LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư khiếu nại, hỏi về luật pháp


Thư khiếu nại luật pháp về quyền tự do đi lại
(LÊN MẠNG THỨ HAI 16 THÁNG HAI 2004)

Tình trạng sử dụng pháp luật tuỳ tiện để kiểm soát và khống chế các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước vẫn cứ tiếp diễn một cách trắng trợn. Trong đơn khiếu nại "Thư Hỏi Về Pháp Luật" đề ngày 5/2/2004 của bà Đặng thị Thanh Biên, vợ của TS Nguyễn Xuân Tụ (tức ông Hà Sĩ Phu) gởi cho các cơ quan công quyền tại Việt Nam, "thủ tục khai báo tạm vắng" đã chứng minh rất rõ về những vấn đề sai lầm nghiêm trọng của nền pháp luật Việt Nam khi cố tình bóp nghẹt quyền tự do đi lại của công dân.

Cũng cần nhắc lại, là cuối năm 2003, vì ông Hà Sĩ Phu đau yếu nên bà Thanh Biên đã đưa ông từ Đà Lạt ra Hà Nội chữa trị. Trước khi đi hai vợ chồng ông Hà Sĩ Phu đã báo sự vắng mặt với Tổ trưởng dân phố và khi về đến Đà Lạt cũng đã thông báo. Thế mà vợ chồng ông Hà Sĩ Phu lại bị Công an phường gọi lên để kiểm điểm về tội không thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, lập biên bản, và cả hai đều bị một quyết định "xử phạt vi phạm hành chính", mỗi người phải trả 60,000đ. Tuy nhiên, sau khi bà Thanh Biên gởi đơn khiếu nại đi khắp nơi thì cuối cùng, ngày 2/2/2004 Công an phường cũng đã hủy bỏ quyết định xử phạt này, vì "đây là lần vi phạm đầu tiên nên được khoan hồng, chứ lần sau thì dứt khoát phải chấp hành cho đúng 'thủ tục khai báo tạm vắng'".

Sau đây là nguyên văn lá thư khiếu nại lần thứ 2 của Bà Ðặng Thị Thanh Biên

THƯ HỎI VỀ PHÁP LUẬT
(Tiếp theo đơn khiếu nại ngày 16-1-2004)

Kính gửi :
- Các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
- Các cơ quan Pháp luật.
- Các cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng và Tp. Đà Lạt.
- Đảng ủy, UBND và Công an P.2, Đà Lạt.
- Báo chí và Công luận.

Tôi là Đặng Thị Thanh Biên, 61 tuổi, cán bộ hưu trí, hộ khẩu tại 4E Bùi Thị Xuân, P.2, Đà lạt, Lâm Đồng.

Cuối năm 2003, chồng tôi là ông Nguyễn Xuân Tụ, 65 tuổi (tức Hà Sĩ Phu) bị đau yếu, đã điều trị mấy tháng ở Đà Lạt không thuyên giảm. Cuối cùng ngày 10-12-2003 tôi phải đưa chồng tôi ra Hà Nội chữa trị. Trước khi đi tôi đã báo sự vắng mặt của hai vợ, chồng tôi với Tổ trưởng dân phố và những gia đình xung quanh. Hai tuần sau, vừa về đến Đà Lạt, tôi lại báo ngay với Tổ trưởng dân phố rằng chúng tôi đã về. Tôi nghĩ : mình chu đáo đến thế này chắc phải được tuyên dương. (vì nhiều người xung quanh chúng tôi đi vắng quanh năm nhiều lần như đi chợ nhưng chẳng ai trình báo một câu nào, mà cũng chẳng Công an nào nhắc nhở cả !).

Chẳng ngờ, ít ngày sau chúng tôi bị Công an phường gọi lên, nhưng không phải để tuyên dương, mà để kiểm điểm về tội không thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, lập biên bản, lấy lời khai chi tiết (như hỏi cung hình sự), và cuối cùng hai người chúng tôi mỗi người bị một quyết định "xử phạt vi phạm hành chính", mỗi người phải đem 60,000đ ra nộp tại Kho bạc Nhà nước, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế ! (Xin thưa : tôi và chồng tôi là những công dân đang được hưởng đầy đủ mọi quyền công dân mà luật pháp bảo vệ.)

Tôi đã viết ngay đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi , và cuối cùng thì ngày 2-2-2004 Công an phường cũng đã mời tôi lên để hủy bỏ quyết định xử phạt này. Nhưng hủy lệnh phạt không phải vì xét thấy chúng tôi không có lỗi, mà vì "đây là lần vi phạm đầu tiên nên được khoan hồng, chứ lần sau thì dứt khoát phải chấp hành cho đúng thủ tục khai báo tạm vắng".

Điều khiến tôi không thể ký vào biên bản sáng ngày 2-2-2004 chính là nội dung của cái gọi là "thủ tục khai báo tạm vắng" này. Thủ tục này nếu quả thật đã thành luật pháp thì nó chi phối cả 80 triệu người Việt Nam, liên quan đến mỗi người dân Việt Nam, chứ không riêng gì trường hợp chúng tôi. Nội dung của "Thủ tục" này đã được nói rõ trong lời đại úy Công an Hàn Văn Khanh, thuộc phường 2, Đà Lạt (xin trích đơn khiếu nại của tôi ngày 16-1-2004) :

"... Ông Khanh chỉ cho chồng tôi xem một điều khoản trong một Nghị định và giải thích thêm : "Đấy chú xem, hễ là công dân Việt Nam trên 15 tuổi, đi khỏi nơi cư trú một ngày thôi là phải trình báo. Không thể trình bằng miệng mà phải làm đơn, vì đây là việc xin và cho, xin phép thì phải xin nơi có quyền cho phép, phải là nơi có con dấu, tổ trưởng dân phố làm gì có con dấu mà cho phép chứ ?...". "... Bất cứ công dân nào, đi khỏi nhà một ngày là phải có phép của Công an, Công an không cho phép, không ai được đi !..."

Tất nhiên chúng tôi hết sức ngạc nhiên và không hiểu nổi cái thủ tục này. Quả thực khi nghe những lời ấy, tôi không còn tin ở tai mình nữa. Nhưng không, người Công an kia cứ nhắc đi nhắc lại nội dung ấy rất nhiều lần, cả bằng lời nói và chữ viết, phát ngôn một cách quả quyết, đầy tự tin ở cái quyền lực bất khả thảo luận ấy của người "cảnh sát khu vực" ! Ngay cả buổi sáng ngày 2-2-2004, khi tuyên bố hủy quyết định xử phạt 60,000đ thì ông Khanh vẫn cứ khẳng định thủ tục ấy như đinh đóng cột : "Lần sau chú có ốm, cô cũng phải làm đơn xin phép trước khi đi, trừ trường hợp chú phải đi cấp cứu !". Tôi nghĩ bụng : Quái lạ thật, thế thì không phải nguời Công an này lỡ lời, mà ông ấy phải có trong tay những văn bản xác thực, được các cấp lãnh đạo trực tiếp giáo dục nhận thức này, và trao cho anh ta sứ mệnh này ! Chẳng nhẽ luật pháp nhà nước ta lại quy định thế này thật ư ? Không tin, tôi phải hỏi cho ra nhẽ ! Trước sự khẳng định rất cố ý của nguời Cảnh sát khu vực, buộc lòng tôi phải đưa vấn đề này ra trước các cơ quan có trách nhiệm và truớc Công luận để tìm hiểu. Vì một loạt câu hỏi buộc phải đặt ra, buộc phải có câu trả lời ngay, để quyết định thái độ thực hiện hay không thực hiện cái Thủ tục mà rất có thể Công an trên khắp nước sẵn sàng yêu cầu mỗi người công dân thuộc địa bàn phường, xã của mình phải thực hiện (vì đã thành pháp luật mà ?).

Tôi có 3 ý nghĩ sau :

1/- Bất cứ ai trên 15 tuổi ra khỏi nhà một ngày là phải có phép của Công an ư ? Nếu đúng thế thật thì tôi thấy còn khổ hơn thời phong kiến, khổ hơn thời Pháp thuộc. Bao nhiêu xương máu đổ ra chẳng lẽ để giành cái tự do này ư ? Những chiến sĩ Cách mạng trước khi hy sinh liệu có biết rằng sau này bố mẹ mình, con cái mình ra khỏi nhà một ngày phải xin phép Công an không ? Hiến pháp đã khẳng định "quyền tự do đi lại" thì sao trong thực tế lại khe khắt quá thế này ? Không, tôi không thể hiểu được.

Theo nhận thức của tôi thì "Thủ tục" kỳ lạ này xúc phạm quyền Con người, xúc phạm quyền và Nhân phẩm công dân, xúc phạm Hiến pháp, và trước hết nó xúc phạm Nhà nước, xúc phạm Chính quyền ta. Vì tôi nghĩ chỉ có Chính quyền nào đối lập với Nhân dân, sợ Nhân dân, nhìn người nào cũng nghi ngại nó có thể hại mình, thì mới phải kiểm soát từng bước đi của mọi người dân như thế ! Chứ Chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân, sao lại cần phải khe khắt đến mất cả tự do của dân như thế ?.

2/- Điều thứ hai, nếu Thủ tục được quy định này là có thực thì cũng bị thực tế vô hiệu hóa ngay khi đem thực hiện.

Ví dụ 1 : Nguyên tắc tối thượng của luật pháp là mọi công dân bình đẳng như nhau trước pháp luật. (Chẳng hạn người dân thường hay một quan chức cao cấp mà tàng trữ 100g heroin thì đều bị tử hình như nhau). Vậy trường hợp một vị bí thư tỉnh ủy đi họp Trung ương thì có phải tìm gặp anh Cảnh sát khu vực và chờ xin cho được phép đi Hà nội rồi mới đi không ? Hiện nay trong cả nước có bao nhiêu người ra khỏi nhà một ngày đã xin phép Công an ?

Ví dụ 2 về kiểm soát người đến Đà Lạt : Nếu nói vắng nhà qua đêm phải có giấy tạm vắng của công an thì thử hỏi trong thành phố du lịch Đà Lạt một đêm có vô số du khách đến trọ, công an có thực hiện thu giấy phép tạm vắng của một ai không, hay chỉ thu Chứng minh thư thôi là đủ ?

Ví dụ 3 về kiểm soát người đi khỏi Đà Lạt : cứ ra bến xe "ngoại tỉnh" đủ biết số người rời thành phố một ngày là nhiều vô kể. Thử hỏi xem trong vô số những người sẽ vắng mặt tại Đà Lạt đó có bao nhiêu người đã xin phép Công an đểm đi ? May mà chẳng ai thực thi cái thủ tục kỳ quái này, chứ nếu tất cả những người này cứ xếp hàng trước Công an để chờ phép thì hàng ngũ sẽ dài bao nhiêu cây số, bao nhiêu mối quan hệ xã hội bị ùn tắc lại, và số Công an ký giấy sẽ cần đến bao nhiêu người ? Và nếu trao cái quyền kiểm soát quá rộng lớn này cho Công an thì hóa ra xã hội mình là một xã hội "Công an trị" à ?

3/- Theo như chồng tôi kể lại thì trước đây ngót 30 năm (thời gian chồng tôi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc), khi Tiệp Khắc còn phải chịu cảnh "một cổ hai tròng" (bị cả sự kiểm soát của Liên Xô nữa), mà những nghiên cứu sinh nước ngoài như chồng tôi chỉ cần một tấm thẻ (tương đương như Chứng minh thư) là đi khắp nước người ta, lưu trú ở khắp nước người ta không hề có chuyện trình báo Công an. Vậy mà sau đó 30 năm, nhân loại tiến bộ như vũ bão, mà một người Việt Nam đi lại trên đất nước tự do, nơi chôn rau cắt rốn của mình lại phải chờ phép của một Công an ư ? Nếu tôi có nói quá thì xin các vị miễn thứ cho, chứ thực tình tôi nghe những người già kể lại thì khi dân ta còn bị mất nước cũng không đến nỗi như thế.

Ngay trong việc đi lại từ nước này sang nước khác thì ngày nay trong khối EU và trong một số nước khối Asean cũng đã được tạo điều kiện dễ dàng thế nào chắc ai cũng biết. Thế mà việc đi lại trong phạm vi một nước lại phải theo cái thứ thủ tục này thì chẳng biết người ta sẽ xếp nước mình vào loại nước gì, người ta có thấy đáng sợ hay không. Biết đâu khách nước ngoài họ chẳng bảo nhau : Đấy đối với người Việt Nam trong nước với nhau mà họ còn quản lý nhau, theo dõi nhau đến thế thì sự dễ dàng với người nước ngoài mà họ hứa hẹn liệu có thật không ? Và họ sẽ nghi ngờ chứ ? Thế thì tai hại.

Tôi chưa biết về văn bản luật pháp thì những điều mà Công an phường 2 Đà Lạt nói với tôi như trên có xác thực không, phần nào xác thực, phần nào không xác thực, phần nào là Công an kia "phát triển" thêm ? Đó chính là điều tôi muốn hỏi trong bức thư này. Xin các cơ quan pháp luật và những ai hiểu biết trả lời chung cho chúng tôi và mọi người cùng rõ. (trả lời được trên các phương tiện truyền thông công khai như báo chí, Tivi để số đông cùng hiểu thì tốt nhất, vì tôi thấy chẳng mấy ai am hiểu gì rõ ràng về việc này cả)

Bây giờ tôi lại giả dụ như nếu đã có văn bản quy định như thế thật mà thực tế thì lại rất ít ai thực hiện thì hóa ra cả nước này phạm pháp à ? Nếu vậy thì hầu hết chúng ta thuộc dạng những người tuy vẫn phạm pháp liên tục nhưng không bị trừng phạt là do Công an chưa "rờ" đến thôi. Tình trạng pháp trị như thế thì nguy hiểm qúa. Việc này liên quan đến từng người, nên toàn dân phải bàn, toàn dân phải biết, toàn dân phải kiểm tra. Riêng phần tôi và chồng tôi, với ý thức xây dựng của người công dân, và ý thức về quyền công dân của mình nữa, chúng tôi quyết định ứng xử thế này :

Nếu công an phường 2, Đà Lạt cứ nhất định yêu cầu "khi ra khỏi nhà 24 tiếng phải xin phép Công an trước, có phép mới được đi" , trong khi lại không một cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền nào trả lời rằng đây đúng là chủ trương của Nhà nước, và thực tiễn thì vẫn ở tình trạng hầu như chẳng ai phải thi hành thủ tục này cả, thì tôi thấy chẳng có lý gì riêng gia đình tôi lại cứ phải thực hiện, chúng tôi nhất định sẽ không thực hiện ! Và đấy là sự bình đẳng và công bằng đương nhiên.

Chẳng phải vì chúng tôi có điều gì cần dấu diếm, trái lại chúng tôi hoàn toàn có thể chiều theo "thủ tục" đó cho yên chuyện (nhất là tình trạng bệnh tật của chồng tôi đang cần nghỉ ngơi để điều trị). Nhưng nếu chấp nhận như thế là chúng tôi đã đồng tình để cho người khác vô lý xúc phạm tư cách công dân của mình, xúc phạm nhân phẩm mình. Luật pháp là như nhau cho tất cả mọi người chứ sao lại cứ chiếu riêng vào gia đình tôi ? Sao chúng tôi cứ phải chấp nhận sự bất bình đẳng ấy ?

Đi vắng nhà tôi nghĩ cũng nên trình báo, tốt thôi, nhưng phải xin phép mới được ra khỏi nhà một ngày thì tôi không tin có văn bản luật pháp nào lại quá đáng như thế, làm thế để làm gì, còn để thiên hạ người ta nhìn vào chứ !

Và cuối cùng, để nói cho hết nhẽ thì nếu cái quy định "phải xin phép để được vắng nhà một ngày" kia, nếu có được ghi ở một Nghị định nào đó thật thì tôi cũng kiến nghị nên sửa đổi ngay quy định ấy đi. Vì chẳng những nó không thể thực hiện được mà nó còn xúc phạm lịch sử đấu tranh và xây dựng của dân tộc mình đấy ! Tôi rất đồng ý với chồng tôi khi ông ấy thường tâm sự rằng : "Làm ngơ trước một điều luật xúc phạm đến quyền Dân chủ của dân, chính là làm tủi hổ vong linh những anh hùng, liệt nữ, những người đã dâng trọn đời mình, cũng chỉ để ước mong có một đất nước vinh quang, một nhân dân có đầy đủ Tự do và Hạnh phúc, một nhân dân được ngẩng đầu, đi lại thênh thang trên khắp giải non sông, gấm vóc của mình, từ Bắc chí Nam, trong tư cách những người chủ thật sự của đất nước !" Nay muốn đi vắng nhà một ngày là phải chờ Công an cho phép mới được đi thì chỉ là cái thân tù, chứ là chủ cái nỗi gì ? Áp đặt cái "thủ tục" quản lý kỳ lạ này là xúc phạm những giá trị thiêng liêng của "cách mạng" và của Dân tộc, tôi nghĩ thế.

Từ trong nhận thức, chúng tôi là những người luôn tôn trọng pháp luật. Nhưng luật pháp nào chẳng lấy cái lý, cái tình làm căn bản ? Cái đúng chắc phải thuận tai mọi người. Tôi vẫn hy vọng sự chân tình của chúng tôi sẽ được lắng nghe. Chuyện của chúng tôi cũng là chuyện nhỏ, nhưng cũng liên quan đến tất cả mọi người, nên xin các quý cơ quan, các quý vị và bạn bè sẵn lòng cho biết ý kiến và sự chỉ bảo.

Tôi xin chân thành cảm ơn, và mong được miễn thứ những thất thố chắc khó tránh khỏi trong lúc mạnh dạn bộc lộ những cảm nghĩ riêng của mình.

Đà Lạt ngày 5-2-2004.
Kính thư

Đặng Thị Thanh Biên. (đã ký)
4E, Bùi Thị Xuân, P2, Đà Lạt

www.lmvntd.org

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ