LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Phóng viên Việt hùng RFA phỏng vấn Hà Sĩ Phu về bài góp ý kiến về Lý luận của Thủ tướng VVK


                                                          PHẦN I

TAY CẦM CHẮC “KIM CHỈ NAM” SAO VẪN LO CHỆCH HƯỚNG?

VH : Về bài Góp ý kiến… của TT VVKiệt, ông có cho đó là những ý kiến mới mẻ không và ông lưu ý đến những nội dung nào hơn cả?

HSP :    Bài góp ý kiến về công tác tổng kết lý luận của nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt dày 27 trang nhưng dồn trọng lượng vào 11 trang đầu, bởi 11 trang này vẽ ra bức tranh về sự phá sản toàn diện của nền lý luận và tuyên truyền của ĐCSVN, nó đặt một dấu hỏi khổng lồ không thể chối cãi  vào giữa chiếc “kim chỉ nam” dẫn đường mơ hồ của chế độ. Còn những phần khác thuộc các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, sử dụng cán bộ… là những đề xuất cụ thể, hầu hết mang tính chất “kỹ thuật” chuyên môn.

     Trong phần đầu tác giả kể ra những điều bất ổn cần xem xét lại về nội hàm của những khái niệm cơ bản như “kim chỉ nam”, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, công thức Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-Nhân dân làm chủ, khái niệm “chệch hướng”, khái niệm diễn biến hòa bình, khái niệm kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ, khái niệm phẩm chất đảng viên…vân vân, tức là tác giả xét lại nội hàm tất cả những gì cơ bản nhất mà bộ máy lý luận và tuyên truyền về chính trị-tư tưởng từ trước tới nay vẫn viết và nói ra rả hết ngày này sang ngày khác. Phần thứ hai, ông phê phán sai lầm về phương pháp tư duy. Một nền lý luận mà sai cả khái niệm cơ bản lẫn phương pháp tư duy thì sụp đổ trăm phần trăm chứ còn cứu vớt gì được nữa? Sự phê phán này không phải là những luận điểm gì mới, nhưng do chính một người lãnh đạo Cộng sản nói ra một cách mạnh mẽ ,toàn diện và sâu sắc như thế thì rất mới.

  VH :   Trong hàng loạt những khái niệm mà ông Kiệt thấy cần xem xét lại, ông thấy những khái niệm nào là quan trọng nhất?

  HSP :    Tôi thấy cần chú ý đặc biệt đến khái niệm “kim chỉ nam” và “chệch hướng”. Trong tay lúc nào cũng lăm lăm một cái kim chỉ nam , tức cái la bàn chỉ hướng, mà vẫn cứ đi chệch hướng ? Thế thì chỉ có hai trường hợp : một  là người sử dụng mù lòa không đọc được những gì trên mặt la bàn (tức là không hiểu đúng nội hàm, không đọc được mã số), hai là chiếc la bàn này là la bàn rởm. Chừng nào còn phải đóng vai một tín đồ thờ chiếc la bàn, đương nhiên ông Kiệt không dám nói đến chuyện la bàn rởm, thì buộc ông phải quy vào nguyên nhân thứ nhất , tức nguyên nhân không biết đọc la bàn, là lẽ đương nhiên. Nhưng sự tự phê này chẳng thuyết phục được ai. Ai cũng phải đặt câu hỏi : la bàn gì, cẩm nang gì mà khó đọc, khó hiểu thế, hàng trăm triệu người đọc, đọc suốt một thế kỷ mà đọc không ra nội hàm của nó ! Thế là cách lý giải có vẻ rất nghiêm túc và xây dựng mà ông Kiệt đưa ra tự thân nó lại mang tính “tiếu lâm” , nên chính nó đã ngầm chỉ ra đáp số thật của bài toán rồi.. Ông Kiệt vẫn “đứng vững” trong quỹ đạo Cộng sản mà viết, nhưng người đọc có lý trí tự nhiên phải bật ra ngoài quỹ đạo để tìm kết luận.Tôi nghĩ có lẽ ông Kiệt cũng biết  như thế.

  VH : Ông vừa nói : nội hàm của Chủ nghĩa Mác Lê thì thế giới đã biết rất rõ, ông Kiệt biết rất rõ. Những nhà lãnh đạo khác của Đảng có biết rõ hay không, mà tại sao đã có một bộ máy khổng lồ để bảo vệ định hướng ấy mà vẫn cứ bị chệch hướng ạ ?

   HSP :  Vâng ,đúng vậy .Một chiếc la bàn như thế ai chẳng biết nó là quái gở , nhưng sao không vứt quách nó đi, để được đi lại tự do như mọi người bình thường trện trái đất này, có phải sướng cái thân không? Điều bí ẩn là ở chỗ tại sao người cầm la bàn vẫn nhất quyết không chịu vứt nó đi, mặc dù vừa đi vừa phân bua là chệch hướng mất rồi? Là vì chiếc la bàn này vừa là đồ rởm lại vừa không rởm , vì chính nó đã chỉ đường cho người sử dụng nó biết cách tìm đến những kho báu tinh vi mà chỉ anh ta mới chiếm lĩnh được, sở dĩ anh ta thành “tỷ tỷ phú” về quyền và về tiền, chính là nhờ cái la bàn phù thủy đó,còn đoàn người đi theo thì chẳng được gì. Điều bí ẩn của chiếc la bàn chính ở  chỗ này, chệch hướng về mặt này nhưng trúng hướng về mặt khác! Chệch với người này nhưng trúng với người khác, vì cả dân tộc có được dự phần vào việc chế tạo và kiểm tra chất lượng cái la bàn ấy đâu? Nội hàm của định hướng Mác Lê thì nhân loại biết rõ quá rồi, chứ bí hiểm gì! Thế mà cứ phải cãi nhau, vì mỗi người khai thác một kiểu khác. Đi đúng theo kim chỉ nam Mác Lê thì đúng hướng với người độc quyền lãnh đạo, nhưng là chệch hướng đối với dân tộc, chệch hướng với loài người. Đúng hướng tiến hóa và đúng hướng cho dân tộc thì lại là chệch hướng Xã hội chủ nghĩa ! Cả bộ máy khổng lồ  muốn kéo con tàu theo định hướng này nhưng quy luật và nhân dân lại buộc con tàu theo định hướng khác. Vì thế mà giằng co.

VH : Vậy theo ông,  lời góp ý kiến của ông Kiệt lần này có giúp cho việc “hiểu đúng” những nội hàm của chủ nghĩa để từ nay không bị chệch hướng nữa không?

   HSP :  Ông Kiệt viết : Sau một thời gian dài, phải trả giá rất nhiều, sự đúng hướng đó đi vào ngõ cụt, đến mức không có khả năng đi tiếp theo cái “đúng hướng” đó nữa, thì mới tỉnh ngộ ra và mới thừa nhận rằng những điều tưởng là đúng hướng lại là chệch, và cái tưởng là chệch lại là đúng!

Tôi nghĩ sự luẩn quẩn như ông Kiệt mô tả sẽ còn tiếp diễn, còn lặp đi lặp lại mãi!. Chừng nào còn dùng cái la bàn “định hướng XHCN” thì  sự tranh cãi trúng hay trệch mãi mãi cứ là một sự cù nhầy tù mù trong mê lộ, không một đại hội nào có thể gỡ ra cái mối bùng nhùng vừa đúng vừa trệch đó, dù góp ý kiến mãi cũng thế thôi.

   VH : Khi bàn về chủ nghĩa Mác-Lênin ông Kiệt cho rằng các nhà lãnh đạo đã áp dụng sai chủ nghĩa Mác. Sai từ bao giờ , thời ông Kiệt làm thủ tướng còn sai hay không, sao lúc ấy ông không sửa mà nay mới lên tiếng?

   HSP :  Cần phân biệt Mác sai và làm sai Mác. Chủ nghĩa Mác khởi thủy , tức Mác giai đoạn đầu, đã có những cái sai căn bản như quan điểm về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về tư hữu và bóc lột, về nhà nước tự tiêu vong, nhưng bên cạnh đó còn giữ được một số nét dân chủ và nhân bản. Nhưng chuyển biến dần đến “Mác giai đoạn sau”, đến Lênin, Stalin trở đi thì càng ngày những điểm tốt càng mất đi, thay vào đó là những cải biến ngày càng thụt lùi về dân chủ. Ở Việt nam thì lúc còn kháng chiến  chống Pháp là một giai đoạn riêng , còn từ 1954 trở đi và nhất là sau 1975 thì quy luật là càng nắm được chính quyền càng thụt lùi về dân chủ vì càng bộc lộ tính Tả khuynh như ông Kiệt đã phê phán.

Ông Kiệt là người Cộng sản, không thể không quay theo guồng máy ấy, chính Hồ Chí Minh còn phải quay theo thì trách gì ông Kiệt. Nhưng ông Kiệt đã thể hiện quan điểm riêng tiến bộ khá sớm. Ông có công trong việc phát triển kinh tế thị trường.Bức thư gủi Bộ Chính trị năm 1995 và bài góp ý năm 2005 mà ta đang nói đây thể hiện những suy nghĩ nhất quán. Năm ấy nhà cầm quyền lấy cớ khám thấy bản sao bức thư ông Kiệt gủi Bộ Chính trị (lúc ấy đã phát tán rộng rồi) trong túi xách của tôi để tạo ra vụ án “Lộ bí mật nhà nước”; thực chất là để trừng trị bài Chia tay Ý thức hệ của tôi và bức thư rất tiến bộ của ông Võ văn Kiệt. Muốn đổi mới như thế mà sau đó ông vẫn phải tự tay ký nghị định 31/CP và 96/CP rất tệ hại thì ta thấy chuyển mình trong hệ thống Cộng sản không đơn giản chút nào. Nếu anh hỏi tôi sao bây giờ ông Kiệt mới dám nói mạnh thì tôi lưu ý anh rằng Khrutxốp,Gorbachop, Yenxin trước khi nắm được quyền lực họ cũng phải nói theo guồng máy chứ có hơn gì. Người Cộng sản biết chuyển sang dân chủ lúc nào là đáng quý lúc ấy, miễn là dân chủ thật.


                                                              PHẦN II

TẢ KHUYNH LÀ BẢN CHẤT CHỦ NGHĨA, KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ SAI LẦM CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO!

  VH :  Ông Võ văn Kiệt phê phán tư tưởng tả khuynh, là một xu hướng chính từ trước đến nay trong nền chính trị tại Việt nam. Ông nhìn vấn đề này ra sao?

   HSP :   Trong phần 2 của bài viết, Thủ tướng Võ văn Kiệt tập trung phê phán xu hướng Tả khuynh trong phương pháp tư duy. Ông nói: Tư tưởng tả khuynh chống lại thực tế khách quan, chống lại trí tuệ.

Trong một phong trào mà có tả khuynh hữu khuynh thì không phải chuyện lạ. Tả khuynh đem lại những tổn thất cũng không có gì lạ. Nhưng  chuyện lạ ở đây là sự Tả khuynh này rất ngược đời. Thông thường thì đặc điểm bảo thủ- trì trệ-giáo điều là đặc điểm của Hữu khuynh. Còn anh Tả khuynh vì hăng hái tiến lên quá nên thường gắn với sự phiêu lưu-đổi mới- nóng vội. Đằng này ông Kiệt cho thấy một thứ Tả khuynh hoàn toàn ngược : Tả khuynh mà lại gắn với bảo thủ- trì trệ -giáo điều kia!

 Bám lấy sách vở giáo điều đến mức bảo thủ trì trệ mà thành ra Tả khuynh thì chỉ có nghĩa là chính những giáo điều ấy bản chất nó là Tả khuynh, càng bám nó thì càng Tả khuynh, chứ còn gì khác? Vậy Tả khuynh ở đây không phải là khuyết điểm do những cán bộ làm sai , do không hiểu nội hàm của chủ nghĩa, mà chính Tả khuynh nằm trong nội hàm của chủ nghĩa. Nói sai lầm Tả khuynh là do không hiểu đúng nội hàm của chủ nghĩa là nói ngược, là bao che cho chủ nghĩa.

VH  : Vâng , điều ông nói rất phù hợp với hiện tượng Tả khuynh cứ lặp đi lặp lại mà Ông Kiệt đã thống kê. Ông có thể giải thích kỹ hơn về cơ chế tả khuynh này.

   HSP :  Thực tiễn, như ông Kiệt nói, cứ mỗi lần Tả khuynh là thất bại, chống lại được Tả khuynh là thắng lợi, nhưng cứ lơi lỏng đấu tranh là Đảng lại trở về Tả khuynh. Tại sao vậy?

    Thật dễ hiểu. Bản chất Tả khuynh của chủ nghĩa đã tạo môt “trường Tả khuynh” bao phủ toàn xã hội. Giống như từ trường, điện trường, trường Tả khuynh vô hình nhưng có tính định hướng rất mạnh:  cứ cái gì cùng chiều Tả khuynh với nó là nó  nống lên, nó khuyếch đại, nó hút lên trên. Cái gì chống lại Tả khuynh , tức là thuận với trí tuệ và thực tiễn như ông Kiệt nói (cần bổ sung : thuận với lòng người) , là bị nó đẩy ra hoặc triệt tiêu . Trong “trường Tả khuynh “ ấy từng giây từng phút diễn ra sự chọn lọc và đào thải theo hướng  phản tiến hóa, và cứ thế suốt 60 năm rồi, hỏi sự tử tế, trung thực, nhân ái còn sống sót được bao nhiêu? Tình trạng có “quyền uy” đen chi phối “quyền lực”chính là kết quả của sự độc quyền tả khuynh, gây ra bệnh sùng bái, bệnh lãnh tụ, bệnh mafia..Cho nên không lấy làm lạ là Tả khuynh gây tác hại thế mà không bị kỷ luật gì, trái lại chống Tả khuynh thì bị quy kết ngay là xét lại, là phản động. Lấy cái phản động làm chuẩn để đo người tử tế thì  người tử tế lại thành phản động chứ có gì lạ.

   VH :  Ông nói như thế có vẻ bi quan trước xu hướng Tả khuynh không , chẳng lẽ không có lối ra  cho dân chủ?

   HSP :  Nhưng may thay, trong tự nhiên lại có luật cân bằng. Suốt từ khi có chủ nghĩa tả khuynh Mác-Lê ra đời , luôn có sự ra đời và song hành của phong trào chống  Mác–Lê tả khuynh. Áp đặt một chủ nghĩa quá Tả phy lý thì xuất hiện ngay một cánh Hữu để XÉT LẠI chủ nghĩa đó, mà người tiêu biểu là Eduard Bernstein coi như cha đẻ của Chủ nghĩa Xét lại, và gắn với ông là hàng loạt các đảng của trường phái Xã hội-Dân chủ  . Ở những nước mà Đảng Cộng sản độc chiếm , không mọc ra được một đảng đối lập thì lại mọc ra những nhân vật “xét lại”, và bị những người tả khuynh quy vào tội hữu khuynh. Dòng “Xã hội-Dân chủ ” này ở các nước Cộng sản thì gọi là hữu khuynh, nhưng ở các nước Tư bản lại là cánh Tả. Nếu người ta nói thiên nhiên sinh ra loài mèo là để “đính chính” lại sự  sinh ra loài chuột, thì cũng có thể ví xã hội sinh ra dòng Xã hội-Dân chủ  là sự “đính chính” lại dòng Mác-Lê tả khuynh, nên không lấy làm lạ là nhiều Đảng Cộng sản cầm quyền sợ  Xã hội-Dân chủ  như chuột sợ mèo vậy, mặc dù con mèo này thật rất ôn hoà.. Độc tài cũng sợ Dân chủ , sợ kẻ “đính chính” mình như thế, nên chẳng có gì phải bi quan cả.

    VH : Theo ông,với tình hình cụ thể của Việt nam hiện nay, con đường nào là thích hợp để đưa đất nước phát triển mà tránh được xáo trộn chính trị? Việt nam có cần một tư tưởng để phát triển không?

   HSP :  Con đường tốt nhất phải đáp ứng được 2 yêu cầu : phải mở đường đi tới một xã hội Dân chủ Đa nguyên Pháp trị (tất nhiên là đa đảng), nhưng phải khả khi . Khả thi trong thực tế Việt nam hiện nay có nghĩa là bằng con đường tuyên truyền vận động có thể tạo được sự đồng thuận đông đảo nhất , mọi tầng lớp, mọi nguồn gốc chính trị, trong nước và ngoài nước, kể cả những người Cộng sản có mong muốn dân chủ …tạo thành sức mạnh tổng hợp để gây sức ép chính trị và kinh tế , cải biến một

cách hòa bình xã hội  hiện nay thành xã hội Dân chủ-Đa nguyên- Pháp trị .

Thực ra, chỉ cần kết hợp được xu thế văn minh toàn cầu với đặc điểm dân tộc là đủ, không cần một chủ nghĩa nào, một hệ tư tưởng nào.

Tuy vậy từ một xã hội đang nằm dưới một ý thức hệ độc tôn cố thủ , thì phải mượn một con đường nào đó, về hình thức thì có nguồn gốc gần gũi với ý thức hệ ấy, về thực tế đang là một hình mẫu có uy tín trên thế giới, thế thì dễ thuyết phục.

Các nước Bắc Âu : Na-uy, Thụy điển, Phần lan , Đan Mạch chẳng hạn , về chính thể thì liên quan đến dòng Dân chủ-Xã hội, là một nhánh tách ra song song với dòng Cộng sản, tức là có liên quan về nguồn gốc lịch sử thôi, mà về thực tế thì đang là hình mẫu cao nhất về chất lượng sống, nên có thể là xu hướng có tính thuyết phục cao để hình thành những chuyển biến quan trọng ban đầu, sau đó thì toàn dân tộc sẽ tìm lấy mô hình thích hợp riêng của mình, chứ cũng không phải dập khuôn theo họ.

Cũng xin nói rõ thêm hai điểm :

- Đây là những nước mà đảng Xã hội – Dân chủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, thậm chí trong nhiều thời điểm trở thành đảng cầm quyền, nhưng vì họ cầm quyền thông qua con đường bầu cử dân chủ cho nên không có sự áp đặt, loại trừ những xu hướng khác bằng bạo lực. Do đó, những người không cộng sản trong nước và cả ở hải ngoại không có lý do gì để e sợ con đường này. Một khi sân chơi dân chủ được thiết lập thì mọi người có quyền bình đẳng như nhau, không ai có độc quyền chính trị cả.

- Trào lưu Xã hội – Dân chủ hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm các đảng Xã hội - Dân chủ ở các nước Bắc Âu mà còn có cả các đảng Xã hội – Dân chủ ở Đức và các nước Tây Âu. Đó là chưa kể đến đảng Lao động Anh và các đảng tương tự ở Úc, Tân Tây Lan. Kinh nghiệm hoạt động của họ là cả một nguồn phong phú có thể giúp nước ta giải quyết rất nhiều vấn đề cụ thể trên mọi lĩnh vực. Vd : phát triển kinh tế như thế nào để tránh được sự ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, bất công xã hội,v.v…

    VH :  Một số trí thức và lão thành cách mạng, nhân sĩ cho rằng phải xóa bỏ chủ nghĩa Mác và áp dụng tư tưởng Hồ chí Minh. Vậy có tư tưởng Hồ Chí Minh không, áp dụng có tốt cho đường hướng hiện nay của Việt nam không?

    HSP :  Tư tưởng theo nghĩa thông thường thì ai cũng có. Nhưng tư tưởng trong nghĩa “nhà tư tưởng”, “hệ tư tưởng” thì chính cụ Hồ cũng bảo là mình không có.

Việc bỏ phiếu chọn con đường Lênin trong khi chưa hiểu Đảng là gì, Công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là gì thì quả thực khó mà nói về một “tư tưởng Hồ Chí Minh”.

   Về quan điểm trị nước cụ Hồ chịu nhiều ảnh hưởng  của tư tưởng Đức trị Khổng giáo, chưa bước sang  đoạn Dân chủ pháp trị, chưa có khái niệm kinh tế thị trường.

Tuy vậy cụ Hồ đã là biểu trưng cho ngọn cờ giải phóng dân tộc, cụ có nhiều quan niệm tốt và phương pháp tốt, nếu biết cách áp dụng thì rất hữu ích trong những bước chuyển đổi ban đầu. Ngược lại nếu áp dụng không đúng cũng có thể có tác dụng ngược. Về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó không ít ý kiến còn cực đoan,quá tô hồng hoặc quá bôi đen.

    VH :  Trở lại với ông Võ văn Kiệt.Trong bài góp ý của ông Kiệt, tuy có đưa ra một số dự kiến cho tương lai, nhưng đối với những tồn đọng từ trong quá khứ thì chưa thấy ông đưa ra một hướng giải quyết cụ thể nào, ông thấy thế nào?

    HSP :  Đấy là chỗ yếu của bài góp ý của ông Kiệt so với một số bài góp ý của các trí thức và lão thành cách mạng khác đã góp ý với Đại hội X. Về những quyết sách lớn liên quan đến sự sống còn hay đào thải của chủ nghĩa Cộng sản thì tất nhiên ông Kiệt còn phải tránh, nhưng còn nhiều việc khác đáng lẽ ông Kiệt có thể và cần bày tỏ lập trường và giải pháp dứt khoát thì ông cũng chưa bộc lộ được trong bài viết này.

Nếu xu hướng của ông Kiệt là “Cộng sản-Dân chủ”, tức là Cộng sản muốn dân chủ hoá, thì tôi nghĩ cũng rất gần gũi với xu hướng “Xã hội-Dân chủ” mà tôi đề cập ở trên.

VH :  Xin cảm ơn ông. ./.



LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ