LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Điều 4 Hiến Pháp & Bệnh Nan Y Của Đất Nước Việt Nam (Dưới Con Mắt Của T/S Nguyễn Xuân Tụ)


Điều 4 Hiến Pháp & Bệnh Nan Y Của

                                           Đất Nước Việt Nam

               (Dưới Con Mắt Của T/S Nguyễn Xuân Tụ)

                                                               Trần Bình Nam

Tháng 3 năm 2000 ông Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) một người đang bị chính quyền giam lỏng tại Đà Lạt viết hai lá thư trả lời ông Đỗ Mạnh Tri (chủ nhiệm báo Tin Nhà ở Âu Châu) và ông Nguyễn Gia Kiểng (thuộc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở Pháp). Hai ông Tri và Kiểng muốn biết nhận xét cá nhân của ông Hà Sĩ Phu về tính chất đặc thù của xã hội Việt nam... Ông Hà Sĩ Phu cẩn thận dặn hai ông Tri và Kiểng xem là thư riêng đừng phổ biến. Nhưng hai lá thư lọt vào tay công an (trước khi đến tay người nhận) và đã làm cho giới thống trị nổi giận kết ông Hà Sĩ Phu vào tội phản quốc. Sau đó vụ án nổ lớn. Trước dư luận bất lợi, đảng CSVN hủy bỏ nội vụ.

Cái gì đã làm cho những người lãnh đạo tại Hà Nội nổi giận? Đọc hai lá thư rút từ cơ sở A 22 thuộc Bộ Công an (do ông Thiện Tâm, một nhân vật đấu tranh cho dân chủ trong nước phổ biến cho nhóm Nối Kết ngày 11 tháng 12 năm 2001) chúng ta thấy ông Hà Sĩ Phu vạch rõ: thầy thuốc nắm căn bệnh Việt Nam trong tay và biết phương thuốc chữa là đảng CSVN nhưng thầy không muốn chữa. Tư duy của ông Hà Sĩ Phu vừa sâu vừa sắc bén như một mủi dao nhọn chọc vào tim gan của người cộng sản Việt Nam làm cho họ vừa nhức nhối vừa lo sợ. Họ không sợ ai, họ sợ lương tâm, cái lương tâm họ thường chối bỏ nhưng ông Hà Sĩ Phu bắt họ phải đối diện.

Qua hai lá thư, ông Hà Sĩ Phu không bỏ qua một khía cạnh nào của lịch sử và xã hội Việt Nam. Đảng CSVN, trí thức trong nước và hải ngoại (một cách gián tiếp) đã được ông chiếu cố đúng mức.

Đảng CSVN có 3 phòng tuyến mà ông Hà Sĩ Phu gọi là 3 tầng. Phòng tuyến thứ nhất là chủ thuyết Mác Lê (nay pha chế thêm tư tưởng Hồ Chí Minh). Ông Hà Sĩ Phu nói phòng tuyến này "trên phạm vi quốc tế đã bị phá tan tành, một vài nơi cố thủ" như ở Việt Nam "cũng chỉ giữ ngoài vỏ, trí trá cho qua chuyện, cốt để che cho sự lột xác ở bên trong."

Phòng tuyến thứ hai "là vai trò thống trị độc tôn của Đảng Cộng Sản" được hiến định hóa. Ông Hà Sĩ Phu không viết ra sợ chạm nọc nhưng ai cũng biết đó là Điều 4 trong bản Hiến Pháp hiện nay. Phòng tuyến này "có ý nghĩa sinh tử, thất thủ thì coi như tong." Nhưng theo phân tích của ông Hà Sĩ Phu đảng CSVN không ôm súng nằm chờ sau phòng tuyến. Một mặt Đảng thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói đòi bỏ vai trò độc tôn của Đảng (qui định bởi Điều 4 HP) từ nội bộ hay từ nhân dân, nhưng "một mặt nhanh chóng lột xác: thu xếp nội bộ, mau chóng tư bản hoá và trở về hoà nhập vào nhân loại." Đảng CSVN đổi mới, ve vản thế giới Tây phương, và mới đây ký Thỏa Ước Mậu Dịch Song Phương với Hoa Kỳ đều nằm trong chính sách xây dựng "một xã hội Tư bản do đảng CS lãnh đạo."

Phòng tuyến sau cùng đảng rút về, theo ông Hà Sĩ Phu, là "bỏ Đảng cứu lấy tập đoàn: tức là trút nốt cái vỏ Đảng CS độc quyền lãnh đạo." Điều này có nghĩa đảng CSVN sẽ hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp "chấp nhận dân chủ pháp trị, chấp nhận đa nguyên đa đảng" khi thế chẳng đặng đừng. Ông Hà Sĩ Phu tiên đoán rằng: "lúc ấy mọi yết hầu kinh tế của xã hội đã được con cháu, bè cánh của tập đoàn đầu sỏ trấn giữ rồi. Tiếng là đa đảng nhưng Đảng của họ vẫn ở thế thượng phong." Và con cháu của những người cộng sản sẽ tiếp tục cầm quyền dưới cái vỏ dân chủ. Ông Hà Sĩ Phu nghĩ rằng "nếu đất nước có khả năng chuyển biến thành xã hội có dân chủ, văn minh thật sự thì cũng mất dăm bảy chục năm nữa."

Tiên đoán của ông Hà Sĩ Phu dựa trên tình trạng bi quan của đất nước. Đó là: "Đảng CSVN đã nắm trọn quyền sinh sát, đã thuần hoá và xử dụng được đám có học làm công cụ ngoan ngoãn và chăn dắt đám dân đen như đàn cừu non." Ông Hà Sĩ Phu nhắc chuyện một bác già có đầu óc cấp tiến hỏi ông: "Vô lý, thế nhân dân chết cả rồi hay sao?" Và ông trả lời: ''Chết cả rồi, bị tiêm thuốc chết cả rồi, bác ạ! Số còn ngắc ngoải như chúng ta (và rất nhiều người khác nữa) trong quan niệm của nhiều người lãnh đạo thì không phải là nhân dân (!), hay nói cho công bằng thì ta bị xếp vào nhân dân loại hai, như thể một dạng dân tộc thiểu số! Đừng thấy đám đông đang phóng xe máy, nghe bộ đàm, gõ máy vi tính, hát karaoke, báo cáo trên Tivi về thành tích biết làm giàu, lĩnh giải này giải nọ... mà tưởng là nhân dân đang sống mãnh liệt! Vẫn có cơm ăn, vẫn có áo mặc, vẫn ngày càng biết thêm những thứ văn minh mà trước đây chưa hề được biết tới, vẫn được thế giới viện trợ, vẫn có khối thứ để tự hào, vẫn thấy con ''hơn'' cha nên cứ tưởng nhà mình có phước... Thế là cuộc đời vẫn cứ đi lên, chứ sao, "tham nhũng thì muôn đời bao giờ chẳng có", xã hội càng bậy bạ càng dễ làm ăn, quy củ làm gì cho mệt, phải biết quên đi mà sống, và biết hy vọng vào tương lai!"

Bức tranh ông Hà Sĩ Phu vẽ ra ở trên đúng trong tình trạng hiện nay khi đảng CSVN đang giữ phòng tuyến số 2. Nhưng nếu điều kiện buộc Đảng rút về phòng tuyến số 3 yếu tố tâm lý của quần chúng có thể biến cái đám đông "chết cả rồi" trên thành một động cơ cách mạng tối hậu có khả năng đẩy lùi mọi sức cản của tàn dư cộng sản không cần chờ dăm bảy chục năm như ông Hà Sĩ Phu tiên đoán. Chất xúc tác chính trị của cao trào dân chủ là yếu tố quyết định. Và đó là nhiệm vụ của các đảng chính trị xuất hiện khi đảng CSVN bỏ phòng tuyến số 2.

Để miêu tả con đường đảng CSVN đang theo, ông Hà Sĩ Phu lấy thí dụ con bọ hung. Chúng ta thấy tội nghiệp bọ hung sống chui rúc trong đống phân dơ dáy. Nhưng không, con bọ hung thấy thoải mái vì "ăn phân ngon hơn ăn tiệc". Phân được thải ra từ nước Trung quốc vĩ đại phương Bắc. Trung quốc chưa chết thì ta chưa chết và ta vui vẽ nhường thêm đất thêm biển cho Trung Quốc để đổi lấy an toàn. Từ khi khối Liên Xô sụp đổ, đảng CSVN thường nhắc nhỡ nhau "đổi mới hay là chết" (tại các đại hội trung ương đảng, các khóa chỉnh huấn, tại đại hội đảng ... ). Nhưng họ biết họ đang bôi một chút thuốc thoa dân chủ giả tạo lên lớp da lỡ loét của con bệnh phong kiến. Bản chất của chế độ và toàn bộ cán bộ lãnh đạo là phong kiến nên thuốc dân chủ (do đảng đề ra) là một thứ Cải Lương. Việt Nam hôm nay là một gánh Cải Lương vĩ đại do ban nhạc lớn từ Hà Nội trình diễn, với các gánh hát lớn nhỏ cùng khắp trên quê hương. Ông Hà Sĩ Phu so sánh lịch sử đất nước như con tàu chạy nhầm "ray", kẹt đường quay lại hùng hục chạy, lại kẹt, quay lại thơi thới chạy chẳng chút thắc mắc. Cứ dắt tay nhau chạy tự lừa gạt mình, lừa gạt người, lừa gạt dân tộc chẳng cần gì đến "bản chỉ đường của trí tuệ" như ông Hà Sĩ Phu töøng  mong öôùc.

Trong thư gởi ông Đỗ Mạnh Tri ông Hà Sĩ Phu nói đến đảng, nói đến dân trong nước, ông không hề bàn chuyện người nước ngoài (vì ông khiêm tốn nghĩ mình không có thông tin). Nhưng bức tranh mà ông gọi là sự "kiêu ngạo cộng sản" cũng là bức tranh kiêu ngạo của người trí thức hải ngoại. Tại các nơi có đông người Việt, nhất là những vùng được xem là thủ đô người Việt ở Mỹ châu, ở Âu châu... không thiếu những ông trí thức hàm giáo sư này, danh cách mạng nọ tư duy thì ít nhưng lại ưa lên tiếng dạy đời. Vấn đề nào cũng lên tiếng, sáng kiến nào cũng bị chỉ trích trước khi có cơ hội đánh lưỡi dù chỉ một lần. Bệnh ông Hà Sĩ Phu thấy là, trong nước đảng ngu, ngoài nước trí thức tự mãn, thảo nào nước không suy, dân không lụt, sống như là một thứ rác hữu sinh.

Trong thư trả lời ông Nguyễn Gia Kiểng, cũng cùng câu hỏi: "nghĩ gì về tính chất đặc thù của xã hội Việt Nam", ông Hà Sĩ Phu viết: "Thực tế là cả ba mặt Dân trí, Dân khí và Dân sinh đều rất thấp." Phòng tuyến thứ nhất là chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê đã được vứt bỏ trên thực tế nhưng "xã hội thực chất đang ở tầm ý thức hệ phong kiến nông nghiệp lạc hậu" sản sinh từ ý thức hệ Cộng sản. Ông Hà Sĩ Phu kết luận, điều này giải thích "vì sao tuy bề ngoài thay đổi rất nhiều mà về căn bản xã hội vẫn như dẫm chân tại chỗ, dẫm chân tại chỗ mà vẫn lục đục không yên, không yên mà vẫn không thể bứt ra thành một cái gì khác về chất được". Ông Hà Sĩ Phu miêu tả trạng thái đó là một trạng thái 'bùn nhão", một thứ "cân bằng bùng nhùng" giữa đảng, giữa dân, giữa trí thức trong và ngoài nước, sống chui rúc không ý thức "nhưng không ai có thể kéo nó ra khỏi cái hũ định mệnh nói trên mà tạo hoá đã nhốt đám dân Lạc hồng vào đó rồi đút nút lại!"

Con đường Việt Nam hôm nay hẹp mà con bò mộng cộng sản cứ nghênh ngang mang tấm bảng "duy ngả độc tôn" choáng lối, cho nên theo ông Hà Sĩ Phu muốn giải quyết phải dùng mẹo, nóng vội là vô ích. Mượn thư trả lời ông Nguyễn Gia Kiểng ông Hà Sĩ Phu cảnh giác rằng người cộng sản Việt Nam bây giờ khôn lắm biết đánh chỗ nào, nới chỗ nào, phân hóa chi ly, biết quần chúng hóa và dân sự hóa bộ máy công an , "dùng đám đông đánh thiểu số, dùng cái không biết đánh cái biết, dùng cái thấp để trị cái cao, dùng mặt trái của con người để chiến thắng mặt phải của con người". Cụ thể hơn ông Hà Sĩ Phu viết: "Một quốc sách hàng đầu là dùng những người xung quanh, người thân, bè bạn của những người dân chủ, và chính những người dân chủ hiếu động, để làm tình báo hữu ý hay vô tình, có công và không công. Trong khi đó thì những anh chị em dân chủ lại quá tin ở vương đạo của trí tuệ và lương tri nên trở thành những con mồi ngờ nghệch hết chỗ nói". Ông Hà Sĩ Phu cảnh giác người hải ngoại rằng trong nội bộ đảng CSVN không có thành phần bảo thủ và cấp tiến. Đảng CSVN cũng không giáo điều như chúng ta tưởng. Ông viết: "Đảng không hề giáo điều. Đảng thay đổi hằng ngày. Nhưng Đảng cũng không hề lùi, trái lại, Đảng thay đổi tất cả những cách làm nào có thể thay đổi được để tiếp tục tiến lên thực hiện mục đích của Đảng (là giữ vững ngọn cờ độc tài nhất đảng trị.) Những phe phái khác nhau trong Đảng chỉ khác nhau về cách làm và sự phân chia quyền lợi, chứ không có phe bảo thủ và cấp tiến gì cả. Cấp tiến thật thì Đảng đẩy ra ngoài rồi."

Với ông Nguyễn Gia Kiểng ông Hà Sĩ Phu đưa ra hai đề nghị lớn. Thứ nhất là đánh vào thành trì cô lập thông tin của đảng. Ông nói thời đại thông tin đã là kẻ thù của những nhà cầm quyền muốn cấm cản thông tin. Kỹ thuật thông tin tự nó có trăm nghìn lối nhỏ để vượt thoát. Tuy nhiên điều cần thiết là nối những lối nhỏ thành đại lộ thông tin. Đại lộ thông tin tự nó có sức khuynh đảo và thuyết phục cái vô minh. Đề nghị thứ hai là rất nên nghiên cứu hiến pháp và luật lệ Việt Nam. Ông Hà Sĩ Phu gián tiếp khuyên chúng ta đừng nên xem đó là "những miếng dẽ rách". Dẽ rách nhưng đảng biết dùng để lấp liếm những hành động bất nhân của đảng và băng bó khi đảng bị đánh trọng thương. Cũng như trong thư trả lời ông Đỗ Mạnh Tri, ông Hà Sĩ Phu không đá động đến điều 4 Hiến Pháp, nhưng ý ông đã rõ. Điều 4 tạo ra một "nền luật pháp giả nhân quyền và chống nhân quyền của thể chế XHCN". Và đó là điểm ông Hà Sĩ Phu khuyên người Việt hải ngoại "đối chiếu với thực tế để tạo dư luận quốc tế lên án." Và để tạo dư luận ông đề nghị "các nhóm dân chủ chân chính ở ngoài nước nên có sự liên kết trong một mặt trận chung hay vẫn là các nhóm riêng, nhưng phải có tiếng nói thống nhất khi cần thiết." Ông Hà Sĩ Phu nghĩ dư luận mạnh nếu phát xuất từ Liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành phần.

Và một vài lời khuyên nhỏ: Các nhà đấu tranh cần rà soát mọi quan hệ giao du. Ông viết: "có người lúc trước chơi được nay không chơi được nữa, có người cứ mang trái tim hồ hởi đi khắp mọi nơi và trở thành cộng tác viên tuyệt vời không công cho An ninh để lần lượt tàn phá tận gốc những tiếng nói dân chủ." Ông Hà Sĩ Phu hoan nghênh cuộc vận động giải Nobel cho HT Thích Quảng Độ, và nghĩ không nên bàn chuyện vĩ đại như Kết Ước năm 2000. Lý do ông Hà Sĩ Phu khuyên chưa nên làm Kết Ước vì "kết cấu hạ tầng chưa có mà khoa trương diện mạo thì diện mạo ấy dễ bị sụp đổ, đập nát ngay mà không có gì để bảo vệ và nuôi dưỡng nó." Lời khuyên của ông Hà Sĩ Phu vượt ra ngoài khuôn khỗ Kết Ước. Đó là tinh thần thực tế, nhìn đường dài trong qui luật, vốn đến đâu kế hoạch đến đó, không viễn vông ảo tưởng, vẽ rắn thêm chân.

"Mấy lời thành thật tự đáy lòng đau đớn." Đó là lời kết của ông Hà Sĩ Phu. Mấy năm trước khi viết tham luận: "Dắt nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ" ông Hà Sĩ Phu lạc quan tin rằng đảng CSVN và dân tộc Việt Nam còn khả năng thấy con đường trí tuệ mà theo. Lần này ông thất vọng thấy trí tuệ của dân tộc như đuôi con tàu khuất cuối đường hầm. Đảng nắm toàn quyền lãnh đạo nhưng biến chất trở thành tồi bại, trí thức bạc nhược, dân mất sinh khí và ông cảm thấy đau đớn khi phải "tự phê phán dân tộc mình và cũng là tự nhiếc móc mình".

Tuy nhiên, sông có khúc, nhà có lúc. Nếu qui luật là đảng CSVN phải rút dần các tầng phòng thủ thì khi rút về phòng tuyến thứ ba (xóa điều 4 Hiến Pháp, tạm biệt độc tôn) thì cơn triều dân chủ sẽ hoàn thành cuộc cách mạng của nó như ở Đông Âu và Liên bang Xô viết cách đây hơn 10 năm.

                                                                  Trần Bình Nam

                                                               Binhnam@aol.com
                                                            http://www.vnet.org/tbn


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ