LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Cảm Xúc Đầu Năm: Hà Sĩ Phu - Một Nhân Cách Thời Đại


Hoàng Tiến

Có ai đó đã viết: "Cuộc sống đâu phải chỉ tính bằng năm tháng. Nhiều khi những kỷ niệm về các cụ già kia lại chóng phai mờ trong ký ức chúng ta hơn chuỗi ngày ngắn ngủi của tuổi thanh xuân bùng cháy lên vì nghĩa cả". Thế hệ chúng tôi lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Pháp, kế tiếp là chống Mỹ, kéo dài đến một phần ba thế kỷ. Chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu với tấm lòng của những hiệp sĩ "Mong xác trong da ngựa bọc thân thế trai ...". Những bài hát của thuở thiếu thời từng làm rung động lòng ai: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân. Sơn hà xao xuyến, giục ta tiến. Một lòng yêu non sông. Vì dân ta liều thân ...". Như lửa được tưới thêm dầu, chủ nghĩa quốc tế vô sản du nhập vào ta với những khẩu hiệu và những lời ca: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn ... Đấu tranh này là trận cuối cùng. Kết đoàn lại để ngày mai: Internationale, đó là xã hội tương lai ...".

"Một xã hội không người bóc lột người", "Làm tùy theo sức hưởng tùy theo nhu cầu". Thật là phơi phới. Sục sôi. Nhiệt tình. Lý tưởng. Nhìn đâu cũng thấy những sắc màu rực rỡ. Nhất là tương lai. Tương lai thuần một màu hồng, giống một cô gái tuyệt đẹp, vô cùng quyến rũ.

Nhưng đến năm 1950, khi các đoàn cố vấn từ phương bắc của Mao Chủ Tịch gửi sang giúp đỡ Việt Nam, thì chúng tôi như vỡ ra một điều gì. Trước còn lờ mờ ở những cảm nhận. Cùng cầm súng chống ngoại xâm đấy, nhưng có phân biệt, tạch tạch sè (tiểu tư sản) không thể được coi như nông dân và công nhân. Rồi chỉnh huấn. Học tập lập trường giai cấp. Đấu tranh tư tưởng địch ta. Rồi cải cách ruộng đất (Trung Quốc gọi là thổ cải). Một địa chủ đầu tiên bị mang bắn là một phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên. Mặc dù bà đã từng nuôi hàng tiểu đoàn bộ đội. Người ta gọi đó là cuộc cách mạng long trời lở đất! Mà đúng là long trời lở đất thật. Vì nó làm tan nát lòng người. Vợ tố chồng. Con đấu tố cha. "Thằng kia! Mày có biết tao là ai không ?". Địa chủ: "Thưa ông, ông là con của con ạ". Những luân thường đạo lý, những giá trị về tâm linh sâu thẳm trong cõi lòng người Việt Nam từ bao đời, bị đảo lộn tùng phèo hết cả.

Nhưng hồi ấy có chiến thắng Điện Biên Phủ.

Và người ta lý giải là nhờ cải cách ruộng đất !?

Những cán bộ tham gia thổ cải rất hãnh diện, đeo huy hiệu riêng, và lưu truyền câu nói: "Phi thổ cải, bất thành cán bộ" (không qua cải cách ruộng đất, không trở thành cán bộ được). Cho đến đợt 5 của cải cách ruộng đất thì mới tóe tòe loe ra sai lầm. Khi những chi bộ đảng do ông Hoàng Quốc Việt tổ chức và kết nạp ở khắp các làng xã đều bị quy là phản động Quốc Dân Đảng, và việc tố địa chủ, leo thang đến các ủy viên trung ương và cả người trong Bộ Chính Trị, yêu cầu đưa về để nông dân hỏi tội, thì sự việc đã quá là nghiêm trọng. Nghe đâu số cán bộ cỡ tỉnh ủy viên bị hy sinh trong 9 năm kháng chiến chống Pháp không bằng trong mấy đợt cải cách ruộng đất. Con số bị giết oan lên đến hàng ngàn, còn số bị bắt giam thì vô kể. Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu thống kê những tổn thất của cải cách ruộng đất.

Tiếp theo là đợt bắt tập trung cải tạo những phần tử ngụy quân ngụy quyền, những nhà tư sản tỏ ra ngoan cố trong phong trào công tư hợp doanh. Rồi tiếp là vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm. Rồi tiếp nữa là vụ án Xét Lại - Chống Đảng.

Phong trào hợp tác hóa nông thôn không phù hợp với lòng dân và nền kinh tế nông nghiệp châu Á đã làm đình trệ sản xuất nông nghiệp. Người làm ra gạo mà bị đói. Nói ra thật đau lòng, nhiều nơi, chính quyền cấp giấy cho dân đi ăn xin, như ở Thanh Hóa, ở Nghệ An. Tôi đã được chính mắt nhìn thấy những giấy tờ đó, khi người dân đi ăn xin chìa ra cho tôi xem, và yêu cầu giúp đỡ.

Một điều gì bất ổn trong tổ chức xã hội.

Trên thế giới thì những biến động ở Hungari, ở Ba Lan. Rồi đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng Sản Liên Xô cùng tên tuổi Khơ-rúp-xốp chống sùng bái Xít-ta-lin. Tiếp đến những vụ rạn nứt ở Đông Âu. Tiếp đến nữa là công cuộc cải tổ ở Liên Xô cùng tên tuổi Gớc-ba-chốp.

Nội tình Trung Quốc thì có sự bắt bớ tiêu diệt lẫn nhau giữa Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu. Rồi Trung Quốc công kích Liên Xô, rồi hai bên nổ súng vùng biên giới làm rách toang khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại !".

Ấy thế nhưng ở Việt Nam vẫn hô to: "Chủ nghĩa Mác Lênin vô địch muôn năm !", "Chủ nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !".

Cả dân tộc như bị thổi bùa mê. Nhìn đâu cũng thấy địch phá hoại. Đời sống thấp kém. Đạo đức xuống cấp. Những kế hoạch 5 năm phá sản. Lại địch phá hoại. Lại lập trường giai cấp không kiên định. Phải chuyên chính vô sản mạnh mẽ hơn nữa. Phải thẳng tay trấn áp mọi kẻ thù hơn nữa. Vậy mà đời sống vẫn không nâng lên. Tệ nạn xã hội càng nhiều. Kinh tế những năm đầu sau giải phóng miền Nam sa sút càng nghiêm trọng.

Sai lầm ở đâu ?

Mới chỉ dám đổ lỗi cho cán bộ thiếu năng lực quản lý. Đổ lỗi cho cán bộ mất phẩm chất cách mạng, tha hóa, quan liêu. Mới suy nghĩ đến đấy. Mới dám suy nghĩ đến ngưỡng ấy. Chưa có ai dám động đến cái vòng kim cô Mác-Lênin chụp lên đầu dân tộc từ mấy chục năm nay.

Nhiều trí thức Việt Nam đã lờ mờ nhận ra nguyên ủy. Nhưng mấy ai dám tháo cái vòng kim cô đặt trên đầu mình. Hà Sĩ Phu đã làm cái việc động trời ấy.

Ông đang ở Hà Nội, bị đẩy vào một phân viện khoa học ở một vùng đất xa xôi, cao nguyên Lang Biang. Đến một nơi tịch mịch, cách ly những thành phố đông đúc, nhộn nhạo, đầy cám dỗ, ông đã tự tháo được cái vòng kim cô trên đầu ông, để được cái quyền tự do tư duy của một con người sống có trách nhiệm với thời cuộc, với cộng đồng. Ông đã so gươm với sư tổ Mác về những luận điểm cơ bản của học thuyết Mác. Đấu tranh giai cấp có đúng là động lực phát triển xã hội hay không? Giai cấp công nhân có làm được vai trò lãnh đạo cách mạng hay không? Chuyên chính vô sản là tốt hay là xấu? Có thật có chủ nghĩa xã hội khoa học trên đời này hay là phản khoa học ?... vân vân ... Mà đường gươm của ông vung lên loang loáng, xem ra không kém phần sắc sảo. (Hãy đọc: "Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ", "Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân" và "Chia Tay Ý Thức Hệ" ).

Ông muốn lý giải những sai lầm ở trong nước, cũng như làm cho phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ trên thế giới, là những sai lầm từ trong học thuyết. Chủ nghĩa Mác, được Lênin tiếp thu và bổ sung thành chủ nghĩa Mác-Lênin, có những khuyết tật từ trong lòng nó. Cái gốc bất cập đó tất sẽ dẫn đến những sai lầm khi ứng dụng. Không thể nào khác được.

Những bài viết của Hà Sĩ Phu, không được bất cứ một tờ báo nào đăng cả, mặc dù trong nước hiện nay có hơn 500 tờ báo và tạp chí, nhưng lại bị phê phán tùm lum trên các tờ báo lớn. Không cho cãi. Như vậy, ta đủ hình dung được sức mạnh những bài viết của Hà Sĩ Phu đã làm các nhà lãnh đạo có công an và quân đội trong tay phải lo sợ đến thế nào.

Hà Sĩ Phu cho rằng, muốn đổi mới tư duy, phải đổi mới từ gốc. Nghĩa là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Ông đi đến một kết luận rốt ráo về tình hình trong nước. Bây giờ mà còn nói yêu chủ nghĩa xã hội tức là không yêu nước. Mà chủ nghĩa xã hội, dù là chủ nghĩa khoa học đi nữa, thì nó là thế nào, là cái gì ? Không có mô hình, và không được thực tế kiểm nghiệm. Nó chỉ là niềm ước mơ của cụ Mác sư tổ, cũng như trước kia cụ Khổng Tử từng ước mơ một thế giới đại đồng, các cụ Thomas More, Saint Simon, Fourier, Robert Owen đều là những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng vĩ đại của nhân loại.

Những bài viết của Hà Sĩ Phu ở những nước có tự do dân chủ hẳn sẽ là một điều lý thú lớn. Nó sẽ được tranh cãi trên báo chí một cách công khai để nâng cao sự hiểu biết cho toàn dân. Rất tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam không quen nghe những ý kiến trái tai, lại đụng chạm đến những tín điều thành kính thờ phụng lâu nay, nên cố vô hiệu hóa ông, và cuối cùng dùng biện pháp bạo lực bắt giam ông.

Cái thái độ bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sốt sắng quá ư là khác thường ấy, đã được Hà Sĩ Phu bình phẩm rất đúng tim đen rằng: "Những anh to mồm hò hét bảo vệ sự vô địch của chủ nghĩa và độc quyền chính trị của Đảng chẳng qua chỉ là dựng cái bình phong để giữ nguyên ghế đặc quyền đặc lợi của họ, chứ họ thiết gì chủ nghĩa. Ổn định chính trị nghĩa đen là ổn định ghế".

Nếu lịch sử đã tạo nên nhân vật của nó, thì ở thời điểm này đã tạo nên khuôn mặt Hà Sĩ Phu. Ông tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, vóc người nhỏ thó, đi tu nghiệp ở nước bạn Tiệp Khắc về, được Viện Hàn Lâm Khoa Học Tiệp Khắc phong học vị Phó Tiến Sĩ Sinh Vật Học, có cách nói hóm hỉnh thâm trầm của người châu Á hòa trộn với cái tư duy lô-gích sáng sủa của châu Âu. Ta hãy cùng nghe đôi câu đối Hà Sĩ Phu làm trong tù:

Quên điều quốc luật gài then sắt
Để chữ dân quyền nảy nét son

Ngày giỗ cha ở trong tù:

-Nhớ giỗ cha, thắp nén hương thầm, đem chí khí báo đền công dưỡng dục
-Yêu đất mẹ, mở con đường lớn, lấy bút nghiên trang trải nợ tang bồng.

Ông người làng Hồ, bên kia sông Hồng, là một làng cổ, có nghề vẽ tranh dân gian nổi tiếng, thuộc huyện Thuận Thành vùng Kinh Bắc xa xưa. Vùng đất có mang nhiều dấu ấn nền văn hiến lâu đời của đất nước, từng sản sinh ra những tài năng xuất chúng cho cộng đồng.

Một thành công không bao giờ đơn lẻ. Ông được cổ vũ và khích lệ của người vợ tâm đắc, bà Hà Sĩ Phu, người phụ nữ đã trở thành bạn chiến đấu của ông khi ông gặp hoạn nạn. Tôi đã được biết những hành động can trường của bà Hà Sĩ Phu trong những ngày ông Hà Sĩ Phu bị giam giữ. Thật vô cùng cảm động và rất đáng kính phục. Đến cả công an bắt giữ ông Hà Sĩ Phu cũng phải tỏ lòng cảm phục bà. Ngoài ra ông còn được sự đồng tình hỗ trợ của bè bạn bên ông. Những người bạn tâm giao, đồng cảm, đồng chí hướng, đó là các nhà văn Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, cùng ở cao nguyên Đà Lạt. Những bài viết của các anh đã làm vùng cao nguyên tĩnh lặng rực sáng lên, tỏa ánh hào quang đi khắp nơi. Ngoài Hà Nội, người ta gọi các anh bằng một danh xưng thân yêu: ba nhà hiền sĩ trên cao nguyên.

Bài viết ngắn ngủi hôm nay về Hà Sĩ Phu, mới chỉ là những cảm xúc sơ khởi của một người cùng thời, thấy ở ông một nhân cách thời đại, đã tiếp nối được cái tiết tháo sĩ khí của cha ông Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu ... thật đã không phải tủi hổ với tiền nhân và không phải thẹn thùng với mai hậu.

Tôi biết rằng sẽ có nhiều người viết về Hà Sĩ Phu, mỗi người một giác độ, để cùng nhau khắc họa chân dung một nhân vật thời đại. Và sau này chắc chắn hậu thế sẽ có những công trình nghiên cứu đánh giá về ông một cách đầy đủ hơn nhiều những bài viết ngắn ngủi ngày hôm nay.

Xin cảm ơn quí vị đã chú ý lắng nghe.

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1997

Hoàng Tiến
Nhà A-11, Phòng 420,
Khu Tập Thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội
Điện thoại : 84 8 543 852

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ