LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư HSP “chia vui với bác Trần Độ”


 Được Đảng khai trừ , bác nói “không ngạc nhiên gì” , “rất bình thản “ và vẫn nhiều hy vọng... Bình thản và hy vọng thì đúng là chuyện vui rồi. Điều ấy tôi thật tâm đắc.Vì thế, muốn kể một chút về sự tâm đắc của mình để bác nghe .              

    Cuối năm 95 , đêm đầu tiên bị khóa trong phòng giam. Người quản giáo khóa cửa sắt đến xoạch một cái rồi đi ra , tôi nắm bàn tay vào chấn song tù , ngỡ ngàng như Lưu-Nguyễn chạm vào đá , vào hoa của động Thiên Thai, phì cười trước sự phi lý nhưng lại có thật , như từ duyên nợ tiền kiếp. Bất giác nhớ thơ Nguyễn Du :                                                              Đến bây giờ mới thấy đây ,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai !

Chẳng những “ không ngạc nhiên “ mà còn như chờ đợi nhau đã lâu.

 

  Bác không ân hận gì về chuyện ra Đảng , điều này dễ hiểu, vì thấy Đảng bây giờ không còn là Đảng mà bác tự nguyện gia nhập. Nhưng bác cũng “ không ân hận gì về việc mình đã là người Cộng sản 58 năm qua “ ! Và ngay bây giờ bác cũng không chống Đảng , trái lại chỉ muốn Đảng tốt hơn , xứng đáng với thời đại hơn, xứng đáng với dân tộc hơn thôi ! Ra Đảng rồi vẫn muốn Đảng tốt hơn và tin rằng nhất định rồi Đảng sẽ phải tốt hơn !. Ây là  Tấm lòng ta muốn như thế !  Đến điều này thì chắc nhiều người phải đánh dấu hỏi , hoặc là không hiểu, hoặc là không thích, hoặc là không tin. Bởi ai chẳng biết trước đây hy vọng “ xây dựng một Chủ nghĩa Cộng sản có diện mạo Nhân đạo” ở Liên xô cũ chỉ là ảo vọng.

Song , ở đây có một điều tế nhị liên quan đến điều phức tạp nhất đối với nhận thức thực tiễn Việt nam là  quan hệ giữa hiện tại và quá khứ. Quá khứ gắn với “ Tấm lòng “ , và Hiện tại gắn với Lý trí , với Ý thức. Gỡ được cái nút này nhiều người sẽ hiểu được nhau.

             

     Về phần mình, trong  phạm vi lý luận khoa học tôi đã nhiều lần nói về tính ảo tưởng , cực đoan, lạc hậu, giả khoa học và phi nhân bản, phản tiến hóa của hệ lý luận Mácxít , nhưng tôi lại trân trọng những ‘Tấm lòng Cộng sản ‘! Vì đó là tấm lòng của những người chỉ vì tận trung với với nước, tận hiếu với dân mà đã chọn Đảng Cộng sản làm một phương tiện , mà trong hoàn cảnh lịch sử  cụ thể thời ấy , phương tiện này tỏ ra hữu hiệu cho mục đích cứu nước của mình (dẫu chưa có được ý thức đầy đủ về nó) ! Trong quan hệ mục đích-phương tiện thì Yêu nước là mục đích, phong trào Cộng sản là phương tiện. Trong quan hệ trao đổi năng lượng thì Chủ nghĩa Mác Lê đã ký sinh trên nguồn năng lượng vô tận của Chủ nghĩa yêu nước.

 

Nhưng , phương tiện là cái để ta dùng , ta sửa chữa, và khi thấy không nên dùng nữa thì ta có quyền cất nó đi một cách dễ dàng , để không cho kẻ khác tiếp tục dùng phương tiện ấy của ta mà làm hại ta ! Người biết dùng phương tiện một cách trong sáng và thông minh không bao giờ để cái phương tiện giải phóng mình biến thành cái gông chụp lên đầu mình, đè lên cổ mình , biến mình và đồng bào đồng chí của mình một lần nữa  thành nô lệ (vì như thế khác nào tránh vỏ dưa để chuốc lấy vỏ dừa ?). Tôi tin chắc rằng , trừ một thiểu số vốn có mưu đồ bất chính ra, còn tất cả những người đã một lòng chiến đấu, hy sinh vì đất nước này, dưới ngọn cờ của Đảng trước đây, dù là Đảng viên Cộng sản hay không phải Đảng viên đều chung một “Tấm lòng Cộng sản“ như thế. Bởi vậy, tuy được gọi là “ Tấm lòng Cộng sản” nhưng thực chất đây là sản phẩm của Chủ nghĩa yêu nước Việt nam trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chứ tuyệt đối không thể coi đây là đặc sản của Chủ nghĩa Mác Lê được!  TẤM LÒNG CỘNG SẢN được nhận thức như vậy hoàn toàn khác với  Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN ! Cho nên người yêu nước chân chính có thể giữ vẹn “ Tấm lòng Cộng sản “ của mình ngay cả khi Ý thức hệ Cộng sản sụp đổ mà không có gì tự mâu thuẫn cả. Điều phân biệt này thể hiện rõ ở cách hành xử của người Cộng sản Trần Độ, thể hiện rõ trong nhân cách Trần Độ. Vì thế, tôi tâm đắc.

       Trong khi đó có nhiều người quyết giữ Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN (như quyết giữ một thứ vũ khí đấu tranh sinh tồn thôi), nhưng TẤM LÒNG CỘNG SẢN thì cứ mỗi ngày một nhập nhoạng ngả màu Đô-la , không kiểm chứng nổi ! Xét trong mục đích thì sự ‘ kiên định ‘ như thế là kiên định lộn ngược, đấy mới là sự phủ định quá khứ từ trong bản chất.   

                                                   *                                                               

     Khởi thủy ta tưởng “sự kết hợp Chủ nghĩa yêu nước Việt nam

 với Chủ nghĩa Xã hội ” là một phát kiến lớn,  là ‘cửa mơ í’ đưa dân tộc ta tới Thiên đường . Ở giai đoạn đánh ngoại xâm (là giai đoạn chưa có liên quan gì đến cái lõi của Chủ nghĩa) thì mọi việc dường như suôn sẻ, dường như Dân tộc và Chủ nghĩa tăng cường sức mạnh cho nhau. Nhưng rồi bất kỳ một nước Cộng sản nào khi bắt đầu tiến hành những công đoạn cốt lõi của Chủ nghĩa thì đều thấy Chủ nghĩa ấy va chạm quyết liệt vào những sức mạnh nền tảng của Dân tộc mình. Chủ nghĩa sẽ phá Dân tộc. Vì đối với sự tiến hóa chung thì học thuyết Đấu tranh giai cấp Mác xít không có gì khác hơn là “ một phần tử ly khai “ cực đoan, vô cùng hiếu động , kiêu ngạo tách mình ra khỏi nhân quần tự nhiên.

    Với Dân tộc Việt nam thì mâu thuẫn này lại càng đối kháng. Lịch sử một dân tộc nghèo đói , luôn phải hợp quần để đấu tranh với Thiên nhiên và Ngoại xâm để tồn tại , làm cho người Việt nam có một “ Tấm lòng “ bao dung tuyệt vời, lấy chấp nhận và dung hòa là chính,coi trọng con người, hết sức tránh sự loại trừ. Cái TÌNH , trong đó nổi bật là tình yêu thương và khoan hòa, là một đặc điểm của truyền thống Việt nam. Trong khi đặc điểm nổi bật trong ứng xử của Học thuyết Đấu tranh giai cấp Mác xít lại là sự sắc sảo và chi li trong việc mổ xẻ và khai thác những dị biệt để loại trừ , là sự cảnh giác thường trực, đấu tranh đến cùng , không khoan nhượng, coi trọng tổ chức chứ không trọng con người, và luôn “ nắm đằng chuôi “ , luôn phụ người trước chứ không để người phụ ta (ta đã thắng địch cũng là nhờ những điều này).

Trong cuộc cọ xát giữa hai đặc điểm đối kháng của Dân tộc và của Chủ nghĩa này, yếu tố cứng dắn của Chủ nghĩa luôn nắm vai trò trụ cột , yếu tố khoan hòa của Dân tộc nếu có được dùng thì dùng ở cái vỏ bề ngoài. Chúng ta , ai cũng biết rằng trong quan hệ ở gia đình cũng như ở cơ quan khi bỗng dưng xưng hô với nhau bằng chữ “ đồng chí “ rất êm ái là  điềm gở rồi ! Tôi đã gặp nhiều vị trong các Cấp ủy, khi giao tiếp bình thường thì họ cũng yêu thương, nhân ái, cũng biết ‘thể tất ’. Vậy mà trong Tổ chức thì các vị ấy nói một tiếng nói khác hẳn. Nếu nói đúng tiếng nói của “ Tấm lòng “ e sẽ bị các đồng chí khác phê phán là hữu khuynh, là mất lập trường giai cấp, là thiếu cảnh giác ... và khi bầu sẽ bị các đối thủ gạt ra ngoài Cấp ủy. Quá trình sàng lọc ấy cứ tiếp diễn hết năm này sang năm khác, khiến cả những người dân thường nhiều khi đối xử với nhau cũng phải cảnh giác, họ ăn nói với nhau như các đồng chí Bôn-sê-vích , chứ không như những  con cháu Tiên Rồng cùng một bọc trăm trứng sinh ra. Trong môi trường Mác xít nhân cách con người bị định hướng dứt khoát như một vectơ, như một mũi tên vậy. Chẳng thế mà người ta bảo Chủ nghĩa là cơ sở để hình thành và xác định nhân cách , khi chưa có Chủ nghĩa thì “ Nhân loại chưa thành người “! Hãy nhìn rộng ra nhân loại ,sẽ thấy ngay đây là một não trạng ma túy, điên dại. Loại trừ Chủ nghĩa đi chính là để trả lại nhân cách, cho những Đảng viên và cho tất cả mọi người.

Nếu không bị cái “Chủ nghĩa “ ký sinh vào , thì sau cuộc chống ngoại xâm của Dân tộc, những người như Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Trần Độ .., như Trần Đức Thảo, Văn Cao , Trần Dần, Phùng Quán.., như Hoàng Tiến , Bùi Minh Quốc, Bảo Cự, Dương Thu Hương.., như Phan đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Kiến Giang ..vân.. vân.., như nhiều nhân sĩ , Trí thức tôn giáo và vô vàn những người Việtnam yêu nước ưu tú khác mà Đảng không bằng lòng , hẳn đã được sống thảnh thơi trong chan hòa quý trọng , chứ đâu phải sống những năm tháng cực nhọc của những kẻ có tội “xét lại chống Đảng “, tội “ Nhân văn Giai phẩm “, tội “ Diễn biến hòa bình “... Họ bị lưu đầy giữa cái xã hội mà chính họ góp mồ hôi và xương máu tạo ra, để rồi khi đã sắp sang thế giới bên kia, khi biết chắc rằng không còn ngọ ngoạy gì được nữa thì mới được tuyển ra để phát cho cái huân chương , như  một sản phẩm đã được đóng nhãn “ Made in Cộng sản “, để giữ bản quyền cho Chủ nghĩa. Khi sống hết mình vì Dân tộc thì họ bị Chủ nghĩa đẩy thành thù địch, bị rút hết năng lượng. Khi chết đi họ lại bị thu hồi trở về thành tài sản thuộc sở hữu của Chủ nghĩa ! Vinh quang của họ lại thuộc về Chủ nghĩa ! Chủ nghĩa như vậy chẳng phải thứ ký sinh vào Dân tộc, khống chế Dân tộc để bòn rút năng lượng của Dân tộc là gì ?

      Quan hệ ký sinh của Chủ nghĩa vào Dân tộc viết thành bao nhiêu cuốn sách cũng chưa đủ. Con ký sinh trùng ấy tàn phá sức mạnh tinh túy của Dân tộc, như tàn phá gan ruột của một cơ thể , nhưng cơ thể không tẩy nó ra được vì quả thực nó đang làm cho một vài bộ phận tiền phương của cơ thể mập ra , hồng hào lên , hưng phấn lên , đầy khoái cảm ...

Rõ ràng rằng về toàn cục,về hiệu quả khách quan ,thì Chủ nghĩa Đấu tranh Giai cấp tàn phá Dân tộc, nên Đảng của Chủ nghĩa Giai cấp ấy nhất định sẽ mất dần sức sống. Nhưng mặt khác, sự hình thành Đảng buổi đầu đã gắn liền với Chủ nghĩa Yêu nước , được Dân tộc nuôi nấng , mà sức sống của Dân tộc thì không ai diệt được. Nên, nói cho đúng ra , trong Đảng chỉ cái phần đặc trưng của Chủ nghĩa , tức phần ký sinh, là yếu dần đi thôi (sau một thời gian dài bành trướng ). Còn phần chủ thể, tức phần Dân tộc truyền thống trong Đảng và trong xã hội , sẽ ngày càng hồi phục (sau giai đoạn bị áp chế ) ! Mâu thuẫn này bấy lâu tiềm tàng bên trong nay đã đến lúc bột phát, và đây mới là MÂU THUẪN TRUNG TÂM của thời kỳ Đổi mới!Tình hình biến động trên thế giới chỉ là điều kiện bên ngoài thúc đẩy mâu thuẫn chín muồi , khủng hoảng Kinh tế-Xã hội chỉ là hiện tượng biểu kiến..

Cuộc đấu tranh giữa hai cấu phần này diễn ra trước hết trong Đảng, trong mỗi Đảng viên. Nếu không thay đổi theo quy luật khách quan thì nhất định  Đảng sẽ bị Dân tộc và Thời đại đào thải . “ Đổi mới , hay là Chết !” Không có cách nào khác. Nhưng chuyện cốt tử của Đổi mới là ở mâu thuẫn trung tâm như trên đã phân tích. Quỹ đạo bất khả kháng là : Khơi dậy tất cả sức mạnh TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC và hướng nó phát triển theo những tiêu chí tiên tiến chung của thế giới, tức những TIÊU CHÍ PHỔ QUÁT của nhân loại. Nhân loại vốn ‘ đơn giản ‘ thế thôi , nhưng mọi chuyện trên đời không có gì ra khỏi sự đơn giản ấy.

Xin đừng phát kiến ra những ‘chủ nghĩa vĩ đại ’ làm gì , con người sợ sự vĩ đại lắm rồi! Những thứ chủ nghĩa ảo tưởng , những chủ nghĩa quốc gia cục bộ đều là những lý thuyết vớ vẩn cả, cuối cùng đều biến thành những  xảo thuật của giới Cai trị trong buổi dân trí còn thấp, đến một lúc sẽ tự nhiên bị đào thải. Tức là phải tái sinh lại Đảng thành một Đảng của Dân tộc và Dân chủ, nếu Đảng muốn tồn tại. Nếu cứ giữ vững Chủ nghĩa thì càng hô hào chống biến chất, Đảng càng thoái hóa biến chất. Thực tiễn chẳng đang diễn ra như vậy đó sao ? Nếu không tái sinh lại Đảng thì giả sử có tìm được một mô hình kinh tế tối ưu, có thu hút được tối đa vốn đầu tư nước ngoài, có huy động được tối đa vốn trong nước, có bày ra một trăm cái Lễ hội truyền thống , có bày ra được một trăm Trò vui chăng nữa, mâu thuẫn trung tâm vẫn còn nguyên ! Nếu Đảng tái sinh lại được theo yêu cầu nói trên thì mọi việc sẽ ổn , khi ấy chuyện một đảng hay nhiều đảng sẽ là sự phát sinh do nhu cầu tự nhiên, chẳng có gì quan trọng và chẳng cần tranh luận trước làm gì . Nhưng nếu Đảng không làm được như thế thì lại là chuyện khác.

      Bác Độ ạ , ấy là suy nghĩ của tôi về mặt nguyên lý, nguyên tắc. Nếu không ý thức được những điều đó một cách hệ thống và thay đổi một cách rành mạch thì việc Đổi mới sẽ chỉ là một chuỗi những thích nghi vặt từng bước, mà bước nào cũng mập mờ, cũng miễn cưỡng cả. Cuối cùng vẫn là xóa bỏ Chủ nghĩa nhưng với sự trả giá nặng nề hơn , đặc biệt là trả giá về Văn hóa và Nhân cách. Ngay cả Kinh tế , Chính tri-Xã hội cũng chẳng ổn định mãi được. Và như vậy , nếu không xuất hiện một Đảng khác thì tự Đảng Cộng sản cũng cứ tách thành hai , bất chấp đàn áp , vì sức sống của phần Dân tộc trong Đảng là bất diệt , không bè phái nào ức chế được !. Dân tộc cần được tự chủ thật sự , chứ không cam chịu cảnh hữu danh vô thực mãi được. Nội bộ Dân tộc buộc Đảng phải thay đổi , chẳng có địch nào vào đây cả !

Nhưng Đảng Cộng sản vốn là bậc thày về tính thực tế và về khả năng thích nghi nên sự khư khư bảo thủ thực sự  là không thể có được. Khả năng Đảng tự thay đổi để đáp ứng những nhu cầu mà thực tế dạy cho , để tránh một cuộc phân liệt sâu sắc cũng là một khả năng hiện thực , một khả năng mà nhiều người mong muốn. Trong trường hợp ấy không phải Đảng Cộng sản tự đổi mới để thành một Đảng Cộng sản tốt hơn mà là tự lột xác để thành một Đảng mang tính Dân tộc Dân chủ. Nếu Chủ nghĩa Yêu nước mạnh hơn Chủ nghĩa Giai cấp trong Đảng ( thực chất là Chủ nghĩa Lợi Quyền) thì khả năng này ở Việt nam có thể xảy ra. Điều bác hy vọng “ Đảng sẽ phải biến đổi để trở nên tốt hơn” tôi hiểu theo ý ấy, thì không phải là một lời xã giao mà là một lời tiên lượng có cơ sở ở lý luận và thực tiễn. Vì thế, tôi tâm đắc.

       Có một phép thử rất màu nhiệm : Hãy khẽ lay lay để thử tháo cái phương tiện ra, nếu thấy cứng nhắc không tháo nổi nữa, càng tháo nó càng quặp chặt vào cổ mình (có khi quặp bằng bàn tay nhung), thì hãy tỉnh ngộ ngay để nhận biết rằng nó không còn là phương tiện nữa mà thành con quái vật để hành mình rồi , mình hoàn toàn mất quyền làm chủ nó rồi , thành quốc nạn rồi ! Thế thì dù có tốt đẹp100% cũng phải tháo ngay ra cái đã , có còn dùng nó làm phương tiện cho mình nữa hay không thì hạ hồi phân giải !

     Hôm qua nó là ân nhân , phải quý nó chứ ! Hôm nay nó thành quái vật , phải rũ nó ra khỏi mình ngay lập tức chứ, trung thành với nó làm gì, vì thế mới có luật cho phép Ly hôn ! Đã đành trong cuộc Ly hôn lịch sử này cũng có tội của mình, nhưng chính lão Lịch sử còn bị đánh lừa thì làm sao có thể bắt con người từ chối giọt máu hôm qua của mình ? Lịch sử không thể làm lại. Không thể lựa chọn một quá khứ !Vấn đề còn lại là thái độ trong hiện tại thôi. Vả lại,Quá khứ không phải là một cái gì đã trọn vẹn xong rồi,chính động thái trong hiện tại đang cho biết chính xác thêm cái gì đã hình thành trong quá khứ ... Những người Cộng sản hôm nay có phản ứng khác nhau đối với hiện tại là bởi chất lượng quá khứ của họ khác nhau, thái độ hôm nay của từng người sẽ cho biết sự Cộng sản hóa của từng người ấy trước đây chủ yếu là từ chủ nghĩa Yêu nước hay chủ yếu từ chủ nghĩa Duy Quyền Lợi.

       Tôn trọng quá khứ, thậm chí trân trọng quá khứ , nhưng tôn trọng để xử lý cho tốt cái hôm nay, chứ không làm nô lệ cho quá khứ .Tôi tâm đắc với cách ứng xử của bác.

                                                                                  *

     Vẫn chuyện hồi tôi bị giam, những ngày không bị hỏi cung , ngồi buồn một mình, tôi tự thốt ra lời cảm ơn : CẢM ƠN

                        Ơn Đảng cho tôi một cuộc tù

                        Từ nay kẻ địch hết đường vu

                        Rằng tôi với Đảng chơi bài giả :

                        Nói mạnh , vì trên đã có dù !

Cái Họa có khi lại thành cái Phúc, thanh minh cho cả Đảng lẫn cá nhân mình. Vậy nên, nếu chia buồn với bác thì thật vô lý.

     Nhưng nếu với cái riêng ta chẳng phải chia buồn,thì với cái chung không thể không buồn đôi chút trước cảnh phân kỳ, Cộng Trừ luẩn quẩn , lòng ta không muốn mà thực tế Đảng đã chia hai :

                     Tướng quân Cộng... sản được Trừ ...khai                                                 

                     Gian khó cùng chia mấy dặm dài ,

                     Giận kẻ yêu Quyền hơn yêu Nước,

                     Bên Quyền bên Nước lại chia hai !

        58 thâm niên CỘNG SẢN , lại được chính CỘNG ĐẢNG của mình cho hưởng cái phép TRỪ  ! Kịch tính ấy gợi ý tôi làm Câu đối. Lại nữa, cái danh xưng Trần Độ mà đã có lần bác nhận là ‘Võ ‘ biền , nhưng tôi thấy nó mang nhiều chất ’Văn ‘: TRẦN là hạt bụi hay bụi bặm , ĐỘ là bến đò , là sự cứu giúp, là đưa qua sông. Trần Độ là cái bến đò trần gian. Thế là Chữ và Nghĩa đã hiện ra đầy đủ, tôi chỉ còn việc ghép lại là có ngay 2 đôi Câu đối để mừng bác đây:

Câu đối thứ nhất :                                     

 CỘNG sản hết rồi TRẦN sạch bụi !

TRỪ khai  từ  ấy  ĐỘ sang sông !

Câu thứ hai :                     

TRẦN trút bụi nhơ, chống gậy trúc, cùng Nước nhà, vượt dốc !

ĐỘ là bờ bến , mở tấm lòng , vẫy Dân tộc,  qua sông !

 

         Cái chữ nghĩa mà cha ông mình để lại nó kỳ lạ lắm bác ạ , cứ như  cẩm nang Gia cát , đến đoạn đường nào xốn xang,lại giở cẩm nang ra. Đã ghi hết trong ấy rồi !

         Mấy dòng  tâm sự riêng giữa anh trí thức quèn, không có gậy để chống ,với ông tướng già 76 tuổi , đi đâu cũng phải chống gậy, như  một nhu cầu tự thân, xin đừng ai phiền lòng làm gì .

                                                  HÀ SĨ PHU  ( 1 - 1999  )

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ