LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Ông Hà Sĩ Phu trả lời phỏng vấn đài RFA


Phan Dũng - RFA - 2003-07-14

Mời quý vị nghe phỏng vấn tiến sĩ Hà Sĩ Phu, đây là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn kể từ khi bị bắt vào tháng 2 năm 1995. Ông Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh năm 1940 tại Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp tiến sĩ sinh học tại Tiệp Khắc và nổi tiếng với những bài viết nói về tình trạng tụt hậu của Việt Nam, nhất là vấn đề mất dân chủ tự do tại quê nhà tỷ như bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Chia tay ý thức hệ”, trong đó ông nhấn mạnh là Việt Nam phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thì mới có dân chủ và mới phát triển được ...

Vào tháng 12-1995, ông bị công an Hà Nội bắt và bị đưa ra tòa với tội danh gán cho ông là lưu trữ bắt hợp pháp tài liệu bí mật của nhà nước nhưng thật ra ông chỉ là người tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam. Sau 1 năm bị giam giữ, ông được thả ra khỏi tù và sau đó chịu nhiều biện pháp trấn áp, khi ông về sinh sống tại Ðà Lạt. Tháng 2/2001, ông bị quản chế bởi nghị định 31CP và mới được chấm dứt lệnh này cách nay 5 tháng. Nhưng lại bị đưa ra đấu tố trước ủy ban nhân dân thành phố Ðà Lạt. Mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn sau đây do Phan Dũng thực hiện ...

 

PHAN DŨNG : Thưa quý thính giả, đầu dây bên kia của chúng tôi giờ phút này là nhà trí thức Hà Sĩ Phu, tức tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, hiện đang sinh sống tại Đà lạt. Ông mới được chấm dứt lệnh quản chế sau một thời gian dài. Xin thay mặt thính giả và những bằng hữu của ông tại Hải ngoại cũng như trong nước kính mừng ông Hà Sĩ Phu.Xin ông cho biết hoàn cảnh sống của ông hiện nay như thế nào sau khi lệnh quảnchế chấm dứt ?

HSP : Xin chào anh Phan Dũng cùng tất cả bạn bè gần xa.Tôi bị quản chế 2 năm, hết hạn quản chế từ tháng 2 năm 2003 vừa rồi. Sự mất tự do của tôi kéo dài đã 8 năm nay, thì việc quản chế 2 năm và giải chế cũng chẳng có gì đặc biệt hơn. Dù sao giải chế thì việc đi lại có tự do hơn: hàng tháng thôi không phải trình diện, khách đến nhà không phải lo ghi vào sổ để báo cáo. Sinh hoạt bình thường , nhưng như ông Quảng Độ đã nói : Con cá trong chậu được thả ra ao thì cũng tốt hơn rồi (cười), nhưng ở trong ao thì người ta đánh lưới lại lúc nào cũng chưa biết chừng, thế cho nên là con cá thì cũng cứ phải giữ gìn.

   Từ khi hết quản chế thì sức khỏe của tôi và nhà tôi lại đột nhiên rất là kém , có khi ốm hàng tháng liền, xoang này, dị ứng này, lại tim mạch...,thế cho nên trước mắt hai vợ chồng phải cố gắng để mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Nhà tôi thì có cái quán con con, bán ít cà phê, nước giải khát. Tôi thì mỗi sáng cố tập đi bộ vài cây số. Quá trình lão hóa sao mà đến quá sớm : Hay quên lắm, bây giờ hay quên hay nhầm lẫn lắm, thế mà chân tay thì nó vụng dại, chân không thật chân, tay cũng vụng. Mình trước đây cũng là người chân tay rất là khéo, mà nay chân tay nó vụng dại. Cho nên trước mắt phải làm cho sức khỏe trở lại bình thường, tinh thần cũng như thể xác.

     Cũng được nghe nhiều tin rất là sốt ruột, nhưng chưa đi đâu được, ngồi một chỗ nghe tin nhiều anh em bị bắt bớ, hoặc chịu những cái án rất nặng, rất đau lòng. Tâm tư rất nhiều nhưng cũng chưa nghĩ được ra cái cách gì để tình trạng nó tốt hơn. Tôi là người làm khoa học và viết lách. Tôi viết lý luận và tâm tư nên muốn trao đổi  rất nhiều, nhưng điều kiện hiện nay, sự trao đổi lại dẫn đến những điều rất phiền phức. Tôi chưa thể nói gì nhiều được, ngoài việc cố gắng làm cho mọi việc trở lại bình thường và hết lòng cảm ơn anh em, bạn bè xa gần, trong thời gian tôi bị nạn đã lên tiếng rất nhiều vì cái chung, trong đó có đời sống và số phận của tôi. Tôi xin gửi lời chào, cầu chúc sức khỏe và hy vọng.

 

PHAN DŨNG: Thưa ông Hà Sỹ Phu. Tất cả những người hiểu biết về ông đều đánh giá ông là một nhà trí thức của Việt nam, sĩ phu của Việt nam. Ngoài học vị ra thì những suy nghĩ trăn trở của ông về đất nước và con người Việt nam đã bộc lộ tất cả những tâm tư của ông. Và người ta rất lấy làm xót xa cho thân phận của một trí thức, một sĩ phu. Bây giờ hết quản chế ông và bà nhà lại phải bán ở một quán nước rất khiêm tốn bên một lề đường Đà lạt để đắp đổi sinh sống qua ngày, không biết tâm trạng xót xa và đầy yêu kính đó mà mọi người nghĩ về ông thì bản thân ông có cảm thấy thế không ạ ?

HSP : Điểm xuất phát của chúng tôi khi viết những bài ấy, trước hết là từ tư cách của một công dân, thấy mình sống trong đất nước của mình  là mình đang chịu một món nợ rất nặng đối với xã hội, không có xã hội đâu có tạo ra một con người như mình ngày nay. Cho nên đổi lại mình cũng phải đền ơn xã hội bằng những suy nghĩ của mình, chứ không thể chỉ tính những điều có lợi cho mình mà không quan tâm đến cái chung. Điều thôi thúc thứ hai là từ tinh thần khoa học, đối với mọi hiện tượng xã hội và tự nhiên mình đều phải đem hiểu biết của mình mà phân tích, mà nói những quy luật, nói những điều phải. Xuất phát là như vậy thôi chứ không từ động cơ muốn làm một chuyện chính trị gì cả. Xuất phát thì như vậy, nhưng xã hội lại không để mình làm một điều bình thường như thế, mà quy ngay thành chuyện chính trị, là có âm mưu này âm mưu kia rồi rày vò chúng tôi ngót chục năm. Tôi bây giờ sức khỏe cũng yếu, quỹ thời gian có lẽ không còn nhiều, không thể để bị sa vào những trò chơi chính trị ít hiệu quả, vô bổ, mà rất ức chế thần kinh. Họ bày ra cái cuộc bắt người trí thức phải ra đối diện với “nhân dân”, mà “nhân dân” ở đây thực chất chỉ toàn những người không biết tình hình gì, không bao giờ đọc, không biết gì ngoài mấy câu của nhà nước nói sao thì biết vậy, nhưng họ đã đấu tôi, đấu cả về lý luận, họ bảo : lý luận gì cũng không bằng lý luận của “nhân dân”(cười), trí thức như thế là vô học! Tôi thấy nó buồn cười. Nay tôi nghĩ tất cả những suy nghĩ của tôi đã viết ra bài rồi. Thực tiễn đang chứng minh những điều tôi viết là đúng. Mình viết đúng thì mình yên tâm. Nhưng càng được thực tiễn chứng minh là đúng bao nhiêu thì mình càng buồn bấy nhiêu. Như trường hợp chị vợ nói anh chồng đi ngoại tình , nói đúng quá nên anh chồng không cãi được, thì sự nói đúng ấy cũng chẳng vui vẻ gì. Những điều bất như ý, những điều nan giải rất khó nói mà mình đã nói ra được, và càng ngày càng thấy nó đúng...nhưng sự đúng đó làm mình vui thì ít mà buồn thì nhiều, giá như nó đừng đúng thì hơn ...

     Tôi thấy không thể nôn nóng được. Dân chủ là sự nghiệp rất lâu dài đối với một dân tộc. Từ phong kiến, thuộc địa, lạc hậu tiến đến cái văn minh thì không dễ tý nào, không đơn giản tý nào, không nóng vội được. Hơn nữa đây là một cuộc vận động văn hóa. Chính quyền thì người ta có thể giành dễ như không chứ văn hóa là cái rất khó. Mỹ vào được I-rắc khá đơn giản (diệt được một thể chế độc tài là điều rất tốt, như  tổng thống Pháp nói), nhưng xây dựng xã hội đó thế nào là chuyện văn hóa. Việc này tuy rất căng thẳng, nhưng là việc lịch sự, đầy tính văn hóa...Thế mà tôi đã thấy những đối xử rất không văn hóa, việc đưa ra đấu tố tôi cũng như các anh em khác, chưa kể các anh em còn bị giam trong các trại tù thì còn khổ hơn nhiều...

    Giá mà được ngồi lại với nhau để nói được cặn kẽ với nhau thì sẽ tốt hơn rất nhiều, nhưng điều kiện của ta thì không được làm cái việc đó. Một trao đổi hết sức bình thường, không phải mục đích gây rối, chỉ muốn làm điều êm đẹp, đưa đất nước lên chỗ văn minh, người nào cũng đều có sự đóng góp xứng đáng ..., nhưng một cuộc trao đổi như vậy ở Việt nam rất khó, thiện tâm của mình khó mà thực hiện được. Gặp nhau bàn bạc là bị nghi kỵ, quy thành phản loạn. Rất bí. Tâm sự do đó mà u ẩn.Nhưng tôi chỉ là anh trí thức , viềt văn thôi. Tâm sự nặng nề đấy, nhưng làm sao khác được. Tâm sự ấy, nếu các bạn xem kỹ các bài viết, các bức thư  thì thấy tôi đã thể hiện ra ngòi bút cả rồi , mặc dù thư thì cũng bất tận ngôn nhưng cũng cố gói ghém hết cả mọi điều trong đó. Như con tằm đã rút hết ruột ra đấy rồi chứ có làm gì nữa đâu.

 

PHAN DŨNG : Thưa ông, xin hỏi ông câu hỏi chót : Ong có lạc quan về tương lai của đất nước không ạ?

 

HSP: Tôi nghĩ lạc quan hay bi quan là do yêu cầu mà ta đặt ra. Nếu yêu cầu chỉ là đời sống vẫn đi lên, chấp nhận một số người giàu lên rất mạnh, giàu nghèo ngày một cách nhau xa, tạm gác  những yêu cầu cao về tinh thần...Nếu chỉ có thế thì chắc chắn sẽ đến, có thể rất lạc quan. Nhưng nếu anh muốn dân tộc của anh phải trở thành một dân tộc nó sáng lạn, nó xứng đáng với cái tầm thông minh của người VN, xứng đáng với cái lịch sử đau khổ nhưng anh dũng mà dân ta phải chịu thì mình phải là một dân tộc văn minh hơn thế này, ngoài miếng ăn con người phải đối xử với nhau đẹp đẽ, mỗi người đều phát huy được hết cái sức manh vật chất và tinh thần ...,nếu đặt yêu cầu như thế thì tôi thấy bi quan, chưa có cách gì để trong khoảng một hai chục năm mà đạt được yêu cầu ấy. Có một bức thư mà vì nó  tôi đã bị kết tội rất nặng, trong đó tôi nói rằng quy luật của châu Á, của Việt nam  rất là đặc thù và lịch sử đã đẩy dân tộc vào một cái thế rất khó giải quyết, không tỉnh táo để nhận thức đúng quy luật thì cũng chỉ gây ra những tổn thất vô ích thôi. Nếu chấp nhận chiều theo thực tế ấy thì cũng chẳng phải bi quan. Nhưng với những người có học một chút, tiếp xúc nhiều, có tâm huyết ... thì không thể nào đặt yêu cầu thấp được. Khổ thế, vì thế mà cứ phải dằn vặt, cứ mong muốn làm một điều mà thực tiễn xã hội rất khó thực hiện. Chiều theo xu hướng xã hội hiện nay thì chẳng việc gì phải bi quan vì cũng chẳng ai chết cả, cuối cùng thì dần dần rồi cũng khá hơn, chỉ có điều đi tìm sự trong sáng thì rất khó. Vì như tôi đã viết đấy, bản thân khẩu hiệu “làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã là một cuộc không trong sáng gì, đó là một thứ rất là đối phó, thế thì người ta không thể thành thật với nhau được. Cho nên về tinh thần cứ phải dằn vặt. Muốn thanh thản, muốn đâu ra đấy, muốn nó ngon lành, nó tử tế thì sẽ bi quan. Còn chỉ muốn một đời sống thiết thực , hàng ngày sống được, dẫu đầy tệ nạn, yêu cầu tinh thần nào cao thì tự dẹp bớt đi, để sống theo chiều chảy đã được định hướng bởi người cầm quyền, thích nghi với nó, vá víu nó, còn sức góp ý (sửa chữa nó) được đến đâu thì được, không được thì thôi. Nếu đặt như thế thì chẳng có gì phải bi quan cả. Xã hội dần dần nó cũng phải tiến ra thôi.

 

   PHAN DŨNG : Thay mặt quý thính giả chúng tôi xin mừng ông Hà Sĩ Phu đã chấm dứt lệnh quản chế 2 năm. Chúc ông bà mạnh khỏe. Riêng ông lúc nào cũng giữ được ý chí sắt son đối với đất nước như  ông đã từng gắn bó những năm tháng qua. Xin cảm ơn ông Hà Sĩ Phu.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ