LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Số phận 3 hiền sĩ ở Đà lạt


TiViTuầnsan Australia 1 /2000                                     

       LTS : Bài viết sau đây do ông Nguyễn Phạm Trần gửi đến các mạng lưới thông tin hải ngoại, yêu cầu phổ biến một bài viết của một người trong nước gửi ra bên ngoài. TVTS rất dè dặt khi người viết không ký tên thật, và không biết nguồn thông tin này khả tín đến mức độ nào, tuy nhiên – xin gửi đến bạn đọc để rộng đường dư luận.

 Ngày 18 tháng 10 năm 1999, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã được chính thức giải chế, sau hai năm bị quản chế hành chính tại địa phương. Đây là một tin vui đối với phong trào dân chủ Việt nam, mặc dù dưới chế độ Cộng sản, giải chế chưa hẳn đã là đượchoàn toàn tự do. Việc nhà văn Bảo Cự được giải chế đúng thời hạn khiến người am hiểu thắc mắc : ông Bảo Cự chấp hành quy chế một cách nghiêm túc lại không được giải chế sớm, trong khi nhà thơ Bùi Minh Quốc đã được giải chế khoảng đầu tháng 8 , trước thời hạn khoảng một tháng rưỡi ?

   Được biết nhà thơ Bùi Minh Quốc trong thời gian bị quản chế đã sáng tác và cho lưu hành một số bài “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” và đã phải viết đến vài trăn bản kiểm điểm. Vậy tại sao cơ quan an ninh lại giải chế sớm cho ông ? Điều này có liên quan gì đến việc ông bị lập biên bản về một vi phạm gì đó tại một quán bia ôm nổi tiếng trong thành phố ngay trong thời gian bị quản chế ?

   Báo Thông Luận số 126 (tháng 5 / 1999) có đoạn viết như sau : “Vào dịp Giáng sinh 1998, một số nhà văn không hiểu với dụng ý nào đã đến thăm Bùi Minh Quốc và rủ BMQ đi uống bia. Điều đáng ngạc nhiên là dù đang bị quản chế, bị cấm thăm viếng và ra khỏi nhà, kể cả đi dự đám giỗ cha vợ, những người này đã vào được nhà BMQ và còn dẫn được BMQ ra khỏi nhà mà không bị ngăn cản. Tại quán nước, một vài cô bán bia đã sáp lại với BMQ để cho công an chụp ảnh, và sau đó đe dọa BMQ là sẽ trưng ảnh nếu không chịu khuất phục. BMQ đã quyết định trình bày rõ sự kiện này với vợ để khỏi bị áp lực “.

   Bản tin này không chính xác, vì theo những nguồn tin đáng tin cậy, người mời BMQ đi uống bia không phải là một số nhà văn mà chỉ là một kẻ trung gian mua bán có liên quan đến một nhân vật khả nghi tên là Trình Quang Phú. Vốn là một nhà nhiếp ảnh đã từng là thư ký riêng của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từ khi đất nước “đổi mới” Phú trở thành một nhà kinh doanh tư nhân làm chủ một công ty tư vấn về kinh tế, đi Tây như đi chợ. Những năm gần đây, chính Phú là người bảo trợ cho các chuyến đi Nam của cựu tướng Trần Độ.

   Điều đáng nói là y tìm cách làm quen với tất cả các trí thức, văn nghệ sĩ có xu hướng dân chủ và mỗi khi Phú xuất hiện ở đâu thì ít lâu sau nơi đó lại có “vấn đề” : từ vụ án Câu lạc bộ Khánh chiến của Nguyễn Hộ, vụ án Hoàng Minh Chính-Đỗ Trung Hiếu cho đến vụ Hà Sĩ Phu-Lê Hồng Hà-Nguyễn Kiến Giang … Thực chất vụ vi phạm của BMQ tại quán bia ôm là gì cho đến nay chưa ai biết rõ, trừ BMQ và ngành an ninh… Nhưng tất nhiên là không chỉ có chuyện các cô tiếp viên ôm vai bá cổ như nguồn tin của báo Thông Luận. Điều cần lưu ý là không bao lâu sau vụ BMQ bị lập biên bản, TQP cùng với nhà văn Hoàng Lại Giang lại lên Đà lạt rủ BMQ đi nhậu, hình như cũng ngay tại quán bia ôm nói trên (!).

   Việc BMQ được giải chế trước thời hạn rõ ràng là có liên quan đến vụ việc nói trên, cho nên dù có thương nhà thơ đến mức nào, những người đấu tranh cho dân chủ cũng không thể không cảnh giác trước những thủ đoạn có thể có của công an VN trong thời gian sắp tới. Được biết , nhà báo Bùi Hương Ly , con gái của nhà thơ BMQ với người vợ trước (Dương thị Xuân Quý), được cấp học bổng du học tại Mỹ ngay trong thời gian nhà thơ bị quản chế, nay đã chính thức trở thành phóng viên đài BBC với cái tên mới là Thùy Dương , hình như được giao phụ trách về phong trào Dân chủ trong nước.Rất nhiều người am hiểu phong trào đã tỏ ý lo ngại , vì  cô nhà báo này đã từng được đào tạo tại Liên xô về ngành ngoại giao. Trước đây khi ở trong nước cô không phải là một người thiết tha với cuộc đấu tranh cho dân chủ , nếu không muốn nói là ngược lại. Việc Hương Ly đột ngột trở thành tiến bộ ,  cộng với sự việc BMQ bị “gài bẫy” tại quán bia ôm khiến người ta thắc mắc : phải chăng những sự kiện này là một chuỗi sự kiện có liên quan với nhau một cách lô-gích ?

   Nếu kể thêm việc nhà văn Xuân Đài và một cô gái bí ẩn bị bắt trên đường đi Đà lạt thăm BMQ trước khi nhà thơ bị quản chế ít lâu thì những ai quan tâm đến vấn đề ắt hẳn phải giật mình:phải chăng công an đã giăng một cái bẫy rất lớn xung quanh nhà thơ BMQ? Vậy thì họ đã đạt được gì và sẽ còn có ý đồ gì ?

  Về nhân vật thứ ba và cũng là người chủ chốt trong nhóm ba hiền sĩ cao nguyên –nhà tư tưởng Hà Sĩ Phu- thì cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì là sáng sủa. Kể từ gần 3 năm nay Hà Sĩ Phu được ra khỏi tù , nhưng rốt cục cũng lại bị rơi vào một nhà tù khác. Cho đến nay , ông vẫn bị cắt điện thoại , nhà thường xuyên bị theo rõi , canh chừng , và ngay cả vợ ông cũng bị theo rõi chặt chẽ khi ra khỏi nhà. Nhiều người quen đến thăm , sau khi ra khỏi nhà đều bị công an khu vực đến hỏi thăm … tận nhà !

     Giữa tháng 3 năm nay , lấy cớ ông viết một số lá thư gửi Lê Hồng Hà , Hoàng Minh Chính và cựu tướng Trần Độ , nhà cầm quyền địa phương –dưới sự chỉ đạo của cục An ninh Tư tưởng Văn hóa (bộ Công an)- đã đưa ông ra đấu tố tại Phường và tại Tổ dân phố , đồng thời tiến hành xét nhà , tịch thu toàn bộ máy vi tính và một máy in Laser , sau đó còn hành hạ ông bằng cách hỏi cung liên tục suốt một tháng rưỡi . Tình hình này càng làm cho ông khó khăn cả về kinh tế cảvề việc đi lại. Và điều đáng nói là khó có cơ quan nhân quyền nào trên thế giới có thể can thiệp được , vì nếu cần , nhà cầm quyền CSVN sẽ đối đáp ngay : Nhà nước không hề có lệnh quản chế ông Nguyễn Xuân Tụ , và cũng không hề bỏ tù lại ông ta !

   Chúng tôi gửi những tin tức này đến với quý vị và các bạn , những người đấu tranh cho một nền dân chủ đích thực tại Việt nam , với mục đích cung cấp những thông tin mới nhất, xác thực nhất về những người đang đấu tranh cho dân tộc , cho đất nước , và đang phải kinh qua trăm ngàn cay đắng. Trong tình hình hiện nay, công an đang tìm cách bao vây , cô lập những người dân chủ trong nước , đồng thời tung ra những tin thất thiệt để phá rối phong trào. Điều đáng lưu ý nhất là phải đề phòng việc công an cho người trà trộn vào các tổ chức của người Việt ở nước ngoài để qua đó phá hoại phong trào.

   Chúng tôi rất tiếc không thể ký tên thật dưới bản tin này để tránh sự đàn áp của nhà cầm quyền CSVN. Nhưng những gì chúng tôi nêu ra trên đây đều là sự thật , hoàn toàn có thể kiểm chứng được !

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ