LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Sự ngụy biện này là xúc phạm sự thật và xúc phạm lý trí của con người

Giới thiệu: Thưa quý thính giả, tại cuộc họp báo ở Seattle, thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng những người tù chính trị tại VN bị bắt, giam cầm là vì vi phạm pháp luật chứ không phải VN không có tự do tư tưởng, tôn giáo và dân chủ. Phản ứng về lời phát biểu đó, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà dân chủ hàng đầu của VN cho rằng bằng sự trãi nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của bè bạn thì ông thấy sự ngụy biện đó là xúc phạm sự thật và xúc phạm lý trí của con người. Mời quí vị theo dõi phần đầu cuộc trao đổi với nhà dân chủ Hà Sĩ Phu với Việt Hùng của đài chúng tôi.Từ Đà Lạt, ông Hà Sĩ Phu lên tiếng:
TS Hà Sĩ Phu: Tôi cũng như mọi người dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước hiện nay đều rất quan tâm đến chuyến đi của thủ tướng Phan Văn Khải. Trước hết xét về tính cách bên ngoài, về mặt hình thức thì đây đúng là một chuyến đi lịch sử. Nó là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ CSVN sang thăm một nước cưụ thù mà lại chính là nước quyết định khả năng của mình vào tổ chức quốc tế WTO. Nhưng chuyến đi có thực hiện được sứ mệnh gọi là lịch sử ấy hay không và thực hiện đến mức độ nào, thì còn đứng trước những thử thách không đơn giản. Cái chính là đường lối đối nội và đối ngoại của đảng CSVN có những thay đổi căn bản gì hay không để tương ứng với cục diện mới đó, cục diện mới của văn minh nhân loại. Và sự thay đổi ấy là thực tâm đến mức độ nào? Hay vẫn chỉ là “sự uyển chuyển của sách lược” như vẫn diễn ra trong quá khứ.
Việt Hùng: Như vậy phải chăng tiến sĩ muốn nói đến yếu tố kinh tế là trọng tâm trong chuyến đi này hay sao?
TS Hà Sĩ Phu: Tôi biết nhiều người quan tâm đến kinh tế. Bởì vì vẫn coi kinh tế là nền tảng, kinh tế đi trước rồi sau này mọi thứ nó thay đổi theo. Tôi cũng mong ông Khải được thu hoạch được thật nhiều về kinh tế. Song tôi thấy kinh tế chưa hẳn đã là nền tảng đâu. Mà những yếu tố chính trị và xã hội mới chính là nền tảng cho kinh tế. Nếu sự hợp tác kinh tế mà không đặt trên cơ sở tương thích về chính trị ,văn hoá, xã hội thì kinh tế cũng không phát triển lâu dài được, và không bền vững được, mà có khi còn dẫn đến kết quả không mong muốn nữa.
Việt Hùng: Thưa TS trong khi dư luận thì cho rằng 30 năm kể từ khi sau chiến tranh kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 75 là thời gian quá đủ để quên đi quá khứ. Liệu VN đã hoàn toàn gác lại quá khứ hay chưa ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Tôi nghĩ rằng chính yếu tố ấy quyết định chuyến đi của ông Khải có đạt được kết quả lịch sử hay không, hay là hạn chế, là ở chỗ ấy.
Cho phép tôi được triển khai ý vừa rồi. Tôi nói rằng có 3 vấn đề Chính trị Xã hội rất quan trọng mà nó quyết định kết quả của chuyến đi.
Thứ nhất là chuyện Dân chủ. Tôi thấy như thế này: Về vấn đề Tự do tư tưởng ta cứ nói là ta rất dân chủ , không hề bắt bớ giam cầm bất cứ ai vì chuyện tín ngưỡng hay chính kiến cả. Tôi nhớ trong cuộc họp báo 12 giờ trưa hôm qua ông Khải có nói thế. Mà ông nói rằng họ bị bắt là vì họ vi phạm luật pháp,mà vi phạm luật pháp thì nước nào chẳng phải trừng trị. Bằng sự trải nghiệm của bản thân và kinh nghiệm bè bạn thân của tôi, tôi thấy sự Ngụy biện này là xúc phạm Sự thật và xúc phạm Lý trí của con người. Bởi vì rất đơn giản, một khi anh đã hình sự hóa những sự trao đổi về quan điểm và về tư tưởng, nó vốn là sự trao đổi về quan điểm và tư tưởng thôi nhưng hình sự hóa nó, thì tự nhiên sự trao đổi tư tưởng ấy nó biến thành phạm pháp, chứ có gì đâu là lạ. Cho nên mất dân chủ chính là ở thứ luật pháp đó. Phải sửa ngay luật pháp đó. Những người phát biểu như tôi hay như ông Hoàng Tiến… thì ở Mỹ xem có ai người ta gây phiền không, người ta cắt điện thoại, và người ta gây khó khăn về đời sống không?
Chưa kể rằng rất nhiều sự đàn áp và khống chế còn vượt lên trên cả cái thứ luật mà vốn nó đã thiếu dân chủ rồi. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc ông Khải không nên nói cái câu Ngụy biện ấy nữa. Nhưng tiếc rằng trong cuộc họp báo vừa rồi ông lại nói cái câu ấy mất rồi!
Tôi nói tiếp về chuyện dân chủ. Đảng ta cứ khăng khăng rằng ta đã có tự do báo chí. Thế bây giờ ông Nguyễn Thanh Giang và ông Phạm Quế Dương xin ra báo đấy, nếu là Mỹ thì đương nhiên hai ông ấy được ra báo rồi. Nếu không tin ông Khải cứ hỏi thử ông Bush xem “ở nước ông như ông Thanh Giang, ông Quế Dương xin ra báo thì ông có cho ra không?”. Đương nhiên họ được ra chứ. Và ông Khải cứ thử hỏi ông Bush xem là đảng Cộng Hòa của ông ấy thì có điều cấm kỵ gì giống như là 19 điều cấm của Đảng CSVN đối với đảng viên của mình không? Để so sánh ngay thôi, chứ ông đừng nói là ở nước nào nó cũng thế cả.
Tôi nghĩ rằng nếu ông Khải cứ kiên trì quan điểm cũ thì cũng khó lòng gây niềm tin cho người nghe được. Thật ra hai điều tôi dẫn chứng ấy để nói về sự còn thiếu dân chủ, cũng như những điều khác nữa, thì tôi thấy có cùng nguyên nhân là chế độ đảng trị Mác Lê Nin thôi.
Việt Hùng: Như vậy vấn đề thứ hai là gì ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Là vấn đề hòa giải dân tộc!. Bởi vì nó là một trong những mục đích trong chuyến đi ông Khải lần này, là muốn hòa giải với khối người Việt di tản lớn nhất. Tôi chỉ xin lấy một vài sự việc mới đây, có liên quan đến sự hòa giải này.
Trước khi ông Khải làm một chuyến đi lịch sử như thế thì lại để xảy ra một việc rất thất nhân tâm là việc phá bức tượng đài kỷ niệm ở đảo Pulau Bidong. Bức tượng đài này để tưởng nhớ các nạn nhân là người Việt Nam máu mủ của mình bị chết, thứ hai là để cảm ơn sự nhân đạo của các nước bạn. Thế mà mình lại chủ trương đàm phán với người ta để phá cái đó đi. Đập vỡ cái đó thì có khác gì đập vỡ cái năng lực hòa giải của dân tộc.
Thứ hai , một việc khác nữa là đợt kỷ niệm 30 tháng 4 vừa rồi. Ông Kiệt đã trả lời phỏng vấn, trong đó có nói hai ý quan trọng( tức nhiên là ông vẫn còn nói theo quan điểm của người cộng sản). Một là sự cố 30 tháng 4 này làm cho hàng triệu người VN vui thì cũng làm cho hàng triệu người VN buồn…, thứ hai là ông nói rằng kết thúc cuộc chiến tranh đó có sự thắng lợi từ miền Bắc… nhưng cũng có vai trò của một lực lượng thứ ba, và chúng tôi còn biết thêm rằng, có những nguồn tin cho biết là đến ngày đó nội các Dương Văn Minh đã ngồi tề tựu, cho người xuống mở sẳn cửa Dinh Độc Lập để đón người chiến thắng, một hành động đẹp như thế. Nghĩa là chiếc xe tăng mà ta vẫn thấy trên tivi húc đổ cánh cổng thì thực ra cánh cổng nó mở rồi, không có sự húc đổ. Nếu có húc đổ thì chỉ là sự húc đổ cái ta dựng lên để đóng phim thôi. Tôi thấy nếu chuyện cánh cổng đã mở sẳn này mà nó là có thực ấy mà, thì hay lắm, vì đó chính là sự mở lòng ra với nhau, mở ra cơ hội để hòa hợp sau này. Mà cần húc đổ là húc đổ sự hận thù, cho nên tôi nghĩ rằng nếu lịch sử là như vậy, cánh cổng Dinh Độc Lập đã được mở sẳn thì đẹp quá. Thế nhưng trong tuyên truyền chính trị thì không phải như vậy mà vẫn là xe tăng vào húc đổ... Nếu chúng ta cũng học cách của tổ tiên mà xé hết các văn bản chứng tích của hận thù để mở lòng ra với nhau thì đâu có tạo ra những cuộc biểu tình chống lại chính phủ cầm quyền như đang diễn ra ở bên Mỹ bây giờ. Cho nên tôi trả lời câu của anh Việt Hùng đưa ra lúc nảy về khả năng hòa giải. Tôi nghĩ rằng nếu không đụng chạm gì đến quan điểm cơ bản này mà ta cứ hô hào hòa hợp thì tôi nghĩ là không dễ.
Còn một chuyện nữa về hòa hợp, đó là ta cứ bênh vực cho cái hòa hợp với ông Nguyễn Cao Kỳ thì tôi nghĩ rất tốt thôi. Nhưng nếu hòa hợp được với cái ông mà đã ném bom, trong khi đó vẫn kiên quyết tiếp tục bỏ tù những ông như Nguyễn Khắc Toàn, như Phạm Hồng Sơn, như Nguyễn Vũ Bình là những người không hề biết ném bom mà chỉ biết ném ra các sáng kiến. sáng kiến để thăm dò cái tấm lòng dân chủ, tấm lòng vì dân của người cầm quyền thôi. Hai chuyện ngược nhau như thế thì làm cho người ta cảnh giác chứ sao có thể đi với nhau một cách thật là hoà thuận được.
Việt Hùng: Tiến sĩ đã nói đến hai vấn đề, vậy thì vấn đề thứ ba là gì ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Là “cương lĩnh đối ngoại”.Chừng nào người ta vẫn còn trưng ra tấm biển Xã Hội Chủ Nghĩa, Xã Hội Cộng Sản thì cái “Cương lĩnh đối ngoại cổ truyền” bao giờ cũng phải là thế này: gần nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mà xa nhất, thậm chí đối lập là chủ nghĩa tư bản, mà chủ nghĩa tư bản thì Mỹ là đầu xỏ rồi. Thế bây giờ lại bắt cái kẻ thù đầu xỏ đó nó phải làm tròn nhiệm vụ của người bạn lớn nhất giúp ta vào tổ chức WTO, giúp ta vào nhiều cửa ngõ khác nữa, thì tôi e rằng Hoa Kỳ không đủ tài năng để đóng một lúc cả hai vai ngược nhau này. Vì thế cho nên phải sửa những cái căn bản thì bước đi này mới thành công được.

Việt Hùng: Thưa TS Hà Sĩ Phu, để tiếp tục câu chuyện trong buổi phát thanh trước thì người ta vẫn nói rằng những thay đổi kinh tế của VN đáng ca ngợi, ngược lại những thay đổi về chính trị và nhất là vấn đề nhân quyền, tự do tín ngưỡng thì đáng chê trách. Với thực tế ở VN thì TS nghĩ như thế nào về vấn đề này.
TS Hà Sĩ Phu: Vâng, ai cũng biết rằng giữa kinh tế và chính trị xã hội nó liên quan mật thiết. Nhưng có điều là cái nào đáng ưu tiên hơn và cái nào là nền tảng cho cái nào? Rất nhiều người cũng thâu nhận cái chủ nghĩa kinh tế và lý thuyết về kinh tế, như ở VN theo chính sách Mác Lê thì lấy kinh tế làm nền tảng, thì cho rằng, thôi, cái gì chưa tính đến được thì cứ làm sau, nhưng cứ làm cái kinh tế thật tốt đi thì cũng đã tốt quá rồi, từ kinh tế nó sẽ mở ra cái khác. Tôi nghĩ rằng nó cũng không thật đơn giản như vậy đâu.
Tôi lấy ví dụ như thế này, về kinh tế, thì trước hết có phải thật sự kinh tế mình đã rất khá so với những mặt khác không? Tôi trộm nghĩ thế này không biết có đúng không, hiện nay có những người giàu lên rất ghê gớm, thậm chí có khi giàu hơn cả các tỷ phú của nước ngoài nữa . Thế nhưng tôi quan sát và cũng có hội ý với nhiều anh em thì thấy rằng những chỗ giàu nhất không phải là do làm ăn sản xuất mà giàu, mà toàn là do bán đất, những tài sản to nhất vẫn là do đất đẻ ra. Đây chính là bán đất lấy tiền thôi chứ có sản xuất gì, nền kinh tế thật ra chả thay đổi gì bao nhiêu cả. Thế thì điều đó đâu phải là phát triển kinh tế? Thế còn một vài nơi phát triển kinh tế thì lại phát sinh ra rất nhiều thứ . Theo tôi, hiện nay về mặt kinh tế thôi thì cũng không nên đánh giá quá lạc quan như mình nghĩ đâu. Tức là nếu chúng ta cứ nhìn các nơi có tính chất biểu trưng, các khu chế xuất, nhà cao cửa rộng, mấy nơi dịch vụ gọi là 5 sao, 3 sao v.v... mà cho đó là sự phát triển về kinh tế thì tôi nghĩ chưa đúng đâu. Thứ nhất là đa số dân đời sống vẫn nghèo lắm, những người dân bình thường kiếm miếng ăn hàng ngày vẫn còn vất vả lắm.. Thứ hai nữa là những chỗ mà gọi là phát triển kinh tế, nói chữ nó hơi mất lòng, tức là phồn vinh giả tạo. Rất giàu nhưng thực ra cái giàu đó không phải là do đồng tiền sản xuất mà là do bán đất. Thế thì ngay cả về mặt kinh tế cũng chưa phải đã có gì đáng lạc quan lắm đâu. Tuy cũng phải nói rằng những cái tiến bộ, nếu so với trước thì cũng đã là nhiều lắm rồi.
Nhưng theo quan điểm của tôi, tôi vẫn cho rằng nếu không có những cơ sở làm nền về Chính trị và về Xã hội thì Kinh tế chỉ phát triển tới mức nào đó thôi, vì nó sẽ phát sinh mâu thuẩn. Các chuyện về chính trị xã hội thì ngày càng có rất nhiều đảng viên, các đảng viên cao cấp từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Lê Đăng Doanh, rồi cho đến phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội như ông Trần Quốc Thuận, v.v..., nhiều lắm, cả ông Phan đình Diệu nữa, đều cho rằng phải sửa từ gốc, cứ bỏ cái gọi là CNXH đi, đừng nói “định hướng” gì nữa cả, bỏ cả chủ nghĩa Mác Lênin đi, tự mình tự lập, mình đứng dậy, dân tộc mình bảo nhau, đoàn kết nhau tìm con đường mình thích nghi, dân tộc mình đi. Đấy, tôi nghĩ rằng chính trị xã hội rất là gốc, mà cái đó thì mình chưa giải quyết . Thế còn mặt Xã hội hiện nay thì gần như rất nhất trí là: tuy phát triển kinh tế mới một tí tẹo thế thôi nhưng vì không có cơ sở chính trị vững chắc để làm nền tảng cho nên xã hội thoái hóa vô cùng. Xã hội chưa bao giờ dối trá như thế này. Xã hội chưa bao giờ bạo lực như thế này. Xã hội chưa bao giờ mất nhân cách như thế này. Thế nên tôi nghĩ rằng về hai mặt đó (Chính trị và Nhân quyền) người ta nêu là nó chưa xứng với Kinh tế thì cũng là quá đúng. Nhưng tôi, tôi nghĩ là chẳng những nó không được đi sau kinh tế, mà phải đi trước để làm nền cơ. Chứ còn chủ trương rằng cứ đi kinh tế trước, phát triển rồi chuyện kia thì bàn sau là một giải pháp nó không khoa học.
Việt Hùng: Về chuyến đi của thủ tướng Phan Văn Khải hiện đang ở tại Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này thủ tướng Khải kỳ vọng nhiều vào việc Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ VN gia nhập WTO, thế nhưng nếu mong mỏi này không đạt được liệu có ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập và cải tổ chính trị mà ông Khải là một trong những nhà cải cách đang muốn thay đổi không ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Về lâu dài mà nói thì cái sự vào WTO nó không phải là quyết định đối với sự sống còn, đối với sự phát triển của cả đất nước, cả dân tộc đâu. Nó vẫn phải là cái nội lực của mình, có năng lực thật hay không, đấy mới là quan trọng. Song, đứng về cục diện trước mắt thì cái việc vào WTO nó cũng có tầm quan trọng đấy , nên tôi cũng muốn ông Bush phải vượt cao hơn những quyền lợi về kinh tế của nước Mỹ hay là quyền lợi chính trị toàn cầu của nước Mỹ, mà hiểu kỷ hơn Việt Nam một chút, để trong khi ông ủng hộ, giúp đỡ về kinh tế, trong đó có chuyện giúp vào WTO , thì ông ấy phải đề cập đến những yếu kém của Việt Nam kỷ lưỡng hơn và dứt khoát hơn. Cái đó chính là giúp cho ông Khải đấy, bởi vì sửa được cái đó thì bước đi mới vững chắc. Bởi vì thứ nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nó sẽ thắt chặt hơn. Thứ hai nữa là đi được với Hoa Kỳ về mặt kinh tế, thì tôi nghĩ rằng về mặt quân sự cũng phải có để đảm bảo cho mối quan hệ kinh tế đó, làm cho mình thoát được cái nguy cơ lệ thuộc vào cường quốc phương bắc. Mặc dù tôi rất quan tâm đến vấn đề dân chủ nhưng những chủ trương phát triển kinh tế như thế tôi cũng rất ủng hộ và rất mong muốn.
Việt Hùng: Thưa TS Hà Sĩ Phu, 30 nắm đánh dấu chiến tranh kết thúc, 10 năm đánh dấu quan hệ Việt - Mỹ, liệu chúng ta có thể cùng nhau dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của sự hội nhập chưa?
TS Hà Sĩ Phu: Thứ nhất, muốn dắt tay nhau đi dưới tấm biển đó thì vẫn là cái chuyện phải mở lòng ra. Như có một vị bình luận viên ở nước ngoài trên đài Á Châu Tư Do có nói rằng trong việc hòa nhập này thì người chiến thắng là người phải chìa bàn tay ra trước. Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam có lẽ cũng ý thức được điều đó, cho nên động tác đôi lúc cũng có vẻ chìa bàn tay ra trước. Nhưng cái bàn tay tin cậy, khi người ta bắt người ta có tin cậy được hay không thì còn vướng một vài điều mà tôi đã nói đó, tức là anh phải có những hành động cụ thể hơn nữa. Chuyện vừa rồi tôi nói, chuyện 30 tháng 4 mình tuyên truyền trong nước như thế nào, rồi chuyện quan hệ miền Bắc miền Nam như thế nào…, rồi cái chuyện yêu cầu xóa bỏ bức tượng đài ở Pulau Bidong đi là cái việc rất dại. Mong rằng đợt đi này cũng tiến thêm một bước. Nhưng bước đó tôi nghĩ cũng chưa phải là bước căn bản lớn lao gì. Tuy vậy, có được một bước tiến nào thì ta mừng bước tiến đấy. Và tôi tin rằng kỳ này cũng có thể thắt chặt thêm được một chút và cũng giúp cho chính phủ Việt Nam nhìn rõ hơn sự thật một chút, là mình muốn đoàn kết cả khối mấy triệu người ở nước ngoài thì mình cũng cần có những thay đổi căn bản hơn nữa.
Việt Hùng: Vâng, trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện thì tiến sĩ có điều gì muốn nói với quý thính giả đang theo dõi cuộc nói chuyện hôm nay không ?
TS Hà Sĩ Phu: Trước khi dừng lời, tôi chỉ xin có ý kiến là đứng về toàn bộ xã hội mà nói thì vừa rồi tôi nói có 3 vấn đề đấy. Nhưng thực ra tôi coi điều thứ hai, điều về hòa hợp, rất là đáng quan tâm. Thật sự phải phá vỡ mọi bức tường ngăn cách, bây giờ sự “phân tuyến” nó không còn là miền Bắc hay miền Nam, là Quốc hay là Cộng, là trong nước hay ngoài nước. Tôi nghĩ phải phá vỡ các rào cản ấy đi. Bây giờ nếu có “ phân tuyến” thì chỉ còn “phân tuyến” như thế này, tức là anh có thực lòng, thực lòng hòa hợp hòa giải để xây dựng đất nước hay không? Mà muốn hòa hợp hòa giải thì phải có Dân chủ, đương nhiên là như thế. Nếu không dân chủ thì ai người ta lại theo anh để bị đồng hóa, theo anh để thủ tiêu người ta đi, thì ai người ta chơi với anh được. Tôi mong rằng mọi ranh giới bên trong bên ngoài là xóa hết. Cho nên hôm nay mà nói chuyện với đài Á Châu Tự Do , những người có thể sẽ nghe cuộc trò chuyện của chúng ta, có thể là những người trong nước, những người ngoài nước, có thể là những anh em trong bộ phận chuyên chính ở trong nước v.v... thì tôi nghĩ rằng nên thống nhất với nhau: Chừng nào mà các bức tường ngăn cách đã bỏ đi thì triển vọng hòa hợp hòa giải để làm điều Đại nghĩa cho dân tộc mới mong thành công được.
Việt Hùng: Vâng, xin được cám ơn tiến sĩ Hà Sĩ Phu./.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ