LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

VỀ VIỆC ÔNG HÀ SĨ PHU BỊ BẮT


Hoàng Tiến

Tôi là bạn ông Hà Sĩ Phu. Quá trình bắt ông và xử ông tại toà án Hà Nội ngày 22.8.1996, báo chí không được tường thuật, chỉ được đưa vài tin vắn tắt theo lệnh trên, nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải trình bày những điều tôi biết về vụ án Hà Sĩ Phu, và nhân đây nói vài điều về quyền tự do dân chủ ở nước mình.

Cuối tháng 11-1995, Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt ra Hà Nội. Ông đi thăm họ hàng và bạn bè quen biết. Ngày 29.11.1995, tôi được công an phường Thanh Xuân Bắc (nơi tôi cư trú) mời ra đồn, hỏi về tác giả Hà Sĩ Phu vừa ở Đà Lạt ra và những bài viết của ông. Do đó những câu nói bất nhã thiếu lịch sự của người công an, lòng tự trọng của một trí thức văn nghệ sĩ bị xúc phạm, tôi đã phản ứng bỏ ra về. Sau đó tôi đã viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền nói về việc ấy.

Trưa ngày 4.12.1995, tôi đang trên phố Trần Hưng Đạo, bỗng gặp Hà Sĩ Phu đi xe đạp. Mừng quá, vì tôi rất muốn gặp Hà Sĩ Phu để báo ông biết tôi bị công an hỏi. Công an đang theo dõi ông. rồi tôi rủ ông đi ăn cơm bụi, vì vừa lĩnh mấy chục ngàn tiền nhuận bút bài báo. Chúng tôi vào một quán ăn bình dân đầu đường Trương Hán Siêu và Nguyễn Du. Khi chia tay, tôi còn nhắc ông nhớ chiều đến ăn cơm ở nhà một người bạn văn, hẹn từ trước.

Buổi đó chúng tôi chờ mãi. Tối mịt cũng không thấy Hà Sĩ Phu đến. Chúng tôi đành ngồi ăn với nhau mà lòng dạ thấp thỏm. Linh tính như mách bảo có chuyện gì không hay đã xảy ra với ông đây.

Mấy hôm sau cháu gái tên Nhàn ở Đê Tô Hoàng gọi điện cho tôi, chú Tụ (tức Hà Sĩ Phu) ba hôm nay không về nhà. Thế là có chuyện rồi. Tôi bàn với cháu cách đi tìm. Trước hết hãy đến công an giao cảnh hỏi xem mấy hôm nay có tai nạn giao thông gì. Tên tuổi những người bị nạn. Không có tên Hà Sĩ Phu. Vậy thì các cháu đến công an thành phố xem có bắt giữ ông Hà Sĩ Phu xin báo cho gia đình biết, và cho gia đình gửi quần áo đồ ăn. Công an Hà Nội trả lời không bắt giữ. Lạ nhỉ? Các cháu đã làm đơn trình bày với công an sự mất tích của ông chú từ Đà Lạt ra chơi, và yêu cầu họ tìm giúp hộ. Công an Hà Nội trả lời, họ bận nhiều việc, muốn tìm người nhà mất tích thì nhờ báo đăng hoặc ti vi.

Cháu Nhàn đã đến đài truyền hình, nhờ đăng tin tìm người nhà, nộp 200.000 đồng, sẽ phát 3 lần trên ti vi vào ngày hôm sau. Cháu hồ hởi báo tin cho tôi biết, và tôi rất chăm chú theo dõi ti vi. Không có gì.

Tôi gọi điện hỏi. Cháu cũng không hiểu sao. Cháu đến đài thì họ trả lại tiền và nói trường hợp này phải về xin giấy chứng nhận của địa phương là mất tích thì họ mới phát. Thật kỳ quặc!

Công an đã huýt còi bên đài rồi. Tôi nghĩ, việc công an bắt người sau 24 giờ phải thông báo cho gia đình biết, mới phải luật pháp. Đằng này...Tôi gọi điện cho bè bạn quen biết ở các toà báo, nhờ can thiệp giúp, ít nhất là phải báo cho gia đình người ta biết. Nhưng mọi nơi đều từ chối, dính đến công an phiền lắm ông ạ. Tôi gọi điện cho ông bạn có chức quyền ở thành phố, nhờ bạn can thiệp bên công an làm đúng thủ tục bắt người theo luật định, chứ sao lại làm như Maphia bắt người vậy. Bạn tôi hỏi lại: Có thật thế không? Nhỡ văn nghệ sĩ các ông giữ nhau uống rượu ba bốn ngày chưa về thì sao? Tôi khẳng định Hà Sĩ Phu không nghiện rượu, mà dù ông có ở nhà bè bạn cũng phải điện cho gia đình các cháu biết chứ.

Vài hôm sau thì đài nước ngoài đưa tin Hà Sĩ Phu bị bắt. Trong nước báo chí vẫn im re. Người ta sợ hãi nói đến tin bắt Hà Sĩ Phu. Bạn bè quen biết của Hà Sĩ Phu, ai cũng nơm nớp có thể họ sẽ đến bắt mình.

Ngay cả tôi, vì tôi đã phản ứng với công an điều tra. Tôi chuẩn bị sẵn một chiếc ba lô, dặn dò con cái, khi tình huống công an xịch đến bắt đi. Lòng nghĩ tới hồi ký của érenbourg dưới thời Staline, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một chiếc vali con. Bạn quen nói: Không đến nỗi như thế đâu. Muối mặt dám làm thế. Nhưng biết đâu được, ở một đất nước không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì việc gì cũng có thể xảy ra.

Những bài viết của Hà Sĩ Phu đã thức tỉnh lương tri nhiều người. Tất cả mới có 3 bài thôi ("Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ", "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", "Chia tay ý thức hệ"). Đều không được báo chí in. Chỉ chuyền tay nhau đọc. Ông phân tích tình hình thế giới, phân tích tình hình trong nước, chỉ ra những sai lầm của chủ nghĩa Marx...v.v.. nhiều ý kiến trái tai những người lãnh đạo. Ông rất thành thật, thực hiện quyền của một công dân trí thức, trình bày những suy nghĩ của mình trước vận mệnh dân tộc. Ông gửi cho những người lãnh đạo cao nhất nước, các cơ quan báo chí, bè bạn quen biết, để xin ý kiến. Tấm lòng ông trong sáng, ý nghĩ ông minh bạch, không một chút khuất tất và không có gì vi phạm luật pháp.

Nhưng bây giờ người ta đã bắt ông.

Không khí khủng bố lo ngại lan tràn trong trí thức văn nghệ sĩ. Lại như cái năm nào bắt Dương Thu Hương trước đại hội 7- để bịt mồm văn nghệ sĩ lại. Bây giờ bắt Hà Sĩ Phu trước đại hội 8- để bịt mồm giới trí thức lại. Dân chủ tự do lại bị xiết chặt - Ngột ngat - Lo - âu. Người ta cố tìm một triết lý để tự an ủi: thì đã bao giờ ta có dân chủ tự do mà bảo sợ xiết chặt. Nghĩ thế mà thấy yên tâm thật, mà sẵn sàng tinh thần chịu đựng một khi tai hoạ ập đến.

Việc bắt Hà Sĩ Phu mãi đến ngãy thứ 12 công an mới thông báo cho gia đình biết, sau khi nhiều đài nước ngoài đã nói ầm lên. Cháu Nhàn kể với tôi, có hai ông công an đến giơ cái giấy chú Tụ (tức Hà Sĩ Phu) viết về, nói chú đến ở chỗ công an, yêu cầu cháu đưa các đồ dùng của chú cho hai đồng chí công an cầm giấy này mang về. Các cháu gái bình luận: họ bắt giữ thì nói là bắt giữ, lại bắt chú cháu viết về là đến ở chỗ công an, làm như ở gia đình chúng cháu không tốt đẹp bằng ở chỗ công an hay sao. Tôi cười bảo cháu: để họ dễ có đường rút, họ có bắt người bố láo đâu, đây là ông Hà Sĩ Phu tự nguyện dọn đến ở với họ đấy chứ.

Thời hạn tạm giữ theo luật định không được quá 03 ngày đêm. Hà Sĩ Phu là lệnh tạm giữ, do trung tá Vũ Hiền công an Hà Nội ký. Giấy này bà Hà Sĩ Phu sau mới nhận được, ghi lý do: có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Lệnh tạm giữ là 3 ngày mà rồi trở thành 9 tháng, mới được đem ra xét xử tại toà án Hà Nội.

Tôi may mắn có tham dự phiên toà. Về cái tội danh gọi là có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của ông Hà Sĩ Phu, đã bị ông lật tẩy trước phiên toà. Ông đang đi xe đạp về phía Bờ Hồ thì bị hai người đi xe máy tông vào sau xe làm ông ngã ra. Cái túi treo ở ghi đông văng ra đường. Có người định giật lấy. Ông kêu lên: Cướp! Cướp! Thì công an ập đến. Bắt tất cả vào đồn công an Hàng Bài. Đòi khám chiếc túi. Ông hỏi lý do. Họ bảo xem có mất gì không. Ông bảo không mất gì cả. Nhưng rồi họ cứ khám và lấy được hai bản photocopie lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị đề ngày 9-8-1995 có in dấu tối mật.

Thì ra cái hành vi tông xe, người ngã, cướp túi, không thành tội danh mà lại trở thành cái lý do để kết tội có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước cho người bị hại.

Lạ lùng thay, và cũng buồn cười thay cho lối bắt người kém cải tiến như công an Hà Nội đã làm.

Nhớ lại cái lần bắt Dương Thu Hương, công an cũng đạo diễn lớp kịch cho tên Tâm, Việt Kiều, ra sân bay đi Mỹ. Khám va li thấy một đống những tài liệu phản động: thư ông Nguyễn Khắc Viện gửi Mặt trận Tổ quốc, bản góp ý cảu ông Hoàng Minh Chính gửi đại hội Đảng lần 7, kiến nghị của các cụ nghỉ hưu quận Đống Đa gửi lãnh đạo Nhà nước...v.v. Tên Tâm khai nhận ở nhà văn Dương Thu Hương. Và Dương Thu Hương

bị bắt. Ai cũng hiẻu rằng trong thời đại khoa học kỹ thuật như ngày nay, chỉ cần một cái Fax lên giời là ở nước ngoài đã nhận được một bản sao y như nguyên bản; và còn cổ lỗ như vài chục năm về trước thì cũng đã có những máy ảnh nhỏ xíu bắt rất nhạy thu nhỏ những tài liệu mật vào cuộn phim chỉ bằng ngón tay, nhét vào đâu chẳng được, mà lại phải kềnh càng cho những bản kiến nghị, bản góp ý, vào một chiếc va li để công an sân bay bắt được. Mẹo của công an khôn, nhưng chỉ đánh lừa được những người nhẹ dạ, chứ chưa ngoan, để bịp nổi những người có suy nghĩ đôi chút.

Trong phiên toà cả ba bị cáo (Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang) và ba luật sư (Đàm Văn Hiếu- Hà Nội, Nguyễn Hữu Nhuận- Hà Tây, Trần Lâm - Hải Phòng) đều cãi rất hay. Cái quan trọng nhất của một phiên toà là vật chứng lại không có. (Tức là thư ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9-8-1995, toà giải thích đã gửi nộp lên văn phòng Chính phủ cất giữ bảo quản.) Người phó văn phòng Chính phủ ký công văn xác nhận lá thư Võ Văn Kiệt là tài liệu bí mật Nhà nước, cũng không có mặt tại phiên toà. Các luật sư lập luận: không một ai, không một cơ quan nào được quyền xác nhận là bí mật hay không bí mật. Điều này phải được toà xem xét và phán định dựa trên luật pháp đã ban hành. Bị cáo Lê Hồng Hà nhận trước toà có đọc lá thư ông Võ Văn Kiệt, vì thế mà bị cáo khẳng định, chỉ theo luật pháp, nội dung lá thư không nằm trong 7 điều được gọi là bí mật Nhà nước đã ghi rõ trong sách luật. Lá thư nói về đường hướng phát triển kinh tế đất nước, khu vực kinh tế nhà nước, khu vực tinh tế tư nhân, tỷ lệ như thế nào cho hài hoà. Những điều đó sau này đã biến thành Bản dự thảo để toàn dân tham gia ý kiến. Có gì là bí mật.

Trớ trêu là phiên toà không được bàn vào nội dung bức thư . Chủ toà Nguyễn Sơn điều khiển phiên toà, chỉ cho phép bàn về hình thức có in dấu tối mật ở đầu bức thư, và căn cứ vào công văn của văn phòng Chính phủ xác nhận bức thư la tài liệu bí mật Nhà nước. Thật là hết sức khó khăn cho các luật sư tham gia vụ án. Thư là thư tay của ông Võ Văn Kiệt gửi các uỷ viên Bộ Chính trị, bên chữ ký của ông Kiệt không có dấu đỏ dấu đen gì cả. Thì cùng lắm nó là tài liệu bí mật của Đảng, chứ sao lại thành bí mật Nhà nước được.

Các luật sư cũng chỉ ra, kiểm sát viên buộc tội không chứng minh được sự thiệt hại nghiêm trọng do việc làm lộ lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị, được gọi là bí mật Nhà nước. Vì thế, theo các luật sư, vụ án chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Luật sư Hải Phòng là Trần Lâm đề nghị hội đồng xét xử nên bãi bỏ phiên toà, hoặc dừng lại, tiếp tục điều tra một cái gì lớn hơn, đàng sau vụ việc này, nếu cái đó thành tội danh thì gắn vụ việc này vào, nếu không thành thì tự nó sẽ triệt tiêu.

Ông Hà Sĩ Phu nói lời cuối cùng đã đặt một câu hỏi. Như bản án kết luận tội ông là cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chịu khung án từ 9 tháng đến 12 tháng tù giam, trong khi ông chỉ mới cầm tài liệu, chưa kịp đọc, đem photo làm hai bản, thì bị tông xe và khám túi. Công an đã lấy lại cả hai bản photo. Thế mà ông bị kết án là cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Vậy tất cả mọi người tham dự phiên toà ngày hôm nay chẳng hoá ra cũng dính vào tội danh cố ý làm lộ bí mật Nhà nước cả ư?

Cả phiên toà đã bật cười. Lối nói của Hà Sĩ Phu vẫn rất Hà Sĩ Phu như thế!

Cả lời bàn sau phiên toà, kiểu dân dã, bà có cái của ấy, ai bảo bà để nó ra thì người ta dòm. Sao lại đi bắt tội cái người dòm, mà không kết tội cái người để hở. Lại có tiếng xì xào, đáng lẽ Hà Sĩ Phu bị 9 tháng thôi, thời gian giam giữ vừa hết hạn, nhưng vì lời nói cuối cùng mà bị đẩy lên khung án cao nhất của ông.            Một lời nói thật, bộc lộ một nhân cách kẻ sĩ, mà lĩnh thêm 3 tháng tù. Một cái giá phải trả mang nhiều ý nghĩa đấy chứ.

Chủ toà Nguyễn Sơn, cùng kiểm soát viên cuộc tội Phùng Tiến Lập, không bác bỏ một ý kiến nào của các luật sư cũng như của các bị cáo, nhưng rồi cứ tuyên án theo án đã viết sẵn từ bao giờ: Lê Hồng Hà 2 năm tù giam, Hà Sĩ Phu 12 tháng tù giam và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù cho hưởng án treo.

Thật là một màn kịch vụng về. Vụng về ngay từ khi màn xử án. Bản cáo trạng quy tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, việc đem xét xử để làm tấm gương răn đe mọi người chớ

làm lộ bí mật Nhà nước, hẳn phải xử công khai, đăng báo cho nhiều người tới dự, mà lấy đó làm bài học ngẫm chung. Đằng này lại xử kín, rất ít báo chí được mời. Dân chúng thì đừng hòng vào. Mọi người tò mò tập trung đông đúc ở cổng toà án phía đường Hai Bà Trưng, bị công an ra giải tán. Thiếu dân chủ như vậy, mà báo chí nào dám đưa tin.

Nghe đâu ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười không muốn đưa ra xử. Như thế là phải, vì ai lại nỡ bỏ tù những người đã đọc và truyền bá ý kiến của mình. Ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt hiện nay đứng đầu Đảng và đứng đầu nhà Nước, có ý kiến đúng, mà không thực thi được, thì tránh sao khỏi bị mang tiếng là người nhu nhược. Vua mà đã nhu nhược thì quần thần lấn lướt. Sự đời là thế.

Cuộc sống mất dân chủ và dân quyền ở đất nước đã kéo dài. Quốc hội đang họp kỳ thứ 10 của khoá 9, vừa công bố trên ti vi, con số 497 vụ bắt người oan trong năm, tính trung bình một ngày hơn 1 người bị bắt oan. Công an được giao quyền quá lớn trong chiến tranh, vẫn theo quán tính con lăn, đến nay chưa thu mình được vào luật pháp.

Chỉ kể sơ qua những vụ án bắt oan mà nhiều người biết.

Năm 1955, vừa tiếp quản Hà Nội được ít lâu, dấy lên vụ án gián điệp Mỹ phá hoại hiện hành. Bị cáo là ông Nguyễn Phổ, con cụ Nguyễn Văn Vĩnh người có công truyền bá chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của dân tộc hồi đầu thế kỷ, nhưng lâu nay ta vẫn coi là một đại Việt gian. Gián điệp Mỹ Nguyễn Phổ là con một đại Việt gian, đã chỉ đạo việc

đốt nhà máy in Tiến Bộ, thì đúng quá đi rồi. Hợp lý quá đi rồi. Ai còn dám nghi ngờ điều gì. Ông Lê Quốc Thân giám đốc Sở Công an Hà Nội thời bấy giờ ký lệnh bắt, cùng các ông Nguyễn Thực trưởng phòng chính trị. Công an Hà Nội, và ông Trần Nam Đăng tức Lê Hạp trưởng phòng chấp pháp Công an Hà Nội thời gian 1955. Ba ông này đã làm rùm beng vụ án, xử ở sân sau Toà án Thành phố, vào ban đêm, treo đèn, căng khẩu hiệu, rồi sau đó phát thanh, đăng báo, in áp phích loại bướm, tuyên truyền rầm rĩ. Mục đích nhằm đề cao thành tích của công an, và để toàn dân nâng cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch.

Ông Nguyễn Phổ bị giam 17 năm 1 tháng 1ngày (Bản án hình sự số 271 ngày 26-11-1955 Toà án Nhân dân Hà Nội). Ngôi nhà biệt thự 25 phố Nguyễn Gia Thiều bị thu giữ, rồi trở thành trụ sở của Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Cuối năm 1972, ông Phổ được thả. Sau đó ông được minh oan là vô tội, theo bản án giám đốc thẩm số 9HS1 của Toà án Nhân dân Tối cao ký ngày 28-3-1978. Việc đốt nhà in Tiến Bộ là dựng chuyện. Giám đốc nhà máy in Tiến Bộ đã xác nhận với cán bộ thanh tra đi thẩm tra lại vụ án theo đơn kêu oan của ông Phổ: Không có việc nhà in bị đốt, hồi đó làm theo yêu cầu của bên công an. Ông Phổ lại là người của Bộ Quốc phòng, đưa vào Hà Nội hoạt động, và hiện nay được nhận lương hưu quân đội theo quyết định số 873/QĐ của Bộ Tổng tham mưu- Bộ Quốc phòng ký tháng 5- 1981, và được đền bù 100 triệu (tháng 8-1995)

Ông bây giờ đã ngoài 80, hàng xóm với tôi, ông nói trường hợp của ông là muôn một may mắn được minh oan, trong hàng vạn những người bị oan kiểu như ông. Con cái ông nay thoát khỏi cái lý lịch phản động. Tài sản của ông được đền bù. Nhưng ngôi nhà của ông vẫn chưa lấy lại được. Ông đã làm đơn đòi lại ngôi nhà, và hy vọng, trước lúc hắm mắt, được Nhà nước giải quyết.

Điều kỳ lạ là, những người tạo dựng lên vụ án không hề bị trừng phạt. Nhóm ông Lê Quốc Thân vẫn lên chức lên lương. Nếu không vấp phải vụ đại tá tình báo Nguyễn Công Tài (con nhà văn Nguyễn Công Hoan), thì Lê Quốc Thân lúc ấy đang làm thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an kiêm bí thư Đảng đoàn hẳn sẽ lên bộ trưởng.

Thời kỳ cải tạo tư sản miền Bắc, có một sắc lệnh do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1961, bắt tập trung cải tạo những người có tư tưởng và hành vi chống đối chủ nghĩa xã hội. Thế là hàng loạt những người trong cao trào công tư hợp doanh bị đưa đi cải tạo. Rồi phong trào Nhân văn - Giai phẩm, hàng loạt văn nghệ sĩ bị đưa đi lao động cải tạo.

Tiếp đến vụ án Xét lại chống Đảng, hàng loạt cán bộ trung cao cấp bị đưa đi tập trung cải tạo. Tất cả đều không có án. Thời hạn là 3 năm. Nhưng thường là gấp 2-3 lần cái 3 năm đó, với lý do mơ hồ: chưa tiến bộ, hoặc chưa cải tạo tốt. ấy là chưa kể trước đấy, luật Cải cách Ruộng đất đã giết oan hàng mấy ngàn người (Chính phủ chưa công bố con số).

Ông Phạm Văn Đồng khi ký cái sắc lệnh mơ hồ và rộng nghĩa đó, có biết đâu rằng sau chữ ký của ông, hàng ngàn hàng vạn gia đình đã phải ly tán, cha bỏ con, chồng bỏ vợ. Con cái mang cái lý lịch phản động không xin đâu được việc làm, học lên cao lại càng khó. Nói ngay một người nổi tiếng như tiến sĩ luật sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ vì phát biểu ở Mặt trận Tổ quốc, sau những tổn thất cải cách ruộng đất, đề nghị được làm một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ. Thế là bị vô hiệu hoá. Các chức vị giáo sư, luật sư không được dùng. Đến mức ông muốn đi dạy Pháp văn để kiếm sống, mà không có ai dám đến học. Ông sống lủi thủi như cái bóng, về già viết cuốn hồi ký "Un Excommunier" (có thể dịch "Người bị đuổi khỏi cộng đồng" hoặc "Người bị rút phép thần công") in ở bên Pháp, mà rồi sợ bị trong nước đàn áp, đã chuẩn bị tuyệt thực cho đến chết, nếu công an rờ đến.

Ông Phạm Văn Đồng hiện nay đã ngoài 90. Ông an hưởng tuổi già ở toà biệt thự bên Hồ Tây, hưởng cảnh trăng trong gió mát. Tôi rất muốn những hàng chữ này lọt đến tai ông, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay, để ông nhìn ra một sự thật là: lòng mong muốn sự tốt đẹp nhiều khi lại là việc độc ác.

Vụ công an bắt giữ nhà văn nữ Dương Thu Hương đã phải trả giá. Sự phản ứng của trí thức và văn nghệ trong nước bị o bế vẫn im re, nhưng bù vào đấy là sự công phẫn của trí thức nước ngoài, nhất là ở Pháp. Bà Mitterand, phu nhân tổng thống Pháp bấy giờ, sang nước ta, tuy bị công an từ chối không cho gặp nhà văn Dương Thu Hương, nhưng bà đã gây một áp lực với giới cầm quyền. Rồi sau đó, bằng sức ép ngoại giao, công an đã phải thả Dương Thu Hương. Thiếu tướng công an Quang Phòng, người chỉ đạo vụ Dương Thu Hương, bị thải hồi về hưu.

Sau khi ông Lê Đức Thọ mất, vụ án xét lại - chống Đảng đã được ông Nguyễn Trung Thành trưởng ban bảo vệ Đảng, người đứng thứ hai sau Lê Đức Thọ chỉ đạo vụ án, do lương tâm thức tỉnh đã làm đơn trình bầy với Bộ Chính trị sửa sai cho 38 cán bộ Đảng đã bị xử trí oan.

Sự mất dân chủ với dân, đã dẫn đến sự mất dân chủ trong Đảng. Tôi đã được đọc tờ đơn của ông Lê Liêm, nguyên trung ương uỷ viên Đảng (thời kỳ Lê Duẩn), kiến nghị việc vô cớ khai trừ ông ra khỏi trung ương, không lập hội đồng kỷ luật, không hỏi ý kiến cá nhân. Tôi cũng đã được đọc lá thư ông Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị thanh minh một số vấn đề khi giao ban nói không đúng về ông, với yêu cầu giao ban đến cấp nào thì lá thư của ông cũng được gửi tới cấp đó để thanh minh. Tôi cũng đã đọc lá thư của bà Vũ Đình Huỳnh gửi Trung ương tố cáo việc bắt giữ ông Vũ Đình Huỳnh, công an đã dùng giây thừng trói giật cánh khuỷu ông Huỳnh đưa ông ra xe (chắc có lệnh của Lê Đức Thọ, để trấn áp ông Huỳnh) và bà đòi minh oan cho chồng. Việc bắt ông Đặng Kim Giang thì như một vụ bắt cóc. Bà Giang đi tìm chồng khắp nơi, đến cả dinh Hồ Chủ Tịch hỏi, cũng không biết. Người ta mách bà đến Lê Đức Thọ. Bà đến hỏi. Lê Đức Thọ bảo: "Chị yên tâm, anh đang ngồi viết kiểm điểm, viết xong thì về".

Những đảng viên có chức có quyền còn bị đối xử mất dân chủ như vậy, nói chi đến dân thường thấp cổ bé miệng. Sự mất dân chủ và tự do ở nước ta đã đến mức báo động. Nó đã thành vật cản làm xã hội trì trệ và gây những tội ác.

Tôi khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thực thi dân chủ và dân quyền, cụ thể như sau:

1. Công nhận quyền làm báo tư nhân và xuất bản tư nhân. Có như thế dân mới có phương tiện để thực hiện dân chủ và dân quyền. Nếu không, nói dân chủ và dân quyền chỉ là nói xạo.

2. Bãi bỏ ban Văn hoá Tư tưởng. Thực chất nó là ban dò thám tư tưởng trí thức văn nghệ sĩ và ban kiểm soát tư tưởng các giám đốc xuất bản và tổng biên tập các báo.

3. Buộc công an phải tuân theo luật pháp. Nghiêm trị thật nặng những công an bắt người oan. Không xử lý nội bộ mà đưa ra xét xử tại toà để làm gương cho mọi người. (Có thế thì mới xoá được con số 497 vụ bắt oan - theo công bố của Quốc hội họp kỳ thứ 10 khoá 9 tháng 11 năm 1996)

Vài lời thành thật nói thẳng của một công dân nhà văn cao tuổi, đã tham gia Cách mạng Tháng 8, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho tới ngày nay. Những lời nói có thể trái tai những nhà cầm quyền lúc này. Nhưng thuốc đắng giã tật, với lòng mong mỏi góp phần xây dựng một đất nước phát triển không thua kém các nước bạn trong vùng và trên thế giới.

Ngược lại, nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay phiền lòng muốn trừng phạt, thì kẻ viết này, xin sẵn sàng lãnh chịu những hình phạt với tấm lòng thanh thản đã nói thật được nỗi lòng mình.

Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 1996

Hoàng Tiến

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ