LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

RFA phỏng vấn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: "Việt Nam như một cô gái mà đang chung chiên giữa hai chàng lực sĩ"


Việt Hùng, phóng viên đài RFA 03.11.2005

Nhận định về chuyến đi mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà dân chủ nổi tiếng của Việt Nam đưa ra lời bàn qua hình ảnh,

" Việt Nam như một cô gái mà đang chung chiên giữa hai chàng lực sĩ. Nếu mà chàng Hoa Kỳ không muốn cô gái Việt Nam ngả vào lòng anh Trung Hoa thì ngược lại chàng Trung Hoa tất nhiên cũng không muốn Việt Nam lại ngả vào lòng Hoa Kỳ." Do đâu mà ông Hà Sĩ Phu lại nói như vậy, mời quí thính giả theo dõi cuộc trao đổi mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu dành cho Việt Hùng của Ðài chúng tôi, xin mời anh Việt Hùng.

Việt Hùng: Liên quan đến chuyến đi Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, thưa Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, trong khi đồng loạt các cơ quan truyền thông đại chúng của đảng và nhà nước nói rằng, chuyến đi của ông Hồ Cẩm Ðào để lại nhiều ấn tượng, thế nhưng dư luận cả trong và ngoài nước cũng đặt nhiều dấu hỏi qua chuyến đi này thể hiện được điều gì với định hướng của Việt Nam?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Trong bức tranh toàn cảnh về quan hệ Trung Việt xưa nay và bối cảnh quốc tế hiện nay, thì việc người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung hoa đến thăm Việt nam đúng vào lúc đang chuẩn bị Đại hội 10 tất phải khiến dư luận lưu ý đến tác động của Trung Quốc đối với định hướng của Việt nam.

Không có gì ngăn được người ta cảm nhận rằng chắc hẳn về đường lối cũng như về bộ máy nhân sự thế là đã nghiêng về Trung Quốc. Cảm nhận ấy nói theo chữ Tàu là “bất trúng bất viễn” tức là nếu không trúng hoàn toàn thì cũng không sai bao nhiêu. Nhưng chính trị cũng không quá đơn giản như thế đâu.

Việt Hùng: Giới quan sát thời cuộc đưa ra nhận định, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã và đang muốn Việt Nam đừng làm đồng minh của Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á hay nói rõ hơn là Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ.

Trong một lần trao đổi trước đây khi nhận định về chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hoa Kỳ cá nhân Tiến sĩ có nói, "Hoa Kỳ không cần Việt Nam làm công cụ chống Trung Hoa mà chỉ cần Việt Nam đừng làm công cụ của Trung Hoa".

Nay thì Trung Hoa và Việt Nam đã nâng quan hệ lên một tầm cao mới như lãnh đạo hai bên đã tuyên bố, Tiến sĩ nhận định ra sao?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Vâng, mệnh đề “nâng quan hệ lên một tầm cao mới” tất nhiên cũng khiến người ta tưởng tượng ra nhiều điều mới mẻ hoặc đáng lo ngại. Nhưng nghĩ lại ta thấy, cũng như khẩu hiệu “16 chữ vàng” sơn son thếp vàng bên ngoài, bên trong chứa đựng cái gì cũng cần xem kỹ mới kết luận được.

"Việt nam như cô gái chung chiêng giữa hai chàng lực sĩ. Nếu chàng Hoa Kỳ không muốn Việt Nam ngả về Trung hoa, thì ngược lại Trung hoa cũng không muốn Việt nam ngả về Hoa Kỳ"

Nhưng tôi nghĩ hai tham vọng ấy không ngang nhau. Đối với Hoa Kỳ thì Việt Nam muốn đứng giữa cũng được nhưng do tầm quan trọng về địa lý chính trị, Trung Quốc không cho phép Việt Nam được đứng giữa mà bằng mọi cách phải lôi hẳn về phía mình.

Cuộc giằng xé còn qua lại nhiều lần, vấn đề phụ thuộc vào sức đề kháng của nhân dân Việt Nam, có hỗ trợ được cho xu hướng đúng và đánh bại được xu thế sai trong giới cầm quyền để giữ vững độc lập dân tộc hay không.

Việt Hùng: Qua chuyến đi của ông Hồ Cẩm Ðào vô hình chung các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo một bức tranh khá sáng sủa với dư luận tại Việt Nam nhất là về hình ảnh và những chỉ số về kinh tế thương mại hai bên, thế nhưng về phía dư luận nói chung, chuyến đi của Hồ Cẩm Ðào vô tình hay cố ý đã tạo thêm cho xu hướng bảo thủ tiếp tục ảnh hưởng lên chính trường trong đường hướng của Việt Nam. Tiến sĩ có chia xẻ điều này?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Các kết quả hội đàm được công bố như một bức tranh rất sáng sủa về hợp tác phát triển kinh tế, nhưng tôi xin phép được không tin lắm vào bức tranh đó.

Trước hết xét riêng về kinh tế thì Việt Nam khó kiếm lợi lớn trong giao thương với Trung Quốc. Thị hiếu của 2 thị trường khá giống nhau mà về nhiều mặt hàng Trung Quốc đáp ứng các thị hiếu này giỏi hơn Việt Nam, số lượng của họ lại nhiều áp đảo, chưa kể mặt trận buôn lậu khó kiểm soát được qua biên giới. Việt Nam nếu có xuất được thì toàn là xuất tài nguyên thiên nhiên và nông phẩm thì chỉ là anh bị chảy máu, bị bóc lột.

Thứ hai , tôi cứ nghĩ bức tranh kinh tế to tướng chỉ treo lên bên ngoài thôi, đằng sau nó còn là cái gì kia, và cái đó quan trọng đến vận mệnh của đất nước hơn. Dư luận đã kháo nhau quanh việc đấu tranh xếp sắp nhân sự của Ðại Hội 10 và xa hơn nữa, và việc cho Trung Quốc sử dụng cảng Cam Ranh.

Tôi nghĩ lịch sử Việt Nam , chỉ cần xét riêng từ khi khai thông biên giới 1947 đến nay, chính là lịch sử tranh giành giữa ê-kíp thân Trung Quốc và ê –kíp kiên trì giữ độc lập dân tộc. Đọc những bài của thủ tướng Võ Văn Kiệt từ 1995 đến nay, đọc Hồi ức của Trần Quang Cơ , rồi cuộc đấu tranh chống sự lạm quyền của Tổng cục 2… ta thấy sự đấu tranh giữa Chính và Tà trong đội ngũ lãnh đạo chưa bao giờ tắt hẳn, khiến ta còn có lý do để hy vọng.

Hơn nữa cả ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào khi sang thăm Việt Nam thì chỉ đi đến giữa miền Trung rồi quay lại, mà không thăm Sài Gòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam. Kể cũng lạ.

Việt Hùng: Với cái nhìn của Tiến sĩ mô hình Bắc Kinh liệu có phải là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo tại Hà Nội đang hướng đến hay không ?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Đứng trên bình diện khoa học cũng như bình diện lợi ích dân tộc thì việc chọn mô hình Bắc Kinh làm khuôn mẫu cho Việt Nam là sai lầm và tai hại.

Ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường. Nhưng ngay về kinh tế thì vị trí kinh tế Việt Nam và kinh tế Trung Quốc trong thị trường thế giới cũng khác xa nhau. Còn về chính trị, đừng thấy Trung Quốc làm được mà ta học theo là vô cùng nguy hiểm.

Nhiều nhà lãnh đạo và lý luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam thường coi những lý luận đổi mới của Trung Quốc là bậc thày của ta, ta nên học tập. Thực ra những lý luận ấy không có giá trị gì về lý luận cả. Đối với họ lý luận cũng là một xảo thuật thôi.

Nhân nói đến lý luận Trung Hoa, chắc không ai quên lý thuyết trứ danh của Đặng Tiểu Bình : Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột. Vì nói đến mèo và chuột, tôi nhớ đến một truyện ngụ ngôn của La Fontaine : Chú chuột nhắt con lần đầu tiên ra khỏi tổ, về khoe với mẹ rằng nó gặp một một chàng “tiếng to mà dữ” “trên đầu có cục thịt đỏ gay” (là con gà trống) xuýt nữa thì nguy khốn, may gặp được một chàng “phúc hậu đường đường khôi ngô” và “y như ta cũng có hai tai” (là con mèo). Con chuột mẹ hú vía, hoảng sợ dạy con rằng :

Chết con ạ, chớ trông ngoài mã
Bộ hiền lành, chính gã Miêu nhi
Xưa nay độc ác gian phi
Giống nòi nhà chuột, nó thì hại luôn!

Câu chuyện mèo chuột ngụ ngôn cứ như để dạy cho dân ta vậy.

Việt Hùng: Vâng, xin cám ơn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ