LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Bản tin tháng 6-2004


Nhà nước Việt nam vẫn tiếp tục vi phạm quyền thông tin của gia đình ông Hà Sĩ Phu

      Mọi người đã biết : Từ năm 1997, lấy cớ HSP đã trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, cơ quan Công an đã yêu cầu Bưu điện Lâm đồng tạm cắt điện thoại của gia đình Hà Sĩ Phu . (Tạm cắt đã 7 năm không nối lại cho khách hàng, mặc dù khách hàng đã phản đối lý do tạm cắt đó).

Mới đây, tháng 4-2004 có một người ở cùng phố Bùi thị Xuân cần bán bớt một máy điện thoại đang dùng, Công ty Viễn thông Lâm đồng (14 Quang Trung, Đà lạt) biết bà Biên (vợ ông HSP) đã đăng ký xin lắp điện thoại nên đã mời hai người đến để làm thủ tục nhượng lại điện thoại. Bà Biên đã trả tiền cho người bán trước mặt nhân viên bưu điện, đã trả phí tổn dịch vụ cho Công ty Viễn thông, rồi bà Đặng thị Thanh Biên đã đứng tên trực tiếp ký “hợp đồng thuê bao điện thoại” với Công ty Viễn thông.

   Thế nhưng sau đó chỉ một tháng (14-5-04), nhân viên Công ty Viễn thông đem đến cho bà Biên xem một công văn của Sở Bưu điện Lâm đồng gửi Công ty Viễn thông, cho biết sự sang nhượng và ký hợp đồng như vậy là “không đúng luật pháp”, yêu cầu Công ty phải báo cho bà Biên biết, rồi Công ty phải tự hủy hợp đồng đã ký (bất kể bà Biên có đồng ý hay không !).  

    Vợ chồng ông bà HSP đã nói rõ với nhân viên bưu điện rằng: có thể dẫn chứng thực tế ngay ở hàng xóm xung quanh, người ta sang nhượng điện thoại cho nhau thoải mái, thậm chí người mua không cần đứng tên ký hợp đồng mới, mà  cứ việc di chuyển điện thoại, cứ dùng tên và máy của người khác, nơi khác, mà không sao cả. Thậm chí người mua và dùng điện thoại còn chưa hề có hộ khẩu tại Đà lạt. Trường hợp ông bà HSP rất đàng hoàng, chính thức hơn rất nhiều, bà Biên không có bất cứ một sai sót nào,  tại sao lại bị quy là không hợp pháp? Luật pháp tùy tiện đến thế là cùng!

    Có lẽ Công an và Bưu điện thấy rõ cái cớ để cắt hợp đồng điện thoại như trên là quá vụng về, thô bạo, nên mấy hôm sau Bưu điện lại báo cho bà Biên biết là “người bán điện thoại nay muốn đòi lại, không thích bán nữa”(và thôi không nhắc gì đến cái quyết định phi lý hôm trước!). Chao ôi, làm gì có chuyện trẻ ranh như vậy, người bán muốn xin lại không bán nữa thì phải đến gặp để xin với bà Biên xem bà Biên có đồng ý không , chứ sao lại xin Bưu điện ? Vở kịch thứ hai này cũng vẫn vụng về, phi lý , nên không thể che đậy được bàn tay vi phạm nhân quyền của nhà nước. Cho nên họ sợ bị lên án và phải bày cái trò “ma tịt” như vậy , chứ không dám lộ mặt. Luật pháp như thế thì chỉ là luật pháp giả vờ, thực chất là người cầm quyền muốn làm gì thì làm, muốn cấm ai cái gì thì cấm.

     Việc này là quan hệ thị trường, người mua người bán đều thỏa mãn nhu cầu của mình, cơ quan dịch vụ đã làm chức năng dịch vụ và đã thu tiền lệ phí. Vậy Bưu điện, với tư cách cơ quan kinh doanh, sao lại bỗng dưng đơn phương yêu cầu cắt hợp đồng với khách hàng như thế được.(Giả thử do yêu cầu của Công an, thì Công an phải có văn bản chính thức, và phải chính thức trao văn bản ấy cho người tiêu dùng mới là kiểu làm việc đứng đắn của luật pháp, chứ sao cứ đứng đằng sau mà bắt cơ quan kinh doanh phải chường mặt ra,“chơi xấu” với khách hàng của mình như thế ?).

   Rồi đây trong sự hòa nhập thị trường, hết độc quyền, phải tự do cạnh tranh, mà ứng xử kiểu đó với khách hàng (thượng đế!) thì chỉ có thua người ta thôi, chứ làm sao “nâng cao được năng lực cạnh tranh” như Nhà nước mong muốn ? Tuyên truyền một đường , lại thi hành một nẻo thì làm sao mua được chữ “TÍN” là yếu tố quyết định thành bại của Thị trường? Việc áp dụng luật pháp mà cứ tùy tiện, với người này là đúng luật, với người khác lại bảo là phạm luật, đầy bất trắc như thế thì ai dám mạo hiểm vào làm ăn với mình được nữa?

                                                                        T. H.

                                                         (Hà nội- tháng 6-2004)

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ