LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu: Ðối sách với Trung Quốc, không học ai hơn học Ông cha mình


2005/08/27 21:00                                      

 PHẦN 1

Giới Thiệu:

Hà Sĩ Phu: Hoa Kỳ chỉ cần Việt Nam đừng làm công cụ của Trung Hoa

Việt Hùng, phóng viên đì RFA

Việt Nam đang trên đường hội nhập với quốc tế, trong đó đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh và Washington. Theo nhận định của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì trong tình hình hiện nay: “Hoa Kỳ không cần Việt Nam làm công cụ chống Trung Hoa mà chỉ cần Việt Nam đừng làm công cụ của Trung Hoa”.

Liệu đây có phải là một mệnh đề, hay chỉ là lời cảnh báo về sách lược ngoại giao hiện nay của Việt Nam đối với các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc?

Mời quí vị theo dõi trong câu chuyện mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, bình luận gia và cũng là nhà dân chủ nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam đưa ra lời bàn trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Việt Hùng của đài Á Châu Tự Do. (xin theo dõi trong phần âm thanh phaí trên)

Trên đây là cuộc phỏng vấn của phái viên Việt Hùng của đài chúng tôi với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ Ðà Lạt. Tiếp tục trong câu chuyện về hướng đi nào cho Việt Nam trong khi nhu cầu xã hội hiện nay đòi hỏi nhiều cố gắng cho sự hội nhập của Việt Nam, nhưng phát triển theo định hướng nào?

Ðịnh hướng Xã Hội Chủ Nghĩa? định hướng Xã Hội Dân Chủ? hay định hướng Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội? hay Yêu nước là Yêu Dân Chủ? đó sẽ là những vấn đề được bàn đến trong buổi phát thanh tới mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu sẽ dành cho Ðài chúng tôi, mời quí vị nhớ đón nghe.

 

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi xử dụng.

Ô Hà Sĩ Phu: Tôi cho rằng hiện nay ta chọn hướng dựa vào Hoa Kỳ thì cũng thuận theo quy luật như trong bài học mà cụ Phan Chu Trinh để lại. Đấy là ý thứ nhất, ý thứ hai tôi nói về hướng bây giờ phải làm cái gì? Tôi cho rằng có lẽ gợi ý của nhiều  trí thức trong và ngoài nước, không hẹn mà gặp, tức là giữa những người từ rất nhiều hoàn cảnh, rất nhiều vị trí khác hẳn nhau và cũng không hề trao đổi gì với nhau, nhưng không hiểu tại sao lại đạt đến sự đồng thuận. Tôi cho rằng có lẽ phải đi ra bằng hướng dân chủ xã hội. Nguồn gốc của nó là cũng từ chủ nghĩa Mác tách ra nhưng không ra theo đường Cộng sản xây dựng chuyên chính vô sản, mà lại theo hướng của ông Bernstein tức là vẫn theo đích xã hội chủ nghĩa nhưng không có độc tài độc đoán kiểu chuyên chính vô sản, mà theo kiểu cải thiện dần dân chủ tư sản để trở thành dân chủ của toàn dân.

Chính hướng đó về sau đã được phát triển ở các nước Bắc Âu - ở Tây Đức và thậm chí cả Pháp. Có thể đối với những người gọi là tư duy lý thuyết, họ cho rằng bỏ hẳn chủ nghĩa xã hội đi, làm sao lại phải dính đến xã hội chủ nghĩa làm gì. Trên cơ sở hiện nay nó đã như thế này rồi, tôi nghĩ rằng chuyển sang hướng Xã hội Dân chủ là đảng CSVN có thể chấp nhận dễ dàng bởi vì nó cũng chính là một nhánh của Mác phát triển ra thôi. Nhưng cái thứ hai nữa đấy là một hướng rất rộng, và sau bước đi ban đầu ấy, nếu mà lọt thì ta có thể biến đổi nó thành một nước dân chủ thật sự. Tôi nghĩ con đường đó là con đường dễ dàng chuyển hóa nhất, đảng CSVN dễ có thể chấp nhận được.

Việt Hùng: Vâng, bây giờ để cùng với Tiến sĩ mở rộng ý mà Tiến sĩ đã trình bày trong bài tham luận, Tiến sĩ có đưa ra một điểm đó là lo ngại về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người Việt ta từ trước tới nay có câu là "bán anh em xa mua láng giềng gần", phải chăng là những quan hệ mật thiết hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc là việc làm dĩ hòa để vi quý hay là hành động chẳng đặng đừng?

Ô Hà Sĩ Phu: Tôi nghĩ rằng việc Việt Nam với Trung Quốc phải sống cạnh nhau là đã định ở trong sách Trời rồi. Cho nên suốt mấy nghìn năm lịch sử thì thực tiễn đó nó có rồi, và ông cha chúng ta đã phải đối phó với mối quan hệ đó từ lâu đời lắm, và cũng đã nhiều lần rồi, cũng đã có lúc mặn mà có lúc đắng cay rồi. Thế thì, không học ai bằng học ông cha mình. Nhưng bây giờ chúng ta có điều kiện hơn bởi vì ngày xưa ta phải đối phó với mối quan hệ đó gần như đơn độc, song phương, nhưng bây giờ thì ta có cả một thế giới văn minh. Chính ý kiến của tôi là tôi vẫn phát triển hướng suy nghĩ của ông cha mình, nhưng trong hoàn cảnh thuận lợi mới của thời đại ngày nay, tức là toàn cầu, nhân loại thành một khối, và có những cường quốc khác có thể giúp mình cân bằng mối quan hệ đó.

Nhưng tóm lại bài học của ông cha mình để lại là vẫn phải giữ tình hữu nghị nhưng không bao giờ được để lọt vào trong bàn tay của người ta cả.

Trong quan hệ đối ngoại tôi có nêu hai chuyện. Chuyện thứ nhất là quan hệ dựa vào Mỹ để Trung Quốc không gây sức ép với mình được, như thế là bài của Phan Chu Trinh. Thứ hai là không bao giờ quên chuyện Trung Quốc hiện nay đang là mối quan tâm của cả thế giới, vì khi Trung Quốc đã trở thành siêu cường. Siêu cường này có mấy đặc điểm là nó quá to, trên một tỉ rưỡi người mà nó “ác” là vừa văn minh lại vừa hoang dã, chứ nếu toàn văn minh thì dễ xử lý hơn. Đặc điểm thứ ba mới nguy hiểm, điều này hình như chưa ai nói đến, là nó sẽ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khát vọng Ðại Hán với cung cách cai trị kiểu Cộng sản : tuyên truyền kiểu Cộng sản và áp đặt kiểu Cộng sản. Nếu cái đó có cơ hội thực hiện được thì nguy cơ này là của toàn cầu, của toàn nhân loại chứ không phải riêng của Việt Nam mình. Cho nên tôi nghĩ Việt Nam phải chọn cách đối xử, mà cách đối xử của Việt Nam ngày xưa, nay sẽ được thế giới ủng hộ lắm bởi vì mối lo Trung Quốc là mối lo chung của nhân loại chứ không phải của riêng mình.

Việt Hùng: Trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay thì nhiều nhà bình luận cũng quan ngại. Người ta còn nhớ rằng trong bài phát biểu của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo là bạn của chúng ta là ai? Trung Quốc có phải là bạn của chúng ta không? hay là ổng chỉ lăm le làm thịt chúng ta.

Khi đánh giá nhận định quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ thì Tiến sĩ có nói rằng Hoa Kỳ không cần Việt Nam làm công cụ chống Trung Quốc mà chỉ cần Việt Nam đừng làm công cụ của Trung Quốc. Do đâu mà Tiến sĩ đưa ra lời bàn như vậy?

Ô Hà Sĩ Phu: Thực ra ý kiến này của tôi cũng có từ lâu rồi. Nhưng trước hôm tôi phát biểu thì tôi nhớ không biết có phải ông Nguyễn Mạnh Hùng hay ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tôi nhớ không chính xác, nhưng tôi nhớ rằng trên đài RFA có người đã nêu lên quan điểm đó với tính cách bình luận. Tôi nghĩ đấy là một lời bình luận chí lý và tôi hoàn toàn đồng ý. Bởi vì thế này, tôi nghĩ trong mối quan hệ tay ba Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ, thì Hoa kỳ và Việt Nam là hai nước khá xa nhau, họ có muốn dùng mình một cách quyết liệt hơn cũng không có điều kiện. Cho nên tôi nghĩ vai trò của Việt Nam đối với Hoa Kỳ không có gì quan trọng lắm. Thế nhưng Việt Nam đối với Trung Quốc thì rất quan trọng. Bởi vì tôi có phân tích, lấy hình ảnh là: nếu anh cứ bỏ hết các nước khác, anh cứ tô Trung Quốc với Việt Nam cùng một màu trên bản đồ , thì anh sẽ thấy ngay là Việt Nam là một lưỡi gươm của Trung Quốc thọc xuống phía Nam, khống chế phía Nam này.

Tôi nghĩ rằng trong ý đồ muốn bành trướng của Trung Quốc thì Việt Nam trở thành một tiền đồn, một công cụ rất quan trọng để thực hiện ý đồ đó của Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ rằng đối với khát vọng của Trung Quốc thì Việt Nam có ý nghĩa khá quan trọng, tức là Trung Quốc mà mất Việt Nam là một tổn thất cho kế hoạch bành trướng của họ. Thế nên rằng mình là quan trọng đối với người ta,  để thực hiện ý đồ của người ta, cho nên mình phải cẩn thận lắm để thoát ra khỏi cái đấy.

Tôi nghĩ rằng nếu suy nghĩ đúng cái đó, câu vừa nói đó , “Hoa Kỳ không cần Việt Nam lắm đâu, nhưng Trung Quốc thì rất cần đến Việt Nam”.Thế  thì mình sẽ hiểu đúng đồ của các nước lớn đó để mình chọn cách ứng xử cho nó đúng. Chứ nếu dùng một cường độ như nhau đối với hai nước là không được. Việt Nam đối với Hoa Kỳ thì cũng quan trọng vừa phải thôi, thế nhưng Việt Nam đối với Trung Quốc thì rất quan trọng, cho nên dù mình có thế nào thì Trung Quốc cũng tìm cách cột mình vào chứ không phải mình ra được dễ dàng đâu.

Rõ ràng là sau chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Khải, thế rồi tiếp sau đó lại phải có một sự  hàn gắn giữa mình với Trung Quốc, để làm sao cân bằng lại, thì tôi lo về sự "cân bằng lại" đó. Rõ ràng rằng Trung Quốc không có buông mình đâu.

Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ để khép lại phần đầu thì qua chuyến đi của ông Khải mà Tiến sĩ vừa đề cập đến rồi lại chuyến đi hàn gắn là chuyến đi của chủ tịch nước Trần Đức Lương qua Trung Quốc thì Tiến sĩ sẽ nói điều gì ?

Ô Hà Sĩ Phu: Tôi chỉ muốn nói rằng, hiểu rõ tầm quan trọng của mình đối với hai nước lớn đó, nỗ lực của mình là phải rất tỉnh táo. Rất nhiều người sau chuyến đi của thủ tướng Khải hy vọng rằng Việt Nam với Hoa Kỳ đã có thể phát triển được cái gì đó rất là sâu sắc. Nhưng sau động tác của mình đi lại với Trung Quốc, rồi lại đồng ý với nhau khai thác lại vùng cá và hợp tác với nhau rất nhiều cái về biên giới và lãnh hải…. Tôi thấy rằng nếu sự cố gắng của mình ở hai trận địa đó mà như nhau thì không được đâu. Trận địa đối với Trung Quốc phải quan tâm hơn rất nhiều, đòi hỏi một sự nỗ lực ghê gớm, và phải có sự thống nhất nội bộ cao ở trong nước. Tôi thấy sự thống nhất ý trí ở trong nội bộ ở trong nước về mặt đó  là chưa được. Cho nên nếu buông thả ra thì nó lại trở về quỹ đạo cũ, tức là lại chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rất nặng nề.

Cho nên tôi nghĩ rằng trước đại hội đảng lần này thì những người dân chủ, những người yêu nước cần phải lên tiếng nhiều hơn nữa để kéo đất nước ta khỏi ảnh hưởng nặng nề mà trong quá khứ đã thể hiện.

Việt Hùng: Vừa rồi là lời của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt tiếp tục cho câu chuyện về hướng đi nào cho Việt Nam trong khi  nhu cầu phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi nhiều cố gắng cho sự hội nhập của Việt Nam. Nhưng phát triển theo định hướng nào, định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa? định hướng Xã Hội Dân Chủ?  hay định hướng "yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội"? hay "yêu nước là yêu dân chủ"? Đó là những vấn đề sẽ được bàn đến trong buổi phát thanh tới mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu sẽ dành cho đài chúng tôi.

Mời quý vị nhớ đón nghe.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ