LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Lá thư từ Đà Lạt Hà Sĩ Phu gửi ông Hoàng Minh Chính



Kính gửi bác Hoàng Minh Chính

Trước hết xin hỏi thăm sức khỏe bác cùng gia đình. Sau nữa xin bộc lộ với bác một tâm sự riêng, rất riêng thôi. Những lần nhận được quà bác gửi cho, tất nhiên tôi rất vui vì qua những dòng thư bác viết, tôi được chia sẻ những tình cảm quí mến mà những người hiểu biết và có nhân cách nhất đã dành cho anh em chúng tôi, những người tạm bị cách ly khỏi cuộc đời thường với cả một khí quyển thông tin sôi động.

Nhưng việc nhận quà lặp lại nhiều lần khiến tôi băn khoăn. Bằng linh cảm, tôi e rằng đã xảy ra điều này : có thể các anh em bạn hữu, những vị cách mạng lão thành... đã vì quí, vì thương chúng tôi, mà góp tiền giúp đỡ?

Có phải thế không bác Chính ?

Nếu thế thì không được ! Tất cả những người như chúng ta, phần lớn cuộc đời đã quen với sự túng thiếu và không yên ổn về vật chất, nay ở tuổi hưu thì nhu cầu vật chất ấy lại càng ít đi. Cả người giúp và người được giúp đều không sẵn tiền và đều không cần nhiều tiền làm gì. Hơn nữa chúng ta đang sống trong một môi trường cực kỳ đặc biệt :

Rất nhiều kẻ đã quen cướp không của dân tiền triệu, tiền tỷ ; quen gắn bạc tỷ với những điều phi nghĩa...thì chính những kẻ ấy luôn rình xem những người như chúng ta có được ai tặng cho chút tiền bạc nào không ? Để rồi vu cho ta đủ mọi tiếng xấu trên đời (dù chỉ là những món tiền không đáng để puốc-boa cho người gác cổng một đêm hành lạc của họ). Giống như trước đây những kẻ độc quyền sa đọa tình ái lại hay cho tay chân đi dình xem các cặp yêu nhau có hôn nhau không để bắt về kiểm thảo.

Bác thử tưởng tượng xem, những bài lý luận triết học và xã hội học mà tôi vắt ra từ cả cuộc đời đăm chiêu suy nghĩ của mình, sẵn sàng đổi bằng cuộc sống của mình, mà họ nói một cách tỉnh bơ rằng : Hà Sĩ Phu viết thuê những bài ấy cho bọn phản động để mỗi tháng được trả công...50 đôla ! (Tôi xin viết lại bằng chữ là năm mươi đôla !). Có người còn giở luận điệu : nếu bọn phản động lên nắm chính quyền thì ông Tụ ông Quốc liệu có giành nổi một chức bộ trưởng không mà cứ rối lên ! Tôi không buồn giải thích, mà chỉ thương thay cho họ - thế giới sống của họ là vậy ! Nhưng họ là gì không quan trọng, vấn đề là do sự độc quyền thông tin ấy mà nhiều người lương thiện cũng hiểu sai đi ! Vì sao mà những lời tâm huyết đáng trân trọng như bài của trung tướng Trần Độ, của tiến sĩ Phan Đình Diệu, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang...mà người ta có thể dễ dàng qui ngay thành những "lập trường bậy bạ" ? Bởi vì, trong cuộc "tổng khủng hoảng nhân cách" hiện nay, nhân cách là thứ rất ít gặp, thậm chí là chuyện hoang đường còn những ý nghĩ tầm thường và bẩn thỉu (nhẹ nhàng nhất thì cũng là sự thờ ơ và "phải đạo") thì phổ cập như một thứ mùi phải có để các con kiến nhận nhau là đồng loại, nó có giá trị như một thứ giấy thông hành, như một thứ chứng chỉ làm người...không phản động ! Người không phản động thì ít nhất cũng được sinh sống bình thường, được quyền khinh và hành hạ những "kẻ phản động", (từ đấy đến nạn Hồng vệ binh cũng chẳng cách nhau bao xa) ! Nhiều tác phẩm văn học và sân khấu đã tỏ ra phê phán hết sức mạnh mẽ, tỏ ra công bằng, tỏ ra nhân bản và có hậu, tìm được lối thoát, thỏa lòng mọi người, có khi lại rất "hoành tráng" nữa...nghĩa là không chê vào đâu được, vậy mà người tinh ý vẫn nhận ra đấy là"đồ rởm", chỉ là "điếm" một cách rất có nghề chứ chẳng có tầm vóc gì. Cái lưu manh hiện đại và cái nhân cách thật dẫu có diện mạo bên ngoài na ná giống nhau, thì vẫn có cái hồn bên trong khác nhau một trời một vực ! Gốc rễ là vì, con đường thoát của nhân cách đang bị một bức tường bê tông chặn lại, bậc thang nhân cách không được trải ra và phân định thuận chiều nhân bản và thuận lẽ tự nhiên. Thế là đường tắc, mọi thứ ùn lại và quay cuồng, lộn tùng phèo, thang giá trị lộn ngược. Nhân lúc nhá nhem người ta trà trộn, chơi hội giả trang với nhau, để vừa mua vui vừa tranh nhau kiếm chác, để tìm lối đi cho mình và thực hiện "công việc" của mình. Trong tình trạng ấy, nhiều khi ta phải tránh xa thôi. "Tấm lòng trinh bạch" mà còn chừa được thì tấm lòng giúp nhau về khó khăn kinh tế cũng tạm chừa được bác ạ...

Các bác nghe tôi, hãy cứ tạm chừa đi cái đã, nhất định tốt hơn !

— đây, tôi chưa muốn sa vào cái lĩnh vực nhức nhối quá lớn lao này, nhưng nói ra như vậy chỉ để bác thấy tâm sự thật của tôi, để cùng tránh những phiền toái có thể tránh được.

Tôi chỉ có thể bộc lộ tâm sự của riêng mình, không thể nói thay cho anh Quốc, anh Cự, vì đã lâu lắm chúng tôi không thể gặp nhau, ngay cả thực trạng đời sống của nhau cũng không thể nắm được. Tất nhiên, thỉnh thoảng các bác gửi cho một cuốn sách cần đọc (như cuốn Dự báo TK21 bác mới gửi) thì tốt quá rồi.

Hiện nay, người cầm bút có nhân cách thì nhất định thấy mình đói tự do. Riêng ba người Đà Lạt chúng tôi thì sự "đói" ấy lại càng cồn cào lắm, giữa một thế giới ăm ắp những thông tin, ăm ắp những "thức ăn" tinh thần, thế mà cả chút tự do còn rất "khiêm tốn" cũng bị cái 31/CP vét sạch. Nạn "đói" này đang làm những người như chúng ta vật vã, trong khi có nhiều kẻ đang được ban phát tự do một cách hào phóng đến bội thực ! Đúng như có lần bác nói : người trí thức bị mất tự do thì coi như chết rồi. Ngoài sự cứu "đói tự do" khẩn thiết này, tôi thiết nghĩ chúng ta không thiếu gì cả !

Viết thư cho bác mà phải nói về một việc riêng của mình, thật là cực chẳng đã, nhưng ngồi thu lu trong nhà một mình với tâm trạng băn khoăn như thế này, tôi chẳng biết làm thế nào để phòng trước những điều phiền toái. Với tấm lòng ân tình, tôi xin nhờ bác chuyển tới những người anh, người chị lão thành, cùng tất cả bạn bè thân hữu lời trần tình của tôi để mọi người "nghiên cứu" lại.

Đà Lạt tháng 11 năm 1998

Kính thư
Hà Sĩ Phu

 


(1) Hôm 31.10.98 vừa qua gia đình tôi vừa bị một cuộc hành hung vô cớ, nhưng do tự kiềm chế và có những người tốt chặn tay kẻ gây rối, nên chỉ nhà tôi bị đau, cửa quán bị phá và tủ kính bị đập vỡ thôi ! Trong khi các vị an ninh lúc nào mà chẳng kè kè bên cạnh. Chuyện vô lý như chuyện trẻ ranh, và lộn xộn như loạn kiêu binh thời Lê mạt Nguyễn sơ vậy !

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ