LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Đơn kháng cáo của HSP


HàSĩPhu           Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam

                                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

                        ĐƠN  KHÁNG CÁO

                                                 Đà Lạt ngày 12 / 2 / 2001

Kính gửi : - Chủ tịch nước CHXHCNVN  Trần Đức Lương

                 - Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh

                 - Ong Viện trưởng Viện Kiểm sát ND tối cao

                 - Ong Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương

          - Ong Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm

                 - Ong Bí thư Tỉnh Uy Lâm đồng Nguyễn Hoài Bảo

                 - Ong Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng Phan Thiên

                 - Ong Thủ trưởng Cơ quan ANĐT  Công an Lâm đồng

                                                                                                   ...........

     Tôi là công dân Nguyễn Xuân Tụ (tức người cầm bút Hà Sĩ Phu), 62 tuổi, Tiến sĩ Sinh học hưu trí, ở 4E Bùi thị Xuân, P 2, Đà lạt, Lâm đồng.

Ngày 10/5/2000 tôi bị khởi tố trong một vụ án gọi là “Phản bội Tổ quốc”. Tôi đã viết một Đơn khiếu nại (19/5/2000) và một Thư yêu cầu (30/10/2000) để nêu ý kiến của tôi về bản chất của vụ án và thái độ của tôi trước vụ án này, đồng thời cũng tóm tắt tất cả những khổ ải và tổn thất nặng nề mà tôi phải gánh chịu suốt 6 năm qua.   

      Sau 8 tháng điều tra, ngày 5/1/2001 Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an Lâm đồng đã có Quyết định đình chỉ vụ án , đình chỉ điều tra và trả tự do cho tôi. Nếu như trong một xã hội với nhà nước pháp quyền thì vụ án của tôi hiển nhiên đã xong và tôi đã có thể trở về đời sống công dân một cách đầy đủ và thanh thản.

      Nhưng không, khi bàn tay pháp luật vừa buông tôi ra thì một vòng vây những sự hành hạ khác đã siết chặt lấy tôi.Cụ thể là những việc như sau:

1/  Báo An ninh Thế giới mở ra một loạt bài, ngang nhiên bịa đặt nói xấu chúng tôi , ngang nhiên quy kết chúng tôi về chính trị ở những mức độ mà chính cuộc điều tra hình sự cũng không dám kết luận (vì nếu bản kết luận điều tra mà cũng có những lời như : lao theo con đường phản dân hại nước, hoạt động dưới sự chỉ đạo của tác tổ chức phản động bên ngoài, chống ĐCSVN và nhà nước XHCNVN một cách quyết liệt nhất...thì làm sao vụ án có thể đình chỉ mà không xét xử?). Tôi tố cáo việc làm vu khống xâm hại danh dự công dân này, yêu cầu tác giả Nguyễn Như  Phong và báo ANTG công khai xin lỗi chúng tôi trên báo, đồng thời  chấm dứt việc đăng những ý kiến một chiều, mà phải đăng bài của người bị báo phê phán (theo luật báo chí) và những ý kiến phản bác lại bài báo. Nếu không thì kiểu đăng báo đó chẳng khác nào cuộc đấu tố CCRĐ năm xưa hoặc cuộc “Cách mạng Văn hóa” Trung quốc.

2/  Ngày 9/2/2001 ông Nguyễn văn Độ , thủ trưởng cơ quan ANĐT  Lâm đồng đã ký quyết định tịch thu dàn vi tính 586 của tôi mà trước đây đã bị tạm giữ để điều tra.Nhưng tôi là người có tài sản bị tịch thu thì lại không được trao bản quyết định tịch thu đó, nên tôi không có trong tay chứng cứ rằng mình đã bị tịch thu những thứ gì và chất lượng, giá trị ra sao (Cũng vì thế mà tôi không có bản sao quyết định tịch thu ấy để gửi kèm Đơn kháng cáo này). Cách tịch thu đó không minh bạch, và tôi không hiểu tại sao Cơ quan Điều tra lại có quyền tự tiến hành sự trừng phạt này? Không có xét xử của Tòa án , tại sao Cơ quan Điều tra có thể quy tôi là PHẠM TỘI? Đã không có quyền xác định là PHẠM TỘI thì sao có quyền “Tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc PHẠM TỘI”?

Tháng 4 năm 1999 ông Nguyễn Tri Diện chủ tịch UBND thành phố Đà lạt cũng đã tịch thu 1 dàn vi tính 586 khác của tôi kèm một máy in Laser vì quy kết tôi vi phạm Luật xuất bản, trong khi tôi chẳng liên quan gì đến việc xuất bản nào cả (Vụ tịch thu này thì  tôi có bản sao quyết định kèm theo đây).  Cả hai vụ tịch thu tài sản này của tôi đều không có cơ sở pháp lý, nay tôi kháng cáo lên các cấp lãnh đạo cao hơn để yêu cầu trả các tài sản nói trên cho gia đình chúng tôi.

3/  Nặng nề hơn cả, cũng ngày 9/2/2001 tôi đã nhận được Quyết định số 338/ QĐ-UB do ông Phan Thiên chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng ký, quyết định Quản chế hành chính đối với tôi trong 2 năm, dựa trên Nghị định 31/CP (do Chính phủ ban hành ngày 14/7/1997). 

- Về Nghị định 31/CP là cơ sở để tiến hành quản chế nhiều trí thức tiến bộ, nhiều người đã lên tiếng phê phán tính chất vi hiến, phi dân chủ, vi phạm quyền công dân của nó, và đã có nhiều kiến nghị yêu cầu hủy bỏ Nghị định này. Trong những kiến nghị cá nhân và tập thể ấy đã có những phân tích xác đáng dựa trên Hiến pháp, Luật pháp và Công pháp, mà tôi thấy không cần nhắc lại ở đây. Điều 72 Hiến pháp quy định :” Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” . Đó là cái ranh giới rành rọt giữa có tội và không có tội, ranh giới giữa vùng khống chế của pháp luật với vùng tự do của công dân mà nhà nước có trách nhiệm phải bảo vệ cho dân. Thế nhưng Nghị định 31/CP đã choán nốt cái vùng tự do chính đáng ấy của người dân, bằng cách thiết kế trong vùng tự do ấy một kiểu Tòa án khác , Tòa án đặc biệt gồm toàn những cơ quan Công an , Hội đồng cố vấn, Chủ tịch UBND, một thứ Tòa án rất bất lợi cho người bị xét xử , trong đó người bị xét xử không có quyền biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ trước khi phán quyết. Tội “đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự” thì Tòa án thông thường xét xử, “chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự” thì Tòa án đặc biệt nói trên xét xử, kết hợp “quản chế hành chính” và “xử phạt hành chính” (như trường hợp của tôi) thì cuối cùng sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng như quản chế tới hai năm, tịch thu tài sản vô giới hạn, tức là nặng hơn cả hình phạt của một số bản án chính thức. Cụm từ “chưa đến mức” không có gì để định lượng nên nó bao gồm toàn bộ vùng tự do còn lại, nghĩa là người dân nào ít nhiều cũng có tội cả. Vậy Nghị định 31/ CP dùng làm cơ sở để quyết định quản chế tôi là một văn bản dưới luật mà vi phạm Hiến pháp, vi phạm Dân quyền, Nghị định này cần được hủy bỏ và việc quản chế tôi không có cơ sở pháp lý chính đáng.

 - Tội danh mà tôi bị khởi tố là điều 72 (luật Hình sự cũ), trong đó phải có hành vi CẤU KẾT (với nước ngoài) và GÂY NGUY HẠI ( cho Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ..v...v...). Không có chứng cứ xác đáng nào để kết tội tôi về những hành vi này. Việc trao đổi nhận thức xã hội và tâm trạng cá nhân của tôi với bạn bè hoàn toàn nằm trong khuôn khổ Hiến pháp về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội...(điều 53), quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin...(điều 69) và quyền bảo vệ ý kiến cá nhân, quyền tự do tư tưởng và tự do thông tin của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (điều 19). Vì không có những yếu tố cấu thành tội phạm, nên tôi vô tội chứ không thể nói có tội nhưng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự, mà do đó cần quản chế theo Nghị định 31/CP (mặc dù chính Nghị định này cũng cần được hủy bỏ như trên đã nói). Muốn  nói đến điều PHẠM TỘI ở mức này hay ở mức khác thì trước hết phải khẳng định là có PHẠM TỘI đã chứ, mà việc khẳng định PHẠM TỘI hay không là quyền của Tòa án, luật pháp không cho phép ai qua mặt Tòa án để quyết định một người phạm tội hay không phạm tội !

 

     Vì những căn cứ trên, tôi làm đơn kháng cáo việc QUYẾT ĐỊNH QUẢN CHẾ 2 NĂM đối với tôi là việc làm trái với Hiến pháp, trái với Công lý, trái với thực tế trong vụ án của tôi. Tôi kiến nghị các Quý ông và Các Quý cơ  quan phối hợp can thiệp để  HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH NÀY !.

      Trong trường hợp không may,nếu lời kháng cáo của tôi không được các Cơ quan lãnh đạo cấp trên lưu ý giải quyết, vẫn đẩy tôi vào tình trạng bị lấy mất tự do và sống căng thẳng như đã căng thẳng liên tục suốt 6 năm nay, thì tôi khẩn thiết mong những cán bộ am hiểu pháp luật, những người hiểu biết và có tấm lòng với sự công bằng và lương thiện, những người thiết tha muốn có một nhà nước dân chủ pháp quyền tiến bộ, những ai hằng quý trọng cuộc đời của mỗi con người, sẽ lên tiếng, sẽ tiếp tục kháng cáo với các cơ quan quyền lực Nhà nước ta, giúp tôi trở lại cuộc đời tự do .

        Tôi xin vô cùng  biết ơn.

                                                                                                                           Người viết đơn kháng cáo

      Công dân: TS Nguyễn Xuân Tụ (tức HÀ SĨ PHU)

                       4E - Bùi Thị -Xuân/ P2 / Đàlạt/ Lâm đồng

Văn bản kèm theo:

- Q/đ đình chỉ điều tra ngày 5/1/2001

- Q/đ về việc Quản chế hành chính ngày 9/2/2001

- Q/đ  xử phạt vi phạm h/chính ngày 12/4/1999

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ