mang “tính cách mạng” với ý nghĩa là “xây dựng xã hội dựa trên một nguyên lý mới”. Ông chấp nhận con đường đấu tranh bất hợp pháp nếu các giai cấp bên trên từ chối phổ thông đầu phiếu và huỷ diệt các quyền tự do dân sự. Theo nhà sử học Herbert Tingsten, Branting coi “các phương pháp cách mạng là cần thiết nếu phổ thông đầu phiếu không được áp dụng, nhưng ông chối bỏ tư tưởng về cách mạng trong những hoàn cảnh khác và vì những mục đích khác.” Nói cách khác, Branting “chấp nhận cuộc cách mạng dân chủ - tư sản nhưng từ chối cuộc cách mạng xã hội.”[12]

Kết quả của bài nói chuyện ở Gävle là uy tín của Branting tăng lên rất cao trong Liên hiệp Dân chủ - Xã hội. Số lượng các nhà xã hội chủ nghĩa có xu hướng cải cách tăng lên cùng với sự tái hợp nhất và sự gia nhập gần đây của quần chúng lao động vào các công đoàn thuộc phái dân chủ - xã hội.

August Palm không quan tâm nhiều đến các cuộc vận động ngầm bên trong phong trào, và cũng không có sở trường về vấn đề đó. Hơn nữa, đối thủ chính của ông là Sterky chứ không phải Branting. Người bạn Danielsson của ông đã trở thành một nhà văn xuất sắc và là một đồng biên tập, thể hiện một tài năng lớn về văn chương. Đầu tháng 11, để lại Danielsson với vai trò chủ biên, Palm tiếp tục một chuyến du hành vận động khác. Thay cho ông ở vai trò phó chủ biên là Branting.

Trong thời gian Palm vắng mặt, phái cải cách trở nên mạnh mẽ hơn. Vào đầu năm 1887, họ giao quyền sở hữu tờ Social Demokraten cho các công đoàn, thay cho Liên hiệp Dân chủ - Xã hội. Trong khi các thành viên cấp dưới của công đoàn ủng hộ Liên hiệp Dân chủ - Xã hội, thì chính các tầng lớp trên của các công đoàn lại được cử vào uỷ ban lãnh đạo mới của tờ Social Demokraten. Uỷ ban này đã cử Branting thay Danielsson làm tổng biên tập. Tờ báo lọt vào tay của phái cải cách.

Sau khi mất chức tổng biên tập, Danielsson trở về Malmö. Tại đây, vào mùa hè năm 1887, Danielsson khai trương thành công tờ báo Arbetet. Trong khi đó, từ cuộc đấu tranh nội bộ, vai trò của Branting ngày càng nổi bật với tư cách chủ biên của tờ Social Demokraten, lãnh đạo của Liên hiệp Dân chủ - Xã hội Stockholm và do đó, lãnh đạo toàn bộ phong trào dân chủ - xã hội Thuỵ Điển. Tingsten kết luận rằng: “Những hoàn cảnh khác nhau đã góp phần làm cho Branting, người đại diện cho đường lối ôn hoà và cải cách ngay từ đầu, trở thành lực lượng chế ngự vào cuối thế kỷ.”[13]

August Palm và Axel Danielsson vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào dân chủ - xã hội ở miền nam Thuỵ Điển, có xu hướng cách mạng hơn. Vào năm 1889, hai ông tham gia thành lập Đảng Dân chủ - Xã hội Thuỵ Điển. Mặc dù cho đến cuối đời, August Palm vẫn được mọi người trong đảng kính nể – kể cả Branting, nhưng từ nửa sau thập niên 1880 ảnh hưởng của ông không còn nổi bật như trước.

Mùa hè năm 1889, do sáng kiến của phong trào công nhân vùng Scania (Skåne), một đại hội toàn quốc  của các tổ chức công nhân được triệu tập tại thủ đô Stockholm. 49 đại biểu dự đại hội là đại diện của 51 công đoàn và 16 câu lạc bộ dân chủ - xã hội (với tổng số thành viên là 3.194). Đại hội này đã quyết định thành lập Đảng Dân chủ - Xã hội Thuỵ Điển (Swedish Social Democratic Party, viết tắt là SAP). Từ đó đến nay năm 1889 được coi là năm thành lập chính thức của đảng.[14]

Hai năm sau (1898), các công đoàn chịu ảnh hưởng của SAP hợp nhất với nhau thành Liên hiệp Công đoàn Thuỵ Điển (Swedish Trade Union Confederation, viết tắt là LO)[15]. Fredrik Sterky, một nhân vật thuộc phái cải cách là đồng sáng lập của tổ chức này. Sự gắn bó của đảng SAP với LO, tổ chức công đoàn lớn nhất ở Thuỵ Điển, chính là một trong những bí quyết tạo nên sức mạnh của phong trào dân chủ - xã hội tại quốc gia này trong suốt thế kỷ 20 vừa qua.

Như vậy, nhìn toàn cục về mặt tổ chức, đảng Dân chủ - Xã hội Thuỵ Điển cũng hình thành theo cách thức của phần lớn các đảng cánh tả khác ở châu Âu, nghĩa là thành lập các tổ chức quần chúng (câu lạc bộ, hiệp hội,…) và các công đoàn độc lập với các xu hướng chính trị khác để thông qua đó tập hợp, giáo dục quần chúng trước khi thành lập đảng chính trị của giai cấp công nhân. Đảng chính trị là thành quả cuối cùng chứ không phải là tiền đề của quá trình xây dựng phong trào dân chủ - xã hội về mặt tổ chức. Khi đảng chính thức ra mắt, đó cũng là lúc lực lượng quần chúng xung quanh đảng đã thật sự lớn mạnh.

*


[1] Còn gọi là nhóm văn hoá (cultural group) hay  nhóm giáo dục (educational group).

[2] Giữa năm 1847, Marx và Engels tham gia Liên đoàn những người Chính nghĩa và sau đó chuyển hoá tổ chức này thành Liên đoàn Cộng sản (Communist League, Ligue des communistes).

[3] Dự án này trong thực tế là một sự thoả hiệp, vì các ý tưởng của Cabet không bao giờ được áp dụng trọn vẹn. Dân số lúc cao nhất của Nauvoo là 1.800 người. Năm 1856, xảy ra sự chia rẽ nội bộ và Cabet dẫn 180 môn đồ rời bỏ Nauvoo để đến St. Louis và không bao lâu sau qua đời tại nơi đó.

[4] Dân số Thuỵ Điển vào năm 1815 chỉ có 2,5 triệu người, đến năm 1850 đạt 3,5 triệu người và đến năm 1900 đạt đến 5,1 triệu người. Như vậy, từ 1815 đến 1900, dân số đã tăng gấp đôi, mặc dù mất đi 850 ngàn người do cuộc di cư trong thời gian từ 1840 đến 1900 (chủ yếu đến vùng Bắc Mỹ). Nếu tính đến năm 1914, số người di cư là trên 1 triệu, tương đương khoảng 20 % dân số Thuỵ Điển thời đó. Ngày nay, người ta ước tính tại Hoa Kỳ có khoảng 4,5 triệu người được xác nhận là người Mỹ gốc Thuỵ Điển (Swedish Americans).

[5] Trong lịch sử của phong trào dân chủ - xã hội Thuỵ Điển, August Palm thường được gọi là “Thầy Palm” (Mäster Palm, Master Palm).

[6] Haderslev là một thành phố thuộc vùng Schleswig (Slesvig), nằm ở phía đông-nam của bán đảo Jutland. Sau cuộc Chiến tranh Schleswig năm 1864, Đan Mạch thua trận buộc phải nhường toàn bộ vùng Schleswig cho Đức. Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1920, miền bắc Schleswig – trong đó có Haderslev, được giao lại cho Đan Mạch.

[7] Bài viết “Phê phán cương lĩnh Gotha” chỉ được phổ biến trong nội bộ phái Eisenach. Mãi đến năm 1891 (sau khi Marx mất), Engels mới cho công bố bài viết này.

[8] Các khái niệm này được nhà nghiên cứu Knut Backstrom sử dụng. Còn Hurd thì gọi phái thứ nhất là các nhà tự do tư sản (bourgeois liberals), phái thứ hai là các nhà tự do cấp tiến (radical liberals). Xem Hal Smith, bài đã dẫn, chú thích (85).

[9] Chủ nghĩa thực chứng (Positivism, còn dịch là chủ nghĩa thực nghiệm) là một hệ thống triết học dựa trên kinh nghiệm và kiến thức thực nghiệm về các hiện tượng tự nhiên, trong đó siêu hình học và thần học được coi như những hệ thống tri thức không đầy đủ và không hoàn hảo.

[10] Karl Staaf về sau trở thành lãnh tụ của phái tự do (liberals), và là người đầu tiên của phái này giữ chức Thủ tướng Thuỵ Điển.

[11] Vào lúc này, Bernstein chưa công bố các quan điểm “xét lại” chủ nghĩa Marx.

[12] Herbert Tingsten, The Swedish Social Democrats: Their Ideological Development (Totowa: Bedminster Press, 1973), tr. 349-350. Trích theo Hal Smith, bđd.

[13] Tingsten, sđd, tr. 459 – 460, trích theo Hal Smith, bđd.

[14] SAP là chữ viết tắt của Sveriges socialdemokratiska arbetareparti, dịch đầy đủ là Đảng Công nhân Dân chủ - xã hội Thuỵ Điển (Social Democratic Workers' Party of Sweden). Mặc dù vào năm 1883 August Palm đã thành lập một đảng dân chủ - xã hội tại Malmö, nhưng “đảng” này trong thực tế chỉ mới là một nhóm chính trị nhỏ tập hợp xung quanh Palm; do đó 1883 không được coi là năm thành lập đảng.

[15] LO là chữ viết tắt trong tiếng Thuỵ Điển của Landsorganisationen i Sverige (nghĩa đen là National Organisation in Sweden, Tổ chức toàn quốc ở Thuỵ Điển).

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ