LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư gửi bạn đọc của HSP


HÀ SĨ PHU                                             Đà lạt ngày 13/2/2001

                                       THƯ GỬI BẠN ĐỌC

      Ngày mai tôi phải “lên phường” để chính thức chịu cái”án” hành chính: quản chế 2 năm. Tranh thủ dùng những phút “ tự do” lay lất cuối cùng, tôi xin gửi vắn tắt đôi dòng đến quý vị , những người ít nhiều đã đọc tôi, khiến cho tôi lúc nào cũng thấy mình mắc một món nợ với mọi người.

   1/ Ngoài việc thực hiện quyền tự do tư tưởng để viết ra tư tưởng của mình, tôi không làm gì khác , không làm chính trị. Nhưng tư tưởng đương nhiên phải giao lưu (phi giao lưu bất thành tư tưởng). Ở đâu đặt ra thật nhiều điều quy kết khắt khe đối với sự giao lưu tư tưởng, thì thực chất nơi ấy cấm tự do tư tưởng. Đó là thực chất tất cả những rắc rối đã và đang xảy ra với tôi. Ngoài những suy nghĩ và ưu tư đã phơi bày trên những dòng viết tôi không làm gì phụ lòng tin tưởng và yêu mến của người đọc. 

     2/ Ai cũng biết đã có những cán bộ chính trị cao cấp của ta bị quy tội phản quốc với bản án hẳn hoi, nhưng báo chí chỉ đưa tin qua loa hoặc không đưa tin. Còn tôi chỉ là một người khoa học cầm bút, mà cuộc điều tra cũng đã có quyết định chấm dứt rồi, thế mà báo chí phải mở ra một chiến dịch lên án chưa từng có như thế, đủ biết người ta sợ trí tuệ, sợ chân lý hơn hẳn các nỗi sợ khác.

      3/ Cứ để cho những người nói xấu và xuyên tạc nói một ngàn điều, một ngàn bài. Tôi không cần nói một lời nào, vì chỉ cần đọc tất cả những bài viết của tôi một lần, với một đầu óc trung tính và lành mạnh, thì một ngàn bài xuyên tạc kia tức khắc xụp đổ, tôi tin như thế. Họ cứ nhắm mắt đăng toàn những bài của họ, nhưng người làm khoa học nào cũng hiểu rằng một ngàn ý kiến một chiều cũng chỉ có giá trị là một ý kiến. Chỉ những ý kiến khác hoặc ý kiến đối lập mới có giá trị trong việc đặt lên bàn để dự vào cuộc sàng lọc.Chỉ cần có tự do báo chí, xuất bản tư nhân, là lập tức chiến dịch của những tờ báo quốc doanh kia sẽ thành bọt xà phòng thôi.

      4/ Càng xuất hiện nhiều bài báo như trên ANTG và CAND  càng chứng minh những luận điểm của HSP về dân trí về hiện tình đất nước là đúng. Hiện tượng xảy ra trên các báo nói trên cho tôi sự yên tâm về những dự cảm mà mình đã viết ra.

      5/. Tôi có tội hay không, điều đó quyết định ở những chứng cứ. Không có chứng cứ nào chứng minh rằng tôi có tội phản quốc là tôi không có tội. Một khi tôi không có tội thì việc quản chế chỉ tự chứng tỏ tính chất vô lý của nó. Loạt bài của báo ANTG hay CAND...cũng vậy, càng quy kết nhiều bao nhiêu chỉ càng làm nặng thêm tội vu khống của họ bấy nhiêu. Nếu họ không xin lỗi, chúng ta có thể kiện họ vì tội vu khống. Báo Pháp luật ngày 13/2/2001 có bài “Nói bậy, phải ra tòa” kể một vụ án vu khống, bịa chuyện để xúc phạm danh dự một phụ nữ, nhưng không nêu được chứng cứ xác đáng nên kẻ vu khống bị tòa tuyên phạt 5 triệu đồng đền danh dự cho phụ nữ kia. Vu khống những điều thuộc về “sinh hoạt” đã bị xử phạt như thế thì vu khống cho người ta tội phản quốc (phản quốc có thể dẫn tới tử hình), lại vu khống bằng một phương tiện truyền tin khắp nước, lại lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện vu khống thì tội vu khống ấy còn nặng biết bao nhiêu ?. Phê phán người ta rất nhiều trên báo mà không đăng ý kiến phản bác của người ta là phạm luật báo chí. Vì thế những người phát đơn kiện có thể là những người đã bị báo ANTG vu khống, những độc giả của những người cầm bút bị vu khống này, và tất cả những độc giả đã đọc những bài báo tuyên truyền một chiều đó. Nếu việc phát đơn kiện này sẽ xảy ra mà tôi bị những quy định quản chế cản trở, không có điều kiện liên lạc trao đổi với mọi người thì  xin mọi người coi bức thư này của tôi như một chữ ký của tôi trong danh sách những người tham gia phát đơn kiện tác giả Nguyễn Như Phong và báo ANTG. 

      Xin gửi lời chào tạm biệt trân trọng và tin tưởng.

 Kính thư  

HSP


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ