LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư HSP gửi Lê Hồng Hà


Thư Hà Sĩ Phu

                                       Đà lạt ngày 18 tháng 5 năm 1998

                                          Kính gủi anh Lê Hồng Hà

     Nghe tin anh được trả tự do, mà lại được “tự do” trước hạn mấy tháng thì lại càng mừng. Tôi được thả trước, nếu bình thường ra (như ở những nơi bình thường trên hành tinh này) thì tôi đã ra Hà nội để thăm , để ‘nổ sâm-banh’ và mừng với anh rồi, cái tình người tự nhiên là phải thế. Song, cái tự nhiên bình thường ấy ta chưa có được, mặc dù có văn bản nào cấm đoán đâu ! Nhưng thôi , cái sự mất tự do một cách phi văn bản ấy cũng là một trong những nét “đậm đà bản sắc dân tộc” của ta hiện nay, chưa dễ gì khác được !

      Vậy xin anh hãy thầm nâng cốc với tôi bên những dòng chữ này.

     Tháng 1 năm nay, sau khi ở tù ra anh đã gửi một đơn lên các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tối cao, trình bày rõ sự phi lý của vụ án và đề nghị hủy nó đi. Nhiều cán bộ, trí thức, đảng viên ... như các ông Nguyễn văn Đào (nguyên Thứ trưởng bộ Nội thương rồi Ngoại thương), các cựu chiến binh Phạm Vũ Sơn, Trần Bá ..., các nhà văn Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự ... đã có những bài viết gửi lên Trung ương phân tích kỹ vụ việc này. Ây là chưa kể những bài viết của người Việt mình ở nước ngoài, vì lý do “tế nhị” chưa cần đề cập ở đây (có lợi cho ta thì ta gọi là yêu nước, bất lợi cho ta thì ta gọi là phản động). Các luật sư Xã hội chủ nghĩa của chúng ta , những người chắc chắn trăm phần trăm không phải là phản động, đã nói trong phiên tòa rằng không nên có vụ xét xử này vì nó thiếu cơ sở pháp lý và gây phản tác dụng .

      Trước những đơn từ, ý kiến ấy của mọi người, chắc không khỏi có nhiều người đặt ra câu hỏi : Vậy ý kiến và phản ứng của Hà Sĩ Phu trong việc này thế nào ? Ngày tôi còn bị giam ,ngay cả một cán bộ an ninh cao cấp cũng đã dè chừng trước với tôi về khả năng tôi sẽ kiện cáo sau khi được thả. Vậy mà đến bây giờ tôi vẫn không nói gì .     

    Hiện nay, mặc dù được “bảo vệ” rất cẩn mật, tôi vẫn giữ thái độ bình thản, không kiện cáo gì, không nói rõ lòng mình với ai . Nhưng giữa tôi với anh, là hai người tuy trước đây chưa có quan hệ quen biết , nhưng nhờ “vụ án” này cũng đã may mắn được ghép lại thành hai người trong cuộc (tất nhiên cùng với anh Nguyễn Kiến Giang nữa), thì giữa hai người “trong cuộc” cũng nên tâm sự với nhau một chút, phải không thưa anh Lê Hồng Hà ?

      Trước hết phải khẳng định ngay rằng tôi trân trọng những lý lẽ xác đáng và thái độ thẳng thắn, xây dựng ,chân thành, thượng tôn pháp lý trong văn bản nói trên của anh và của các anh em khác. Trước tòa án , chắc anh còn nhớ, tôi cũng đã bộc lộ thái độ thượng tôn pháp luật như thế một cách kiên quyết. Tôi nói rõ tính phi pháp của việc bắt bớ : công an gây ra một vụ tông xe giật túi của công dân, rối lấy cớ bắt vào đồn, khám túi xem “có bị mất gì không“ và “ để xem trong túi anh có cái gì mà kẻ gian kia định lấy”! (Ở đây tôi là công dân bị nạn , đã được nhà nước bảo vệ và săn sóc hơi quá mức). Tôi đã nói rằng như vậy là gây ra một tiền lệ rất nguy hiểm, công dân nào cũng có thể bị khám xét bất kỳ lúc nào mà người cầm quyền thích khám. Nếu tôi có quyền , tôi chỉ cần thuê một thằng trẻ con đứng thập thò ngoài cửa nhà anh, rồi tôi đến véo tai hỏi nó định làm gì, nó bảo nó muốn vào nhà anh ăn cắp, thế là tôi có cớ xộc vào khám nhà anh để xem “anh có bị mất gì không” và để xem anh “có cái gì mà kẻ gian muốn lấy”. Thế là tôi có thể “mượn” đi tất cả những gì của anh mà tôi thấy là cần để điều tra, một cuộc mượn không có ngày trả lại !

    Tại cuộc bắt tôi, chỉ trong nháy mắt mà người bị chiếm đoạt đã chuyển hóa thành kẻ đi chiếm đoạt  và ngược lại. Biên bản lúc bắt tôi người ta cố tình không giao cho tôi một bản , sau này tôi đòi mãi mà người ta cứ quên hoài (Tính hay quên thế mà lại làm nghề bắt người thì có nguy hiểm không ?).

       Việc mời luật sư của tôi cũng vậy. Tôi yêu cầu mời luật sư (có tên đích danh) trước ngày xử một tháng. Luật sư Nguyễn Thế Hùng ở ngay Hà nội (về sau tôi mới biết chính là luật sư đang làm việc với anh về vụ của chúng ta) vậy mà họ làm như không biết , rồi cứ lý do này lý do khác , cuối cùng chỉ 10 phút trước khi ra vành móng ngựa tôi mới được tiếp xúc lần đầu tiên với luật sư ! ( Những thủ tục này nếu ta xem trong luật thì sẽ thấy rất yên tâm vì thấy không có luật pháp ở đâu lại quý trọng dân quyền như ở Việt nam mình, nhưng luật ở ta mà cứ nhìn vào câu chữ công khai thì ...!!!). (Tiện đây tôi muốn nhờ anh và bạn bè ở Hà nội gần Trung ương nhắn với các đại biểu quốc hội rằng đừng cắm cúi xuống văn bản mà say sưa quá với việc thêm con chữ này bớt con chữ kia như người làm nghề sửa ‘ morasse’ như thế làm gì. Khi con tàu định hướng đã chuyển bánh thì chỗ nào ghế gỗ chỗ nào ghế đệm, cửa sổ nên sơn màu gì chỉ là chuyện vặt.)

      Nếu là Bao Công , nhân vật huyền thoại của khát vọng pháp trị, thì khi thấy phạm nhân tố giác ra những điều như thế chắc Bao Công đã có trát đòi ngay những kẻ bắt người như thế để xét hỏi và cuối cùng thì kẻ ngoài tù và kẻ trong tù chắc đã phải đổi chỗ cho nhau. Nhưng anh tưởng tượng nếu cả Bao Công lẫn tên lính bắt người nọ đều chỉ là những mắt xích thừa hành những công đoạn khăng khít của một kế hoạch chung thì tình hình làm sao có thể khác hơn được (Một hôm xem TiVi thấy cánh sinh viên họ bảo dòng dõi Bao Công bây giờ đã thành Bao Cấp, Bao Che và Bao Caosu cả rồi mà tôi không nhịn được cười vì tôi nghĩ đến cái tính đàn hồi chun dãn siêu đẳng của luật pháp). Tam quyền không phân lập mà chỉ phân công thôi thì sự thể tất nhiên phải thế.

     Khi tôi giành thời giờ trước tòa cho việc tố giác đó, Chánh án đã gạt đi và hỏi khéo rằng : có phải nguyện vọng của anh muốn tòa xét xử cho anh được công minh chứ gì. Tôi đã nói :” Các ông xử tôi nặng nhẹ thế nào tôi không quan tâm, đối với tôi điều quan trọng là tôi phải là một người trung thực.”. Thấy kẻ phạm nhân chỉ có một nguyện vọng quyết làm người trung thực, bất kể vì trung thực mà phải chịu tội nặng nhẹ ra sao mặc lòng, bà Hội thẩm nhân dân gật gật đầu (chắc là gật đầu trước nguyện vọng ấy của tôi).

      Nhưng ai nói gì thì nói, phiên tòa vẫn tuyên án như mọi người đã rõ, như con tàu đã nổ máy là phải tới ga cuối cùng, thợ lái tàu là ai cũng vậy thôi, chạy êm một tý hay xóc một tý chỉ là chuyện kỹ thuật.Theo nhận định của nhiều người (trong đó có nhiều anh em công an) thì vì nói những lời tố giác khó chịu đó trước tòa mà tôi bị thêm ba tháng tù ! Nếu vậy thì cũng chẳng sao, vì ngay từ lúc đó tôi đã chọn cho mình thái độ thẳng thắn đến cùng nhưng không chống án, vì mấy lẽ sau đây :

   1)  Trước tòa án, khi đã tuyên bố rằng việc tòa xử nặng nhẹ thế nào không phải là điều tôi quan tâm thì điều đó đã hàm ý bất chấp kết quả xét xử , và sẽ không cần gì đến sự chống án. Đến nay tôi vẫn giữ thái độ đó.Đấy là lý do thứ nhất.

   2)  Xưa nay sự chống án được ngầm hiểu là : cấp dưới có thể xử sai, nhưng hy vọng cấp trên nghiên cứu kỹ hơn sẽ xử đúng hơn. Nhưng trong vụ này tôi không hy vọng như thế. Tôi hiểu rằng việc này tất đã có sự nhất trí chỉ đạo cẩn thận kỹ lưỡng, công việc này là từ trên xuống, không phải từ dưới lên, nên chống án lên cấp trên là vô ích. Đó là ý nghĩ thứ hai.

  3)   Dù có bày ra cớ này cớ khác thì ai cũng hiểu rằng cả ba “ phạm nhân hình sự “ này (Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang) đều là ba người viết lý luận, ở những mức độ khác nhau đã phê phán ý thức hệ Chuyên chính Vô sản. Ai cũng hiểu rằng một xã hội đã chọn một hệ tư tưởng có sẵn làm  cương lĩnh quán xuyến toàn bộ đời sống xã hội, rồi hiến định nó, luật hóa nó, vật chất hóa nó thành guồng máy quyền lực ... thì quyền “tự do tư tưởng” chỉ còn có nghĩa là tự do tuân theo, tự do nhảy nhót, tự do hót líu lo trong cái vòng ý thức hệ ấy. Cái đó người ta gọi là “Ý thức hệ trị”.

Đã  “Ý thức hệ trị” thì Ý thức hệ là khuôn phép cao nhất, là cái được “thượng tôn” của xã hội ấy, không có cái gì được phép đứng cao hơn nó, làm gì có thể có sự “thượng tôn pháp luật” ?. Pháp luật cùng lắm là ở ngôi vị “trung tôn” thôi, để làm cái chức năng hết sức thiêng liêng là một công cụ sắc bén bảo vệ Ý thức hệ thượng tôn kia, điều đó về cơ bản đã phủ định nguyên tắc pháp trị rồi. Một khi anh đã va đụng vào cái ông “thượng tôn” thì mấy anh “ trung tôn” sức mấy mà dám đứng ra cãi cho  anh được ? Đấy là cái lẽ thứ ba khiến tôi không viện gì đến pháp lý để khiếu nại nữa.

    4)  Khi ra tù, về nhà tôi mới biết vợ tôi đã làm được một việc rất có ý nghĩa. Sau khi dự phiên tòa , biết rõ chồng mình đã bị bố trí bắt một cách mưu mẹo tệ hại như thế nào, biết rõ việc làm của chồng mình từ trước chí sau là việc trong sáng của người trí thức, vợ tôi đã viết một đơn kêu oan chân thành và thống thiết gửi đến các cơ quan Hành pháp và Tư pháp (có lẽ vợ tôi cũng nghĩ rằng cơ quan Lập pháp chẳng có quyền gì thiết thực nên không gửi), yêu cầu hủy vụ án và trả tự do ngay cho người bị giam. Tôi gửi anh nguyên văn lá đơn đó để anh xem (đơn viết ngày 30-9-1996). Nhưng viết để mà viết thôi, chứ con tàu phải đến ga nào thì nó cứ đến ga đó, con tàu chuyên chính có phải là thứ dễ phanh lại đâu. Một lần nữa, ý nghĩ của tôi về sự bất lực của công lý và tình người đã được chứng thực. Đấy là lý do thứ tư khiến tôi không bận tâm khiếu nại gì nữa.

      Cả 4 lý do trên đều có vẻ buồn, nó nghiêng về phía tuyệt vọng. Thế mà tôi không buồn vì tôi còn hai lý do khác để mà vui.

    5)  Anh Hồng Hà ạ, tôi cứ thích thú mãi cái tội danh “làm lộ bí mật” ! Mình dù văn dốt vũ dát thì cũng mang danh kẻ theo đòi khoa học. Mà khoa học là gì, nếu không phải là công việc cố tình làm lộ hết bí mật này đến bí mật khác của tự nhiên và xã hội, cứ làm lộ ra những bí mật của giời đất và của lòng người. Suốt đời làm khoa học mà chưa “làm lộ” được cái gì có ích cho dân cho nước thì buồn quá. Biết rằng nhiều vấn đề chưa thể đánh giá ngay hôm nay, nhưng làm khoa học mà được tiếng  là kẻ “làm lộ bí mật” thì mừng quá rồi, việc gì mà cãi. Còn việc làm lộ cái bài viết của ông Võ văn Kiệt (với tư cách đảng viên nói với đảng của mình) thì đến nay khắp thế giới kể đã hàng vạn người đã đọc (và nguồn làm lộ tất nhiên là từ Trung ương, tức là từ  nơi đã chủ trương quy tội chúng ta), mà chắc chẳng ai tìm thấy trong văn bản đó một “bí mật nhà nước” nào, chỉ có tôi là người cũng được mắc cái tội “cố ý làm lô bí mật nhà nước” là chưa đọc thôi ! Chuyện khôi hài như chuyện con nít như vậy thật chẳng đáng tranh cãi nữa !

    6)  Điều cuối cùng , điều này tôi đã nói với người sĩ quan an ninh hỏi cung : tôi bảo lưu ý kiến đã trình bày trước tòa rằng tôi không có cái tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, nhưng tôi không chống án vì tôi nghĩ đây là cuộc xung đột nội bộ, như anh em trong nhà nóng lên mà đánh nhau, thì phải ngăn không để ông ấy đánh mình đau hơn, rồi lựa lời lựa lúc mà khuyên can, mà chỉ ra cho ông ấy biết ông ấy đánh mình là sai, chứ kiện cáo làm gì cho thêm mệt . Tôi nói đại ý như vậy không biết người sĩ quan kia có hiểu hết điều tôi nói không. Bản chất của vụ án này là Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt nam trừng trị người dám phê phán Ý thức hệ của Đảng. Thế là chỉ vì một anh ngoại lai mà người ruột thịt đánh nhau, trừng trị nhau. Con cháu máu mủ Lạc Hồng , trừ những kẻ rước những thứ tàn ác ở bên ngoài về ,dựa vào đó để ăn trên ngồi trốc ra, còn toàn là người yêu đất nước mình cả, nếu không có cái lý thuyết đấu tranh giai cấp cực đoan từ ở đâu nhập vào thì những người cùng yêu đất nước ấy,cùng vừa ra khỏi tai họa chiến tranh thảm khốc, nhất định đã đoàn kết , nhất định đã thương yêu nhau hết mực rồi.

Nay có người anh em ruột thịt của mình, vì tiêm nhiễm cái bên ngoài mà đánh người bên trong, mà cố sức đẩy người mình không thích thành thù địch, thì những người tỉnh táo phải bình tĩnh, nói rằng : Anh đánh tôi là anh nóng, anh sai đấy,tôi sẽ giải thích anh nghe, anh nghĩ lại đi ! Chứ kiện nhau thì ai phân xử cho mình, chẳng lẽ lại nhờ anh hàng xóm ?

        Tất nhiên việc người anh nóng nảy kia bao giờ biết nghĩ lại, có nghĩ lại được không thì còn nhờ vào âm đức, vào hồng phúc của gia đình ấy (vì cái ghế lợi quyền chính là mụ phù thủy gian ác lúc nào cũng kè kè bên cạnh). Nhưng cứ nghĩ thế là trong lòng tôi ấm lại, dẹp chông gai đi : vừa lựa lời bảo nhau vừa phải biết chờ đợi nhau chứ biết làm sao . Nhiều người lãnh đạo cũng đã nói “phải biết chờ đợi nhau”, nhưng quan trọng không phải chỉ là chuyện “chờ” mà phải “biết chờ”. “ Biết chờ ” thì không phải là há miệng để “chờ ... sung “ ,” biết chờ” cũng là biết làm rõ : trên con đường tiến hóa của dân tộc hiện nay thì ai chờ ai  đây ? (cứ lăm lăm khẩu hiệu Ai thắng ai thì lại không thắng được mình! Không thắng được mình thì nghìn năm ta vẫn cứ là ta thôi, càng hiện đại hóa càng lưu manh hóa). Anh có nhớ trong lời tuyên án cuối cùng, Chánh án đã gọi chúng ta là “bọn chúng” ?,tôi cố nén đi một tiếng cười, tôi không đau xót gì cho mình chỉ đau xót cho đất nước. Cứ nghĩ miên man thế khiến tôi không vội gì trong việc yêu cầu sửa sai cho mình bây giờ. Chuyện đâu còn đó, bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã được truy thưởng rồi... Tôi nghĩ cách ứng xử của anh và của tôi đều cần thiết cả.

       Không cần “nổ sâm banh” anh Hồng Hà nhé, nhưng mời anh cứ nâng ly lên, sóng sánh tình người, chúc anh mau phục hồi sức khỏe và hẹn ngày tái ngộ.

                            Một “Người trong cuộc“ tình cờ của anh

                                              Hà Sĩ Phu

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ