LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

LƯƠNG TRI - SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH


Bùi Minh Quốc

      Gửi các đồng nghiệp Hoàng Tiến, Ma Văn Kháng, Hoàng Quốc Hải

           Tôi vừa nhận được tin, hôm 10-11-96 mới rồi, ba anh đã vào thăm anh Hà Sĩ Phu đang ngồi tù, tiếp luôn lại nhận được bài:Về việc ông Hà Sĩ Phu bị bắt” của anh Hoàng Tiến. Tôi đọc ngay một mạch. Khó nói hết niềm xúc động của tôi. Giữa đêm đông Đà Lạt giá lạnh mà cảm thấy như được tiếp thêm lửa ấm, những muốn kêu to lên cùng các đồng nghiệp trong cả nước: Đây là cái mà người trí thức Việt Nam chúng ta bây giờ cần làm ngay! Đây là cái mà đồng bào chúng ta cần làm ngay!

           Anh Hoàng Tiến cho biết bài đã gửi cho Ban chấp hành Hội Nhà Văn và mấy tờ báo. Hy vọng các báo ấy sẽ đăng để rộng đường thảo luận. Nhưng trong khi chờ đợi, tôi cũng đã photocopy gửi cho các bạn hữu.

           Chắc các anh còn nhớ, trên diễn đàn đại hội lần thứ 5 của Hội nhà văn Việt Nam tháng 3 năm ngoái tại hội trường Ba Đình , anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói rất xót xa về tình trạng vô cảm của số đông các nhà văn chúng ta trước tai hoạ của đồng nghiệp. Và tình trạng vô cảm nói chung trong xa hội khi mỗi con người thờ ơ trước tai hoạ của đồng bào, đồng loại.  Đó là tình trạng hết sức nguy hiểm, là mảnh đất màu mỡ cho sự nảy nở và bành trướng bạo quyền.  Anh Tường nêu lên một dẫn chứng nóng hổi lúc ấy là trường hợp nhà văn Dương Thu Hương bị bắt oan, trong khi các nhà văn ở ngoài nước hàng trăm người lên tiếng thì hầu hết các nhà văn trong nước lại im lặng, thậm chí có người còn cầm bút biện hộ tô vẽ cho cái còng sắt còng vào tay chị Huơng.

           Hà Sĩ Phu, con người và tác phẩm của anh ấy, chúng ta đều biết, thật đáng trân trọng thế nào. Anh Ma Văn Kháng từng mượn gần như toàn bộ bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệđưa vào cuốn tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” với biết bao tâm đắc. Anh Hà Sĩ Phu rất tin tưởng và hy vọng vào các nhà văn trong Hội ta, nên khi tôi ra dự đại hội lần thứ 5, đã gửi tôi đem tặng đại hội một bản sách của anh ấy nhan đề Đôi điều suy nghĩ của một công dân”. Tôi đã trao cho đại hội ngay sau khi phát biểu trên diễn đàn và tin chắc ban lãnh đạo Hội cùng các anh chị hội viên lần hồi đều có đọc.  Bản thân tôi đọc Hà Sĩ Phu thấy các luận điểm của anh ấy rất thuyết phục. Tôi có đem tới một số cụ cách mạng lão thành để xin ý kiến, không những các cụ không phản bác gì mà còn gật gù tán đồng.  Có cụ bảo:”Thằng này dám so “gươm” với Mác sư tổ, mà xem ra được lắm!”

           Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà- ba nhà lý luận sắc sảo và khẳng khái đã dám đem chủ nghĩa Mác-Lênin ra xem xét đến tận gốc, bị đưa ra tòa xét xử với ý đồ hiển nhiên là nhằm đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Sự vụng về đến hài hước của phía bắt người, buộc tội, xét xử đã phơi bày rõ rệt tính kịch hề của một thế lực đã cáo chung về mặt lịch sử mà vẫn cố kéo dài sự tồn tại. Sau phiên toà xử các ông Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu, phiên toà xử (không có xét) các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà lại cung cấp thêm một bằng chứng cho sự thất bại thảm hại của bạo quyền trước sức mạnh của lương tri. Mặc dù bị bưng bít tối đa, cái sự thật hùng hồn này cứ lan toả và ngày càng ngấm sâu vào giới trí thức và nhân dân ta.

           Mấy chục năm ròng, không ngày nào người ta không nghe không nhìn thấy cái khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lê Nin vô địch muôn năm”. Hà Sĩ Phu có một vế xuất đối (chưa thấy ai đối) rất lý thú:”Nhà vô địch luôn sợ địch vô nhà. Những người luôn giương cao gào to khẩu hiệu kia, trớ trêu thay, lại phải tìm mọi cách lẩn tránh một cuộc đối thoại công khai, bình đẳng, bình tĩnh và ôn hoà với các đối thủ lý luận chỉ loi thoi mấy anh cán bộ hưu trí nghèo khổ chẳng có gì ngoài cây bút. Rốt cuộc chỉ còn mỗi cách bảo vệ sự vô địch của chủ nghĩa bằng còng sắt.  Nhưng còng sắt còng tay thì được chứ làm sao còng nổi cái đầu và con tim. Đế quốc Mỹ với sức mạnh quân sự khổng lồ đến thế xâm lược nước ta mà thua, là thua trước sức mạnh lương tri của dân tộc ta và của nhân loại. Vậy nên không phải là “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn nămmà làSức mạnh của lương tri vô địch muôn năm”. Hồi nào tới giờ đã thế, và mãi mãi vẫn thế, không gì cưỡng nổi.

           Có một lúc nào đó tưởng như lương tri yên ngủ trước sự hoành hành ngấm ngầm và vênh váo của bạo quyền cùng dối trá, cặp song sinh. Hồi trẻ, tôi rất thích mấy câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Đình Thi (nay là ông quan to nhất trong giới văn nghệ):

                       Em bảo anh: bóng tối không đáng sợ

                       Nó có nhiều nanh vuốt và mặt nạ

                       Nhưng mắt nó mù không thể nhìn xa

                        Những kẻ ác trong lòng chúng sợ ta

           Ấy thế mà rồi vẫn cứ có vô khối người cam tâm cầm bút trau nanh chuốt vuốt tô vẽ mặt nạ cho nó đấy, trong khi họ biết thừa đâu là sáng đâu là tối, đâu là thật đâu là giả. Y như cái anh chàng thi sĩ nọ trong bài thơ “Bánh vẽ của nhà thơ Chế Lan Viên viết lúc cuối đời:

                       Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

                       thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

                       cầm lên nhấm nháp

                       chả là nếu anh từ chối

                       chúng sẽ bảo anh phá rối

                       đêm vui

                       bảo anh không còn có khả năng nhai

                       và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

                       thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?

                       Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

                       như không có gì xảy ra hết

           Trời ơi, đã bao nhiêu năm trường kỳ diễn ra cái cảnh thê thảm ấy, nếu bậc đàn anh không kịp tiết lộ trước lúc nhắm mắt xuôi tay thì kẻ hậu sinh này còn lâu mới nhận ra.

           Như không có gì xảy ra hết”! –như không hề có cái trò hề bánh vẽ, như không hề có việc đầy đoạ hàng trăm văn nghệ sĩ trí thức trong vụ “Nhân văn giai phẩm”, hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà Nước trong vụ “ Xét lại –chống Đảng”… Và nhiều, nhiều nữa, kéo dài cho tới nay, như anh Hoàng Tiến đã chỉ rõ qua con số mà Quốc hội vừa công bố, năm 1996 tính trung bình mỗi ngày hơn một người bị bắt oan.”Như không có gì xảy ra hết”! thật kinh khủng, trong khi đủ mọi chuỵên đã và đang xảy ra, đến cụ Nguyễn Công Hoan sống lại viết hàng trăm thiên Đống rác mới”, “Bước đường cùng” mới cũng không xuể, còn Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng thì chắc chắn là phải cúi đầu phủ phục tôn các bậc Xuân Thẻ Đỏ làm đại sư phụ.

           Cái lối hành xử “như không có gì xảy ra hếtcủa trí thức ta thật đắc tội với nhân dân với lịch sử.

           Nhưng đâu phải ai cũng thế, ai cũng thế được mãi.

           Chính cái cảm thức tội lỗi không ai trốn tránh được đã khiến nhà văn Bửu Tiến bước lên diễn đàn đại hội lần thứ 4 hội Nhà văn Việt Nam nói lời xin lỗi anh em Nhân Văn Giai Phẩm vì anh đã tham gia đánh Nhân Văn- Giai Phẩm.  Anh Bửu Tiến nói lời ấy để thay lời vĩnh biệt, vì anh biết tuổi cao sức yếu chẳng còn sống được bao lâu.  Hơn hai năm sau, anh ra đi.  Tôi nghĩ anh đã ra đi với lương tâm nhẹ nhõm.  Cũng chính để lương tâm được nhẹ nhõm mà ông Nguyễn Trung Thành – nhân vật quan trọng số 2 sau ông Lê Đức Thọ thực hiện việc đầy đoạ hàng trăm cán bộ cùng thân nhân họ trong vụ : “Xét lại chống Đảng- đã viết ra những dòng minh chứng là họ bị oan và đề nghị giải oan cho họ.

           Ở đại hội lần thứ 4 Hội nhà văn Việt Nam, tràng vỗ tay dài nhất là dành cho nhà văn Trần Độ, tuy ông vắng mặt. Ông lúc ấy là trưởng ban Văn hoá Văn nghệ trung uơng Đảng vừa bị mất chỗ bởi một đòn rất ngọt về tổ chức: sáp nhập Ban Văn hoá Văn nghệ trung ương với Ban tuyên huấn trung ương thành Ban Văn hoáTư tưởng trung ương. Ông có lẽ là một trong số rất hiếm cán bộ Đảng được đông đảo anh chị em nhà văn nhìn nhận không phải như nhìn các cán bộ tuyên huấn và An ninh văn hoá,các vị “gác cổng tư tưởng” luôn xoi mói công việc của họ. Là người được giao phải cầm cái đầu mối sợi dây trói văn nghệ sĩ, ông lại thực sự day dứt về sợi dây trói đó, và cố gắng trong quyền hạn của mình tìm cách gỡ mối. Nghị quyết 05 được Bộ chính trị thông qua chính là do ông dày công chuẩn bị, làm bật ra lời tuyên bố “cởi trói” từ miệng tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đã đem lại một không khí mới hồ hởi chưa từng có cho giới văn nghệ. Nội cái tên nghị quyết đã thấy đặt vấn đề rất trúng và rất…hóm: Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo…” Nhưng những vị cán bộ Đảng quen thói kiêu ngạo tự cho mình là cha thiên hạ, cái gì cũng muốn xía vào lãnh đạo chỉ đạo dù hiểu biết rất lơ mơ, thì lại rất ấm ách trong bụng trước mấy chữ “nâng cao trình độ…”. Ấy thế , tại đại hội 4, sau khi giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, phó Ban Văn hoá Tư tưởng trung ương đọc hết bài phát biểu của ông Trần Độ, ca hội trường đã vỗ tay ran hồi lâu, rất lâu.  Trước tràng vỗ tay ấy, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã nói một câu xứng đáng được ghi đậm nét vào lịch sử  các đại hội của Hội ta.  Ông nói: tôi thấy đại hội chúng ta cho tới hôm nay đã biểu hiện sự thức tỉnh lương tri của một bộ phận dân tộc. Cả hội trường lại vỗ tay dài hơn nữa.

           Tưởng cũng nên nhắc lại một câu khác cần phải ghi đậm nét trong lịch sử các đại hội của văn giới nước nhà, tác giả là nhà văn Nguyễn Đình Thi ,ông đã sung sướng bật lên khi được tái nhậm chức Tổng thư ký tại đại hội lần thứ ba 1983: các nhà văn chúng ta là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng.

           Các anh ạ, tôi nghĩ, chúng mình đúng là nhỏ nhoi như những hạt bụi thật, nhưng của đáng tội, đó là những hạt bụi có lương tri.

           Tại đại hội 4, các “hạt bụi” ấy dù sao cũng đã cựa quậy đôi chút để tự phát sáng cái lương tri của mình.

           Và câu chuyện này không chỉ là chuyện của giới nhà văn.

           Chính trong giới cách mạng lão thành, sự bất ổn nội tâm, sự cựa quậy của lương tâm, lương tri càng dữ dội.

 

           Hà Sĩ Phu trong Chia tay ý thức hệ” gọi hệ thống cai trị hiện nay là triều đại phong kiến”-và là  triều đại phong kiến cuối cùng. Nhưng trước anh, từ 1988, một cụ cách mạng lão thành Nam Bộ đã gọi là Phong kiến trá hình”.(Ý kiến của cụ đăng trên tờ “Truyền thống kháng chiến”- cơ quan ngôn luận của Câu lạc bộ Những người kháng chiến cũ TP HCM). Nhà sử học cộng sản Đào Phan nghiên cứu sâu vào kho văn kiện Đảng đã phát hiện một sự kiện mà bấy lâu hầu hết đảng viên trong Đảng kể cả đảng viên trung cao cấp không hề hay biết: cụ Hồ bị :Trần Phú”đảo chính” năm 1930. Ngày 3-2-1930 lập Đảng, thông qua :Chính cương và Điều lệ vắn tắt” do cụ Hồ soạn thảo, lập ra Ban chấp hành trung ương đầu tiên. Tháng 10-1930, Trần Phú bỏ “Chính cương và điều lệ vắn tắtcủa cụ Hồ, thay thế bằng “Luận cương chính trị” do mình soạn, thay thế gần hai phần ba thành viên trong Ban chấp hành trung ương đầu tiên.  Cụ Hồ mấy năm ấy chỉ làm công việc như một “Hộp thư” (theo lời cụ phàn nàn trong thư gửi trung ương)

           Thế là, sự tuỳ tiện về tổ chức đã xuất hiện ngay từ khi Đảng còn trứng nước.

           Thế là, trong một cái Đảng không ngày nào không nghe thét lác dữ dằn và tụng niệm thành kính về nguyên tắc, thì sự tuỳ tiện về nguyên tắc, sự bất chấp luật pháp lại bắt đầu từ chính cái anh nắm tổ chức. Thì cứ xem Lê Đức Thọ đấy.

           Vì đâu, vì đâu lại có chuyện ngược ngạo đến vậy kéo dài suốt mấy chục năm ròng? Còn những gì nữa đây trong lịch sử Đảng bị bưng bít?

           Cuộc đổi mới tư duy hoá ra không dễ chịu, hoàn toàn không chút nào dễ chịu. Một hành trình gian nan gấp bội thửơ tìm đường. Phải tư duy lại từ gốc.  Từ chủ nghĩa. Từ Đảng và lãnh tụ. Từ dân tộc. Toàn những thứ bấy lâu chỉ được phép đặt lên bàn thờ mà khấn vái, xưng tụng.  Liệu có thể từ bỏ những tín niệm sai lầm đã thâm căn cố đế tận trong máu trong xương? Liệu có dám can đảm dứt da dứt thịt mình ra mà nghĩ? Vật vã. Đớn đau. Đắng cay, chua xót. Ngó ý như đã lìa mà tơ lòng còn biết bao vương vấn. Nhưng làm sao khác được, trước cái nhu cầu tự thân của một cuộc lột xác tinh thần không cưỡng nổi?

           Những đêm dài mất ngủ của tuổi bảy tám mươi, ngó trời cao, ngó đất dày, ngó cả cõi hư vô mình sắp phải bước vào mà cúi đầu suy ngẫm. Còn có gì phải kiêng kỵ trong suy ngẫm, ở cái tuổi này? Lật lên, lật xuống, lật qua, lật lại, mặt phải, mặt trái. Chủ nghĩa mà mình nguyện tôn thờ suốt đời, trúng chỗ nào, trật chỗ nào? Hay là trật ráo trọi? Đảng mà mình hiến dâng cả đời để gây dựng vun đắp, nếu gọi sự vật cho đúng tên, nó là Đảng gì? Đảng của công nhân hay thực ra là của nông dân? Xưng danh là Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng trong đảng có được mấy mống gọi là “nắm vững” chủ nghĩa Mác-Lê nin? Cái thằng bí thư thành uỷ bây giờ, vốn là chiến sĩ cảnh vệ kiêm cần vụ cho mình, khi kết nạp còn hô “xin thề trước bác Hồ, trước ba ông Tây”, nó biết gì về chủ nghĩa Mác-Lê nin? Đảng có công với dân tộc, nhưng có tội không? Công đến đâu, tội đến đâu?Và dân tộc? Dân tộc mình có nhiều đức tính ưu việt thật đấy, nhưng có chỗ nào khốn nạn không? Có gì đó bất ổn chăng trong bản tính dân tộc đã là nguyên nhân dẫn đến đại bi kịch này? Chủ nghĩa Xtalin, chủ nghĩa Mao nó đã thâm nhiễm vào cái Đảng này như thế nào và gây hoạ cho dân tộc này như thế nào? Mấy cha khoa học xã hội bấy lâu ăn cơm của dân, nhận tiền làm đủ các thứ  đề tài khoa học cấp nhà nước X,Y, Z gì đó mà sao vẫn làm lơ trước các chuyện hệ trọng này? Cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức làm chết oan biết bao mạng người tan nát bao gia đình với tính vô luân chưa từng có trong lịch sử dân tộc đã đưa một bọn tố điêu (tố cả cha mẹ chúng) thành cán bộ nòng cốt cho leo lên mãi, lên mãi, sao cũng chưa có một công trình khoa học nào động đến? Đường lối giai cấp trong công tác cán bộ là gì? Tại sao Đảng tự nhận là hiện thân của trí tuệ mà đối xử tệ mạt với trí thức có hệ thống như vậy? Tại sao trong Đảng không thiếu gì người tài đức mà những thằng vừa dốt vừa bê bối lại cứ luôn leo lên đầu người ta mà lãnh đạo?.v.v.?

            Tự vấn. Cật vấn. Nghĩ và nghĩ…

            Nghĩ thì phải nói, phải viết. Nói với ai? Viết gửi cho ai? Những chuỵên động trời này chỉ có gửi lên trên. Trên lại đút ngăn kéo, sau vài lời ghi nhận đãi bôi trên mảnh giấy in sẵn.

            Thế là phải chia sẻ, phải bàn thảo với một ai đó. Cũng chưa được.Ngồi nói xó với nhau thì được cái tích sự gì ? Cần phải bày tỏ công khai. Uỷ viên bộ chính trị còn viết sách cho in phát tùm lum nói sai cả đường lối, mình sao lại không có quyền phát biểu ý kiến riêng?  Quyền bảo lưu ý kiến riêng mà không gắn với quyền trao đổi phổ biến ý kiến ấy thì các ý kiến đúng đắn của thiểu số luôn bị triệt tiêu ngay từ mầm mống mọi khả năng trở thành sự đúng đắn của đa số, và đa số cứ rúc mãi vào lầm lạc.

             Nhu cầu tự do tư tưởng, tự do ngôn luận bức xúc ngay từ trong Đảng. Càng ngày càng bức xúc.  Càng cao tuổi càng bức xúc.  Lương tri càng quẫy mạnh, càng bức xúc. Không thể mang theo về thế giới bên kia cái gánh nặng ghê sợ của hàng đống câu hỏi không lời đáp, của bao điều nung nấu thiêu đốt tâm can mà không được nói ra.

            Tôi kể anh nghe một chuyện.

            Tôi có một cụ bạn vong niên. Tôi may mắn được gần cụ từ trong chiến tranh. Cụ là một trong số không nhiều cán bộ lãnh đạo mà tôi khâm phục cả đức lẫn tài. Lãnh đạo một địa phương là vùng chiến trường trọng điểm của miền Nam, cụ luôn đặt cơ quan chỉ đạo ở tuyến trước cho sâu sát, không sợ ác liệt, không sợ hy sinh. Chiến dịch Mậu Thân, cụ vào nằm hẳn trong thành phố. Có lần, trong một trận càn, tôi bị bom vùi. Bới đất ngoi lên được, lết qua trảng tranh rúc vào một bụi tre bên bực sông. Hoá ra trong bụi tre là căn hầm chữ A của cụ, với một chiến sĩ bảo vệ. Trên trời, máy bay phản lực gầm rú quần đảo ném bom liên tục. Ngó qua cửa hầm phía sau, thấy bên kia sông bộ binh Mỹ vừa được máy bay trực thăng đổ xuống đang giàn  đội hình. Cụ vẫn bình tĩnh nhìn tôi cười cười, bảo:”Ác liệt hung, hử? Mi lạc hậu quá, bữa ni hễ thấy nó bổ nhào là phải chạy nhanh ra khỏi luồng bom…”

            Sau chiến tranh, làm bí thư một tỉnh lớn, cụ đã chèo chống giữa sóng gió hiểm nghèo để lách khỏi những quy định vô lý của triều đình mà thực hiện hợp tác hoá theo cách riêng sao cho dân đỡ khổ, như định giá trâu bò nông cụ theo thị trường, xóa bỏ ăn chia sản phẩm theo định lượng để chia theo năng suất lao động. Khi được mời đi tham quan Liên Xô, cụ từ chối, nói:”Tôi không đến một đất nước đã vô ơn với đồng chí Xtalin.” Cụ thuộc và trích giảng cho tôi nghe bằng tiếng Pháp từng đoạn trong tác phẩm của Mác, Lê Nin, Xtalin. Ấy vậy mà rồi cụ rất ủng hộ Goóc-ba-chốp. 

Đọc Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, cụ rất tán thành, lại còn giới thiệu cho mấy ông bạn lão thành cùng đọc. Có lần, một anh bạn trẻ quan chức lớn trong làng báo vẫn thường tới lui chỗ cụ, cằn nhằn riêng với tôi:”Ông cụ dạo này khác quá, ông cụ lại chống Mác-Lênin mới kỳ chớ!”. Tôi hỏi cụ:”Thằng K nó than, anh bây giớ chống Mác-LêNin, có phải không?”. Cụ đĩnh đạc cười,đáp rất nghiêm trang:”Tao không chống Mác-Lênin thì tao đổi mới cái gì?”

            Tôi nghĩ một người như cụ, lòng yêu dân nước hiển nhiên không ở đầu môi chót lưỡi mà đã được minh chứng bằng cả cuộc đời. Trước kia cụ tin theo và hết lòng bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin là cũng bởi hết lòng yêu dân yêu nước mà thôi. Ở tuổi gần đất xa trời, cụ phải nói ra với lớp hậu sinh sự chiêm nghiệm bằng xương máu cả một đời cho lương tâm được nhẹ nhõm khi về với tổ tiên. Có vậy thôi.

            Còn nhớ, năm 1945 sau khi cách mạng tháng Tám thành công, cụ Phan Khôi được Mặt trận Việt Minh mời ra dự và phát biểu tại cuộc mít tinh lớn ở Đà Nẵng chào mừng ngày tuyên bố độc lập. Cụ tuyên bố tán thành độc lập dân tộc nhưng không tán thành cộng sản vì điều kiện kinh tế của Việt Nam không phù hợp với con đường cộng sản. (Xin đọc phần “Phan Khôi niên biểutrong sách “Chương dân thi thoạido nhà xuất bản Đà Nẵng vừa tái bản tháng 9-1996).  Và ông Phạm Văn Đồng thì đã viết thế này vào năm 1948:”Thực dân phản động Pháp hay tuyên truyền nói chủ tịch Hồ Chí Minh là cộng sản, là độc tài. Ở nước Việt Nam ngày nay, chỉ người mất trí khôn mới chủ trương cộng sản, đi ngược với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam,làm trái với ý nguyện toàn dân Việt Nam. Còn nói Hồ Chủ tịch là độc tài thì thật là mỉa mai: trong một bức thư gửi cho thanh niên Việt Nam, Người viết:”Sau đây là mấy ý kiến giúp các bạn thảo luận. “Hồ chủ tịch là dân chủ. Người bênh vực quyền lợi của mọi người Việt Nam, nhân quyền, dân quyền, tài quyền của người giàu và người nghèo, của người lương và người giáo, của người trung châu và thượng du.” (Xin đọc cuốn “Hồ chủ tịch, hình ảnh của dân tộc”, trang 28, tác giả Phạm Văn Đồng, Liên đoàn Văn hoá Kháng chiến miền Nam Trung bộ xuất bản năm 1948).

            Lại nói tiếp về ông cụ bạn vong niên của tôi.

            Cụ viết cho một người bạn mà cụ coi là tri âm những suy nghĩ mới của mình về chủ nghĩa Mác-Lênin. Người bạn này, trong một lúc thiếu bình tĩnh sao đó vào một thời điểm chính trị nội bộ căng thẳng, đã đem thư của cụ đi báo cáo cấp uỷ. Bí thư tỉnh uỷ liền ra một thông báo quy kết người tiền nhiệm của mình là có tư tưởng chống Đảng, mỗi lần cụ về thăm địa phương đều ngấm ngầm cho người theo dõi cản trở khéo các cuộc tiếp xúc rộng rãi giữa cụ và bà con, đồng chí. Mà cái anh bí thư tỉnh uỷ ấy là người như thế nào? Anh ta vốn từ một du kích trưởng thành lên, tỏ ra xuất sắc trong kháng chiến, chính ông cụ đã chú ý bồi dưỡng đào tạo cất nhắc tiến cử anh ta từ đội trưởng đội công tác, bí thư  xã, lên bí thư huyện rồi dần dần lên bí thư tỉnh, vào trung ương. Vợ anh ta là giám đốc một công ty quốc doanh làm ăn rất bê bối bị báo chí phanh phui, nhưng anh ta vẫn yên vị ngồi ghế “uỷ” hết khoá này sang khoá khác.

            Tôi kể sơ về hai gương mặt cán bộ Đảng cao cấp đối nghịch nhau trên vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin để các anh cùng tiện nhận xét. Giữa hai người ấy, ai am hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin hơn ai chẳng nói các anh cũng đã rõ. Trước kia hai người cùng thuộc phái:”Yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội”, nay một người thuộc phái”Yêu nước thì không yêu chủ nghĩa xã hội”, nói theo cách nói của ông Phạm Văn Đồng là để khỏi bị rơi vào hạng người “mất trí khôn”, còn người kia thuộc phái Thằng nào đa nguyên tao bắn bỏ mẹ”.

            Nhân dân mình gần đây có câu Chân ghế cao hơn chân lý”,”Chân ghế đè chân lý”.

            Để chặn cứng mọi ngả đường tìm kiếm chân lý, người ta duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin như  một quốc giáo, chăng cái lưới thép Mác-Lênin lên vòm trời tư duy của cả dân tộc trong khi không ngày nào không nói đến trí tuệ mà không biết ngượng. Hà Sĩ Phu nhận xét rất đúng rằng mấy anh to mồm hò hét bảo vệ sự vô địch của chủ nghĩa và độc quyền chính trị của Đảng chẳng qua chỉ là dựng cái bình phong để giữ nguyên ghế đặc quyền đặc lợi của họ chứ họ thiết gì chủ nghĩa. Ổn định chính trị nghĩa đen là ổn định ghế.

            Thư đã hơi dài, nhưng còn nhiều điều muốn nói. Xin hiến các anh một phút thư dãn bằng bài thơ vui của Hà Sĩ Phu viết cách đây hơn sáu năm(tôi photocopy luôn bản viết tay của tác giả) :

                                    VỢ CHỒNG VÕ SĨ NGỌNG

                                    Võ sĩ Ngọng, một lần vô địch

                                    Một lần thôi, mà thích cả đời!

                                    Huy chương vàng choé treo chơi.

                                    Hễ ai thách đấu anh thời mắng ngay:

                                    -“Đời đã có ta đây chúa tể,

                                       Còn bày trò đấu để nàm chi?

                                      Đấu tranh lào có hay gì.

                                     Để ta tự  nuyện, ta thì khỏe ra!

                                     Nàng võ nghệ tôn ta nàm chủ.

                                     Phải diệt ngay những gian tham!

                                     Thấy ghế vô địch thì ham,

                                     Bày trò thi đấu cốt nàm hại ta!”

                        Biết anh vậy, chẳng ma nào đấu,

                        Anh tự rèn đến … nhão bắp cơ.

                        Chân run, mắt cũng lờ đờ,

                        Một ngày mấy lượt, tay sờ… huy chương!

                        Vợ thấy thế, rất thương bèn bảo:

                        -“Mình ơi mình, danh hão làm chi!

                        Xuống đây, đấu với em đi,

                        Võ không thượng… võ ngồi chi thượng tầng?”

                                                *

                        Nghe nời, nòng cũng nâng nâng…(!)

                                                  5/1990

                                                Hà Sĩ Phu

            Nhìn vào đâu cũng gặp những biểu hiện ngồn ngộn của tính kịch hề mà cụ Mác đã tổng kết, tưởng đâu chỉ đúng với các thế lực quá”đát” bên châu Âu, ai ngờ… Dân ta bây giờ hàng ngày vừa làm khán giả (bất đắc dĩ) của một đại hài kịch, vừa là nạn nhân của một đại bi kịch mà chính cụ Mác báo động từ trăm năm trước:”Sự ngu dốt, đó là cái sức mạnh quỷ sứ, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch”. Thực ra bản thân sự ngu dốt nào có tội tình gì, nó chỉ là tình cảnh thương tâm của cái bộ phận nhân loại bị áp bức bị bóc lột. Bi kịch chỉ bắt đầu khi những kẻ ngu dốt được trao quyền lực-cái quyền lực phải trả gia bằng máu của hàng trịệu sinh linh lương thiện mới có.  Và sau khi gây ra biết bao thảm hoạ bằng cái thứ quyền lực không ai kiểm soát, bản thân nó trở thành nhân vật “vĩ vĩ đại” của một tấn kịch hề bởi muốn giữ quyền đến “muôn muôn năm” và kéo dài bi kịch cho muôn dân không biết đến bao giờ.

            Theo nhận xét của riêng tôi,vấn đề bao trùm của đất nước ta hiện nay là xã hội bị đặt dưới một guồng máy cai trị không có cơ chế hãm, cấu trúc của bản thân nó càng vận hành càng làm tê liệt mọi khả năng tự kiểm soát tự điều chỉnh, và không hề có hệ thống kiểm soát từ phía người bị trị.

            Có ý kiến nói đó là tình trạng Đảng trị. Nói thế chỉ đúng một phần, đúng với cái vỏ bề ngoài, và thật oan cho gần hai triệu đảng viên. Đảng có hai triệu đảng viên, nhưng hầu hết họ nào có quyền gì ngoài cái quyền thỉnh thoảng đi họp nghe phổ biến chỉ thị cấp trên, có ý kiến có thắc mắc gì thì may mắn lắm được ghi lại và đút ngăn kéo. Họ còn mất tự do hơn người dân thường vì bị trói buộc bằng đủ thứ nguyên tắc trong khi cấp trên của họ thì có thể nói traí làm trái nghị quyết mà vẫn ung dung ngồi ghế! Đúng như đánh giá của ông Trần Độ, nguyên trưởng ban Văn hoá Văn nghệ trung ương Đảng, phó chủ tịch Quốc hội: Đảng không những không còn sức chiến đấu mà không còn cả sức sống.

            Quyền lực trong Đảng (từ đó là quyền lực nhà nước) thâu tóm trong tay một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Ai là đại biểu đi dự đại hội cấp trên, ai vào cấp uỷ, vào thường vụ, ai ngồi ở Hội đồng, ở Quốc hội, ai giữ sở này bộ nọ ban kia, đều do sự sắp đặt kín nhẹm của một thiểu số ấy.

            Thế là Đảng chỉ còn cái danh. Thực chất, dưới cái danh xưng chung này đang tồn tại hai đảng: một đảng của thiểu số đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn theo nói leo, một đảng của đa số đảng viên thường không quyền không tiền. Giữa đảng viên của hai đảng này làm gì còn chút nào gọi là lý tuởng chung, là tình đồng chí, họ đã trở nên hoàn toàn xa lạ với nhau từ suy nghĩ, lẽ sống đến mức sống, cách sống. Sự giàu sang, quyền thế phè phưỡn của đảng viên ở phía này dựa trên sự cùng khốn về kinh tế, nhu nhược về chính trị của đảng viên ở phía kia.

            Gần đây, các quan chức không thấy xưng đầy tớ nhân dân nữa. Cụ Hồ trước khi mất dặn rõ trong di chúc:”Trong Đảng phải thực hành dân chủ”.Nhưng lấy ai thực hành lời cụ dặn? Thiểu số chức quyền thì miệng nói tập trung dân chủ, tay thì chỉ làm dân chủ hình thức, nghĩa là chỉ có tập trung, độc đoán, chuyên quyền. Còn đa số đảng viên thường thì không biết nắm lấy quyền dân chủ, lúc nào cũng nhắc đến cụ Hồ nhưng có lời di chúc quan trọng nhất của cụ thì không nhớ mà làm. Cụ dặn phải”chỉnh đốn Đảngnhưng người ta ỉm đi, lờ đi. (Không hề thấy đảng viên nào đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm về tội bất kính này đối với di chúc của lãnh tụ). Mãi hai mươi năm sau, các phần bị ỉm đi mới được công bố. Nhưng xem ra, việc chỉnh đốn có vẻ lại là chỉnh đốn ngược. Loại bỏ nhau bằng những thủ đoạn ám muội tinh vi, người tài đức bị ra rìa, kẻ vô tài thất đức nhoi lên, bọn cơ hội mọc như nấm sau mưa. Tài giỏi công lao lớn như Võ Nguyên Giáp,uy tín trong nước và trên thế giới chỉ đứng sau cụ Hồ, mà rồi như anh Hoàng Tiến cho biết đấy ,cũng bị người ta thông tin méo mó về mình trong các cuộc giao ban (thực chất là một kiểu lợi dụng tổ chức để tuỳ tiện nói xấu đồng chí sau lưng-mà nạn nhân của lề thói quái gở này không chỉ có mình tướng Giáp). Tiêu chuẩn lấy đức tài để chọn người chỉ còn là những mỹ từ trong nghị quyết, còn “ăn cánh”, “dễ bảo” mới là những tiêu chuẩn có giá trị thực. Đại hội tỉnh đảng bộ ở Lâm Đồng, ở Quảng Nam-Đà Nẵng kỳ nọ(khoá 7), bí thư cũ chỉ được số phiếu vào hạng gần chót và chót, bởi dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của đồng  chí đã xảy ra quá nhiều bê bối báo chí các nơi chỉ nói được phần nào, vậy mà khi họp cấp uỷ mới vẫn cứ được bầu lại làm bí thư, thật là một thách thức ngoạn mục đối với đại hội của cả một đảng bộ tỉnh, đảng viên bực tức lắm nhưng cũng cứ im re, chỉ dám than vãn nơi góc nhà vỉa phố với nhau.

            Nghị quyết đại hội nào cũng ghi phải thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và nhà nước.

            Nhưng làm thế nào người dân thực hiện được quyền giám sát ấy khi công cụ của họ là lá phiếu thì đã bị vô hiệu hoá bằng một điều luật vi hiến: các ứng cử viên phải qua “hiệp thương” ở Mặt trận Tổ Quốc- một cơ quan không do dân cử. Thậm chí dù đã dùng rào cản”hiệp thương” để dễ bề sắp đặt, mà có người trong hiệp thương không hội đủ tín nhiệm lại được chọn vào danh sách, người được tín nhiệm cao hơn bị gạt ra. Ứng cử viên nào đã được chọn ngầm trước mà ngó bộ có thể bị thất cử ở vùng này thì cho đổi qua đứng danh sách ở vùng khác, nơi chẳng mấy người dân biết vị ấy là ai. Các đại biểu gọi là dân cử ấy, thì vừa làm hành pháp vừa làm lập pháp, đá bóng là họ mà thổi còi cũng họ, xuân thu nhị kỳ mới họp một lần trước hàng núi vấn đề, về địa phương có tiếp xúc với cử tri cũng là cử tri chọn lọc, đơn thư của dân cứ chất cao mãi cao mãi mà sự giải quyết chẳng nhúc nhích đuợc bao nhiêu.

            Làm thế nào người dân thực hiện được quyền giám sát khi trong tay họ chẳng có lấy được một tờ báo của mình?

            Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vừa hô “cởi trói” được mấy tháng thì sợi dây trói đã lại thít chặt hơn. Tổng biên tập Nguyên Ngọc bị mất chức. Rôi lần lượt những Tô Hoà, Kim Hạnh, Thế Thanh… Không biết còn tiếp diễn đến bao giờ cái cảnh các Tổng biên tập hàng tuần phải ngồi giao ban để nghe đại diện cấp uỷ uốn nắn tin này bài nọ.

            Không có điều khoản cho ra báo lập nhà xuất bản tư nhân thì luật báo chí, luật xuất bản vi phạm hiến pháp.

            Nhà cách mạng cộng sản lão thành Nguyễn Văn Trấn (tức Bảy Trấn, dân thường gọi yêu là ông già chợ Đệm), người được Đảng giao làm tờ báo tiếng Pháp “LE PEUPLE” (Dân chúng) ra công khai không phải xin phép từ năm 1936 dưới chế độ thuộc địa, vì quá đau xót cho quyền tự do ngôn luận của người dân dưới chế độ “ưu việt” của ta bị tước đoạt (đúng hơn là bị vỗ nợ), đã không quản cái tuổi 83 già yếu, ngồi viết cả một cuốn sách 500 trang với nhan đề tha thiết :”Viết cho mẹ và Quốc hội” chỉ để cuối cùng yêu cầu Quốc hội ra một sắc lệnh cho người dân được ra báo mà không phải xin phép.

            Một số bạn bè đồng chí cũ của tôi trong giới đương quyền thường đưa ra với tôi một lý lẽ: mở rộng dân chủ là loạn, là bọn tay sai đế quốc chính trị xôi thịt ở nước ngoài sẽ về nắm quyền, sẽ làm thịt chúng ta,mà nó làm thịt ông trước đấy. Bọn chính trị xôi thịt thì nơi nào thời nào chẳng có, đứa áo trắng đứa thẻ đỏ, nhưng tôi chẳng sợ mình bị làm thịt, tôi chỉ buồn cười cho mấy người vừa to miệng hô “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà lại coi dân như một lũ mù (thực ra là họ sợ dân được tự do).  Bộ 70 triệu dân Việt Nam là một lũ mù hết cả hay sao mà lại cứ  nhè bọn tay sai đế quốc, bọn chính trị xôi thịt để bầu cho nó nắm quyền rồi làm thịt lại mình?

            Những người cộng sản ở một số nước Đông Âu gần đây lại được nhân dân tín nhiệm, chứng tỏ đa nguyên đa đảng đâu có gì đáng sợ đối với Đảng cộng sản. Đa nguyên đa đảng chỉ đáng sợ với thứ cộng sản xôi thịt độc tài thẻ đỏ tim đen, còn những người cộng sản chân chính thực lòng vì dân vì nước, thực lòng muốn thực hiện, và đủ bản lĩnh thực hiện hoà giải hoà hợp đại đoàn kết dân tộc thì không những không sợ mà còn sẵn sàng chấp nhận một cuộc thi đua chính trị, sàng lọc chính trị minh bạch qua lá phiếu tự do của người dân.

            Tuy nhiên, thôi thì…

            Thôi thì, trước mắt nếu những người cầm quyền hiện nay sợ quyền giám sát của nhân dân thì hãy thử chấp nhận quyền Đảng giám sát Đảng.

            Giả dụ thế này, liệu nên chăng:

            Đảng tách ra làm hai

            Một Đảng của các quan chức đặc quyền đặc lợi.

            Một Đảng của đảng viên thường.

            Một Đảng theo con đường xã hội chủ nghĩa,chuyên chính vô sản, quốc doanh là chủ đạo, bắt dân đóng thuế bù lỗ cho cái chủ đạo đó, và giữ hai bộ máy Đảng-Nhà nước song trùng.

            Một Đảng chủ trương dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh, nhà nước dân chủ pháp quyền, đẩy mạnh tư nhân hoá.

            Mỗi Đảng đưa ra một cương lĩnh, một giàn nhân sự riêng của mình cho dân tự do lựa chọn. Như thế đâu có sợ bọn tay sai đế quốc ở ngoài về xía vô? Dân chọn đảng nào thì đảng ấy cầm quyền, còn đảng kia giám sát. Làm vậy, chống tham nhũng hiệu quả hơn là cái chắc.

            Các anh ơi, chúng ta suy nghĩ đã nhiều, trăn trở đã nhiều. Và còn trăn trở cả đời. Nhưng chẳng lẽ cứ trăn trở hoài mà không làm gì, hoặc làm những việc vô thưởng vô phạt?

            Phải làm gì chứ, bằng cây bút, tất nhiên. Chúng mình có gì khác ngoài trang giấy và cây bút, và dứt khoát không dùng vũ khí nào khác ngoài cây bút.

            Sự thể đã rõ ràng là khó lòng trông chờ việc ban phát tự do dân chủ từ phía những người cầm quyền. Dân chủ tự do là món nợ mà những người cầm quyền mất chất cách mạng đã vỗ nợ nhân dân, là món nợ mà chúng ta, với tư cách là những người cách mạng, đã mắc nợ nhân dân. Từ thuở nếm mật nằm gai được nhân dân đem xương máu ra đùm bọc che chở, chúng ta đã hứa hẹn với nhân dân các quyền ấy. Nay không cùng với nhân dân, tiền phong guơng mẫu đi trước nhân dân đấu tranh đòi trả món nợ ấy cho dân, thì chúng ta mang tội lớn.

            Chúng ta thường nói với nhau: trí thức nước mình hèn quá. Một ông nhà văn mà tôi và các anh đều biết, đi đâu gặp ai người ta chưa kịp nói gì đã vội tự nhận mình là thằng hèn. Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng) bình luận về hiện tượng này: cái thằng ấy nó làm thế để được tiếp tục hèn hơn nữa.         

Nhưng xem ra, chúng ta đã hèn đến mức không thể hèn hơn.

            Một số anh em trong chúng ta mấy năm qua đã tỏ ra không biết sợ. Vì lương tri họ không chết. Tiêu biểu là những Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Hiếu.v.v Và vừa rồi, chính các anh, khi đi thăm Hà Sĩ Phu, các anh đã tỏ ra không biết sợ. Anh Hoàng Tiến đã nói thẳng sẵn sàng chấp nhận sự đàn áp, với lòng thanh thản.  Ở Đà Lạt, anh Tiêu Dao Bảo Cự bạn tôi cũng một tinh thần ấy.

            Có một câu hỏi cứ dày vò tôi mãi.

            Vì sao, vì sao một dân tộc bất khuất đến vậy, kiên cường đến vậy trước mọi thế lực ngoại xâm mà lại cứ cúi đầu nín nhịn, cam chịu dưới ách áp bức của một thế lực nội xâm? (Tôi coi guồng máy cai trị độc tài là thế lực nội xâm nguy hại nhất cho nền độc lập, bởi luôn nhớ lời Cụ Hồ dạy rằng nước được độc lập mà dân không được tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không nghĩa lý gì).

            Cái trở lực bí ẩn nào đã ngăn chặn nguồn sức mạnh của lương tri dân tộc trong đấu tranh giành độc lập chuyển hoá thành sức mạnh trong đấu tranh giành tự do dân chủ?

            Tôi không tin dân tộc ta là một dân tộc cam chịu trước thế lực nội xâm.

            Phải chăng, sứ mệnh hệ trọng nhất của ngòi bút chúng ta, là bằng mọi thể loại, phải góp phần tạo dựng một đời sống tinh thần nhằm giải mã cho được cái ổ khoá bí ẩn kia, đặng mở thông cánh cửa cho sự chuyển hoá nguồn sức mạnh của lương tri dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập thành sức mạnh trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ. Ở đây, một lần nữa, lương tri dân tộc lại hội tụ với lương tri nhân loại.

            Vừa viết tác phẩm dài hơi, chúng ta vừa cần lên tiếng về những vấn đề cấp bách, phải không các anh? Cấp bách nhất là vấn đề ra báo tư nhân, xuất bản tư nhân.

            Mỗi người chúng ta cần có tiếng nói của mình, đã đành. Nhưng tại sao chúng ta không cùng nhau đi tới một tiếng nói chung, cùng nhau ký tên và vận động những ai đồng ý cùng ký tên, dưới một văn bản yêu cầu Quốc hội sớm sửa luật báo chí xuất bản hiện hành, bổ sung điều khoản đảm bảo quyền ra báo tư, lập nhà xuất bản tư không phải xin phép? Tôi cho đây là việc bình thường, có thẻ và rất cần làm, giống như trước đây chúng ta đã cùng nhau ký tên đòi đi chiến đấu giành độc lập.

            Rất mong được trao đổi ý kiến với các anh. Và với tất cả các đồng nghiệp cùng bạn đọc gần xa đã đọc bức thư ngỏ này.

                                                      Đà Lạt,16-11-1996

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ