LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Nửa đời nhìn lại và nửa đời còn lại.

[Thư riêng gửi Lê Đình Điểu ]


              Mong muốn lớn nhất của bất cứ tác giả nào cũng là đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Tác phẩm là sự mở rộng, nối dài của tác giả trong không gian và thời gian. Tác phẩm là dấu ấn của tác giả trong cuộc đời khi cuộc sống trần gian ngắn hạn  chỉ là bóng câu qua cửa sổ. Đó cũng chính là khát vọng về vĩnh cửu.

 Chúng ta đang sống trong một thời đại bão táp đầy bi kịch của cả nhân loại, cả đất nước và từng con người. Định mệnh của con người thời đại là đau khổ và hạnh phúc. Và đối với một nhà văn, đau khổ sẽ cùng cực và hạnh phúc cũng vô biên được sống giữa lòng thời đại này để chiêm nghiệm về trần gian và sáng tạo nên tác phẩm. Nếu tác giả có tài, tác phẩm lúc đó sẽ kết tinh được  hơi thở nồng nàn nhất, cái đẹp rực rỡ nhất, cái xấu xa bại hoại nhất  của một giai đoạn để gởi đến người đồng thời và trở thành thông điệp gởi đến những thế hệ mai sau.

Tôi viết “Nửa đời nhìn lại” khi đã hơi bình tâm để nhìn nhận lại một quá khứ gần và hiện tại của lịch sử đất nước cũng như chính bản thân, trong đó sự cuồng tín, hận thù  và phản bội đã gây ra biết bao đau thương đổ vỡ.

 Những con người sống đẹp là những con người sống có khát vọng, niềm tin, lý tưởng và biết chiến đấu. Tiếc thay, khát vọng, niềm tin và lý tưởng trong cuộc chiến đấu thường bị đẩy đến chỗ cuồng tín và hận thù. Nhiều người đã trải qua một thời cuồng tín, nhất là những người sống bằng khát vọng và ngọn lửa đấu tranh. Người cuồng tín vẫn là người trung thực nhưng trung thực thì không thể ngụy tín. Trung thực đòi hỏi phải sám hối khi người ta nhận ra rằng cuồng tín đã gây nên biết bao tai họa.

Ngụy tín tất nhiên bắt đầu đi vào con đường phản bội nhưng suy cho cùng, cuồng tín cũng đã là phản bội. Thế nào là phản bội? Ai phản bội và phản bội ai? Phản bội cố tình và phản bội vô tình. Phản bội chân thật và phản bội gỉa trá. Phản bội đi đôi với trung thực, đi ngược lại trung thực và gắn liền với  bị phản bội. Ý niệm về phản bội rất tương đối. Phản bội đối với người này, phe này lại là trung thực đối với người kia, phe kia. Trung thực với chính mình lại là phản bội đối với người khác. Trung thành với chủ nghĩa là phản bội dân tộc….

Tiêu đề đoạn mở đầu của Nửa Đời Nhìn Lại  trong bản thảo là “Hai lần phản bội?”, với một dấu  (?), nhưng khi in, do sơ suất ở một khâu nào đó, đã thiếu dấu (?) khá quan trọng này. Ông gìa nguyên là ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh K khi “chiêu hồi” là  phản bội đảng cộng sản, phản bội cuộc chiến đấu của mình, nhưng  nếu lúc đó, ông ta thấy đảng cộng sản sai lầm, cuộc chiến phi nghĩa, lại không phản bội. Ông gìa ra đầu thú lần thứ hai là phản bội lại những ngưởi quốc gia, phản bội với “chính nghĩa” mà ông đã chiêu hồi.  Qua hai lần đó, ông đã phản bội  cả những người cộng sản, những người quốc gia nhưng có thể lại không phản bội chính mình và không phản bội dân tộc khi sau cùng ông chỉ muốn được chết giữa lòng quê hương. Ông đã quay  cuồng giữa những lần phản bội, giữa phản bội và trung thực, gây hệ lụy cho người khác vì sự phản bội của mình và có thể ông cũng không  giữ được sự trung thực  với chính mình, không được chết giữa lòng quê hương như ý nguyện cuối đời  vì không ai tha thứ  cho ông cả. Đó phải chăng là tột đỉnh bi kịch của một kiếp người?

 Trong tình yêu, con người cũng không ngớt quay cuồng. "Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau". Yêu người này là phản bội người kia. Yêu một người hay yêu nhiều người hay từng lúc yêu từng người. Yêu là phản bội và không yêu cũng là phản bội. Không chung thủy là phản bội và chung thủy cũng là phản bội…  Rồi trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, thế nào là chung thủy và  bội phản?

              Vậy thì vượt lên trên tất cả những điều đó, có không tiêu chuẩn sau cùng của trung thành và phản bội, bằng cách nào để giải quyết thảm họa do mâu thuẫn giữa trung thành và phản bội gây ra? Phải chăng đó là một câu hỏi lớn đi suốt chiều dài lịch sử con người?

                Ngày hôm nay, đối với đa số nhân dân Việt Nam, xu hướng chính là hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù. Nhiều người chống cộng và nhiều người cộng sản đã nói đến điều này dù có thể sự thực lòng và mức độ khác nhau, những điều kiện khác nhau, nhưng ai cũng thấy thực hiện việc đó hoàn toàn không dễ dàng.

Trong cuộc chiến quốc-cộng vừa qua, tôi có đủ mọi loại quan hệ và bạn bè. Thủơ còn sinh viên, tôi chống Mỹ nhưng vẫn có tình bạn vong niên khá thân thiết với một người Mỹ, một người rất yêu đất nước và con người Việt Nam. Tôi đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn nhưng nhiều bạn học của tôi trở thành sĩ quan của đủ loại binh chủng hải, lục, không quân. Tôi có ác cảm với cộng sản vì bài thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu và đã công khai nói điều đó trong một bài diễn văn trước công chúng tổ chức tại bến Thương Bạc trong cuộc đấu tranh năm 1966 tại Huế, trong khi người bạn thân nhất của tôi (là con một cán bộ cộng sản tập kết) ra bưng học tập để kết nạp đoàn, sau đó tôi lại kết bạn với một chiến sĩ du kích trong tù. Cho đến nay, bạn bè cũ có người du học Mỹ đỗ mấy bằng tiến sĩ, làm giám đốc một cơ quan lớn, có người dạy học ở nhiều nước trên thế giới, có người sau 1975 vượt biên, có người là đảng viên cộng sản giữ chức vụ khá quan trọng, có người ra khỏi đảng, bị khai trừ, cho thôi việc…

Bao nhiêu dâu biển đã qua, ngẫm lại quá khứ, tôi khộng hề có hận thù cụ thể đối với một người quốc gia hay cộng sản nào. Có thể trong từng giai đoạn đấu tranh tôi đã từng va chạm với người này người khác nhưng đối với tôi, cái trừu tượng có lẽ lớn hơn cái cụ thể. Dân tộc, nhân loại, những giá trị nhân bản là lý tưởng phụng sự của nhiều người, kể cả những người đối kháng nhau trong phương pháp và quan điểm chính trị, tư tưởng. Từ thời trẻ, tôi vẫn luôn khẳng định, trước khi là người quốc gia, cộng sản, theo tôn giáo này, tôn giáo khác, trước tiên mỗi người sinh ra đều là con người, đều là người Việt Nam. Những dị biệt chỉ đến sau này. Và hận thù, và tội lỗi chính là do chủ nghĩa, do chế độ, do sự cuồng tín hay mù quáng và tất cả mọi hệ lụy của nó mang lại. Từ đó, những mặc cảm hay thành kiến đối với nhau càng nặng nề, làm át cả những gì thuộc bản chất tốt đẹp của con người.

Vậy làm thế nào để hòa giải hòa hợp  dân tộc? Tôi cho rằng chỉ hòa giải được khi biết thông cảm và tha thứ, biết quên quá khứ, biết lắng nghe và đối thoại. Chỉ hòa hợp được khi có thành tâm thiện chí cho mục đích chung. Chỉ hòa giải hòa hợp  được giữa những người bình đẳng dù trong đó một phe, một số người là đa số hay đang cầm quyền. Không thể có hòa giải hòa hợp giữa những kẻ thống trị và những người bị trị, giữa những  người đã, đang  và sẽ còn thù hận nhau. Không thể hòa giải hòa hợp với kẻ ác vẫn đang dấn sâu vào  tội ác. Hòa giải hòa hợp vẫn là một cuộc chiến đấu  nhưng là một cuộc chiến đấu không đổ máu và hận thù vì nếu có đổ máu và hận thù, nhất định sẽ không hòa giải hòa hợp được vì điều đó trái với hòa giải hòa hợp từ trong bản chất.

Trong chính trị có thể nói đến hòa giải hòa hợp nhưng trong tình yêu không có khái niệm này. Tình yêu có tiếng nói và rung động khác. Tình yêu không có quy luật. Tình yêu là tự nhiên, là tự do, là mù quáng, là điên rồ, là mê đắm, là tận hiến, là thù hận, là bội bạc, là chung thủy, là lãng quên, là không thể quên, là sau cả lãng quên…..

Tình yêu không chấp nhận lời lý giải độc quyền, không có giải pháp duy nhất, không có kết luận sau cùng. Tình yêu mãi mãi là sự bí nhiệm đầy ngạc nhiên. Không thể khẳng định tình yêu nhân gian nào là đích thực. May ra tình yêu đích thực chỉ có với Thượng Đế sau khi đã vượt qua, thăng hoa tình yêu trần thế.

Có người nói chính trị và tình yêu là hai trò chơi  chí mạng  của con người và thật đáng  sợ cho  những ai dấn thân vào. Nhưng lẽ nào đã vào cuộc làm người lại không tham dự trò chơi hào hứng  nhất của trần gian dù sau đó có thể nhận lãnh mọi hậu quả. "Nửa đời nhìn lại" về một phương diện là nhìn lại cuộc chơi trần thế với nhiều dư vị đắng cay khi cuộc chơi chưa tàn mà người chơi  đã đầy thương tích.

                                                                                                 *     

                  Tôi cũng  xin được nói đôi điều về kỹ thuật  tiểu thuyết mà Đặng Tiến, Tâm Việt, Nguyễn thị Hoàng Bắc đã có  nhắc đến khi viết về Nửa Đời Nhìn Lại.

                 Xin nói ngay rằng tôi không có ý biện minh gì ở đây. Tôi là một tác gỉa "chưa có tên tuổi" như  Lê Đình Điểu đã khẳng định khi cho xuất bản cuốn sách, tác gỉa của một tác phẩm đầu tiên được xuất bản, không là cái gì cả. Và tác phẩm khi đã được ra đời, nó thuộc về người đọc. Người đọc có toàn quyền thẩm  định, đánh gía bất kể người viết có dụng ý gì. Sự biện hộ của tác gỉa không làm thay đổi nhận định của người đọc.

Tôi hiểu "cái tôi đáng ghét" nhưng tôi nghĩ đây chỉ là cái tôi của lời tâm sự chân tình. Tác phẩm là một lời tâm sự. Viết về tác phẩm là tiếp tục nói lời tâm sự mà tác phẩm chưa nói hết. Và lời tâm sự chân tình nào lại không đáng được nghe và thông cảm dù là của một nhà văn nổi tiếng, một người mới cầm bút, một nhà văn thất bại hay của bất cứ một phận người nào. Tâm sự là muốn được chia sẻ. Và cũng không mấy khi được tâm sự nên tôi xin phép được hơi dài lời.

 Tôi mê văn chương từ thời tuổi trẻ nhưng ít có duyên với văn chương và viết được ít so với những bạn bè cùng thời. Thuở 20, lúc còn là sinh viên, tôi đã cùng  với một số bạn bè lập Hội Hồng Sơn, sau đổi thành nhóm Việt, là một tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật  yêu nước, tiến bộ hoạt động từ 1965-1975 ở Miền Nam Việt Nam. tác phẩm đầu tay thời sinh viên của tôi là "Đi trong lịch sử" mà tôi gọi là "tác phẩm viết", viết năm 1967, chỉ được giới thiệu trên nhật báo Điện Tín mấy chương đầu năm 1972. Sau đó tôi chỉ viết được một truyện dài và một tập truyện ngắn, trong đó một số truyện được đăng trên mấy tạp chí đối lập ở Miền Nam.

Tôi viết "Đi trong lịch sử" với tư tưởng hoàn toàn tự do và đầy tham vọng ngông cuồng của tuổi trẻ ngay sau cao trào đấu tranh năm 1966 ở Huế mà tôi đã dấn thân hết mình. Sau đây là gần như toàn văn " lời dẫn nhập" của " Đi trong lịch sử" viết lúc đó mà tôi muốn dẫn lại ở đây, vì hiện nay tôi vẫn muốn tiếp nối con đường đã vạch ra từ gần 30 năm trước.

"… Giữa cơn ly loạn của lịch sử, những người trẻ phải già trước tuổi. Già trong ý thức. Già trong tâm hồn. Bởi những người trẻ tuổi phải đương đầu với những vấn đề lớn của thế hệ mình. Những người trẻ nhiệt tình và nóng lòng. Họ muốn lấp bể vá trời. Muốn dựng đại nghiệp cho đời mình và cho dân tộc. Như một nhân vật trong tác phẩm này đã nói: "Ta phải mong chờ chính ta như mong chờ một Đấng Cứu Thế. Vì không còn ai khác nữa." Những biến động lịch sử  đã làm ý  thức họ chóng trưởng thành. Họ muốn nhìn rõ chỗ đứng của mình. Họ can đảm nhận trách nhiệm và sẵn sàng chu toàn với mọi giá.

Nhân vật chính trong tác phẩm này đã dấn thân vì những thúc bách nội tâm không thể cưỡng lại. Trong thẳm sâu tâm hồn, hắn vốn là một nghệ sĩ. Hắn tham dự vì không thể ngồi yên trước cơn đau nhức, khát vọng rực lửa và sự cuồng phẫn chung của quần chúng. Quần chúng của một dân tộc nhược tiểu nhưng bất khuất. Hắn sáng suốt trong ý thức và lãng mạn trong hành động. Đó là định mệnh của đời hắn.

 Tác phẩm trình bày đời sống và nội tâm sôi trào của một kẻ nhập cuộc trong biến động. Đó là khuôn mặt của một cá nhân. Và cũng là khuôn mặt của một thế hệ. Đời sống bản thân cá nhân cũng là một lịch sử. Và ở đây: Một lịch sử cuồng nộ, một suối nguồn mênh mông, một trung thực tột đỉnh cá nhân đã chảy dạt dào trong lịch sử mê cuồng của dân tộc.

Nhân vật chính trong tác phẩm, một người trẻ tuổi, muốn gởi gắm thật nhiều điều: Những phẫn nộ và phản kháng của dân tộc nhược tiểu. Những cuồng nhiệt bão lửa dành cho quê hương. Những trang sử vô danh hào hùng. Mặt trái của một cuộc chiến đấu thần thánh. Những mâu thuẫn khốc liệt giữa giá trị vĩnh cửu và giai đoạn, giữa con người - nhân loại và con người - dân tộc. Những cuộc tình si mê, điên rồ, choáng váng nhưng phù du trôi nổi. Những tương giao bằng hữu tuyệt vời. Những cuộc chạy trốn của kẻ bị truy nã. Những địa ngục trần gian trong lao tù. Và không khí ngạt thở của giờ thứ 25 trên đất nước.

Hắn nói bằng chính những gì hắn đã sống trải, chịu đựng. Người trẻ tuổi lắm cao vọng. Nhưng không ai có thể trách hắn. Vì người trẻ tuổi nào không có cao vọng chỉ là đồ chó chết.

Người viết cũng là một người trẻ tuổi vô danh trong thế hệ tuổi trẻ. Tác phẩm của hắn chứa nhiều mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn cần thiết. Bởi hắn nghĩ hắn muốn viết một tác phẩm nghệ thuật, không phải một tác phẩm tuyên truyền. Nghệ thuật là vĩnh cửu. Tuyên truyền là giai đoạn. Và khát vọng nào không là khát vọng vĩnh cửu.

Bối cảnh của tác phẩm chứa đựng một số sự thực lịch sử. Những sự thực mà chính người viết đã chứng kiến và sống trải. Bối cảnh đó chỉ là cơ hội và nguyên nhân cho nội tâm tuôn chảy. Người viết không sợ nhưng muốn tránh những ngộ nhận. Đất nước đã chịu đựng quá nhiều ngộ nhận tàn khốc. Hắn muốn trung thực với mình, với người một cách tuyệt đối. Những nhận định của hắn có thể chủ quan, phiến diện, hay sai lầm, hay chỉ đúng trong một giai đoạn. Dù sao đó là những sự thực đã có. Sự thực không thể bị chối bỏ hay bóp méo. Và người viết cũng chỉ là một sinh viên 22 tuổi.

 Hắn chỉ muốn trung thực. Dù đôi khi trung thực cũng là một trọng tội.

 Người viết cũng muốn trình bày vài nét chính về lý thuyết xây dựng tác phẩm.

 

1/ Tác phẩm phải nói điều đáng nói.

          Tác phẩm đây là tác phẩm viết, văn xuôi. Điều đáng nói là tư tưởng. Không tác phẩm lớn nào không là tác phẩm tư tưởng. Giờ thứ hai mươi lăm của C. V. Gheorghiu. Cuốn theo chiều gió của M. Mitchell. Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi. Câu chuyện của dòng sông của Hermann Hesse… Tư tưởng của chính mình, không phải vay mượn của thiên hạ. Tư tưởng nào của cá nhân trong hoàn cảnh cá biệt cũng có giá trị tự tại đặc thù của nó.

2/Tác phẩm phải dám trình bày sự thực.

          Có nhiều người quan niệm những vấn đề tính dục là những sự thực ghê gớm. Thực ra những cảnh khỏa thân, giao hợp, thủ dâm... là những sự thực tầm thường nhất. Xảy ra đầy dẫy nhất ở khắp mọi nơi, bất cứ lúc nào và ở tất cả mọi người. Có nhiều sự thực sắc nhọn ghê gớm hơn. Như sự dẫy dụa hấp hối của tâm hồn. Sự bội phản. Sự hèn nhát bẩn thỉu. Những ý định tội lỗi. Những si mê điên cuồng. Những phẫn nộ chính trực... Dĩ nhiên cũng có nhiều sự thực chưa thể nói ra. Không phải vì sợ sự thực, nhưng vì những lý do khác.

  

3/ Tác phẩm không cần liên tục.

          Chưa một tác phẩm nào từ xưa đến nay đã trình bày hết mọi hoạt động của một nhân vật trong một ngày. Như thế là thiếu liên tục và liên tục không cần thiết. Ở đây người viết muốn đi xa hơn. Trong đời sống mỗi người có thể có thời gian ba năm, năm năm hay mười năm không để lại dấu vết gì. Có những người thân bẵng đi một thời gian không hề được nhớ đến. Những người tình bỗng dưng có mặt... Cho nên trong tác phẩm này có nhân vật bị bỏ quên lúc nào không hay và có nhân vật đột ngột xuất hiện. Đó là không liên tục. Nhưng có liên tục trong tinh thần của toàn tác phẩm. 

4/ Tác phẩm không cần thuần nhất.

            Đời sống đầy dẫy mâu thuẫn. Tác phẩm thể hiện đời sống, nên tác phẩm phải mâu thuẫn. Ý tưởng trong tác phẩm này cũng tràn đầy mâu thuẫn cần thiết đó. Và vì ý tưởng quyết định thể tài và bút pháp nên thể tài và bút pháp cũng không thuần nhất.

Tác phẩm này viết theo nhiều thể tài: Đối thoại ý thức, đối thoại thực tế, độc thoại nội tâm, tường thuật, hồi ký, hoạt cảnh, xã luận, tuyên truyền, diễn thuyết, tùy bút, nhật ký, phê bình, ghi vội...

Và vì thế người viết muốn gọi tác phẩm này là tác phẩm viết. Không phải truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự... vì những từ này không mô tả được tác phẩm.

 5 / Tác phẩm phải có bút pháp độc sáng.

 Cùng một ngôn ngữ nhưng mỗi người có một cách nói: Bóng bảy, tế nhị, chất phác, đểu cáng... Từ ngữ tự nó không sáo rỗng, cũng không quê mùa. Vấn đề là sử dụng đúng chỗ, cho nó một nội dung. Từ ngữ trong thơ Nguyễn Du hay Hàn Mặc tử chẳng hạn. Viết là sáng tạo nên người viết càng cần có bút pháp riêng. Người viết phải làm giàu từ ngữ, làm phong phú cách hành văn. Nên người viết ở đây đôi lúc đã chặt đứt câu văn, phá vỡ văn phạm.

Và trong tinh thần cuồng nhiệt của tác phẩm, người viết muốn viết bằng một bút pháp mà ngòi bút cắm xuống trang giấy như những nhát dao đâm.

Trên tất cả mọi điều, người viết quan niệm làm nghệ thuật là chủ quan. Rộng hơn nữa, tất cả mọi nhận thức đều chủ quan. Phải hủy bỏ từ ngữ khách quan trong ngôn ngữ loài người. Vì không có gì có thể gọi là khách quan cả. Một người nhìn bằng mắt mình. Nói bằng lời mình. Nghĩ bằng trí mình. Nhận thức bằng cơ thể, đời sống và kinh nghiệm bản thân mình nên không thể khách quan được. Và cảm thức sâu xa nhất là cảm thức của người trong cuộc.

Do thế người viết nghĩ rằng những tác phẩm hay nhất là tác phẩm tự truyện hay ít ra người viết phải gởi gắm chính mình rất nhiều trong tác phẩm.

 Trên đây là một vài nét về lý thuyết xây dựng tác phẩm. Nhưng lý thuyết không làm nên tác phẩm mà chính tác phẩm làm nên lý thuyết. Lý thuyết tiên khởi chỉ là những ý tưởng dẫn đạo. Khi người viết đặt bút xuống trang giấy, người viết luôn sáng tạo, tìm kiếm thêm, đôi khi đi ngược cả với ý hướng dẫn đạo. Vì thế một tác phẩm đã hoàn thành không thể hiện được lý thuyết dự tính là điều dễ hiểu. Và sau một tác phẩm, lý thuyết bị người viết chối từ cũng là điều bình thường.

 Viết là sáng tạo. Sáng tạo là phủ nhận và làm mới hơn. Đó là nguyên lý của nghệ thuật vĩnh cửu."

                                                                                  

                                                                                  *    

 Phải chăng những điều trên đây quá ngông cuồng. Xin được thông cảm và tha thứ cho tuổi trẻ. Có thời kỳ nào đẹp bằng tuổi trẻ của đời người.

Sau một thời gian khá dài bị chi phối bởi đủ mọi loại tư tưởng, chủ nghĩa, ở gần tuổi 50, sau khi bị khai trừ ra khỏi đảng cộng sản, tôi mới thấy thực sự mình lại dđược "giải phóng", làm người tự do như thời trẻ và muốn tiếp tục con đường ngày xưa. Tuy nhiên khi viết " Nửa đời nhìn lại" tôi vẫn còn bị hạn chế nhiều điều, có thể làm người  đọc thấy lấn cấn  như Đặng  Tiến và Hoàng Bắc đã có nhận xét. Riêng Hoàng Bắc cho rằng tôi đã phải làm như thế vì muốn tránh "kiện cáo lội thôi lẩm cẩm".

 Trong "Nửa đời nhìn lại" có một vài nhân vật có thực đi vào tiểu thuyết. Có thực nghĩa là họ, tên, địa chỉ, hoàn cảnh thực. Tôi muốn thông tin đến bạn đọc về những con người và sự việc này như bằng một bài báo vì không có báo nào ở đây đăng bài như thế của tôi cả. Tôi cũng muốn những người đọc của thế hệ sau biết đến những con người này đã là như thế khi tác phẩm may ra còn sống sót đến một lúc nào đó. Tôi biết chắc những người này không "kiện" tôi.

Có những nhân vật tiểu thuyết rất gần với đời thực. Họ là bạn bè, người thân, và những người tôi đã từng quen biết ,tiếp xúc. Người đọc có thể nhận ra, đối chiếu nhân vật và người thực nhưng rõ ràng đây là những nhân vật tiểu thuyết hư cấu. Những người thực nguyên mẫu cũng không thể "kiện" tôi được.

 Một số thơ trích dẫn mà không ghi xuất xứ, tôi biết theo nguyên tắc, người đọc sẽ hiểu đây là sáng tác của tác giả. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể của NĐNL, tôi cho rằng những tác giả được trích dẫn biết rõ rằng tuy tôi không ghi xuất xứ nhưng đó là tôi trích thơ của họ chứ không phải thơ của tôi và cũng không phải của ai khác. Tôi tin họ sẽ vui lòng cho tôi làm thế, không ai "kiện" tôi và cũng không kẻ nào khác có thể vin vào đó để kiện tôi.

 Trong bản thảo NĐNL đầu tiên có bốn phần mà phần ba là bút ký "Hành trình cuối đông" dài gần 100 trang, ghi lại khá đầy đủ chuyến đi xuyên Việt năm 1988 của đoàn Văn nghệ Langbian, liên quan đến hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức và cả một số quan chức cấp cao. Bạn bè đã khuyên tôi nên bỏ phần này ra vì hai lý do, lý do thể loại và lý do có thể bị "kiện" vì thời điểm chưa thích hợp.

 Chao ôi, tôi ghê tởm chuyện kiện tụng mà ở đây tôi phải nói đến bốn lần chữ "kiện" . Trong đời, tôi không kiện ai và cũng không muốn ai kiện tôi. Tôi thật buồn cho Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn đã mang vợ con lên núi ở mà do tranh chấp đất vẫn bị đập bể đầu và vác chiếu ra tòa.

 Trong NĐNL tôi không viết về những chuyện "tàn bạo" của cộng sản theo kiểu đấu tố, chém giết .. Tôi chỉ viết về những kinh nghiệm cá nhân, tâm trạng và tâm hồn tôi khi sống trong chế độ cộng sản và những gì phi nhân mà chế độ cộng sản đã mang lại cho con người, đặc biệt đã tàn phá tâm hồn con người. Những chương về tình cảm tôi viết một cách mê đắm nhưng những chương về chính trị, tôi viết rất tỉnh táo. Tôi không hề muốn bôi nhọ hình ảnh của người cộng sản. Tôi muốn mô tả họ một cách chân thực nhất theo cách tôi nhận thức.

   Lịch sư thế giới  đã chứng minh rằng những người lãnh đạo sai lầm, thoái hóa, biến chất chính là do quyền lực không có cơ chế hãm. Độc tài đảng  trị chính là nguyên nhân của mọi tai họa. Nhưng không phải chỉ ở những người cộng sản, những nước có chế độ độc tài mà ngay ở những nước dân chủ cũng có những người lãnh đạo sai lầm, tham nhũng, gây tai họa. Cần dân chủ nhưng còn phải cần cái gì hơn thế nữa. Người lãnh đạo ngoài trí tuệ còn phải là người có đạo đức tâm linh. Và rút cục chế độ chính trị  nào cũng không mang lại gì nhiều cho con người nếu tâm linh con người không thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên phải là cuộc cách mạng về ý thức tâm linh. Hàng ngày xem truyền hình,. thấy nhân loại đau khổ, chịu đủ thứ tai ương, xâu xé giết hại nhau, càng thấy điều đó có lý.

Thực ra, NĐNL đối với tôi là một quá trình tự nhận thức, một cách tự thú trước lương tâm và lịch sử. Tôi không oán thù, không sợ hãi và cũng không cầu cạnh xin xỏ ai. NĐNL là một giai đoạn sám hối trứơc khi tiếp tục cuộc chiến đấu vì tôi vẫn không thôi muốn chiến đấu, muốn luôn ở giữa lòng cuộc đấu tranh cho phận người bằng cách này hay cách khác.

 Có thể tôi viết NĐNL chưa được nhuần nhuyễn, không phải chỉ trong bút pháp mà chính là trong tư tưởng. Những  băn khoăn mâu thuẫn từ thời trẻ vẫn còn: Nhân loại và dân tộc, vĩnh cửu và giai đoạn, tiêu dao và dấn thân.. . .  Tôi mê Trang tử, lấy bút hiệu là Tiêu Dao nhưng nào tôi có rong chơi được. Những tác phẩm tôi đã viết lại có các tựa đề như Đi trong lịch sử, Trong chiến tranh này, Tự do hay là chết, Chọn một con đường, Phạm trù lỗ khóa và ô vuông kẽm gai.. ( đã đăng báo )  và các tựa khác như Xác người vắt vẻo trên bờ tường kẽm gai, Cọng cỏ trên dòng nước lũ…( chưa đăng ). Ấy vậy mà khi được đăng, " Đi trong lịch sử" chỉ được giới thiệu có mấy chương dù Điện Tín là một tờ báo đối lập hàng đầu. Đối Diện là một tạp chí đối lập hàng đấu khác, gần như bất hợp pháp, mà khi đăng " Tự do hay là chết" cũng phải tự ý "cắt, đục" một đoạn, hẹn "một mai khi hòa bình sẽ trả lại cho tác gỉa". Còn bây giờ" Nửa đời nhìn lại" chỉ có thể xuất bản ở nước ngoài.

 Tôi đặt tên con đầu lòng là Tiêu Dao, với hi vọng gửi gắm niềm đam mê của mình vào thế hệ sau nhưng con tôi lại phải vào đời sớm hơn, vật lộn với cuộc sống còn vất vả hơn tôi trong thời kỳ "kinh tế thị trường, tư bản man dại" này. Tên con thứ hai của tôi là Trường Sơn, nhưng khi nó lớn lên, cuộc chiến đấu " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" không còn và cũng đã mất bớt ý nghĩa. Cuộc chiến đấu tiếp theo lại không ở Trường Sơn mà ở chính giữa lòng các đô thị.

Phải chăng Đặng Tiến đã nói đúng về một "thế hệ bất hạnh" không chỉ trên lãnh vực chính trị nhưng thế hệ đó lại không bất hạnh khi đã sống hết mình trên mọi chiều kích của tâm hồn và thế sự.

  Điều may mắn là do một tình cờ lạ lùng, "Nửa đời nhìn lại" đã được đưa ra xuất bản ở nước ngoài. Có người xem việc xuất bản này là một sự hòa hợp, hợp tác khá lạ lùng. Tác giả, nguyên là một đảng viên cộng sản, và Hà Sĩ Phu, người viết lời bạt, một trí thức xã hội chủ nghĩa, hiện đang ở trong nước. Đặng Tiến ở Pháp viết lời tựa. Nhà xuất bản Thế kỷ ở Mỹ ấn hành và tác phẩm được nhiều báo chí và đài phát thanh nước ngoài giới thiệu.

Tôi muốn nói điều gì ở đây khác hơn  những lời cám ơn thông thường: Hà Sĩ Phu, một nhân vật của tác phẩm, cũng là người bạn đầu tiên đã đọc bản thảo, viết lời bạt như một cách diễn giải và đúc kết tác phẩm theo phong cách của một nhà lý luận.

 Một người bạn khác đã không ngại hiểm nguy khi mang đi hơn 400 trang bản thảo và sau đó làm hết sức mình, cùng với những bạn bè khác mà tác giả không quen, góp công của cho tác phẩm được chào đời.

 Đặng Tiến, một người không quen, đã viết lời tựa cho "Nửa đời nhìn lại" với "sự rung cảm và thiết tha" như khi viết cho một người bạn thân. Dù bài tựa của Đặng Tiến  có  chỗ cay đắng, phũ phàng, mỉa mai và có người trong nước cho là trịch thượng nhưng tôi và nhiều người khác tin rằng Đặng Tiến đã nói với thiện chí và nỗi đau của một kẻ có lòng trước lịch sử dân tộc chứ không phải nói cho hả dạ hay lên lớp người khác.

  Phạm Hoán, cũng một người không quen, trình bày bìa với một khuôn mặt- khuôn mặt tâm hồn- đầy vết tàn phá hằn khắc khổ đau, gây ấn tượng  và tác giả rất thích.

Lê Đình Điểu và những người chủ trương nhà xuất bản Thế Kỷ đã chấp nhận khó khăn về tài chánh, tình hình phát hành sách báo hiện nay và có thể cả phản ứng không thuận lợi của một số bạn đọc ở hải ngoại để xuất bản một tác phẩm của một  tác gỉa "chưa nổi tiếng", dù đã thấy trước những điều này.

Tâm Việt đã giới thiệu, bênh vực cuốn sách và tác gỉa một cách nồng nhiệt cả về kỹ thuật tiểu thuyết và quan điểm tư tưởng dù có một vài chỗ hiểu lầm và phần cuối bài viết hơi có giọng "chiêu hồi". ( Bài "Một cuốn sách về Đà Lạt hôm nay" ).

 Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã đọc xong  "Nửa đời nhìn lại" với một sự đồng cảm sâu sắc, không phải chỉ trên quan điểm chính trị mà cả trong tâm trạng và những khát vọng, hoài nghi, dằn vặt tế nhị, sâu xa trong tâm hồn người viết. Chỉ cần một người đọc  như Nguyễn Thị Hoàng Bắc cũng đủ an ủi cho một đời văn, ( Bài " Chúc Lành". Tạp chí Thế kỷ 21, tháng 3/94 ).

Thụy Khuê phỏng vấn Đặng Tiến và Lê Đình Điểu trên đài RFI về sự ra đời của "Nửa đời nhìn lại", giới thiệu tác phẩm và tác gỉa bằng  những lời trân trọng và xem sự xuất hiện của "Nửa đời nhìn lại" như biểu hiện của " một sự cộng tác của nhiều khuynh hướng tư tưởng và chính trị, đến từ nhiều nơi, gặp nhau trên con đường đấu tranh cho dân chủ".

 Và nhiều bài báo khác viết về Nửa đời nhìn lại mà tôi có nghe nhưng chua được đọc vì "quyền được thông tin" còn là một điều mỉa mai trên đất nước  này. (Bài của Tâm Việt nói trên đây tôi đọc được bản  văn nhưng chưa biết rõ xuất xứ cụ thể)

Và còn bao nhiêu bạn đọc đã cầm đến cuốn sách khi nó được phát hành dù một cuốn sách đôi khi  thật vô nghĩa giữa thời đại tranh sống vội vàng và đầy lo toan phiền muộn này.

Tôi chịu ơn những  người và việc làm này.

 Tâm Việt trong phần kết của bài viết cũng có nói đến việc biết ơn tác gỉa. Tôi không dám nhận lời cám ơn đó và tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta, nếu là kẻ có lòng, đều phải làm hết sức trách nhiệm của mình. Nếu nói đến ơn, có nghĩa là chúng ta chịu ơn nhau chứ không ai ban ơn cho ai cả. Chịu ơn ở đây chính là sự đồng cảm, chia sẻ giữa những người muốn sống và chiến đấu vì một cái gì tốt đẹp cho dân tộc, cho con người.

 Nhưng trước hết, tôi chịu ơn những người đang sống  bên cạnh mình.

 Người bạn đời đã chia sẻ với tôi biết bao ngọt bùi, cay đắng, những giờ phút nặng nề, những cơn khổ nạn, cả những ước mơ và thất vọng trong việc sáng tác của chồng. Trong mấy năm gần đây khi tôi bị kỷ luật, không muốn và cũng không thể làm việc ở các cơ quan nhà nước, không muốn đi làm thuê, tôi chỉ có thể cuốc đất lên trồng hoa mang ra chợ bán và thu nhập mỗi tháng chưa tới 100.000đồng, người phụ nữ đó đã làm việc cực nhọc biết bao nhiêu cho việc mưu sinh để cho chồng có thể sống và viết. Cuộc sống chung của chúng tôi còn một năm nữa là đến "đám cưới bạc", dù chúng tôi về với nhau không có đám cưới, dù cuộc sống chung này không dễ dàng.(Và tôi cũng chưa từng biết một cuộc sống chung hôn nhân nào dễ dàng cả.)

 Hai đứa con, hai chàng thanh niên đang trưởng thành, đứa phải bỏ dở học để kiếm sống, đứa vừa đi học vừa đi làm một cách vất vả, vào đời với hai bàn tay trắng, không oán trách gì người bố đã chỉ có thể để lại cho con không có gì nhiều, ngoài tình thương yêu và một thái độ sống.

 Những người bạn thân thiết và không thân thiết nhưng đã chia sẻ khát vọng dân chủ và tự do, đã cùng sát cánh trong một cuộc đấu không cân sức và sẽ còn tiếp tục chiến đấu đến cùng.

Và cả những cuộc tình lãng đãng đã mang lại  niềm rung cảm êm dịu trong những giờ phút cô độc định mệnh của kiếp người, những lúc cheo leo bên bờ vực hư vô.

Phải chăng mỗi một người đều chịu ơn đời biết bao nhiêu nhưng nhiều khi ta không cảm nhận hết và thường tỏ ra bội bạc.

                                                      *

                 Sau "Nửa đời nhìn lại", Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã "chúc lành" tôi trong " Nửa đời còn lại". Lời chúc lành đó có một ý nghĩa thực tế mà tôi muốn nói thêm trong phần cuối bài viết này.

Đúng một năm trước đây, do một tình cờ tiền định, tôi đến với pháp  môn Yoga của một tổ chức Yoga quốc tế ANANDA  MARGA (The Path of Bliss- Con đường Chân phúc). Đó là Tantra Yoga (Yoga nguyên thủy ) đã  được hệ thống và hiện đại hóa bởi vị chân sư P.R.Sarkar (tức Shrii Shrii Anandamurti hay Baba, người  Ấn độ ).

Ananda Marga không chỉ mang đến cho  tôi phương pháp tập luyện Hatha Yoga ( Yoga thể dục) bằng các tư thế Asanas hay kỹ thuật thiền định với các mantra( thần chú) bí truyền bằng tiếng Sanskrit của Ấn độ cổ xưa mà còn nhiều điều khác nữa. những điều này đã giúp tôi thoát ra khỏi cơn khủng hoảng về nhiều mặt nhưng không phải bằng lối giải thoát cá nhân tiêu cực.

Tập Asanas, ăn chay làm cơ thể bớt bệnh tật và nhẹ nhàng, thanh thoát. Ăn một ly yaourt với trái cây ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng như mọi thứ cao lương mỹ vị thịt cá. Uống  một ly nước lọc sau một giờ lao động chân tay còn ngon hơn bất cứ thứ nước giải khát  nào quảng cáo đầy rẫy trên truyền hình. Vài bộ quần áo thay đổi là đủ chứ cần chi đến mốt này, mốt khác. Đời sống càng  giản dị, càng ít ràng buộc, càng có nhiều tự do. Và mỗi ngày lúc hừng đông hoặc trong bóng chiều tà hay giữa đêm khuya thức giấc, ngồi thiền với tư thế hoa sen, ngưng nghỉ các cơ quan cảm giác và các cơ quan vận động, rút tâm trí ra khỏi thế giới bên ngoài, ra khỏi thân xác và ra khỏi các ý nghĩ để hòa nhập tâm trí  với ý thức vũ trụ. Mọi ý nghĩ sẽ đi qua tâm thức như một đàn chim bay ngang qua bầu trời  lặng gío không để lại dấu vết.  Chỉ có câu mantra vô thanh vang động  nhịp nhàng theo hơi thở, đưa tâm thức tĩnh tại đến chỗ thanh bình vĩnh cửu. Chính trong trạng thái này trí tuệ sẽ trở nên sáng suốt và từng bước hóa giải được những vấn đề của thế tục và tâm linh.

Ananda Marga mang Yoga đến cho mọi người, không điều kiện, không biên cương, trong tình thương yêu của Đấng Tối cao, của Ý Thức Vũ Trụ.

 Đó không phải là những điều lý thuyết mà là thực tiễn. Tôi đã gặp, tiếp xúc và cảm thấy gần gũi, thân thiết với nhiều Dada, Didi, các nam nữ tu sĩ sống giữa đời thuộc nhiều quốc tịch của Ananda Marga, những  người không lập gia đình riêng, không trở về tổ quốc, quên tên mình bằng tiếng  mẹ đe, mang một tên  tiếng Phạn, đi khắp nơi trên thế giới để truyền dạy Yoga.

Dada Hiranmaya (người Guatemala) hồn nhiên, dễ gần và thanh thoát. Didi Lalita (người Philippin) chín chắn, tận tình và chu đáo. Dada Mantrasidhananda (người Đức) dịu dàng, thâm thúy và hóm hỉnh. Dada Udvelananda (người Thụy Sĩ) mạnh mẽ, sắc sảo. Didi Suveda (người Đài Loan) xinh đẹp, thông minh và nhiệt tình. Dada Adikaoshikananda (người Úc) cởi mở, phóng khoáng. Dada Shubbaniryasananda (người Ấn Độ) ngây thơ, sùng tín và vui nhộn…

  Khi tôi hỏi họ  có nhớ gia đình riêng không, mọi người đều trả lời: "Các bạn chính là gia đình tôi". Dada Hiranmaya hỏi tôi có bao giờ xuất ngoại chưa, tôi trả lời chưa, Dada cầm lấy chiếc xắc nhỏ và nói : " Tôi là người tự do. Với chiếc xắc này, tôi có thể  đi khắp thế gian ".

 Họ đã đến Việt Nam không phải để mua bán, liên doanh, hợp tác với mục đích vị lợi này khác. Họ chỉ đến để mang lại hạnh phúc cho con người Việt Nam đã chịu nhiều đau khổ bằng một phương pháp tập luyện, một lối sống, một khoa học cổ xưa, một nền minh triết tinh túy phương đông có khả năng giải đáp mọi vấn đề của thời đại.

 Tôi chỉ mới ở bên rìa của Yoga, công phu thiền định còn ít ỏi nhưng tôi đã từng bước tìm cho mình nhiều lời giải đáp những vấn nạn của bản thân và lịch sử đã đặt ra trong nửa đời quá khứ.

 Sau khi ngồi thiền, tôi làm động tác Guru Puja, hiến dâng cho Thượng Đế. Tôi tưởng tượng trong hai bàn tay của mình có một đóa hoa sen. Có thể là đóa sen mầu đen tượng trưng cho những  gì xấu xa còn làm vẩn đục tâm hồn. Tôi dâng hết cho Thượng Đế và tôi thoát  khỏi mọi ràng buộc để đạt đến Tự Do Tuyệt Đối. Từ trước, đối với tôi, tự do là một khát vọng bi thảm vì tôi bị ràng buộc vào những đối tượng hữu hạn. Nay tôi hướng về Thực Thể Vô Hạn hay Đấng Tối Cao. Đấng Tối Cao là Chân Ngã, Đại Ngã và cũng chính là Tôi, Tiểu Ngã đã hợp nhất với Đại Ngã.

 Từ trước tôi chưa hề biết và khinh bỉ cầu nguyện. Nay tôi cầu nguyện và chúc lành cho những người thân yêu, cho bạn bè, cho cả những người coi tôi là "kẻ thù" dù tôi không có kẻ thù. Nhưng cầu nguyện không phải là thôi đấu tranh.

                                                                                   Đà Lạt ngày 9/4/1994

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ