LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Cảm nghĩ Xuân Tân Tỵ 2001(Bùi Minh Quốc)


 

Bùi Minh Quốc                                                                  

      CẢM NGHĨ CÙNG XUÂN TÂN TỴ 2001

                        “Vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự cường

thịnh của đất nước và hạnh phúc của nhân

dân, tôi kêu gọi hết thảy mọi người Việt Nam

không phân biệt thành phần, chính kiến, tầng

lớp giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, đang sống ở

trong nước hay hiện sống ở nước ngoài, dù quá

khứ trước đây như thế nào, dù còn có khác nhau

ở điểm này điểm khác, hãy cùng nhau hợp tác

để kiến tạo tương lai, xóa bỏ mọi hận thù trong

quá khứ, làm cho dân ta ngày càng giàu, nước

ta mạnh, và một xã hội công bằng, ngày càng

                        dân chủ, văn minh…”

            Đó là lời chúc đầu xuân của chủ tịch nước Trần Đức Lương đăng trên báo Tuổi trẻ số tất niên ngày 20-2001.

Tôi xúc động đọc đi đọc lại, lòng nhú mầm hy vọng mới.

Hình như có gì đó rất mới của vận mệnh đất nước vừa nảy nở với những lời tuyên bố long trọng trên đây của chủ tịch nước?

     Không phải tôi không biết rằng đây chẳng phải lần đầu người đứng đầu nhà nước  nêu ra chủ trương người Việt Nam xóa bỏ mọi hận thù trong quá khứ, thực hiện hoà giải hoà hợp, đại đoàn kết… Nhưng lần này, tôi cảm thấy có một sức sống mới trong những lời như thế, cái sức sống quy tụ được nhân tâm, cái sức sống có tên gọi là NÓI ĐỂ MÀ LÀM.Tôi đặc biệt chú ý đến chủ trương:”không phân biệt CHÍNH KIẾN”Nghĩa là đoàn kết không phân biệt các ý kiến khác nhau về chính trị, chính sự.

       Tôi nghĩ chủ tịch nước đã thay mặt Đảng và Nhà nước công bố một chủ trương sáng suốt khi DÂN CHỦ được đặt thành mục tiêu xây dựng xã hội trong dự thảo cương lĩnh đại hội Đảng lần thứ 9. Hẳn rằng đại hội đang được chuẩn bị theo tinh thần này và sẽ hoạcô"định quốc sự theo đúng tinh thần này.

        Tôi cầm tờ Tuổi trẻ đến ngay ông bạn đồng niên, đồng nghiệp (chướng) Hà Sĩ Phu. Những ai từng quan tâm tới tác phẩm và cảnh ngộ Hà Sĩ Phu đều biết rõ ông là người có triết kiến khác, chính kiến khác với quan điểm chính thống, và liên tục chịu khổ nạn vì sự KHÁC ấy. Cái khổ nạn gần nhất mà ông phải gánh chịu là bị cơ quan điều tra của công an khởi tố với tội danh “phản bội Tổ Quốc”, bị cầm cố tại gia. Tất nhiên ông đã phản đối ngay lập tức sự quy chụp hồ đồ ấy, bằng đơn khiếu nại (ngày 19-5-2000) thư yêu cầu (ngày 30-10-2000) gửi tới cấp thẩm quyền cao nhất. Một phong trào đòi công lý cho Hà Sĩ Phu, đòi dân chủ tự do dấy lên trong và ngoài nướ.Ở Hà Nội có năm cụ gìa gồm đủ thành phần,cách mạng lão thành, cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, bốn lần viết đơn gửi Quốc Hội, với tâm huyết sẵn sàng chết cho DÂN CHỦ, TỰ DO.( xem “Khai bút vào xuân Tân Tỵ 2001”của nhà văn Hoàng Tiến). Cuối cùng, Hà Sĩ Phu nhận được quyết định đình chỉ điều tra, bãi bỏ lệnh cấm ra khỏi nhà (do thủ trường cơ quan an ninh điều tra của công an ký ngày 5-1-2001)

            Ông bà Hà Sĩ Phu-Đặng Thị Thanh Biên rất vui trong mùa xuân này. Ông bà ngẫu hứng nhắc với tôi câu thơ cụ Hồ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

            Niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội khi đọc lời chúc đầu năm của chủ tịch nước. Quyết định của cơ quan điều tra đã thể hiện một thái độ tôn trọng công lý, nằm trong một chủ trương chính trị vĩ mô sáng suốt :Không phân biệt chính kiến, cùng nhau hợp tác kiến tạo tương lai. Quả là

            “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

            Không chỉ riêng ông bà Hà Sĩ Phu vui. Năm cụ già ngoài Hà Nội đương nhiên là vui lắm. Bạn hữu gần xa đều vui. Tất cả những ai yêu công lý, yêu dân chủ tự do đều vui.

            Tuy vậy, có một chuyện gây bực mình và phẫn nộ. Suốt từ 4-1 đến 18-1-2001, ba kỳ báo An ninh thế giới liên tục đăng bài của Nguyễn Như Phong, phó tổng biên tập baó này có nội dung vu khống chụp mũ chính trị đối với Hà Sĩ Phu. (Ô ng đã trả lời bằng thư ngỏ gửi Nguyễn Như Phong và công luận. Nếu báo An ninh thế giới không chịu đăng bài của ông như luật định, chắc rằng không ít người quan tâm sẽ photocopy và tán phát một số bản ngang với lượng phát hành của tờ An ninh thế giới.)

            Thật khó hiểu.

            Tại sao chủ trương vĩ mô thì như vậy mà cấp dưới lại hành xử như vậy? Tại sao cùng là công an cả mà cơ quan an ninh thì tỏ ra tôn trọng luật pháp, còn phó tổng biên tập tờ An ninh thế giới lại coi thường luật pháp đến thế? Phải là rất ngu xuẩn về luật pháp và chính trị hoặc là cố ý phá hoại mới ỷ thế độc quyền báo chí để làm điều bạo ngược đến thế. Nếu hành vi của Nguyễn Như Phong (và cũng có thể cả ban biên tập tờ An ninh thế giới) không được xử lý nghiêm minh thì chắc chắn sẽ gây hoài nghi lớn trong toàn dân đối với thực tâm của cấp lãnh đạo cao nhất.

            Thiết nghĩ, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc là khát vọng lâu đời của dân tộc Việt Nam ta cùng mọi dân tộc trên thế giới. Vì độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc, dân tộc ta đã vùng lên làm cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng lịch sử éo le và khắc nghiệt đã buộc dân tộc ta đứng lên cầm súng chống lại chiến tranh xâm lược cực kỳ tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và cũng chính lịch sử éo le và khắc nghiệt đã nhào trộn khát vọng độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc với sự lựa chọn ý thức hệ. Biết bao máu VN đã tự nguỵên hiến dâng cho độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc và biết bao máu VN đã đổ ra oan uổng vì nạn phân biệt kỳ thị ý thức hệ. Hận thù cũ chưa xóa được đã chất thêm hận thù mới cũng vì phân biệt, kỳ thị ý thức hệ. Dân tộc ta đã đổ máu quá nhiều, đớn đau, tủi nhục, uất ức quá nhiều vì những vết thương thù hận. Rõ ràng xóa bỏ mọi hận thù, hoà giải hoà hợp dân tộc là một yêu cầu bức xúc và căn bản, một cuộc phục hưng tinh thần, phục hưng văn hoá của toàn dân tộc.

            Lời kêu gọi của chủ tịch nước Trần Đức Lương vừa công bố đáp ứng yêu cầu bức xúc và căn bản ấy.

            Làm thế nào đây để những lời nói đắc nhân tâm sớm thành những việc làm đắc nhân tâm?

            Tôi nghĩ đến mấy”việc cần làm ngay”, và hoàn toàn có thể làm được ngay:

            Tại kỳ họp đầu của năm 2001 này, Quốc Hội sửa ngay luật báo chí và xuất bản, bổ sung điều khoản đảm bảo cho công dân được quyền ra báo tư  và xuất bản tư , có thế những người có chính kiến khác mới có phương tiện để bộc lộ chính kiến của mình.

            Trong khi chờ Quốc Hội sửa luật, Mặt trận Tổ quốc tổ chức ngay các DIỄN ĐÀN DÂN CHỦ, thực hiện đàm thoại giữa những người có quan điểm chính thống  với những người có chính kiến khác, báo chí nhà nước mở mục DIỄN ĐÀN DÂN CHỦ, thường xuyên đăng tải mọi ý kiến khác nhau, bao gồm cả  bài của những ngươi có chính kiến khác.

            Thời đánh giặc, mỗi người VN thường tự hỏi mỗi ngày: “Hôm nay ta phải làm gì để loại bớt một tên xâm lược?”. Giờ đây, khi đã cùng nhân loại  bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong xu thế toàn cầu hoá, mỗi người VN không thể không tự hỏi mỗi ngày: “ Hôm nay ta phải làm gì để loại bớt một nhân tố cản trở dân chủ và để sớm có dân chủ thực sự cho nhân dân?”

                                 Đà Lạt mùng 1 Tết Tân Tỵ  24-1-2001.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ