LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

HÀ SĨ PHU VÀ NHÂN CÁCH CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC DÁM SỐNG TRUNG THỰC


Hà Sĩ Phu viết không nhiều. Ba tiểu luận triết học-chính trị của ông chỉ khoảng 200 trang mà nhiều người đã biết : Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ,  Đôi điều suy nghĩ của một công dân và Chia tay Ý thức hệ. Sự sâu sắc, tính trí tuệ, tính thuyết phục, tính triệt để, tính tiền phong thể hiện rõ trong nội dung những bài viết. Vì thế nhiều người, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước đã chia sẻ, kính phục và ngưỡng mộ ông.

    Uy tín và tình cảm công chúng dành cho ông ngày một cao. Trong nước, những bài viết của ông dù bị cấm đoán vẫn được nhân bản, chuyền tay nhau đọc ngày càng nhiều. Ở hải ngoại, toàn tập tác phẩm của ông được xuất bản, các cơ quan truyền thông giới thiệu về ông một cách rộng rãi và giới trí thức tìm đọc, ngưỡng mộ ông ngày càng đông đảo. Việc ông bị bắt, bị đưa ra toà xét xử đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong nước và nhiều nơi trên thế giới. Lúc ông hết hạn tù được trả tự do, bạn bè đã đi đón ông, ở Hà nội từ trại giam, rồi ở Sài gòn và Đà lạt với hoa và tình cảm nồng nhiệt. Bạn bè ở nhiều nước gọi điện về chia vui

và hỏi thăm sức khoẻ, các đài báo nước ngoài liên tục phỏng vấn và đưa tin. Đó là sự kiện chưa từng có ở đất nước này mấy chục năm qua.

    Hà Sĩ Phu có được những điều trên trước hết là do giá trị tư tưởng của ông. Mặt khác không kém phần quan trọng là do nhân cách và thái độ hành xử của ông trước những tình huống hiểm nghèo để giữ vững quan điểm và cách sống của mình. Đó là đức tính và khí phách của kẻ sĩ chân chính phương đông. : Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Đó là cách vượt qua thử thách của người trí thức trung thực trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay mà sự lựa chọn và cách sống, về một mặt, còn khó khăn hơn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

     Từ khi công bố bài viết đầu tiên “Dắt tay nhau…” năm 1988, Hà Sĩ Phu đã trải qua nhiều thử thách. Năm 1991 ở Hà nội, lúc đến thăm Dương Thu Hương, ông đã bị gọi thẩm vấn suốt 10 ngày.Năm 1993, vụ một người bạn mượn tài liệu của ông đi photo ở Đà lạt ông cũng bị gọi lên thẩm vấn. Như mọi người đã biết, bài viết của ông bị báo chí nhà nước liên tục đả kích trong mấy năm liền. Ông thường xuyên bị giám sát và đôi khi được “tranh thủ” bằng cách tặng quà trong dịp tết, mời đi ăn với cán bộ lãnh đạo của ngành Công an. Dù thế, ông vẫn tiếp tục viết, tiếp tục dòng tư tưởng trào sôi của mình trước vận nước.

     Những bài viết của ông, ban đầu có tính cách lý luận cơ bản, mang tính tổng kết chung, nhưng dần dần khi đi vào những vấn đề cụ thể, cần phải đụng chạm đến cá nhân một số người lãnh đạo, ông cũng đã không do dự mặc dù đã có bạn bè khuyên là việc đó rất nguy hiểm.

    Từ khi bị bắt, cho đến lúc ra toà, vào trại giam và ngay cả khi được trả tự do, ông vẫn thường xuyên đối diện với những thử thách ngày càng gay gắt.

     Lúc mới bị bắt, người ta hỏi ông có phải viết vì muốn nổi tiếng không, ông trả lời : Tư tưởng triết học tôi ôm ấp mấy chục năm qua, nếu nội dung không có giá trị thì người viết ra muốn nổi tiếng cũng không được mà chỉ là một thằng hề, nếu nội dung có giá trị thì không muốn nổi tiếng cũng không được. Người ta hỏi bài viết của ông gửi cho ai, ông đáp : Tư tưởng là phải có giao lưu. Tôi tiếc không có điều kiện để in 70 triệu bản cho 70 triệu người Việt nam nên xin đừng hỏi tôi gửi cho ai. Khi lần đầu vợ vào thăm, ông cảm động ứa nước mắt nhưng đã trấn tĩnh ngay , nói với công an : Tôi khóc vì thương vợ tôi chứ không phải Hà Sĩ Phu khóc với Công an đâu nhé!

     Lúc ra toà, nơi quyết định số phận của cá nhân, thái độ của bị cáo sẽ bộc lộ bản lĩnh, nhân cách và khí phách của con người, không ai che dấu được.

    Khi nghe bản cáo trạng buộc tội ông đã có hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước”, ông bình luận một cách mỉa mai : Tôi nghe và hình dung thấy mình có dáng dấp của một tên gián điệp đột nhập vào cơ quan lưu trữ của Nhà nước, uy hiếp người bão vệ và bẻ khoá để lấy tài liệu. Ay thế mà bây giờ toà lại cải tội danh thành “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”, tuỳ tiện như thế là tự mâu thuẫn và chứng tỏ việc trên chỉ là vu cáo.

    Khi nói lời cuối cùng trước phiên toà, ông đã tố cáo việc bắt ông là một kịch bản vụng về, tố cáo quá trình tố tụng không đảm bảo nguyên tắc và luật pháp như cố tình trì hoãn việc mời luật sư ( ông chỉ được gặp luật sư 10 phút trước phiên toà), không trao cho ông các văn bản đúng thời gian quy định.

    Chủ toạ phiên toà đã cắt lời ông và hỏi có tính cách gợi ý : Có phải anh định nói mong toà xét xử công minh không? Đây là câu hỏi mà ông hiểu, và sau này có người xác nhận, là tuỳ cách trả lời của ông mà ông sẽ được trả tư do ngay hay phải ở tù thêm 3 tháng. ( Vì trước đó Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 9 tháng đến một năm tù, để hợp pháp hoá việc  ông đã bị tạm giam 9 tháng ). Tuy nhiên, phản ứng của ông hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chủ toạ phiên toà. Trước hết, ông phản đối chủ toạ đã cắt lời bị cáo trong lời nói sau cùng (điều đó sai luật).Tiếp đó ông nói : Việc xử nặng hay hay nhẹ đối với tôi không phải điều quan trọng. Vấn đề là tôi phải nói sự thật, phải là một người trung thực!  Chủ toạ còn hỏi ông có nguyện vọng cá nhân gì không. Ông trả lời : Tôi không có nguyện vọng gì về cá nhân, nhưng ngay từ khi mới bị bắt, tôi chỉ có nguyện vọng là đất nước đang cần đoàn kết để xây dựng thì đừng nên gây ra những tổn thất không đáng có.

     Sau này, khi về trại giam, một tù thường phạm biết chuyện đã bảo ông nói thế làm gì cho thiệt thòi. Ông đáp: Một câu nói ở nơi đó có giá trị hơn một trăm câu ở nơi khác. Ba tháng chứ hơn nữa tôi vẫn nói.Ông đùa thêm : Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp !   Ở trại giam có một chuyện tưởng như đơn giản nhưng làm ông rất khó nghĩ. Trại tổ chức cho phạm nhân làm báo tường và yêu cầu ông tham gia viết bài. Thật oái oăm. Người đã viết “Chia tay Ý thức hệ”, đòi những người cầm quyền từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, sẽ viết gì trong tờ báo tường của trại giam xã hội chủ nghĩa này. Và trại giam không phải là chỗ có thể đùa được. Cuối cùng ông nói : Tôi là người có tư tưởng phi mácxít nên không thể viết gì phù hợp với báo tường của trại giam xã hội chủ nghĩa (các trại giam phải đem báo tường đi thi để chấm giải!). Tuy nhiên tôi  cũng có khiếu viết chữ, tôi sẽ đảm nhận trình bày toàn bộ phần hình thức thật đẹp cho tờ báo. Ông dự tính nếu bị ép quá hay bị đối xử thô bạo ông sẽ tuyệt thực để phản đối và đưa ra lời tuyên bố “Người cầm bút chỉ có thể viết trong tự do!”. Nhưng việc đó rồi cũng qua.

     Và bây giờ, khi ông đã trở về căn nhà bé nhỏ của mình ở 4E Bùi thị Xuân Đà lạt, tình hình không phải đã dễ dàng. Ông vẫn bị giám sát chặt chẽ, và nhiều báo –đài nước ngoài liên tục gọi điện thoại về phỏng vấn. Ông sẽ không nói hay sẽ nói gì. Có những việc mà người ngoài, nhất là hải ngoại, khó thông cảm được. Ở một đất nước như Việt nam hiện nay, đấu tranh cho tự do không phải là tự do muốn nói gì thì nói. Nói thế nào để Hà Sĩ Phu vẫn là Hà Sĩ Phu mà nhà nước không xem là khiêu khích, và bạn bè khắp nơi trên thế giới không đánh giá sai hoặc hiểu lầm. Đó không chỉ là nghệ thuật mà chính là trí tuệ và nhân cách.

     Có lẽ tôi đã viết khá nhiều về Hà Sĩ Phu, nhưng tôi vẫn còn muốn viết về ông, và vẫn chưa viết hết những điều tôi đã hiểu và cùng ông chia sẻ.

    Thực ra , ông chỉ là một người trí thức trung thực, luôn băn khoăn về vận nước, và muốn đem trí tuệ của mình góp phần soi sáng đường đi của đất nước. Ông phát biểu ý kiến của mình thẳng thắn, nhưng ôn hoà.   

Hà Sĩ Phu , cũng chỉ đơn giản có thế !.

Tiêu Dao BẢO CỰ


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ