LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

RFA phỏng vấn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu II: “Yêu nước là yêu dân chủ, phản dân chủ là phản lại dân”


2005/08/27 21:00                                      

 PHẦN 2

Giới Thiệu:

Tiến sĩ Hà sĩ Phu: “Yêu nước là yêu dân chủ, phản dân chủ là phản lại dân”

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Tuyên bố với Ðài Á Châu Tự Do trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Việt Hùng của Ban Việt Ngữ khi bàn đến con đường mà Việt Nam cần phải thoát ra trong sự hội nhập, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà dân chủ hàng đầu của Việt Nam nói:

"Ðã đến lúc chúng ta cần phải nói thẳng với nhau, rằng yêu nước thì không thể là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội được, mà phải nói rằng, yêu nước là yêu dân chủ, phản dân chủ là phản lại dân".

Do đâu mà ông Hà Sĩ Phu lại nói như vậy, mời quí thính giả tiếp tục theo dõi cuộc nói chuyện, xin nhường lời lại cho anh Việt Hùng:

 

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi xử dụng.

Việt Hùng: Thưa tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Việt Nam cho tới nay vẫn muốn đi theo định hướng XHCN mặc dù trên thế giới thì vẫn chưa ai thấy XHCN tường tận ra sao. Phải chăng đây chỉ là cái con bài để mà duy trì cái quyền độc tôn?

Ô Hà Sĩ Phu: Thưa anh ngay từ khi tôi viết cái bài “Chia tay ý thức hệ” năm 1995 tôi đã khẳng định rằng giữ định hướng XHCN chẳng qua là chỉ để giữ quyền lực thôi. Chứ còn toàn bộ các nhu cầu phát triển đất nước cũng như là ý nguyện của dân thì không cần gì đến cái định hướng ấy nữa, tức là chỉ cần tiếp thu cái nền văn minh của nhân loại, rồi vận dụng vào cái truyền thống của đất nước mình với cái tiềm năng của đất nước mình.

Tôi nghĩ hai yếu tố đó là đủ để xây dựng đất nước rồi. Chả cần phải dựa vào một cái chủ nghĩa gì cả. Nhưng mà chỉ có điều là sở dĩ không bỏ được, bởi vì chính cái chủ nghĩa đó đã đưa cái đảng CS lên một cái vị trí lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, để không có chia sẻ với ai cả.

Giữ định hướng đó thì chẳng qua là vì đảng thôi, chứ vì dân tộc thì không có giữ định hướng đó làm gì nữa. Thế nhưng mà nó có cái khó tức là bây giờ dân tộc đâu có được chọn từ đầu, đâu phải được chọn từ tờ giấy trắng đâu. Tờ giấy này đã có chữ rồi chứ không phải là tờ giấy trắng để anh thích cái gì thì viết lên đó. Tuỳ ý chọn lựa  thì rất dễ nhưng đây lại không phải thế. Tờ giấy này có chữ viết ra rồi, tức là cái nước Việt Nam hiện nay đang nằm dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN một cách tuyệt đối và cũng không ai có thể dùng một cái sức mạnh gì để mà  lật đổ cái chuyện ấy đi được.

Ta phải đi từ cái thực tiễn ấy mới là chuyện khó. Thế thì từ cái thực tiễn đó đi ra bằng cách nào? Tôi nghĩ phải có cái cách thế nào mà nhân dân thì hiểu được, đồng tình, nhưng người lãnh đạo, tức là đảng CSVN hiện nay vẫn thấy mình có một vai trò, mình không bị mất mặt , mình vẫn được tiếng là đảng vẫn vì nhân dân. Chứ  đâu có phải dễ dàng là anh cứ muốn chọn cái nào thì anh chọn?.

Rất nhiều người cứ bảo rằng thì là tại sao lại chọn cái hướng “Dân chủ-Xã hội”cải lương như thế, nhưng mà tôi bảo thế là ông không hiểu thực tế. Ông nào nghĩ được cách khác thì  ông vào thử làm xem nào. Làm sao đuợc?  Thế lấy thí dụ bây giờ muốn tổ chức một cái cuộc trưng cầu dân ý chẳng hạn để xem xem là ý dân như thế nào, đấy là cái chuyện lý thuyết, đấy là mình ngồi bàn giấy.  Ở cái nước Việt Nam mình mà nói chuyện đó là người ta bỏ ngoài tai hết. Mà nếu bây giờ ấy mà, trưng cầu dân ý ngay  thì ông Cộng sản thắng đấy, dân thua đấy. Đừng tưởng bở.

Cách đi nó phải thực tế, từ cái mà mình đang có đây này muốn đi ra thì bằng cách nào? Thì nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy đó chính là cái cách đã đi ngược với xu hướng Cộng sản, tức gọi là Xã hội-Dân chủ đấy, Social Democracy đấy, chữ mà trước đây gọi là cái Quốc tế II đấy ông ạ.

Việt Hùng: Dạ vâng. Vâng tôi sẽ mở vấn đề đó ra vào phần cuối của câu chuyện. Thì tuy nhiên rằng trong cái bài tham luận thì Tiến sĩ có nói đến là chúng ta cũng phải bắt đầu từ cái vấn đề luật pháp. Việt Nam của chúng ta đó thì về luật pháp từ chỗ là không có luật cho đến nay thì đã có nhiều luật. Trên tinh thần là mong muốn hội nhập với thế giới trước ngưỡng cửa WTO, Tiến sĩ có cho rằng là một ngày kia đó chính thế giới sẽ bắt buộc Việt Nam phải hội nhập thông qua chính những cái điều luật này hay không ạ?

Ô Hà Sĩ Phu: Vâng, thưa tôi nghĩ rằng về trước mắt đó, thì là nhìn ở cái tầm bề nổi đó thì đương nhiên như vậy chớ. Chúng ta muốn vào một tổ chức thương mại quốc tế, rồi chẳng những thương mại mà cả những mối quan hệ khác nữa thì buộc phải có cái mặt bằng luật pháp chung. Thế thì chắc chắn là quốc tế sẽ gây được cái sức ép đó. Và Việt Nam đương nhiên cũng phải nghĩ ra các cái luật để cho nó giống. Thế nhưng mà tôi nghĩ rằng làm luật để có một cái quyển luật mới là một nửa thôi. Tôi lấy ví dụ như trên sách vở thì qui định như thế nhưng đến khi làm thì nó lại vướng.  Việt Nam  đã có quá nhiều thực tiễn để chứng minh cái điều đó rồi. Tức là cái hồn của luật pháp nó là ở cái cơ chế chính trị của cái nước ấy. Chứ không phải là cơ chế chính trị thì thế này, mà anh lại cứ làm luật thôi là giống nước kia. Về bộ luật  thì dù có giống nhau như đúc đi,  nhưng đến lúc thi hành nó lại khác nhau. Là do những con người khác, ý định khác, rồi thì cái cơ cấu chính trị nội tại của nó khác.

Cho nên tôi đã nói từ ngày xưa, khởi thủy trong Xã hội chủ nghĩa không đặt  vấn đề luật pháp là cái gì quan trọng  lắm đâu. Tôi có nói câu của thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày xưa đã nói, cụ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường khuyên cụ là thủ tướng phải cố gắng xây dựng cho nước ta một nền luật pháp. Cụ Phạm Văn Đồng thì nói theo đúng suy nghĩ của người Cộng sản lúc ấy, Cụ  bảo rằng làm luật để làm gì? Làm luật là để trói tay mình vào à? Thực chất Luật của người Cộng sản quan niệm là như thế: Luật chẳng qua là để trị dân, để cho dân  yên mà đi theo con đường mình chỉ dẫn.

Còn các nước khác có nền dân chủ đích thực thì nó hoàn toàn ngược. Luật pháp chính là một sự đồng thuận của dân, đặt ra để bảo vệ người dân là chính, và chính là để hạn chế sự lạm quyền của người cầm quyền.

Việt Hùng: Phải chăng Tiến sĩ muốn nói những việc là ở Việt Nam có luật là một chuyện nhưng thi hành luật lại là một chuyện khác?

Ô Hà Sĩ Phu: Thì đúng quá rồi.

Việt Hùng: Nếu như vậy thì người ta lại nhớ đến chuyện bà luật sư Ngô Bá Thành khi còn sống thì bà đã phát biểu trước quốc hội là "chúng ta có cả một rừng luật nhưng chúng ta toàn dùng luật rừng".

Ô Hà Sĩ Phu: Vâng,(cười) đúng lắm, ý nghĩa rất là văn học! Đấy là về phía một nhà chính trị thì phát biểu thế. Còn cảm nhận của một nhà thơ như ông Nguyễn Duy thì ông ấy nói rằng "luật pháp như có như không",  có đấy nhưng gọi là có cũng được mà gọi là không cũng được - khổ thế.

Việt Hùng: Một trong những điểm mà Tiến sĩ trình bày trong suốt cuộc nói chuyện là hướng Xã hội- Dân chủ. Theo Tiến sĩ thì định hướng Xã hội-Dân chủ là một định hướng tốt trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam. Nhưng cho tới nay thì người dân Việt Nam của chúng ta chưa biết nhiều đến dân chủ, Việt Nam thì cũng chưa đủ mạnh để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tối thiểu. Như vậy đặt cái đích Xã hội dân chủ có quá xa vời hay không? Trong khi các nước Bắc Âu hay Cộng hòa liên bang Đức phải mất khá nhiều thời gian để xây dựng một nền kinh tế giàu mạnh, rồi họ mới có thể tiến tới một thể chế Xã hội dân chủ được.

Ô Hà Sĩ Phu: Vâng. Đến được thành quả như các nước Bắc Âu và cả Tây Đức nữa, thế rồi rất nhiều đảng khác thí dụ như đảng Lao Động của ông Tony Blair thì nguồn gốc cũng từ Quốc tế II ra đấy. Rất nhiều nước tiến bộ hiện nay đều có dây mơ rễ má với “Xã hội- Dân chủ”.

Nhưng tôi xin nói thế này. Đi theo con đường Xã hội Dân chủ là nó khác với con đường của Cộng sản, mặc dù cũng đều chấp nhận lý tưởng rất cao đẹp của cụ Mác cả. Nhưng khác nhau căn bản nhất ở chỗ có tán thành và áp dụng Chuyên chính vô sản hay không. Vì thế cho nên chính ông Lênin đã nói là cái ranh giới, cái hòn đá thử vàng, để quyết định một người có phải là Cộng sản hay không, không phải là chỗ tán thành đấu tranh giai cấp hay không, đấu tranh giai cấp chưa đủ, mà phải đẩy đấu tranh giai cấp đến mức độ thừa nhận Chuyên chính vô sản  thì mới đúng tiêu chuẩn của ông Lênin về người Cộng sản.

Nếu không tán thành cái đó thì thuộc về phái Đệ nhị, tức là phái mà ông Bernstein chủ trương. Khác nhau gốc của nó là thừa nhận và áp dụng Chuyên chính vô sản hay không thừa nhận. Thế thì đầu tiên là như thế đó. Bây giờ nếu ta chọn con đường Xã hội- Dân chủ tức là ta không đề cập, không áp dụng theo nguyên lý Chuyên chính vô sản nữa, thì tức là phải dân chủ! Và dân chủ dần dần, cải thiện theo các nền dân chủ đã có, theo hướng như mọi người! Từ cái đấy sẽ tập hợp được lực lượng để xây dựng đất nước. Và đường hướng của mình như thế thì dần dần nó sẽ tốt lên. Và đến mức nào đó thì xã hội mới cao được. Lúc đầu thì mới chỉ có dân chủ sơ đẳng thôi,  phúc lợi thì lúc đầu chưa phải cao được.

 Tôi muốn nhắc lại ý đó, tức là theo Xã hội-Dân chủ hay không, cái gốc không phải  ở chỗ là anh đã thực hiện được ngay phúc lợi xã hội cao cho người lao động, mà quan trọng là ngay bước đi đầu tiên anh đã phải  phủ nhận chuyên Chính vô sản đã. Đấy là cái mảnh đất tối thiểu đầu tiên để dân chủ có thể nẩy nở và mở cửa cho mọi sự phát triển.

Việt Hùng: Như vậy thì theo Tiến sĩ sự khác biệt lớn nhất giữa Xã hội chủ nghĩa với Xã hội dân chủ là Chuyên chính vô sản.

Ô Hà Sĩ Phu: Vâng, Chuyên chính vô sản.

Việt Hùng: Các quốc gia Âu châu này đang theo xu hướng Xã hội-Dân chủ. Nhưng Xã hội dân chủ thì chính phủ người ta lo nhiều cho người dân hơn, đảm bảo quyền dân chủ, tự do về ngôn luận. Đó có phải là điều mà Tiến sĩ muốn nói phải không ạ?

Ô Hà Sĩ Phu: Dạ, đúng quá chứ ạ. Đấy là mở cái nút. Mọi chuyện sau khác thì  dân tộc sẽ có thừa tri thức và tiềm năng để thực hiện dân giàu nước mạnh. Nhưng hiện nay tất cả những thiện ý đó thì nó vướng, nó vướng ngay từ đầu tiên tức là cái Chuyên chính vô sản. Trong đảng CSVN nói rất rõ là ta không nói Chuyên chính vô sản nữa nhưng trên thực tiễn ta vẫn cứ phải giữ cái nguyên tắc ấy, mà là ta không tuyên bố thôi. Như thế là hỏng rồi,  phải bỏ thực chất từ trong lòng mình !.

Việt Hùng: Để thay cho lời kết thì trong bài tham luận Tiến sĩ có nói rằng đã đến lúc không thể nói "yêu XHCN là yêu nước" mà phải nói "yêu dân chủ là yêu nước", "phản dân chủ là phản lại dân tộc"?.

Ô Hà Sĩ Phu: Tất nhiên trong ý nghĩ của tôi thì tôi đã có ý nghĩ như thế từ lâu. Trước đây tôi có nói vấn đề tại sao lại cứ cột cái "yêu nước" với "yêu CNXH" lại làm một? Tôi có dùng một hình ảnh nó hơi tếu của anh em văn nghệ nói thế này: Ngày xưa còn thiếu bia (beer), vào những năm 60, 70 chẳng hạn thì beer còn quý lắm. Thế thì muốn mua được một cốc  beer thì cửa hàng nó  phải bán kèm. Tức là anh muốn mua một cốc beer của chúng tôi thì anh phải mua thêm một cái gì nữa mà chúng tôi đang ế. Cụ thể là  lòng lợn, nhiều khi lòng lợn để tới mấy ngày rồi, thiu, mà anh phải mua lòng lợn đó thì tôi mới bán cốc beer. Thế thì nó giống như kiểu anh ghép hai cái đó vào với nhau để bán một món hàng mà anh ế. Thế thì lòng yêu nước ví như cốc beer lúc ấy!. Nếu muốn được yêu nước  thì tôi bắt anh phải yêu CNXH đã, tôi mới cho anh yêu nước. Tức là anh muốn bán một món lòng thiu  kèm vào đấy. Đấy là nói theo cách của văn nghệ sĩ.

Bây giờ tôi xin nói lại nghiêm chỉnh thì ý của tôi, tôi phát biểu công khai, và cũng được sự đồng thuận của rất nhiều vị cán bộ cao cấp trong đảng hiện nay, rất nhiều người trong những cuộc nói chuyện tiến bộ thì đều nói rằng hiện nay chìa khóa để giải quyết mọi chuyện của đất nước, mọi quốc nạn, là” chìa khóa dân chủ”. Bây giờ yêu dân chủ thì sẽ làm cho đất nước phát triển được, và thực hiện được nguyện vọng yêu nước.

Cho nên bây giờ yêu nước thật sự phải gắn với dân chủ.

Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn Tiến sĩ. 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ